tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Thử phân tích bài “Thử dịch lại bài thơ...” của anh Trần Kh.  [đối thoại]

 

Trong thời gian vừa qua Tiền Vệ đã đăng loạt bài nói và bàn về dịch thuật của nhiều tác giả khác nhau, và vào ngày 12.04.2012 bài “điều phải được nói ra“ (do tôi dịch từ bài “was gesagt werden muss” nguyên tác của văn hào Günter Grass) và bài bình luận “Dịch và dịch tác phẩm văn học” của nhà phê bình Inrasara cùng được đăng tải. Với tôi, đây quả là một điều rất thú vị vì tôi cũng vừa mới trăn trở, vừa mới trải nghiệm những điều về dịch thuật (dù không phải lần đầu) qua bài “điều phải được nói ra” trước khi nó được gửi đi để được phổ biến. Tôi hoàn toàn đồng quan điểm với Inrasara, xuyên suốt trong bài viết này của anh.

Một điều thú vị hơn cho tôi nữa là khi đọc bài “Thử dịch lại bài thơ “Was gesagt werden muss” của Günter Grass” của anh Trần Kh. được đăng 2 ngày sau. Ở đây tôi xin được đối thoại trong tinh thần “Trước hết, dịch giả cần tắm mình trong không khí tư tưởng của tác giả, qua đó nắm được thần hồn của tư tưởng tác phẩm, hay rộng hơn - tác giả. Vẫn còn là chưa đủ. Điều tối cần thiết là thái độ làm việc nghiêm cẩn của người dịch. Thế nhưng, lắm lúc “cẩn thận” quá thành thô vụng, dịch phẩm văn chương sẽ khô cứng và thiếu sức sống” mà anh Inrasara trong bài viết đã chỉ ra.

Mục đích của tôi trong bài đối thoại này là phản biện lại lời tựa của anh Trần Kh. cho rằng bài dịch của tôi đánh đố người đọc và “hơi ...ép cụ Grass”. (Ở đây tôi hiểu là “nhét chữ vào mồm cụ Grass”).

Tôi xin được bắt đầu phân tích bài “thử dịch lại...” của anh Trần Kh.:

 

1.

 

Về cái tựa “was gesagt werden muss”:

Điều buộc phải nói” mà anh Trần Kh. dịch đã đi ra ngoài nội hàm của nó. Trong nguyên tác không có chữ (dù chỉ là hàm ý) “buộc”. Chữ “muss” nghĩa là “phải” đã được dùng, và như vậy là vừa tròn, chữ “buộc” thừa, vừa chuyển ý của cụm từ sang một cung cách khác, cung cách bị ép buộc phải nói, và như vậy là không chuẩn.

Ngoài ra, theo tôi, thể thức tác động (aktiv) và thể thức thụ động (được/bị) chuyển tải sự nhấn mạnh của những đối tượng (ở đây là chủ từ) là khác nhau. “Was gesagt weden muss” là câu văn biến thái ở thể thụ động. Nếu có dịch tựa bài theo thể thức tác động, thì dịch thành “Điều phải nói” là đủ. Chị Phạm Thị Hoài đã dịch như thế. Riêng tôi dịch theo nguyên văn và để nguyên thể (passiv) thành “Điều phải được nói ra” (chữ “ra” được thêm vào cho tròn nghĩa).

 

2.

 

Ở câu thứ (1): “Warum schweige ich, verschweige zu lange,”

Trần Kh. dịch: “Tại sao tôi lại im lặng, im lặng quá lâu”

Tôi dịch là: “Vì sao tôi im, nín đã từ lâu”

Günter Grass dùng 2 chữ “schweigen” và “verschweigen” rất tách bạch. Tất nhiên hai chữ này phải có nội hàm khác nhau. Verschweigen mang tính negativ (xấu, trái, chịu, đựng...), nó nặng hơn schweigen. Khi dịch “schweigen” là im lặng, thì “verschweigen” phải là từ khác “nặng” hơn, không còn dùng cùng chữ “im lặng” được nữa.

(Chữ “nín” để nhấn mạnh theo ý của Günter Grass mà tôi hiểu - Tôi đã thử dùng chữ “câm nín” nhưng thấy không hay trong ngữ cảnh này.)

 

3.

 

Ở câu thứ (2) và (3): “was offensichtlich ist und in Planspielen / geübt wurde ...”

Trần Kh. dịch: “trước điều hiển nhiên và đã được thao dượt / trong một cuộc diễn tập,”

Tôi dịch là: “về một điều rất rõ , và nó được thực hiện trong những cuộc chơi

Chữ “trước” của Trần Kh. và chữ “về” của tôi ở đây có vấn đề. Nó hoàn toàn không có trong nguyên bản. Riêng tôi chỉ dám thêm vào chữ “về”: “về một điều rất rõ” cho rõ nghiã của câu mà thôi.

Chữ “offensichtlich” có một nghiã duy nhất là “rõ ràng (được thấy)”, không thể dịch thành “hiển nhiên” được. Ngoài ra nó cũng không logic vì nếu điều ấy “hiển nhiên” thì Günter Grass chẳng còn có cái gì “úp mở” để mà bây giờ phải nói ra hay không. Từ “hiển nhiên” chỉ có thể dịch từ chữ “selbstverständlich” hay cùng lắm từ chữ “natürlich”.

Tôi hiểu là Günter Grass “im lặng về một điều (rất, quá) rõ” chứ Günter Grass không “im lặng trước điều hiển nhiên”.

