tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Đôi lời về lòng yêu nước biến thái của các “quý ông” phê bình chỉ điểm  [đối thoại]

 

Nghe mấy người xì xào Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh số 365 lại “cống hiến” thêm một bài phê bình chỉ điểm nữa của “quý ông” lấy bút danh Hạ Ngọc Quang là tôi liền chạy ngay qua nhà bạn mượn báo. Đọc xong bài viết Không có “chiến tranh của mỗi người” tôi muốn khuyên tác giả bỏ cái tên Ngọc Quang đi mà thay vào đấy là Tiện hoặc Bộ thì hợp với nội dung bài báo hơn. Nhưng cho dù bài viết tệ hại thế nào đi nữa thì không thể phủ nhận là họ Hạ đã thể hiện tinh thần yêu nước rất nồng nàn, thậm chí ngoài sức tưởng tượng. Có lẽ vì yêu nước quá nên ông quyết định “chỉ điểm” Đoàn Ánh Dương vì cái tội viết về văn học chiến tranh không theo tinh thần ái quốc của riêng ông. Sau khi “khóc” một thôi một hồi cho đất nước cũng như tinh thần lạc quan của dân tộc, cuối cùng ông cũng cài được một câu chỉ điểm rất rõ ràng

Nếu lại cấp cho bạn một học vị Tiến sĩ nữa, cũng như luận văn của Nhã Thuyên...thì Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đang làm cái việc mua đạn tự bắn vào mình. (Không có “chiến tranh của mỗi người”, VNTPHCM số 365).

Thực ra yêu nước thì cũng tốt thôi nhưng bài viết thể hiện lòng yêu nước cũng nên viết cho kỹ càng một tý. Chỉ một câu “đâm” ra thôi đã cho thấy dã tâm cũng như sự bất ổn về tư duy logic cũng như năng lực diễn đạt của tác giả bài viết, điều này chắc sẽ dẫn tới nhiều hệ lụy. Thứ nhất, cái bằng mà Nhã Thuyên bị thu hồi là bằng thạc sĩ, cứ viết ào ào như thế thì người đọc dễ hiểu nhầm Nhã Thuyên là tiến sĩ và nơi cấp bằng cho cô là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Để tôi đặt câu lại cho nó mạch lạc hơn, đọc lại rồi rút kinh nghiệm cho bài “chỉ điểm” đóng mác yêu nước lần sau nhé:

Nếu lại cấp cho bạn một học vị Tiến sĩ nữa, cũng như trường Đại học Sư phạm phạm đã từng cấp cho Nhã Thuyên một học vị thạc sĩ thì Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đang làm cái việc mua đạn tự bắn vào mình.

