tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Phim CARELESS LOVE với diễn viên Nammi Le xuất sắc  [đối thoại]

 

 

Cuốn phim CARELESS LOVE của đạo diễn John Duigan, với Nammi Le đóng vai chính, là một tác phẩm điện ảnh đáng được giới thưởng ngoạn đón nhận và khen ngợi. Câu chuyện phim có những tình tiết hết sức tinh tế và phức tạp, nhưng được kể bằng những cảnh phim gọn gàng, sắc sảo, với không ít những góc nhìn thật đẹp, và ngay cả những cảnh “nóng bỏng” cũng được nghệ thuật hóa qua ống kính điêu luyện.

Sau khi tham dự đêm chiếu thử CARELESS LOVE trên màn ảnh nhỏ, trên đường về nhà với nhiều ấn tượng đẹp đẽ trong ký ức, tôi nghĩ rằng khán giả người Việt sẽ yêu thích cuốn phim này trên màn ảnh lớn trong rạp, vì chắc chắn ấn tượng sẽ mạnh hơn gấp bội. Đặc biệt đáng ghi nhận là tài năng xuất sắc của Nammi Le, một diễn viên gốc Việt ở Sydney. Nhà phê bình Andrew L. Urban nhận định rằng Nammi Le là một phát hiện tuyệt vời của đạo diễn John Duigan, và cô đã diễn tả nhân vật Linh một cách khéo léo với tài năng thiên bẩm. Nhà phê bình Louise Keller nhận định rằng Nammi Le đã thể hiện một tài diễn xuất vượt trội.

Nammi Le sinh năm 1978 tại Việt Nam, và đã trở thành thuyền nhân lúc mới 3 tháng tuổi khi cô được cha mẹ bế theo trong chuyến vượt biển tỵ nạn Cộng Sản. Chiếc thuyền của gia đình cô gặp hải tặc, tài sản mang theo bị cướp hết, nhưng may mắn không ai bị hãm hại. Hải tặc đã cướp luôn cả đứa bé 1 tuổi, tức là anh trai của Nammi Le, nhưng rồi “thuyền trưởng” của hải tặc đã ra lệnh trả lại đứa bé sau khi nghe người mẹ đau đớn gào khóc van xin. Cuối cùng, đoàn người tỵ nạn cập vào một bờ biển ở Malaysia, và những cư dân ở đó đã giúp họ đốt tan chiếc thuyền để bảo đảm rằng lính biên phòng duyên hải sẽ không kéo thuyền ngược ra biển khơi. Sau vài tháng chờ đợi trong trại tỵ nạn, cả gia đình của Nammi Le được định cư tại Australia. Nammi Le đến Úc lúc chưa biết nói. Ở tuổi học trò, cô yêu thích nghệ thuật và cô có năng khiếu hội họa, nhưng khi vào đại học, cô chọn ngành Thương Mại, và tốt nghiệp cử nhân ở Đại Học NSW, rồi sau đó cô làm việc nhiều năm cho công ty PricewaterhouseCoopers. Tuy nhiên, Nammi Le vẫn mang giấc mộng theo đuổi nghệ thuật, và năm 2007, cô được chọn đóng vai chính trong phim Ra Chơi. Cuốn phim được trình chiếu tại Sydney Film Festival, tại Australian Film Festival ở London, và tại nhiều cuộc liên hoan điện ảnh khác. Sau đó, cô du hành sang châu Âu và trở lại với niềm say mê hội họa, cô vẽ nhiều bức tranh; và đồng thời, trong chuyến du hành đó, Nammi Le đã tham dự cuộc tuyển chọn diễn viên cho cuốn phim CARELESS LOVE, và đã được đạo diễn John Duigan chọn vào vai chính. Một tác phẩm hội họa (chân dung tự họa) của Nammi Le (đã từng tham dự giải thưởng Archibald Prize) được vẽ trong thời gian ấy, cũng được mang vào cuốn phim này.

