tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nhận định ảnh hưởng của bài thơ “Was gesagt werden muss” trong bối cảnh thế giới và những câu hỏi cho Việt Nam  [đối thoại]

 

GÜNTER GRASS

(Ảnh: Nguồn Wikipedia)

 

Günster Grass sinh ngày 16.10 năm 1927 tại Danzig - Ba Lan, tính đến nay đã gần 85 tuổi. Ông vừa là một nhà nghệ thuật, vừa là một nhà văn, tham gia chính trị một cách tích cực, hay viết về những đề tài nhạy cảm của chính giới và bình luận những biến chuyển của xã hội.

Trước đây ít năm, Günter Grass đã tự thú nhận có tham gia trong đội quân thiếu niên Waffen-SS của Đức Quốc Xã dưới thời Hitler và ông cho là tội lỗi bị bắt buộc ở tuổi thiếu thời. Ông cũng nói đã không thấy nó “hấp dẫn“. Ông bị Nhà nước Đông Đức cũ canh chừng cẩn mật với một bộ hồ sơ riêng. Thời còn là sinh viên ông đã từng làm việc phụ là nhân viên bảo vệ cho một tửu lầu ở Düsseldorf. Theo học đại học nghệ thuật hội họa tại Düsseldorf và Berlin. Thơ văn của ông có nội dung luôn đàm tiếu và hay gây “sốc“.

Ông nổi tiếng với tác phẩm “Die Blechtrommel” (xin tạm dịch: Cái trống phèng). Năm 1999 lãnh giải Nobel văn học.

Ngày 04.04.2012 tờ báo nổi tiếng “Süddeutsche Zeitung của Đức phổ biến bài thơ “ was gesagt werden muss ” của Günter Grass, ở đây được dịch là “Điều phải được nói ra“. Bài thơ với những ẩn dụ châm biếm: (Một quyền (lực) được khẳng định (để có quyền) nổ phát súng đầu tiên / Es ist das behauptete Recht auf den Erstschlag; thực hiện những trò chơi (chính trị)/ in Planspielen üben; Người hùng mồm mép (thầy đời)/ Maulhelden; hướng (dẫn) đến một cuộc mừng vui reo hò có tổ chức (lễ hội) / zum organisierten Jubel gelenkte/ …. Đến câu “(để) có thể xóa tiêu (thiêu rụi) dân tộc Iran / iranische Volk auslöschen könnte” thì người ta thấy được ý ông muốn nói về cái gì, “thầy đời” là ai, và họ làm những “trò” gì… .

Đây rõ ràng là một thông điệp có chủ đích gửi đi không chỉ riêng cho nước Đức. Nó đã gây được sự chú ý đặc biệt và làm “khựng” quốc tế.

Günter Grass nói về một điều mà chính bản thân ông cũng đã phải im nín từ lâu (schweige. verschweige zu lange) - điều mà ở xã hội ông đang ở ít người có địa vị “dám” đề câp tới vì n ó l à đề tài nhạy cảm - là trong khi các đa số đồng minh của Israel, các cường quốc như Mỹ và khối Châu Âu (trong đó có cả nước Đức của ông) đang tập trung ngăn chặn Iran chế tạo vũ khí hạt nhân, thì đồng thời, họ lại làm ngơ để cho nước đồng minh Israel (nước thù nghịch trực tiếp của Iran) thao tác điều này (hiện hữu một tiềm năng (lò) hạt nhân đang lớn dần, nhưng (nằm ở) ngoài tầm kiểm soát / ein wachsend nukleares Potential verfügbar, aber außer Kontrolle).

Theo Günter Grass, chính điều này, và với sự làm ngơ, có thể sẽ dẫn đến một hậu qủa khó lường cho con người, một sự “leo thang” chiến tranh vũ khí nguyên tử, cần phải giải trừ để cứu giúp toàn cầu (và sau cùng cũng là cứu giúp chính chúng ta / und letztlich auch uns zu helfen) nên ông đã phải nói điều mà ông gọi là “điều phải được nói ra“.