Điểm ngớ ngẩn thứ hai, do mải mê thể hiện tinh thần yêu nước quá nên “quý ông” “chỉ điểm” hơi vội vàng. Cả bài viết của họ Hạ từ đầu đến cuối tấn công bài báo Chiến tranh của mỗi người của Đoàn Ánh Dương đăng ở Văn nghệ Thái Nguyên số 21 ngày 26-5-2015, vậy thì liên quan gì đến việc nghiên cứu sinh Đoàn Ánh Dương chuẩn bị nhận học vị Tiến sĩ. Luận án của Ánh Dương chưa được công bố rộng rãi, chỉ có giáo viên hướng dẫn, các thầy cô ở vòng bảo vệ cấp cơ sở và hai thầy cô phản biện kín được đọc thôi. Phải sau khi bảo về cấp Học viện nó mới được đưa vào thư viện Quốc gia và thư viện của Học viện Khoa học xã hội để mọi người có thể tham khảo. Lý do gì mà quý ông biết được tiến trình bảo vệ luận án để rồi chỉ điểm sớm sủa thế? Một, ông chính là người đã từng tham gia đánh giá luận án. Hai, ông được kẻ đó thuê để chỉ điểm Đoàn Ánh Dương. Nhưng tiếc là chỉ điểm sớm quá, vội vàng tố giác nạn nhân khi chưa có bằng chứng buộc tội nào. Tôi cho rằng ông bị hoang tưởng và có nguy cơ bị truy tố về mặt pháp luật bởi ít nhất ba lẽ sau. Thứ nhất, làm luận án khoa học là có quyền đưa ra các giả thuyết khoa học để trình Hội đồng chuyên gia đánh giá. Giả thuyết có thể sai hoặc chưa được chấp nhận, nhưng đó là quyền của nghiên cứu sinh được các nhà khoa học cho phép. Ông tự cho mình là “chủ tịch Hội đồng” đánh giá chăng? Thứ hai, khi tác giả nghiên cứu chưa công bố mà người khác “xía vào” như ông theo lối không mời mà tới, thì pháp luật coi là xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Thứ ba, công bố luận án thuộc về quyền cá nhân, vậy mà ông nhanh nhảu “công bố hộ”, thì đó xâm phạm bảo mật thông tin. Luận án thì chưa công bố, dựa vào một bài báo của Ánh Dương in trên một tờ báo địa phương để hi vọng luận án của anh ta bị đình chỉ là một hành động hồ đồ, thiểu năng. Tôi cũng không hiểu loại người nào sẽ tiếp tục lắng nghe ông, một bồi bút “chỉ điểm” hoang tưởng và không biết tôn trọng pháp luật.

Trở lại với nội dung bài báo Không có “chiến tranh của mỗi người” của Ngọc Quang, nội dung thì quả là yêu nước thiết tha nhưng tính khoa học lại thấp kém quá. Các nhà phê bình “chỉ điểm” tuy yêu quê hương đất nước thật nhưng đất nước cũng cần những cây bút có cả tâm lẫn tài đấy. Do đó, mấy “quý ông” cần phải được đào tạo lại, những người thuê mấy “quý ông” nên chịu khó bỏ tiền ra đầu tư cho các vị học ngoại ngữ và mua sách vở cập nhật. Loanh quanh mãi vẫn mấy chiêu cắt xén, suy diễn, quy chụp. Kiến thức thì nông cạn, lặt vặt và rất thiếu hệ thống. Ngay cái tiêu đề đã thấy ấu trĩ rồi, Không có “chiến tranh của mỗi người”. “Quý ông” yêu nước thì cứ yêu thôi, ai can thiệp đâu, sao lại cấm con người ta cảm nhận về chiến tranh theo cách riêng của mình. Cái mà gọi là point of view (quan điểm) của người sáng tạo ông định quăng vào nồi để thết đãi Chu Giang à? Ông có point of view của bồi bút “chỉ điểm” thì các nhà văn cũng phải có quan điểm của mình chứ. Bài học vỡ lòng về sáng tạo mà ông cũng không tường tỏ thì biết làm sao với ông bây giờ. Chiến tranh và hoà bình, Chuông nguyện hồn ai, Phía Tây không có gì lạ... đều là những tuyệt tác về chiến tranh của thế giới. Mấy đại văn hào đó mà không cảm nhận chiến tranh theo cách của riêng họ thì là cách của... Chu Giang và họ Hạ sao? Văn học mà, có phải tranh cổ động đâu. Lần sau quý ông “chỉ điểm” thì chỉ một ngón thôi, cứ xoè mười ngón tứ tung như thế thì sai nha biết gô cổ ai, không khéo bị phạt vạ mấy roi vào mặt. Đã thế, tình yêu nước của ông càng viết càng trào dâng, đáng kể nhất là những lời “quý ông” giáo huấn về đạo đức và tình người cho Đoàn Ánh Dương.

Chính là sau chiến tranh, trong cuộc sống thời hậu chiến mỗi con người phải suy nghĩ sâu rộng hơn rất nhiều về mọi phương diện mọi khía cạnh mới có thể tự chủ được mình và nhìn cuộc đời một cách đứng đắn. Ở đây tri thức chưa đủ, mà nó cần một trái tim Người, cần một lòng nhân ái trên đỉnh cao của văn hoá. (Không có “chiến tranh của mỗi người”, VNTPHCM số 365).

