tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
“Touch” và những vuốt ve nóng bỏng  [đối thoại]

 

(ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Câu chuyện của Tâm là những ước mơ ẩn náu. Người con gái ít nói, không như các bạn đồng nghiệp và khách hàng hay bàn chuyện chăn gối trong tiệm, nhưng về nhà Tâm lại bạo dạn, chủ động chuyện ái ân với bạn trai, người Mỹ rồi người Việt.

Tâm làm neo. Một nghề phổ thông của phụ nữ Việt, và một số nam giới ở Hoa Kỳ. Nghề neo, phiên âm của từ “nail” trong tiếng Anh tức công việc lau rửa và sơn móng tay, móng chân. Đây một nghề dễ học vì không cần nhiều vốn tiếng Anh mà chỉ cần khéo tay, có thể thi bằng hành nghề bằng tiếng Việt sau chừng sáu tháng học và thực tập. Theo những số liệu thống kê thì có đến 80% tiệm neo trên đất Mỹ do người Việt làm chủ.

Những câu chuyện chung quanh bồn rửa chân, bàn sơn móng tay cũng đã được hài ước hoá qua một số chuyện vui được kể trên kênh hài của truyền hình Mỹ.

Mới đây chuyện làm neo được đưa lên phim, không phải phim hài mà về tình cảm xã hội. Touch (2011) không được nhà viết truyện phim kiêm đạo diễn Nguyễn Đức Minh, tốt nghiệp thạc sĩ ngành điện ảnh từ University of Southern California, chính thức đặt cho một tên tiếng Việt. Touch có nhiều nghĩa, tùy theo ngữ cảnh: vuốt ve, sờ soạng, đụng chạm. Với những diễn biến trong phim, tên Việt “Vuốt ve” là hợp tình, hợp cảnh hơn cả vì nhân vật chính có những mơ ước được như thế từ ngày còn bé đến tuổi đôi mươi.

Đây là câu chuyện của Mạnh Tâm (Porter Lynn Dương), một cô thợ làm neo và theo lời cô giải thích cho Brendan (John Ruby), một anh thợ sửa xe người Mỹ, thì tên của cô có nghĩa là sức mạnh nội tâm.

Cuộc đời Mạnh Tâm có nhiều biến động tình cảm. Trước hết là trong gia đình. Từ ngày còn nhỏ cô thích được ôm và vuốt ve chân của mẹ (Lê Thị Hiệp). Điều em ưa thích không làm ông bố (Nguyễn Long) hài lòng và ông nghĩ những cử chỉ đó biểu hiện Tâm không thương ông nên nhiều lần thấy cảnh bé ôm chân mẹ ông đã phạt em bằng cách nhốt trong tủ quần áo. Có phải vì thế mà lớn lên Tâm mơ ước được vuốt ve đàn ông để rồi trở nên quá bạo dạn trong việc khởi động những cử chỉ ái ân.

Tâm gặp Brendan khi anh tới tiệm để làm sạch đôi bàn tay đầy dầu xe. Cung cách một thanh niên Mỹ khoanh tay trước ngực bước vào một tiệm neo của người Việt là nét văn hoá hơi lạ ở Hoa Kỳ, tuy cử chỉ đó chỉ để anh giấu đôi bàn tay bẩn.

 

Tâm đang làm sạch bàn tay cho Brendan (ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Sau vài lần Brendan đến tiệm và được Tâm lau chùi cho sạch tay, Tâm lại trở thành người cố vấn hôn nhân cho Brendan và cô vợ Sandy (là luật sư của một công ti vì đam mê với công việc mà quên chuyện vợ chồng), và Tâm đã thành công trong việc đem lại niềm vui chăn gối cho hai người. Cùng lúc trong lòng Tâm nổi lên những tình cảm với Brendan. Tâm đã hẹn anh đến nhà riêng để làm móng tay và từ đó có những vuốt ve, mơn trớn bên nhau.