Sau khi bài thơ được công khai, đã có những luồng dư luận cho rằng Günter Grass kỳ thị người Do thái, điều mà ông đã chẩn đoán trước và lưu tâm trong bài thơ (Bản án “chủ thuyết chống người do thái” thì phổ biến / das Verdikt "Antisemitismus" ist geläufig). Cũng đã có dư luận đẩy Günter Grass về phía Iran, nhưng ông đã trả lời rằng ông đã không “mặn mà” với những tiếng vỗ tay tán tụng từ phía ấy, phía mà ông gọi là “từ hướng sai“.

Nội dung của “Điều phải được nói ra” đang gây tranh cãi trên chính trường quốc tế, và chắc chắn sẽ không dừng ở đây. Bản thân của bài thơ không có gì đáng phải bàn, nhưng ý của nó được tiên đoán là rất có thể sẽ làm thay đổi cả “chiến lược nhân danh ổn định hòa bình thế giới” đang được thực hiện.

Riêng với nước Đức, sự “làm ngơ” cho Israel còn có một hậu cảnh khác,. Đó là cảm giác tội lỗi của hành động phi nhân, là sự tàn sát người Do thái (holocaust) của Đức Quốc Xã - một nhà nước Đức của ngày trước - mà ông tự gọi là hành động của mình, dã man không có gì thể so sánh (những gì phi nhân từ tiền thời, không gì có thể so sánh nổi / ureigenen Verbrechen, die ohne Vergleich sind). Hậu cảnh này cản trở Günter Grass nói lên sự một thực nguy hiểm (theo ông), và ông đã thể hiện một cách ray rứt ở mọi góc cạnh. Trong suốt bài thơ, Günster Grass luôn bị cảm giác tội lỗi này ám ảnh. Ông cũng không muốn bị chụp mũ là kỳ thị người Do thái. Những câu hỏi:

Vì sao tôi im… / Warum schweige ich…
Thật, tại sao tôi lại cấm cản tôi / Doch warum untersage ich mir
Nhưng tại sao tôi lại im lặng đến lúc này?/ Warum aber schwieg ich bislang?
Tại sao bây giờ tôi mới ngỏ / Warum sage ich jetzt erst

Và những câu trả lời, điển hình là:

Ấy là vì tôi đã cho rằng gốc gác của tôi / Weil ich meinte, meine Herkunft
luôn dính liền với một vết nhơ không bao giờ được yên tịch / die von nie zu tilgendem Makel behaftet ist
giam hãm, không chấp nhận (làm khó chịu) sự việc này như một sự thật phải được nói ra / verbiete, diese Tatsache als ausgesprochene Wahrheit
(đối)với đất nước Do Thái, nơi mà tôi gắn bó / dem Land Israel, dem ich verbunden bin
luôn muốn gắn bó / und bleiben will, zuzumuten.

đều ẩn chứa nỗi niềm, và hầu như cuối cùng cũng chỉ quanh quẩn ở vấn đề này.

Cảm giác tội lỗi này đã trói buộc không chỉ riêng Günter Grass. Cả dân tộc Đức mà đại diện là chính quyền từ ngày ấy luôn hành xử với một mặc cảm đối với người Do thái. Nó cũng là nguyên nhân ép Günter Grass phải im nín (Sự im nín phổ cập của hiện tình này, (mà) ở trong đó sự im lặng của tôi tự xếp nằm ở dưới nó / Das allgemeine Verschweigen dieses Tatbestandes, dem sich mein Schweigen untergeordnet hat), và ông cảm thấy là một sự giả dối nặng nề (tôi thấy nặng lòng dối trá / empfinde ich als belastende Lüge).

