tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trao đổi với Trà Đoá về chuyện “phê bình” và chuyện “ông”  [đối thoại]

 

Tôi có vài ý kiến về ý kiến của Trà Đoá về bài “Phê bình về sự phê bình nhà phê bình” của Phan Quỳnh Trâm về bài “Nhà phê bình: Cần phải khiêm tốn” của Lữ.

- Thứ nhất: bài của Lữ viết theo lối tuỳ bút, nhưng nội dung vẫn là một nhận định mang tính phê bình. Nói đúng ra, người ta có thể dùng bất cứ thể loại văn chương nào để viết ra những ý tưởng phê bình. Ví dụ như bài thơ lừng danh “An essay on Criticism” của Alexander Pope (1688-1744). Đó là một bài thơ, hiển nhiên như vậy, nhưng nó vẫn được xem như một bài nhận định mang tính phê bình văn học.

- Thứ hai: Phan Quỳnh Trâm không hề “xé lẻ các trích dẫn để phân tích từng câu chữ của Lữ”. Cô ta đã bê nguyên xi cả đoạn thứ hai từ bài văn chỉ có hai đoạn của Lữ, và cô ta đã phân tích ý tưởng của đoạn đó. Đó là đoạn vừa chứa đựng những ý tưởng chính vừa là phần kết luận của Lữ.

- Thứ ba: Trà Đoá chỉ nói rất chung chung không bằng chứng rằng “Phan Quỳnh Trâm nên tiếp cận tuỳ bút này ở mức độ toàn diện để nắm rõ hơn chủ ý của bài viết”, nhưng Trà Đoá không hề đưa ra chủ ý toàn diện của bài viết của Lữ mà Trà Đóa đã hiểu là gì.

- Thứ tư: Trà Đóa cũng đã không tiếp cận bài viết của Phan Quỳnh Trâm ở mức độ toàn diện nữa, mà chỉ phán chung chung. Vậy thì cũng đâu có... công bằng.

 

Tôi cũng có vài ý kiến về ý kiến của Trà Đoá về ý kiến của Lý Đợi về lối dùng chữ “ông” để chỉ nhà phê bình.

Trà Đoá viết:

... nhận xét của Lý Đợi về cách dùng đại từ nhân xưng “ông” là hơi quá đáng. Theo tôi, đây là tình trạng chung của tiếng Việt, trong những tình huống cần phải dùng một đại từ nhân xưng trung tính. Như trong trường hợp bài viết của Lữ, nếu dùng cụm từ “nhà phê bình” lặp đi lặp lại thì quả là luộm thuộm và bất tiện.

Đúng ra, tình trạng chữ “ông” đứng một mình này có thể (và đã từng) được khắc phục một cách khá đơn giản, bằng cách thêm chữ “bà” vào bên cạnh chữ ông... cho đẹp đôi.

Ví dụ:

Kính thưa các nhà phê bình,

Chúng tôi rất ghét ông/bà nếu ông/bà không khen ngợi tác phẩm của chúng tôi. Chúng tôi thiển nghĩ nhiệm vụ của ông/bà là ngồi yên một chỗ, chờ đợi mà đọc tác phẩm của chúng tôi. Đọc xong, ông/bà hãy ra sức mà khen ngợi. Ông/bà chớ có đem những cái dở ra mà nói. Hãy ráng kiếm cho ra những cái hay của chúng tôi. Nếu ông/bà làm được như vậy thì chúng tôi rất quý trọng ông/bà. Rất tiếc chúng tôi không có điều kiện để trả lương cho ông/bà.

Vân vân và vân vân.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

14.09.2009
[VĂN HỌC] ... Về bài viết “Nhà phê bình: Cần phải khiêm tốn” của Lữ, tôi có vài ý kiến chung quanh các nhận định của Phan Quỳnh Trâm và Lý Đợi... (...)
 
13.09.2009
[VĂN HỌC] ... Phải chăng nhà phê bình là / và chỉ là “ông”? Tôi e là không phải. Bởi lịch sử phê bình cho thấy, có ông, có bà, và có cả giới đồng tính nữa... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021