Thực ra nếu yêu mến cái nghề bồi bút đến vậy thì cứ chuyên tâm mà theo suốt đời, đừng có tự dưng một ngày làm mục sư đứng lên rao giảng về trái tim và lòng nhân ái mà bạn đọc hoảng sợ đấy. Rồi lại còn “lòng nhân ái trên đỉnh cao của văn hoá”, văn hoá nào đây, văn hoá chỉ điểm à? Chưa hết, “quý ông” còn dậy dỗ các nhà văn Việt Nam, trong đó có Bảo Ninh là phải viết văn về chiến tranh ra làm sao cho nó phải đạo.

Đáng lẽ văn học viết về chiến tranh phải tái hiện được đôi tay của những con người “nhằm thẳng vào quân thù mà bắn” trong chiến tranh và đôi tay thân thiện chào đón đối phương cùng hợp tác hữu nghị hướng tới tương lai... Tâm hồn, tâm trạng của những con người như thế sẽ không bao giờ là đơn giản một chiều, là “mĩ học” đồng phục cả! Rõ ràng là văn học đổi mới cực đoan đã đi chệch hướng nghiêm trọng. Mà sao ầm ĩ thế. (Không có “chiến tranh của mỗi người”, VNTPHCM số 365)

Yêu nước gì mà giỏi thế, còn hơn cả kép diễn hạng tư, sáng vào vai Chí Phèo, chiều nhập vai AQ mà chẳng cần thay trang phục. Tôi đố họ Hạ tìm được tác phẩm văn học nổi tiếng nào đáp ứng được cái nhu cầu ông đưa ra đấy. Hôm nào thử qua Bắc Triều Tiên xem thế sao, hình như bên ấy vẫn chưa tới giai đoạn “chào đón đối phương cùng hợp tác” nên văn học chưa chạy đua theo được đâu. Theo tôi, ông chỉ còn cách chọn ra một cán bộ phụ trách văn hoá phường, những cái người mà hay viết tin cho loa phát thanh của phường về tuyên truyền về sinh đẻ có kế hoạch hoặc phòng chống dịch sởi ấy. Đào tạo một vài năm chưa đủ đâu, phải áp dụng thêm những liệu pháp như thôi miên, ám thị, sử dụng thuốc gây ảo giác... thì may ra mới biến anh ta thành được một “chòi văn” như ông mong muốn. Dường như khát vọng đào tạo những cây bút văn chương tuyên truyển cổ động với họ Hạ chưa đủ, “quý ông” còn muốn dùng những người tốt (bẩm sinh) để khắc phục cái cơ chế xã hội ông đang chịu đựng. Sao lại ngớ ngẩn và ấu trĩ đến vậy.

Mọi tệ nạn xã hội, quan liêu tham nhũng hối lộ... đều do con người cụ thể làm nên. Tất nhiên có nguyên nhân cơ chế. Nhưng con người tốt, vững, có sức mạnh, chủ động, thì không cơ chế nào làm biến chất được. (Không có “chiến tranh của mỗi người”, VNTPHCM số 365)