Nhưng với bài thơ này, Günter Grass đã vượt qua chính mình, vượt qua mặc cảm tội lỗi để nói lên một sự thực, mối nguy của toàn cầu, và đòi hỏi đất nước của ông và Tây phương đừng xảo trá nữa (vì tôi đang ngập ngụa dưới xảo chước của phương tây / weil ich der Heuchelei des Westens / überdrüssig bin) phải đình chỉ ngay việc tiếp tục ủng hộ Israel bằng tầu chiến ngầm hiện đại sắp sửa được chuyển giao (thêm một tầu ngầm sẽ được chuyển về Do Thái, đặc thù của nó phải là có thể điều khiển những đầu đạn tàn phá tất cả / ein weiteres U-Boot nach Israel geliefert werden soll, dessen Spezialität darin besteht, allesvernichtende Sprengköpfe dorthin lenken zu können).

Chính vì thế, với nội dung của bài thơ, Günter Grass đã bị một bộ phận của xã hội lên án. Tuy nhiên lại có một bộ phận khác khác ủng hộ ông nhiệt tình. Một câu hỏi mới nảy sinh: Đã đến lúc nước Đức nên ứng xử thật bình thường và khách quan trên chính trường chưa?

Cũng phải nói để hiểu thêm rằng ở Đức, kỳ thị người Do thái đối với xã hội là một trọng tội. Tất cả những biểu tượng, cờ xí, huy hiệu của Hitter Đức Quốc Xã đều bị cấm, một cách tuyệt đối. Điều này phổ biến đến độ người ta đã đặt vấn đề về một nghiã trang chôn cất chung người Do thái và lính người Đức thời Đức Quốc Xã. Cuối cùng, vì tôn trọng người Do thái, nhà nước Đức đã phải tách những ngôi mộ của lính người Đức ra một nghiã trang riêng.

Một điều chắc chắn là rồi đây, bài thơ này như là những quả chuông treo ở khắp các nghị trường - của Đức nói riêng và của thế giới nói chung - nó sẽ rung lên khi vấn đề Do Thái – Iran hay nguyên tử được bàn đến, và người ta tất nhiên sẽ không còn đủ yên lặng để quyết định những sự việc như đã từng quyết định.

Riêng Günter Grass, sau khi công bố bài thơ, cùng với những lời thị phi, ông đã trở thành persona non grata (kẻ không được mừng đón) của Israel vì nhà nước này sau đó đã chính thức tuyên bố không cho phép ông nhập cảnh vào nước của họ - một biện pháp được một cựu nhân viên ngoại giao Israel gọi là “ma mãnh” - thường được các nước áp dụng để chống lại đối lập. Được hỏi rằng ông có lường trước được điều này không? – Ông trả lời rằng dĩ nhiên.

Nhìn quanh, thế giới thật dễ vỡ. Các cường quốc văn minh cũng vẫn còn “trẻ con“, cũng đầy ra những khuyết điểm ở cơ bản (lỗi hệ thống).

Qua sự việc này, chúng ta học và rút ra được kinh nghiệm gì? Günter Grass là một nhà trí thức, ông đã vượt qua rào cản của xã hội nói lên một thực trạng mang tính chất nguy hiểm (ít nhất là theo ông) và chấp nhận thiệt thòi, vì đâu?

Việt Nam chúng ta có những “điều phải được nói ra” không? Và (nếu có) những ai có đủ can đảm nói lên những thực trạng ấy, bất chấp dư luận, persona non grata, quán tính, hoàn cảnh và tình huống xã hội?

Thực chất cho thấy Việt Nam còn là một nước nghèo, nghèo lắm, thêm vào đấy, bất công ngày càng lớn, trong khi đạo đức và nhân cách ngày càng xuống cấp. Điều này không chỉ được ghi nhận ở trong lãnh thổ Việt Nam. Đất nước sẽ đi về đâu? Người Đức hổ thẹn vì đã giết người, người Việt Nam tự hào có nghìn năm văn hiến, là đất nước anh hùng đánh bại nhiều cường quốc.