Cũng ở trong câu thứ (2) và (3) Có thành ngữ “in Planspielen geübt wurde”. Nếu dịch thật sát từ thì phải dịch là “được thực hiện trong những bàn chơi (đánh nhau) mẫu” (chữ geübt -từ động từ üben- khộng chỉ có nghĩa phổ thông là tập dợt, nó còn có thêm một nghĩa nữa tương đương với “handeln, vorgehen” nghĩa là “thực hiện”. Nghĩa này thường được dùng ở tầng lớp hướng dẫn hay chỉ đạo –xin xem tự điển deutsch-deutsch Wahrig).

In Planspielen”: nghĩa là “trong những bàn chơi (đánh nhau) mẫu” và nhất thiết là ở trong phòng chứ không ở ngoài trời (xem tự điển Wahrig). Dù không xác định rõ những cuộc chơi (đánh nhau) nào, nhưng theo văn phạm là số nhiều, ý chung chung, nói trống không. Chữ “một cuộc diễn tập” của anh Trần Kh. làm cho tôi liên tưởng đến một cuộc diễn tập thật nào đó. Điều này không đúng. Nếu Günter Grass nhắc đến một cuộc diễn tập thật nào đó, thì chắc chắn ông phải chứng minh và ông sẽ không thể vượt qua lưỡi hái của truyền thông trong thời gian vừa qua. Ông chỉ khẳng định Israel rằng có lò hạt nhân không được kiểm soát mà thôi.

 

Cũng ở câu (3): “..., an deren Ende als Überlebende”

Chữ “Ende” nghĩa là “cuối cùng”. Tôi dịch là “hồi kết”. Chữ “chung cuộc” chưa phải là cuối cùng, nó mới lưng lửng gần cuối thôi (và điều này quan trọng trong tư duy).

Trần Kh. dịch: “mà ở hồi chung cuộc

Tôi dịch là: “ mà ở hồi kết

 

4.

 

Trong câu (4): “wir allenfalls Fußnoten sind.

Chữ “allenfalls” có nghiã là “trong mọi trường hợp”. tôi dịch ở đây là “luôn”. Anh Trần Kh. dịch thành “cùng lắm” là đi quá đà với nghĩa của nó.

Cũng ở trong câu 4, chữ “Fußnote” nghĩa là “những “ghi chú” thường được ghi ở cuối trang. Tôi gọi là tạp ghi vì nó chỉ là phụ, theo ý của Günter Grass mà tôi hiểu khi ông đặt chữ này vào đây.

Anh Trần Kh. dịch: “..., mà ở hồi chung cuộc , / chúng ta, những kẻ sống sót, cùng lắm / cũng chỉ là những chú thích nằm ở cuối trang giấy .”

Tôi dịch là: “mà ở hồi kết , chúng ta, những người còn sót lại / luôn là những dấu ghi tạp.”

 

(Anh Trần Kh. viết thêm “... nằm ở cuối trang giấy” tôi cho là không cần thiết vì đã bị coi là “tạp” rồi thì dù ở cuối trang hay đầu trang cũng thế mà thôi. Cũng phải nói thêm ở đây là trong lúc dịch tới đây, giữa hai chữ “kẻ” và “người” tôi đã chọn chữ “người”: “chúng ta, những người còn sót lại”. Anh Trần Kh. dịch: “chúng ta, những kẻ sống sót”.)

 

Tới đây thì tôi không hiểu là tôi “đánh đố” ai ở đây và “ép cụ Grass” cái gì?

Như đã nói ở trên, đây là bài phản biện, không có mục đích đả kích nên tôi cho tới đây là đã đủ, không phân tích thêm những đoạn sau của bài thơ “dịch thử” của anh Trần Kh. nữa, dù trong những đoạn sau của bài còn nhiều cái “khó hiểu” khác rất... vui.

Dùng thời gian để vạch lá tìm sâu trong tình huống này là việc làm vô bổ đối với tôi. Đặng chẳng đừng cũng chỉ vì phải đáp lễ cho đúng “nghi thức đúng-sai” thế thôi.

Tuy nhiên, khi đọc bài “dịch thử” của anh Trần Kh. tôi nhận ra mình có ít nhất một lỗi là đã viết sai (dịch sai) chữ “hạt nhân” thành “hạch nhân”. Xin yêu cầu BBT Tiền Vệ sửa lại giùm cho: ở câu thứ (10) và câu thứ (14) trong bản dịch của tôi. Cũng xin cám ơn anh Trần Kh. đã nhắc đến từ này.

Tôi cũng có rất ít thời gian, và đang “nợ” các anh chị Tiền Vệ một bài viết xoay quanh: “Nhận định về ảnh hưởng của bài thơ với bối cảnh thế giới, liên quan đến những thử thách đang tồn tại trong xã hội Việt Nam

Tôi sẽ gửi đi trong tuần này, mời mọi người cùng đón đọc.

Thân chào

Đinh Phương

 

 

-----------------

Bài liên quan:

14.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Đọc bài thơ của Günter Grass được dịch bởi Đinh Phương vừa mới đăng trên Tiền Vệ, tôi thấy có nhiều chỗ không chính xác và (vì thế) khó hiểu, nếu không nói là dịch kiểu này thì quả là đánh đố người đọc và hơi... ép cụ Grass... (...)
 
[NHÀ VĂN & LƯƠNG TÂM] ... Chẳng biết Do Thái hay Iran có sắp dùng bom nguyên tử hay không nhưng Günter Grass đã vượt qua bằng cách dùng bom nguyên tử lương tâm của nhân loại để phá vỡ vô minh tập thể được truyền bá ở Âu Mỹ từ thời Do Thái lập quốc (1948)... (...)
 
12.04.2012
... Nhưng tại sao tôi lại im lặng đến lúc này? / Ấy là vì tôi đã cho rằng gốc gác của tôi / luôn dính liền với một vết nhơ không bao giờ được yên tịch / giam hãm, không chấp nhận sự việc này như một sự thật phải được nói ra... [Bản dịch của Đinh Phương]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021