tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Tiếp nối Thơ Đến Từ Đâu, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác...  [đối thoại]

 

Nhân đọc bài “1 lần đọc – 3 lần phát hoảng” của ông Lâm Quang Thăn, theo đường dẫn qua trang Da Màu thì mới biết cuốn Đối Thoại Văn Chương của ông Nguyễn Đức Tùng được thực hiện bằng những bài phỏng vấn và trao đổi giữa ông với ông Trần Nhuận Minh suốt năm 2012. Vậy thì chắc đây là một cuốn sách rất “quan trọng”!

Trần Nhuận Minh là nhà thơ “quan trọng” như thế nào và có tầm nhận thức văn chương cao đến cỡ nào mà ông Nguyễn Đức Tùng đã phải dày công bỏ ra cả năm trời để phỏng vấn và viết thành cuốn sách Đối Thoại Văn Chương?

Về thơ, Trần Nhuận Minh trước kia là một cây bút công bộc thuần thành của Đảng và Nhà nước và đã được khen thưởng trọng hậu. Nhưng bây giờ ông đã về hưu, và khi nói chuyện với Nguyễn Đức Tùng trong cuốn Đối Thoại Văn Chương, ông đã “xin tự loại bỏ toàn bộ sáng tác 25 năm bao cấp”, trong đó, “có bài, đọc lại, tôi rất xấu hổ”, và “hầu hết đều là thơ tuyên truyền minh họa”. Ông nói với Nguyễn Đức Tùng nguyên văn như sau: “xin tự loại bỏ toàn bộ sáng tác 25 năm bao cấp (1960 – 1985) của thơ tôi, với 166 bài thơ và 2 trường ca trong 4 tập thơ. Có tập đến 50 bài đã được tặng giải thưởng văn học về đề tài công nhân của Tổng Công đoàn và Hội Nhà văn Việt Nam, cùng một tập thơ, một tập trường ca đã được tặng hai giải nhất mỗi giải cách nhau 5 năm (1980 và 1985) của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Tôi cũng đã làm đúng như mình nói và viết. Và tôi làm lại từ đầu, tự khai sinh lần thứ 2 cùng với công cuộc đổi mới đất nước. Và kết quả của nó như thế nào, anh và các bạn đồng nghiệp của tôi đều đã biết.”

Trần Nhuận Minh nói với Nguyễn Đức Tùng là ông đã “tự khai sinh lần thứ 2 cùng với công cuộc đổi mới đất nước”, nhưng ông lại nói ở những nơi khác là ông “đã được sinh ra lần thứ hai” nhờ ánh sáng của ông cuộc Đổi mới! Ngày 19/06/2012 Báo Công an Nhân dân viết: Trần Nhuận Minh từng nhiều lần tuyên bố: Anh rất biết ơn công cuộc Đổi mới bởi dưới ánh sáng của nó, anh “đã được sinh ra lần thứ hai”. Vậy thì ông đã “tự khai sinh lần thứ 2” hay ông đã “được sinh ra lần thứ hai”? Hay là tuỳ nơi khác nhau thì ông tuyên bố khác nhau cho hợp với bài bản?

Từ năm 1986 trở đi, nghĩa là sau khi “tự khai sinh lần thứ 2” hay đã “được sinh ra lần thứ hai” thì Trần Nhuận Minh đã làm gì?

Thì ông lại... làm thơ. “Và kết quả như thế nào” thì ông Nguyễn Đức Tùng “và các bạn đồng nghiệp” của ông Trần Nhuận Minh “đều đã biết”: Năm 2007 ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về chuyên ngành văn học với hai tập thơ Nhà thơ và hoa cỏ (1993) và Bản xonat hoang dã (2003). Làm thơ mà được 2 Giải thưởng này thì, khỏi cần đọc, ai cũng có thể đoán được là thơ cỡ nào rồi!

Làm thơ giỏi đến thế, thì tầm nhận thức văn chương của Trần Nhuận Minh cao đến cỡ nào?

Khỏi cần nói nhiều, Trần Nhuận Minh là một trong những người đã phun châu nhả ngọc đọc tham luận để ca tụng ông “thơ thần” Hoàng Quang Thuận trong cái hội thảo tai tiếng “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà Văn tổ chức tại Hội trường của Hội Nhà văn VN hôm 8/8/2012. Những vần thơ đồng bóng của gã đại bịp Hoàng Quang Thuận đã được ông Trần Nhuận Minh khen nức nở: “Đó là phúc địa của Yên Tử, phúc trạch của tỉnh Quảng Ninh ta từ ngàn đời.”

