tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Không đề hậu hiện đại  [đối thoại]

 

1.

Phùng Thành Chủng: “không biết phải thưa lại với anh (Inrasara) như thế nào”. [Về hai từ “Ăn chữ”]

Chuyện không khó xử đâu. Nêu được như vậy thì hay lắm, và cám ơn anh nữa, bởi đã góp một nguồn tài liệu tham khảo quý giá. Sau này nếu có độc giả hay nhà văn nào bổ sung thêm càng tốt. “Ăn chữ” sẽ được nối dài ra đến... vô tận. Chỉ xin lưu í:

“Tản mạn” về “mượn”, tôi đã giảm dần cấp độ từ đạo sang “mượn” đến mượn qua ảnh hưởng, hoặc có khi chỉ là trùng lặp ngẫu nhiên. Đưa ra hai ví dụ “song thoại” và “ăn chữ”, tôi không nhắm đến “đạo” (nếu vậy tôi tự tố cáo mình đạo PCT rồi còn gì!) mà có í đưa dẫn người đọc nhìn về “đời sống chữ” trong tinh thần hậu hiện đại (chữ sinh chữ, liên văn bản, vân vân...). Nhưng bởi đây là í kiến ngắn, nên tôi không triển khai tới bến, mà chỉ dừng lại ở “giống”. Dùng từ “minh bạch” tôi muốn nhấn đến sự truy nguyên đời sống chữ (nếu tác giả hay người biên tập, độc giả biết để chú thích thì hay biết bao). Nên nói lời cám ơn PTC là vì thế.

Xin cung cấp cho độc giả vài tài liệu liên quan:

“Ăn chữ” là do tôi dịch từ chữ bbơng akhar của Chăm. Đây là thành ngữ Chăm Bbơng khan bbơng aw hay Bbơng akhar bbơng aw. Nghĩa là nó có mặt và sống đời sống của nó từ lâu rồi. Có thể dân tộc khác cũng có, hay nhà văn khác đã sáng tạo ra hình thù như nó (vỏ âm thanh hay xác chữ có thể giống nhau), dù chưa hoặc đã biết đến từ bbơng akhar ăn chữ của Chăm. Đã có, và dùng nó với mục đích/ í nghĩa khác. Riêng Chăm, í nghĩa “ăn chữ” là rất đặc thù. Tôi dùng “từ đặc biệt” là vì thế. Đưa ra nhận định đó, tôi đã tham khảo nhiều nguồn từ người Việt đến vài dân tộc thiểu số khác ở Việt Nam, chưa có dân tộc nào có đặc ngữ hàm nghĩa đó cả. Nếu độc giả nào tìm thấy, xin mách tôi qua Tiền vệ. Hơn nữa, ở bất kì thế hệ nào trong làng palei Chăm cũng xuất hiện vài sinh linh bị gán cho là “kẻ ăn chữ”.

Truy nguyên thêm, tôi dịch và dùng “ăn chữ” trong tác phẩm sưu tầm nghiên cứu Văn học dân gian Chăm, do Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh in 1995. Sau đó, từ tinh thần và í nghĩa Chăm nguyên thủy, không ít lần tôi mở rộng và chế biến nó trong thơ (khoảng mươi bài), tiểu thuyết và rải rác trong các tiểu luận. Đề tài này được triển khai mạch lạc ở Tiền Vệ: “Chuyện chữ”.

Bài viết hoàn chỉnh hơn là bài được in trong Văn hóa - xã hội Chăm, nghiên cứu & đối thoại, NXB Văn học (in lần đầu 1999, bản in lần thứ ba 2008).

Trích đoạn:

“Chữ có cuộc sống riêng của nó, từ sinh thành cho đến lúc lâm chung. Thăng trầm và biến dịch khôn lường. Chữ sống, bước đi, đứng, ngủ, ngã lòng, thở dốc; chữ an ủi vỗ về, tạo ảo tưởng, thăng hoa hay hành hạ tâm hồn con người; chữ bị thương, bị làm biến nghĩa, biến dạng, biến chất; chữ đau bệnh, kiệt sức, hết hơi, giẫy chết; cuối cùng chữ bị khai tử và được mang trưng bày trang trọng trong viện bảo tàng hay bị chôn vùi vào nghĩa trang - nghĩa trang chữ.
 
Đời chữ Chăm cũng vậy. Và còn hơn thế, có lẽ.
 
Ba mươi năm lang thang, ăn nằm cùng chữ hay đôi lúc chán nản, toan rời bỏ chữ, tôi vui cái vui của chữ, đau đớn, dằn vặt với chữ, trưởng thành qua hay chịu muôn ngàn hệ lụy với/ của chữ,... Ba mươi năm, để được trả giá: tôi hiểu chữ là một trong vài bí mật của thế giới mà ẩn ngữ của nó không bao giờ khai mở trọn vẹn cho con người.
(...)
 