Cùng lúc Tâm được một đồng nghiệp lớn tuổi là bà Quyên giới thiệu cô với một người cháu là kỹ sư Kỳ (Tony Lã Thanh). Tâm có hẹn hò đi ăn tối với anh, nhưng tình cảm không nảy nở.

Quá khứ của cô Tâm ra sao để cô có những xung khắc tình cảm khó hiểu? Bố làm nghề cắt cỏ, gia đình chỉ có mình Tâm. Bố mẹ nuôi Tâm ăn học và ước muốn cô sẽ trở thành nha sĩ, kỹ sư hay giáo sư đại học. Nhưng Tâm theo nghề neo và phải lo cho bố bị liệt ngồi xe lăn vì một tại nạn đã khiến mẹ cô qua đời sau khi ông mua được chiếc xe Mustang Sports mơ ước. Hai cha con xung khắc về chuyện quá khứ. Người cha mang mặc cảm ông là gánh nặng cho con gái và nghĩ Tâm oán hận ông vì gây ra cái chết của mẹ.

Cho đến một hôm, sau nhiều cơn dằn vặt tình cảm, sau những say tình nóng bỏng với Brendan và sau những căng thẳng với người cha tàn tật cần được chăm sóc, Tâm trở lại với Kỳ với điều kiện anh cũng phải thương bố của cô.

Nhưng cấu trúc câu chuyện không có những liên kết mạnh về nguyên nhân và hậu quả. Tâm có thực cần tình cảm, cần sự vuốt ve như ao ước của bất kì người con gái nào? Thanh niên gốc Việt, kỹ sư Kỳ, không đem lại cho cô được điều đó sau buổi hẹn hò hay sao mà cô phải tìm đến một người thợ máy da trắng đã có gia đình là Brendan?

Touch đưa ra vài nét sinh hoạt thương mại của một nghề phổ thông trong giới phụ nữ Việt và nếu không phải người gốc Việt và hiểu chuyện cộng đồng Việt, khán giả sẽ ngạc nhiên với giá làm móng tay rất rẻ. Tâm chỉ lấy 10 đô-la sau khi làm sạch tay cho Brendan. Giá làm một bộ móng tay chỉ 15 hay 19 đô 99 xu, trong khi tiệm của người Mỹ giá cao gấp ba, bốn lần.

 

Cảnh sinh hoạt trong tiệm neo (ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Dù ngoài đời nhiều tiệm neo thi nhau phá giá, những câu hát vang trong phim: “Neo neo neo, bàn tay ta phải khéo, tiền vô đầy ngăn kéo” vẫn còn làm cho nghề này trở nên hấp dẫn với nhiều người Việt. Nhất là trong thời kỳ kinh tế còn nhiều khó khăn.

Hình ảnh đẹp trong phim là cảnh một bà Mỹ đến làm neo trong thời thắt lưng buộc bụng, giảm chi cho những thứ không cần thiết. Bà than thở với Tâm và cô đã không tính tiền.

Và cuối cùng bố của Tâm cũng vui lên vì cuộc sống không còn quanh quẩn trên chiếc xe lăn và trong bốn bức tường nhà.

Hết phim, người xem không hiểu được nguyên do đưa đến những cử chỉ táo bạo của Tâm. Cách dựng nhân vật chính trong phim khiến khán giả khó nối kết được những tình cảm sâu lắng với hành động ngoài đời của Tâm, tuy các vai trong phim được diễn viên thể hiện khá thành công, từ hai vai chính cho đến bà chủ tiệm neo VIP (Mỹ Lan) và những người thợ.

 

Một cảnh nóng bỏng giữa Kỳ và Tâm (ảnh: Bùi Văn Phú)

 

Đêm chiếu ra mắt Touch ở San Jose vào đầu tháng này đã có rất đông khán giả. Nhưng khi chiếu ở AMC Eastridge, hai suất vào ngày thứ Bảy 10/3 lúc 11 giờ sáng và 1 giờ 30 chiều chỉ có chừng ba chục người xem.

 

-------------------
Tác giả là một nhà báo tự do sống tại vùng Vịnh San Francisco. Bài viết phản ánh cách nhìn của riêng ông.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021