tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Deutsche Sprache, schwere Sprache  [đối thoại]

 

Đọc bài phản hồi của anh Đinh Phương, tôi cứ đắn đo không biết có nên “phát biểu” tiếp nữa hay không. Đơn giản vì tôi ngại phải tranh luận với anh về kiến thức ngôn ngữ Đức trước đông đảo độc giả của Tiền Vệ (thì tôi cứ “nâng bi” Tiền Vệ như thế, trang mạng này có “đông đảo” độc giả hay không thì… ai mà biết được) mà theo suy nghĩ chủ quan của tôi - khác với trường hợp tiếng Anh hay tiếng Pháp - đa số người đọc không/chưa học qua ngoại ngữ này. Không gì ngán bằng phải ngồi nghe hai gã thao thao tranh luận về một đề tài mà mình chẳng hiểu mô tê gì cả. Tôi sợ gây nhàm chán nếu không nói là làm phiền người đọc. Vả lại chuyện bô bô luôn muốn chứng tỏ mình “sành” tiếng Đức hơn người chưa bao giờ là quan tâm của tôi, tôi biết “trình” của tôi (ghê chưa, hình như đây là tiếng Việt mới đấy) cũng như “giới hạn” của mình (nói đi thì cũng phải nói lại, chứ không có người bảo là “chảnh” - cũng là một từ Việt mới đối với tôi đấy). Tiếng Đức là một ngôn ngữ khó, khó đủ để khiến ta phải biết học nết khiêm nhường. Ngay chính cả người Đức vẫn có cái câu : “Deutsche Sprache, schwere Sprache” cơ mà.

Nhưng nghĩ lại, tôi nhủ mình vẫn nên tiếp tục “đối thoại” với anh Đinh Phương chứ không lại bị hiểu lầm, vả lại, tôi thấy nội cái việc anh Đinh Phương có vẻ rất ư là tự tin (kể cả tự tin nhờ… tự điển) về khả năng tiếng Việt và tiếng Đức của mình cũng đã... xứng đáng nhận vài ý kiến trao đổi của tôi. Và tôi hy vọng là trao đổi này không làm phiền nhiều người khác.

Trong toàn bài phản hồi, anh Đinh Phương chỉ nhận một lỗi viết sai tiếng Việt (“hạch nhân” thay vì “hạt nhân”), tiếc thay, đây không phải là lỗi mà tôi lưu tâm và đã làm cho bản dịch bị hỏng, mà lỗi nằm ở chỗ khác, đấy là việc hiểu sai một số từ, thành ngữ và cấu trúc câu (vốn khá phức tạp, so với tiếng Anh chẳng hạn) của ngôn ngữ Đức. Bài thơ của Grass có 9 khổ, anh Đinh Phương chỉ đem khổ đầu gồm vỏn vẹn 4 câu thơ ra so sánh và phân tích – về chuyện “phân tích” này thì tôi xin sẽ có ý kiến ở phần dưới – mà những lỗi dịch nặng nhất lại nằm rải trên 8 khổ thơ còn lại, thế mới gay. Anh chỉ phân tích và so sánh khổ thơ đầu rồi buông bút, bảo là anh không muốn phân tích nữa vì anh không muốn… “vạch lá tìm sâu”. Mà không chừng thế lại là tốt cho cả đôi bên, vì nếu anh phân tích theo cái cung cách mà anh đã làm cho cả toàn bài thơ thì chắc tôi không có thời giờ và đủ can đảm để làm cái phản-phản hồi như tôi đang làm ở đây, ngoài ra, nhiều lúc đi vạch lá tìm sâu, sâu vườn người đâu không thấy lại thấy sâu nằm đầy trên cây vườn mình thì phiền.

Thật ra bài thơ này chẳng mang một giá trị thi ca gì to lớn, mà chỉ là một phát biểu của cá nhân một nhà văn nổi tiếng (thì Lô-ben chứ giỡn chơi à?) về một đề tài “nóng“. Nếu bài thơ này được viết ra bởi một anh nhà văn tỉnh lẻ vô danh nào đấy thì chắc cũng chẳng có ma nào buồn quan tâm. Và nội dung bài thơ này cũng trần trụi, dễ hiểu chứ chẳng phải là một bài thơ “sâu sắc” đầy “ẩn dụ” khó hiểu như bản dịch của anh Đinh Phương tạo cảm giác ở người đọc, ít nhất là ở tôi.

Anh Đinh Phương bảo (ơ hay) tôi dịch (tốt) thế mà không hiểu sao tay Trần Kh. này lại bảo là “đánh đố” và “ép” cụ Grass. Thì đây, tôi xin chỉ nêu ra hai thí dụ để giải thích tại sao tôi lại phát biểu như thế, và đánh giá về việc này dĩ nhiên là quyền của độc giả:

 

- Anh Đinh Phương dịch:

“Một thế lực được tuyên ngôn từ phát súng đầu tiên

được lèo lái từ một thầy đời

hướng đến một lễ hội

để có thể thiêu rụi bộ tộc Iran

vì trong vùng quyền lực của bộ tộc này

có một quả bom hạt nhân, được phỏng thấy.”