“Quý ông” đã biết được sự tha hoá của con người trên diện rộng là do nguyên nhân cơ chế xã hội thì cũng không phải là loại người toàn tâm toàn ý với sự lãnh đạo của Đảng đâu. Lòng yêu nước của ông bắt đầu biến thái rồi đấy. Thực ra trong thâm tâm ông cũng khao khát một cơ chế mới, vậy là tự chỉ điểm trúng bản thân rồi nhé. Không cứu vãn được đâu. Lần sau thì bảo kẻ thuê ông “chỉ điểm” đọc kỹ lại bài một tý, mất điểm quá, có cấp trên nào lại muốn dùng những thứ tay chân hai mang như các ông. Lúc mà có sự biến gì thì những người như các ông sẵn sàng quay ra thoá mạ Đảng Cộng sản, giống y như trường hợp Trần Mạnh Hảo. “Quý ông” bồi bút này cứ tưởng đa nguyên đến nơi rồi nên quyết định “đi tắt đón đầu”, đang “đánh thuê” mấy thầy bên trường Sư phạm bỗng chuyển phắt sang thóa mạ Đảng và nhà nước. Thế nhưng chờ mãi có thấy gì đâu. Thật bẽ bàng. Hậu quả bây giờ chẳng ai thèm đả động đến, im hơi lặng tiếng cũng đến mấy năm rồi. Lòng yêu nước biến thái hay sự tráo trở của các ông đã và đang khiến nhiều người có khuynh hướng bảo thủ chuyển sang đánh giá lại mấy người “đổi mới”, “ngoại biên”, “hậu thực dân” đấy, tuy không dễ bảo, ngoan hiền nhưng họ chỉ đi đúng con đường đã chọn. Cầm bút vì lý tưởng khoa học chứ không vì những lợi ích thấp hèn.

Thưa “quý ông” họ Hạ, thể hiện tình yêu Tổ quốc nước thì cũng kín đáo, tế nhị một tý. Sấn sổ, sỗ sàng như thế thì không phải là yêu đâu mà là quấy rối đấy. Đừng có để Tổ quốc phải xấu hổ đến mức phải lấy tay bưng mặt khi nhắc đến tên ông và đám “chỉ điểm” đồng môn. Chỉ vì muốn hãm hại Đoàn Ánh Dương mà ông tự cho phép mình thay mặt những người yêu nước làm điều vô đạo. Ông gieo hận thù vào giữa hai thế hệ trưởng thành trong thời chiến và thời bình. Ông hi vọng sẽ lôi kéo được những ai đã trải qua thời chống Mỹ vào phe mình để gây sức ép từ cộng đồng “xử” Đoàn Ánh Dương. Nhưng ông thơ ngây quá, các cựu chiến binh không có nhiều thời gian rỗi như ông đâu. Họ còn lo làm kinh tế cho gia đình, làm những việc công đức như tìm mộ liệt sĩ, hỗ trợ trẻ em nhiễm chất độc da cam... Họ không có thời gian đọc những bài báo kiến văn thấp kém mà lại mang đầy ý đồ hãm hại. Chúng tôi đọc bài ông viết cứ như bị đầy đọa, ngán ngẩm cho một thế hệ “chỉ điểm” già nua, mất nết và tà muội. Ngán ngẩm luôn cho những kẻ thuê mướn những người như các ông để hãm hại đồng nghiệp. Các ông nên học lại cách yêu quê hương đi. Tổ quốc không đòi hỏi gì nhiều từ các ông đâu, hãy sống cho tử tế và đừng tìm cách làm hại những người lương thiện. Chịu khó đọc sách vở cập nhật và có hệ thống hơn một tý đi, đấy cũng là một cách thể hiện tình yêu quê hương, đất nước đấy.

Lưu Bê Phốt

 

 

------------------

Những bài có liên quan đến đề tài HỌC THUẬT / GIÁO DỤC & CHÍNH TRỊ:

20.08.2015
[HỌC THUẬT & CHÍNH TRỊ] ... Đọc xong bài của Kiểm dịch Trần Đình Sử của Chu Giang tôi cứ choáng ngợp trước những dòng viết lộn xộn gồm chửi đổng, giáo huấn, đưa đẩy kiểu hề chèo, rồi tự nhiên tôi liên tưởng tới những lời độc thoại nội tâm của thằng khờ Benjamin trong Âm thanh và cuồng nộ... (...)
 
19.08.2015
[HỌC THUẬT & CHÍNH TRỊ] ... Liệu có nên mở một cuộc thi đoán xem cái gì thực sự đang diễn ra trong tâm trí Chu Giang không? Giờ đây thì không chỉ có Chu Giang đáng thương, mà tờ Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh cũng trở thành đối tượng cần được thương cảm... (...)
 