Bbơng akharăn chữ! Là bị chữ ăn akhar bbơng, bị sách hành. Khi ta hiểu văn bản trật, khi ta dùng sai mục đích của sách, hoặc ta ứng xử không phải phép với chữ! Chăm nói: Bbơng akhar bbơng aw Ăn chữ ăn áo. Akhar chữ đồng âm với khan váy. Lối đọc trại làm biến nghĩa của quần chúng để đùa cợt kẻ sở hữu nhiều sách mà không biết cách dùng sách, tự hành hạ mình đồng thời gây phiền hà người xung quanh.
 
Phauk Dhar Cơk có rơi vào trường hợp này không?...”
(Sđd, tr. 228-255)

 

Dĩ nhiên người làm thơ không ai không ưu tư về chữ và cách xài chữ. Riêng tôi, ngoài “ăn chữ”, tạm kê các con tương cận với nó là: chữ ăn, đời chữ, chuyện chữ, hơi thở của con chữ, những con chữ bị bỏ rơi, chữ hoang, những âm tiết bỏ hoang, sách hoang, bản trường ca bỏ hoang, bài thơ hấp lại, âm tiết nghẹn, cánh đồng chữ, nghĩa trang chữ, những xác chữ nghẽn lối bảo tàng, người yêu chữ, gánh nhúm chữ xuống sông Lu bắt tắm gội từng đứa một, những nét chữ cóng băng, đường cong chữ bám nhau chặt hơn, con chữ gánh 116 câu thơ,... Cả một hệ thống dây nhợ, chứ không là chuyện ngẫu nhĩ ra hoa (từ dùng của Bùi Giáng) mỗi “ăn chữ”. Truy nguyên chữ, chỉ một chữ cũng đủ, để thấy đời sống “đầy tâm trạng” của nó trong nỗi niềm liên văn bản, là điều rất thú vị. Với Chăm, tôi còn thấy [và khóc cho] cả đời chết của nó nữa:

Làng tôi vừa dựng lên một ngọn đồi
làm nghĩa trang chôn xác chữ
ngày mai.

 

2.

Từ hệ lụy trên, tôi có được bài thơ hậu hiện đại này, mời độc giả tùy nghi đồng sáng tạo:

 
TỪ ĐIỂN “ĂN CHỮ” (1)
(thơ)
 
....
? – 1995: Bbơng akhar hay Bbơng khan bbơng aw, Chăm (sáng tạo dân gian); nghĩa: Ăn chữ hay Ăn quần ăn áo, Hành thân hoại thể.
 
1995: Ăn chữ, Inrasara dịch; nghĩa: “Là bị chữ ăn akhar bbơng, bị sách hành. Khi ta hiểu văn bản trật, khi ta dùng sai mục đích của sách, hoặc ta ứng xử không phải phép với chữ! Chăm nói: Bbơng akhar bbơng aw Ăn chữ ăn áo. Akhar chữ đồng âm với khan váy. Lối đọc trại làm biến nghĩa của quần chúng để đùa cợt kẻ sở hữu nhiều sách mà không biết cách dùng sách, tự hành hạ mình đồng thời gây phiền hà người xung quanh”.
Ví dụ minh họa: Phauk Dhar Cơk...(2)
 
1998: Ăn chữ, Phùng Thành Chủng (sáng tạo?)(3); nghĩa:....
 
2004: Ăn chữ, Trà Vigia & Inrasara (mượn làm tít và gợi í để sáng tác); nghĩa:...
 
1998-2008: Ăn chữ và liên văn bản do Inrasara chế biến [chữ ăn, đời chữ, chuyện chữ, hơi thở của con chữ, những con chữ bị bỏ rơi, chữ hoang, những âm tiết bỏ hoang, sách hoang, bản trường ca bỏ hoang, bài thơ hấp lại, âm tiết nghẹn, cánh đồng chữ, nghĩa trang chữ, những xác chữ nghẽn lối bảo tàng, người yêu chữ, gánh nhúm chữ xuống sông Lu bắt tắm gội từng đứa một, những nét chữ cóng băng, đường cong chữ bám nhau chặt hơn, con chữ gánh 116 câu thơ,...]; nghĩa:...
 
2008: Ăn chữ, Nguyễn Hữu Hồng Minh (mượn hay sáng tạo?)(4); nghĩa:...
 

Và tiếp tục...