 

 

CARELESS LOVE là một phim truyện có rất nhiều tình tiết, diễn biến, với mọi sắc độ tình cảm tương phản bi-hài như một cuốn tiểu thuyết, nhưng cốt truyện có thể tạm tóm lược như sau:

Linh, một nữ sinh viên ngành xã hội học ở trường Đại học Sydney, xinh đẹp và thông minh, sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Việt tỵ nạn ở Úc. Cha mẹ của Linh là những người sống theo lễ giáo và luân lý truyền thống, luôn mong muốn cho con cái thành công trên đường học vấn. Sau nhiều năm làm lụng vất vả, họ mua được một ngôi nhà trả góp khang trang ở vùng ngoại thành Sydney. Thế nhưng, một trạng huống đầy thử thách đã xảy ra, khi họ đột ngột mất việc làm, và có nguy cơ mất luôn ngôi nhà ấy vì không trang trải được món tiền trả góp khá lớn hàng tháng. Trước trạng huống đó, Linh đã quyết tâm kiếm tiền để gửi về giúp cha mẹ. Ngoài giờ học, cô lén đi làm nghề gái gọi vào ban đêm dưới một tên gọi khác, là Mai. Cô tự nhủ rằng cô chỉ làm nghề này một cách tạm thời, và sẽ bỏ nghề này lập tức ngay khi nào cha mẹ cô tìm được việc làm. Cô nói dối với cha mẹ rằng những món tiền cô gửi về giúp cha mẹ là do cô làm nghề người mẫu thời trang theo hợp đồng bán thời gian. Trong khi hành nghề, cô đã tiếp xúc với nhiều hạng người khác nhau, thuộc nhiều chủng tộc khác nhau, có những cá tính khác nhau, kể cả những cá tính lạ lùng. Trong số khách cô thường phục vụ có Luke (diễn viên Peter O'Brien) là một hoạ sĩ người Mỹ kiêm nghề buôn tranh. Ông là một người dễ mến, có thể chia sẻ và cảm thông với Linh, và Linh đã kể cho ông nghe về lý do khiến cô phải chọn nghề gái gọi một cách tạm thời. Ngoài công việc bí mật này, Linh vẫn đi học bình thường, và có một người yêu tên là Jack (diễn viên Andrew Hazzard). Jack là bạn sinh viên cùng trường của Linh, anh yêu Linh một cách chân thành, và hoàn toàn không biết gì về cái nghề bí mật của Linh. Linh cũng yêu Jack một cách chân thành, và cô luôn mong chờ ngày cha mẹ cô có việc làm, để cô có thể chấm dứt cái nghề bất đắc dĩ này. Thế rồi, mong ước của Linh trở thành sự thật. Linh vô cùng vui mừng khi cha mẹ của cô tìm được việc làm. Nhưng oái oăm thay, ngay khi cô đã hoàn toàn chấm dứt cái nghề bí mật ấy, thì mọi chuyện lại bị tiết lộ. Một cô bạn cùng trường đã tố cáo công việc của Linh ngay trước mặt Jack. Rồi liền sau đó, ông Luke bị một nhóm xã hội đen ám sát; cảnh sát mở cuộc điều tra, và các mối quan hệ xã hội của ông Luke bị đưa lên báo chí, và Linh xuất hiện trên trang nhất như một cô gái gọi kiêm tình nhân của ông Luke. Sự việc bại lộ này khiến cha mẹ của Linh vô cùng đau đớn, và Jack quyết định chia tay với Linh dù vẫn còn yêu cô tha thiết. Một hậu quả thật đau đớn, và người đau đớn nhất là Linh. Tuy nhiên, bằng nghị lực của mình, cô đã chiến đấu với chính mình để vượt qua được nỗi đau đớn và vết thương tâm hồn ấy. Cô tiếp tục học và tốt nghiệp đại học sau khi bảo vệ một luận án xã hội học về nghề gái gọi, mà trong đó cô đem chính kinh nghiệm của mình để làm những ví dụ.