Quả thực tôi không hiểu anh Đinh Phương muốn nói (thay cụ Grass) điều gì với câu đầu tiên? Cái gì được lèo lái, một thế lực kỳ bí nào chăng? Ông thầy đời nào bỗng nhẩy xổm vào đây? Vui nhỉ, có cái Festival nào ở đây nữa sao? Thầy đời hay là thế lực hướng ai đến lễ hội, để làm gì? Dân Iran mà biết họ bị gọi là bộ tộc thì coi chừng mệt với họ đấy nhé… Thật ra nghĩa mấy câu thơ này chỉ đơn giản như thế này:

“Người ta khẳng định cái quyền được tấn công trước,

nó có thể xóa sạch dân tộc Iran - bị cai trị bởi một người hùng chuyên đánh võ mồm và buộc phải tham gia những trò tung hô đã được sắp đặt -

chỉ vì người ta nghi ngờ có một quả bom hạt nhân đang được chế tạo

trong lãnh địa quyền lực của dân tộc này.”

Grass nói đến “cái quyền được tấn công trước được khẳng định”, tôi nghĩ mình không cần nêu đích danh “người ta” nào mà lại dám khẳng định (láo) như thế? (hai chữ “người ta” là do tôi chủ động thêm vào khi dịch cho hợp với câu văn Việt đấy anh Đinh Phương ạ). Và ai là người hùng (rậm râu) chuyên đánh võ mồm đang cai trị dân Iran thì chúng ta cũng đều biết…

 

- Anh Đinh Phương dịch:

Chung qui sự câm nín về hiện tình này

mà sự im lặng của tôi ẩn nấp ở trong đó

tôi thấy nặng lòng dối trá

nó buộc tôi phải đưa nó ra trước vành móng ngựa

khi nó bị lạm dụng

bản án “kỳ thị người Do Thái” thì quá phổ biến.

Để cho cái “im lặng của tôi” (“tôi đang lắng nghe” …hehe) “ẩn nấp” thì nghe cũng có vẻ… thi vị (kiểu ông họ Trịnh) đấy, nhưng làm gì có “nó” nào buộc “tôi” (là cụ Grass) phải đưa “nó” ra trước vành móng ngựa ở đây hở giời? Thật ra Grass chỉ muốn nói đến sự im lặng có tính cưỡng bức mà cả xã hội Đức (ngầm) tuân thủ chỉ vì cái quá khứ nặng nề của mình đối với dân Do thái. Nghĩa mấy câu thơ này chỉ như thế này:

Sự im lặng phổ biến trước sự kiện này

mà tôi cũng đã tuân theo

với tôi

là một điều dối trá đè nặng

và là một ép buộc mà những ai không tuân thủ

sẽ nhận chịu hình phạt;

câu buộc tội: “Chủ nghĩa bài Do thái” là câu cửa miệng.

 

- Tôi có thể chỉ ra tiếp những lỗi khác, nhưng thôi, chỉ xin nêu thêm vài thí dụ từ/thành ngữ Đức, và ta xem chúng đã được anh Đinh Phương hiểu và dịch như thế nào nhé:

in Planspielen: trong những cuộc chơi (làm gì có “cuộc chơi” nào ở đây, đây là chuyện giàn binh bố trận ồn ào binh khí, đúng ra phải hiểu là: trong những cuộc diễn tập, và trong cái ngữ cảnh của khổ thơ này thì dĩ nhiên ta phải hiểu là diễn tập [quân sự] trên một mô hình nào đấy, chứ không phải diễn tập thực sự theo nghĩa Manöver, vì nếu thế thì việc gì Grass phải [đoán già đoán non, ví von] về vai trò sau đó của “chúng ta”, những kẻ sống sót)

allenfalls: luôn, trong mọi trường hợp (allenfalls khác với auf alle Fälle anh Đinh Phương ạ, đúng ra chữ này có nghĩa là: cùng lắm, cao lắm)

zur Rede gestellt wird: được đặt thành tiền đề để nói (đúng ra phải hiểu là: bị buộc phải đối mặt - để trả lời vể một vấn đề nào đấy)

wiederum: lòng vòng (thật ra phải là: tái diễn, thêm một lần nữa)

als Befürchtung von Beweiskraft: cho nỗi lo toan về những chứng cứ (nghĩa đúng là: như là nỗi lo sợ có cơ sở, có bằng chứng)

Zulieferer: kẻ buôn bán (chữ này ở đây có thể hiểu là: kẻ tiếp tay [cho tội ác])

sich befreien: được giải phóng (thực ra là: tự giải phóng)

Verursacher der erkennbaren Gefahr: tác nhân nhận ra thảm họa (phải hiểu là: kẻ gây ra hiểm hoạ có thể lường trước)

“Hiểu” như thế rõ ràng là có “vấn đề” với tiếng Đức.