Chúng ta đã có, và vẫn sẽ có những người chấp nhận trở thành “persona non grata“, nhưng khi nào thì đủ để có thể ảnh hưởng đến cục diện làm cho xã hội đi lên? Hay rồi những nỗ lực cá nhân đang tiếp tục chỉ là những tiếng kêu lẻ loi, rồi thảng thốt, rồi (bị) biến mất.

Sau cùng, để giải khuây, đây là một bài thơ của Günter Grass, xin mời mọi người thưởng lãm:

Niềm hạnh phúc
 
Một xe buýt trống khách
đổ qua đêm trăng sao.
Dường như tài xế hát
với hạnh phúc áp vào.
 
(Chuyển dịch: Đinh Phương)

 

Nguyên tác của Günter Grass:

Glück
 
Ein leerer Autobus
stürzt durch die ausgesternte Nacht.
Vielleicht singt sein Chauffeur
und ist glücklich dabei.
 
Đinh Phương

 

___________

 

 

-----------------

Bài liên quan:

20.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Tôi không phải là người-chữ-nghĩa, nên viết câu kéo nhiều lúc không được mạch lạc mà cứ nghĩ là người đọc cũng sẽ hiểu như mình. Nếu quả thực câu tôi dịch có thể gây khó hiểu hay hiểu sai như anh đã chỉ ra thì chắc cũng nên sửa câu thơ ấy lại như anh đề nghị... (...)
 
18.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Lâu nay tôi là người rất thích đọc các bản dịch sáng sủa mẫu mực của anh. Nhìn chung tôi thấy bản dịch bài thơ G.G. của anh là chính xác, bởi vậy chỉ xin có một góp ý nhỏ:.. (...)
 
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Đọc bài phản hồi của anh Đinh Phương, tôi cứ đắn đo không biết có nên “phát biểu” tiếp nữa hay không. Đơn giản vì tôi ngại phải tranh luận với anh về kiến thức ngôn ngữ Đức trước đông đảo độc giả của Tiền Vệ... Nhưng nghĩ lại, tôi nhủ mình vẫn nên tiếp tục “đối thoại” với anh Đinh Phương chứ không lại bị hiểu lầm... (...)
 
17.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Từng câu từng chữ thì khác. Trọn bài lại khác. Theo tui, mỗi bài có cái “hơi” riêng. Bài dịch của Đinh Phương gần Đức hơn (có lẽ). Bài của Trần Kh. nghe Việt hơn.... (...)
 
16.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Mục đích của tôi trong bài đối thoại này là phản biện lại lời tựa của anh Trần Kh. cho rằng bài dịch của tôi đánh đố người đọc và “hơi ...ép cụ Grass”. (Ở đây tôi hiểu là “nhét chữ vào mồm cụ Grass”)... (...)
 
14.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Đọc bài thơ của Günter Grass được dịch bởi Đinh Phương vừa mới đăng trên Tiền Vệ, tôi thấy có nhiều chỗ không chính xác và (vì thế) khó hiểu, nếu không nói là dịch kiểu này thì quả là đánh đố người đọc và hơi... ép cụ Grass... (...)
 
[NHÀ VĂN & LƯƠNG TÂM] ... Chẳng biết Do Thái hay Iran có sắp dùng bom nguyên tử hay không nhưng Günter Grass đã vượt qua bằng cách dùng bom nguyên tử lương tâm của nhân loại để phá vỡ vô minh tập thể được truyền bá ở Âu Mỹ từ thời Do Thái lập quốc (1948)... (...)
 
12.04.2012
... Nhưng tại sao tôi lại im lặng đến lúc này? / Ấy là vì tôi đã cho rằng gốc gác của tôi / luôn dính liền với một vết nhơ không bao giờ được yên tịch / giam hãm, không chấp nhận sự việc này như một sự thật phải được nói ra... [Bản dịch của Đinh Phương]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021