 
_________
Chú thích:
(1) Như Từ điển Truyện Kiều hay Từ điển Khazaz của M. Pavic vậy, chỉ khác đây là bài thơ hậu hiện đại từ điển một từ Ăn chữ (*).
(2) Phauk Dhan Cơk là ông họ nội tôi (1917-1983), một thầy cao đạo ở Caklaing, bị dân làng gán cho kẻ ăn chữ nên bị chữ ăn. Nhân vật này ám tôi như ma và đã trở đi trở lại rất nhiều lần trong sáng tác tôi.
(3) Tôi đánh dấu (?) bởi chưa biết được chữ này có phải do PTC sáng tạo hay không? Ăn chữ là từ đặc biệt của Chăm, thì chắc chắn rồi. Nếu PTC sáng tạo ra nó, thì cũng đặc biệt nữa. Riêng về í, vì chưa đọc truyện ngụ ngôn trên nên tôi không biết nó ra sao.
(4) Ăn chữ của NHHM cũng thế, tôi không hiểu có phải do trước đó đọc tôi/ Trà mà có, hay lại sáng tạo. Còn tôi và Trà Vigia thì chắc như vội quệt tường rằng chúng tôi vay mượn.
 
Ch[á]u thích:
(*) Thơ về một chữ. Í này nếu tôi nhớ không nhầm, Nguyễn Hưng Quốc đã nói đâu đó rồi: viết cuốn sách về một chữ. Nhưng có lẽ đây là í niệm mới để có thể làm nên một tập thơ. Như Bùi Chát đã sáng tác tập thơ Xin lỗi hổng chịu nổi (NXB Giấy Vụn, Sài Gòn, 2007) từ ý niệm nhại.

 

3.

Ôi, í kiến ngắn mà đã thành dài ngoằng, đành tạm nghỉ ở đây vậy.

 

Sài Gòn, 22-2-2010.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

22.02.2010
[ĐẠO ĐỨC TRÍ THỨC] ... nhà thơ Inrasara cho rằng “Ăn chữ” là từ đặc biệt của dân tộc Chăm... vậy tôi không biết phải thưa lại với anh như thế nào, khi trước anh và Trà Vigia ít nhất là 6 năm, tôi đã sử dụng cụm từ: “Ăn chữ” làm “tít” cho một truyện ngụ ngôn của mình... (...)
 
19.02.2010
[ĐẠO ĐỨC TRÍ THỨC] ... “Nhân” dư luận về chuyện đạo văn mươi ngày qua, nêu chuyện hôm qua, tôi muốn làm rõ vài khía cạnh ẩn khuất của vấn đề bên cạnh chỉ xem sự thể như một cái cớ để đưa ra vài “kiến nghị”. Kiến nghị nảy sinh từ trải nghiệm của tôi (và nhiều người khác) qua cuộc chữ nghĩa đầy cam go và cạm bẫy... (...)
 
17.02.2010
[ĐẠO ĐỨC TRÍ THỨC] ... Y chang! Mà người sao chép lại quên khuấy đi dấu ngoặc kép, hử đỉnh cao trí tuệ XHCN đã từng “nếu theo dõi sự chuyển động của văn học những năm qua”??? Nếu nói tư tưởng lớn đụng nhau, thì tang chứng rành rành đây: Inrasara đã viết nhầm Mùi thơm của im lặng thành Mùi hương của im lặng, Phong Điệp đã cắt dán lại hệt cái sai kia!!!... (...)
 
14.02.2010
[ĐẠO ĐỨC TRÍ THỨC] ... Tại sao lại thế nhỉ? Tại sao không hối cải? Vì tự ái? Vì tự cao? Vì mải lo noi gương sáng của Bác Hồ vĩ đại mà quên hết những đạo đức căn bản của một con người nhỏ bé nhưng lương thiện? Hay do mặc cảm? Hay do cá nhân mình thực sự chỉ là một tên ăn cắp đáng bị độc giả và dư luận khinh khi?... (...)
 
13.02.2010
[ĐẠO ĐỨC TRÍ THỨC] ... Bài “Bàn thêm về cái gọi là ‘đạo văn’ của Nguyễn Hưng Quốc” trên Da Màu ngày 10/02/2010 là một trong một loạt những phản ứng kỳ lạ của Ngô Hương Giang, kẻ đã đạo văn của Nguyễn Hưng Quốc. Đầu đuôi câu chuyện như sau... (...)
 
17.01.2010
[ĐẠO ĐỨC TRÍ THỨC] ... Theo tôi, điều đáng lo ngại nhất chính là ở chỗ “bất chấp liêm sỉ” ấy. Ăn cắp thì ở đâu cũng có. Nhưng, bình thường, bọn ăn cắp thường bị xã hội khinh miệt, do đó, ít nhiều cảm thấy xấu hổ; cũng do đó, bao giờ cũng có vẻ lén lén lút lút. Ở đây, ngược lại, những người ăn cắp lại không có vẻ gì thẹn thùng cả. Nó cho thấy có sự xói mòn về phương diện đạo đức, đặc biệt, đạo đức trí thức... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021