 

 

Đạo diễn John Duigan nhận định rằng đề tài của cuốn phim là một sự chọn lựa không dễ dàng cho một nhà làm phim nghệ thuật. Đề tài “gái gọi” hay mãi dâm đã được đem vào nhiều cuốn phim, nhưng từ trước đến nay các nhà làm phim thường có một trong ba cách tiếp cận như sau: 1/ Kể chuyện những cô gái nghèo bị mua bán bởi xã hội đen và biến thành nô lệ tình dục; 2/ Kể chuyện những cô gái nghiện ma túy phải hành nghề này để kiếm tiền mua thuốc; 3/ Kể chuyện những cô gái gọi hạng sang, chơi bời trác táng trong những hoàn cảnh hào nhoáng.

Đạo diễn John Duigan đã đến với đề tài này bằng một cách tiếp cận hoàn toàn khác. Nhân vật chính trong CARELESS LOVE không phải là một nạn nhân, cũng không phải là một con người hư hỏng nghiện ngập, và cũng không lao vào trụy lạc. Linh là một người làm chủ cuộc sống của mình, tự quyết định chọn lựa điều mình cần làm, và cuối cùng, tự chấp nhận hậu quả và tự vượt qua mọi thử thách để tiếp tục cuộc sống một cách tốt đẹp. Cách tiếp cận này không dễ thực hiện, vì không khéo thì cuốn phim trở thành một dạng “tiểu thuyết luận đề” khô khan. Nhưng đạo diễn John Duigan đã viết và dựng cuốn CARELESS LOVE một cách rất trôi chảy và tất cả các diễn viên đều thể hiện vai trò của mình hầu như hoàn hảo. Người xem có thể nhận ra ngay rằng đạo diễn John Duigan đã chọn lựa diễn viên rất đúng với vai trò, từ các vai chính đến những vai phụ, khuôn mặt và vóc dáng của từng người đều hết sức phù hợp.

Riêng về diễn xuất của Nammi Le, nhà phê bình nổi danh David Stratton nhận định: “Nammi Le đã diễn xuất thật hay trong vai chính, tạo nên một nhân vật buồn nhưng mạnh mẽ và kiên quyết với sự nhập vai hoàn toàn.”

Là một người Việt, khi xem phim này xong, trong tôi đọng lại nhiều ấn tượng, nhưng ấn tượng mạnh mẽ nhất là sự diễn đạt vô cùng tự nhiên của Nammi Le trong tất cả những trạng huống khác nhau trong cuốn phim. Và tôi rất hãnh diện khi biết rằng Nammi Le là một cô gái Việt tỵ nạn, lớn lên trên đất Úc, có một cuộc sống thành đạt, và thực hiện được ước mơ nghệ thuật của mình bằng chính tài năng của mình.

 

 

------------------

Bài liên quan:

01.04.2012
[ĐIỆN ẢNH] ... Đúng như trong “Về Vĩnh Châu”, tôi chỉ nhớ rất lơ mơ về phim Hè Muộn. Chỉ nhớ pha “đá banh” và cái ấn tượng buồn buồn mà cuốn phim đã để lại rất lâu trong tôi. Cám ơn anh đã nhắc lại cho tôi... (...)
 
30.03.2012
[ĐIỆN ẢNH] ... Phim có nhiều scene thật đẹp. Lặng lẽ. Hơi buồn. Đạo diễn Đặng Trần Thức, theo báo chí lúc đó viết, là người đi du học Mỹ mới về nước quay phim lần đầu. Hãng phim Giao Chỉ mới thành lập là của nhóm Kiều Chinh, làm được 2 phim khá hay, “Hè Muộn” và trước đó là “Người Tình Không Chân Dung”... (...)
 
23.03.2012
[ĐIỆN ẢNH] ... Hết phim, người xem không hiểu được nguyên do đưa đến những cử chỉ táo bạo của Tâm. Cách dựng nhân vật chính trong phim khiến khán giả khó nối kết được những tình cảm sâu lắng với hành động ngoài đời của Tâm, tuy các vai trong phim được diễn viên thể hiện khá thành công... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021