18.08.2015
[HỌC THUẬT & CHÍNH TRỊ] ... Chỉ những ai lợi dụng bài viết của Chu Giang để làm phương hại tới danh dự của Trần Đình Sử, Trần Ngọc Hiếu thì mới thực sự đáng thương hại vì họ đã trông đợi quá nhiều vào những bài viết khá mông lung và ấu trĩ của Chu Giang... (...)
 
03.05.2014
[HỌC THUẬT & CHÍNH TRỊ] ... Thu hồi một bằng thạc sỹ đã được cấp mà không tuân theo các nguyên tắc cơ bản về quá trình thu hồi bằng cấp chỉ có thể có nghĩa là các quyết định trên xuất phát từ chính trị chứ không phải vì những lý do liên quan đến thành tích học thuật... (...)
 
[HỌC THUẬT & CHÍNH TRỊ] ... Việc chọn đề tài nghiên cứu nào đó thì không có gì gọi là sai lầm cả. Tôi từng cho Nhóm Mở Miệng bị “các Đại học thì làm ngơ”. Nay lần đầu tiên, Đại học đã “quan tâm đúng mức”, là tin mừng, sao lại gọi là sai lầm?... (...)
 
24.04.2014
[GIÁO DỤC & CHÍNH TRỊ] ... Bản nhận xét của PGS.TS Phan Trọng Thưởng KHÔNG PHẢI LÀ MỘT BẢN NHẬN XÉT KHOA HỌC. Do không hướng tới mục đích khoa học, nên ông Phan Trọng Thưởng không đảm bảo tính khoa học trong các thao tác viết nhận xét. Văn bản của ông được viết ra trong một mục đích duy nhất: dùng chính trị để triệt hạ một luận văn khoa học... (...)
 
22.04.2014
[GIÁO DỤC & CHÍNH TRỊ] ... Xuyên suốt trong bài “Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn”, ông PGS. TS. Phan Trọng Thưởng cuối cùng cũng chỉ đi đến một kết luận: “Đó là những luận điểm sai trái mang tính kích động chính trị rõ rệt.” Cuối cùng là vậy! Luận văn của Thạc sĩ Đỗ Thị Thoan được/bị qui là dính vào chính trị chứ chẳng phải vì đề tài và đối tượng (chữ ông Thưởng dùng là “lịch sử vấn đề”) mang tính chất phi văn hoá phi nghệ thuật gì ráo trọi... (...)
 
20.04.2014
[GIÁO DỤC & CHÍNH TRỊ] Chúng tôi, những người quan tâm về giáo dục Việt Nam ký tên dưới đây, cực lực phản đối việc thu hồi bằng Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của bà Đỗ Thị Thoan và ủng hộ các đồng nghiệp trong cộng đồng giáo dục và nghiên cứu Việt Nam trong việc đòi hỏi hủy bỏ quyết định này... (...)
 
[PRESS RELEASE] In March 2014, in an unprecedented act which angered the academic community, Vietnam’s Hanoi University of Education suddenly announced the revocation of the Master’s degree in Language and Literature which it awarded to young writer Do Thi Thoan (pen name Nhã Thuyên) four years earlier, with maximum mark. The decision was made in secret and there was no proof or even accusation that any academic mistake or misconduct had been committed by the candidate... (...)
 
18.04.2014
[GIÁO DỤC & CHÍNH TRỊ] ... Chúng tôi phản đối và yêu cầu Ông PGS. TS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm Hà Nội hủy Quyết định số 667/QĐ-ĐHSPHN ngày 11 tháng Ba năm 2014 và Quyết định số 708/QĐ-ĐHSPHN ngày 14 tháng Ba năm 2014, do trường Đại học Sư phạm Hà Nội ban hành, về việc không công nhận luận văn và thu hồi bằng Thạc sĩ Khoa học Ngữ văn của Đỗ Thị Thoan, bởi hai văn bản này là phi pháp và phi lý... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021