Ngoài ra schweigen verschweigen dĩ nhiên có ý nghĩa không hoàn toàn giống nhau, chứ không thì người ta thêm cái tiếp đầu ngữ “ver” vào làm gì cho nó rối rắm, nhưng thật ra ở đây chúng có cùng một nội dung. Sở dĩ cụ Grass phải dùng động từ verschweigen vì trong lúc “mần” thơ, sau khi nói là cụ đã im lặng, cụ muốn nói rõ là cụ im lặng (cố tình) không nói một điều hiển nhiên, và muốn nói như thế thì văn phạm Đức nó… buộc phải dùng động từ verschweigen (có túc từ) chứ không thể xài dộng từ schweigen (không có túc từ), đơn giản thế thôi, hehe, chẳng có gì cao xa thâm thúy ở đây cả. Và lúc dịch qua tiếng Việt thì dịch thế nào cũng được: “im lặng không nói lên điều hiển nhiên” hay viết “im lặng trước điều hiển nhiên” đều ổn cả.

 

Về sự khác biệt hay giống nhau của một số từ trong tiếng Việt: (Thế mà) bấy lâu nay tôi vẫn cứ đinh ninh là:

- “hiển nhiên” cũng đồng nghĩa với “rõ ràng”

- “hồi chung cuộc” không khác “hồi kết”

- Trong tiếng Việt “buộc” không phải lúc nào cũng là bị (người khác) ép buộc, mà nhiều lúc chỉ nói thế cho có vẻ nhã nhặn, chẳng cần ai o ép ở đây cả.

Chắc là một trong hai ta có “vấn đề”, và cái này thì cứ để cho độc giả nhận xét nhé!

Chỉ muốn trao đổi với anh Đinh Phương vài ý kiến mà rốt cuộc lại thành ra “bô bô” (đanh đá cá cầy) như thế này. Bậy quá! Nhưng chung qui cũng chỉ tại cái “vẻ tự tin” quá đáng của anh, nó làm cho tôi nhớ đến thái độ/phản ứng của dịch giả trẻ họ Cao trước đây - lúc đó C.V.D. hình như vẫn còn là một sinh viên học ở Pháp - sau khi có một số người lên tiếng (mà tôi có tham gia) phê bình về bản dịch “Hạt cơ bản” nhiều sai sót của anh. Năm bảy năm trôi qua, sau khi đã tốt nghiệp, nghe đâu là từ lò trường “lớn” ở Rue d’Ulm hẳn hoi, anh C.V.D. vẫn còn mắc phải những lỗi dịch phải nói là khó chấp nhận được mà ông Hà Thúc Lang đã chỉ ra trên mục “Đối thoại” này, thật là thất vọng và đáng tiếc.

Sau cùng, tôi xin nói rõ là tôi không dám khẳng định bản dịch của mình là hoàn hảo, không có thể sửa từ này câu nọ cho bài dịch “hay” hơn, nhưng tôi vẫn tin rằng mình đã hiểu, dịch và chuyển tải đúng những ý chính mà cụ Grass đã viết xuống.

Mà thôi khuya rồi,

như thế cũng đã đủ,

tôi (tắt đèn) đi ngủ

đây anh Đinh Phương ạ.

 

Trần Kh.

 

 

-----------------

Bài liên quan:

17.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Từng câu từng chữ thì khác. Trọn bài lại khác. Theo tui, mỗi bài có cái “hơi” riêng. Bài dịch của Đinh Phương gần Đức hơn (có lẽ). Bài của Trần Kh. nghe Việt hơn.... (...)
 
16.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Mục đích của tôi trong bài đối thoại này là phản biện lại lời tựa của anh Trần Kh. cho rằng bài dịch của tôi đánh đố người đọc và “hơi ...ép cụ Grass”. (Ở đây tôi hiểu là “nhét chữ vào mồm cụ Grass”)... (...)
 
14.04.2012
[CHUYỆN DỊCH THUẬT] ... Đọc bài thơ của Günter Grass được dịch bởi Đinh Phương vừa mới đăng trên Tiền Vệ, tôi thấy có nhiều chỗ không chính xác và (vì thế) khó hiểu, nếu không nói là dịch kiểu này thì quả là đánh đố người đọc và hơi... ép cụ Grass... (...)
 
[NHÀ VĂN & LƯƠNG TÂM] ... Chẳng biết Do Thái hay Iran có sắp dùng bom nguyên tử hay không nhưng Günter Grass đã vượt qua bằng cách dùng bom nguyên tử lương tâm của nhân loại để phá vỡ vô minh tập thể được truyền bá ở Âu Mỹ từ thời Do Thái lập quốc (1948)... (...)
 
12.04.2012
... Nhưng tại sao tôi lại im lặng đến lúc này? / Ấy là vì tôi đã cho rằng gốc gác của tôi / luôn dính liền với một vết nhơ không bao giờ được yên tịch / giam hãm, không chấp nhận sự việc này như một sự thật phải được nói ra... [Bản dịch của Đinh Phương]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021