Đấy, Trần Nhuận Minh là nhà thơ “quan trọng” và có tầm nhận thức văn chương cao đến thế nên ông Nguyễn Đức Tùng mới dày công bỏ ra một năm trời để phỏng vấn và chép lại thành cuốn sách Đối Thoại Văn Chương cho hậu thế học hỏi mà noi theo!

Cuốn Đối Thoại Văn Chương được Nguyễn Đức Tùng xem như là “sự tiếp nối của Thơ Đến Từ Đâu”. Vậy Thơ Đến Từ Đâu chắc cũng là công trình quan trọng có cùng mục đích với Đối Thoại Văn Chương?

Thơ Đến Từ Đâu là cuốn sách gồm những bài phỏng vấn của Nguyễn Đúc Tùng với hơn hai mươi nhà thơ trong và ngoài nước, ban đầu đăng từng bài trên Talawas từ năm 2006. Thế rồi những bài này được Nguyễn Đức Tùng gom lại cho NXB Lao Động in thành sách vào năm 2009 sau khi gửi những bài phỏng vấn ấy cho chế độ kiểm duyệt của Nhà nước CHXHCNVN cắt xén, sửa đổi rất nhiều. Cuốn sách ra đời, gây bất bình trong giới cầm bút tự do, tạo nên một trận phản đối dữ dằn trên Talawas và Tiền Vệ từ cuối năm 2009 đến đầu năm 2010.

Năm 2012, cuốn Thơ Đến Từ Đâu (bản đặc biệt) lại được phát hành dưới dạng ebook miễn phí bởi Kệ Sách của Da Màu, in lại nguyên văn hoàn chỉnh không cắt xén từ bản gốc trên Talawas.

Gần đây, lại thấy trang Phê Bình Văn Học ở Việt Nam tái phát hành Thơ Đến Từ Đâu ấn bản 2009 của NXB Lao Động, tức là bản đã bị kiểm duyệt cắt xén, có ghi rõ: “Nguồn: Nguyễn Đức Tùng. Thơ đến từ đâu, Nxb. Lao động, 2009. Bản tác giả gửi.” Vậy thì bản này do chính Nguyễn Đức Tùng gửi chứ không phải do trang Phê Bình Văn Học tự ý phát hành.

Chuyện này rất đáng thắc mắc. Vậy xin hỏi tác giả Nguyễn Đức Tùng:

- Nếu đã phát hành cuốn Thơ Đến Từ Đâu qua ấn bản đặc biệt ebook 2012 miễn phí (hoàn chỉnh không cắt xén), thì lý do gì ông lại còn phát hành thêm ấn bản 2009 (đã bị kiểm duyệt cắt xén) trên trang Phê Bình Văn Học ở Việt Nam?

- Phải chăng ông Nguyễn Đức Tùng muốn phổ biến bản hoàn chỉnh để làm vừa lòng giới cầm bút tự do, và đồng thời phổ biến bản đã kiểm duyệt để làm hài lòng giới cầm bút “chính thống”?

Nếu đúng vậy thì thật là dễ hiểu tại sao ông Nguyễn Đức Tùng đã chọn ông Trần Nhuận Minh để phỏng vấn. Cả hai ông đều quá giỏi “tuỳ cơ ứng biến”. Sau 50 năm cầm bút “giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác” thì ông Trần Nhuận Minh chắc chắn là giỏi hơn, nên ông Nguyễn Đức Tùng mới chạy theo níu áo mà học hỏi thêm đấy. Còn mục đích chung của cuốn Thơ Đến Từ Đâu và cuốn Đối Thoại Văn Chương là gì thì hãy để cho mọi người tìm hiểu.

 

 

-------------------

Bài liên quan:

09.01.2013
[CHUYỆN THƠ] ... Hôm qua, đọc cái bài “Đối thoại văn chương - Nguyễn Đức Tùng và Trần Nhuận Minh” đăng trên Damau.org, 7-1-2013, mà 3 lần phát hoảng. Hoảng vì mới đầu tuần, Lâm tui đụng phải cùng lúc 3 cái vĩ đại... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021