|
Hoàng Cầm: Ai hát đó...
[đối thoại]
|
|
1948. Tạm biệt căn nhà thuê nhỏ của anh chị Hai trên bờ sông Ðồng Nai, Biên Hòa, tôi về Sài Gòn nghỉ hè trong ngôi biệt thự của dì dượng Sáu trên đường Verdun/Lê Văn Duyệt, trước cổng vườn Bồ Rô/công viên Tao Ðàn gần ngã sáu Sài Gòn. Hè đó chúng tôi ráo riết tập dượt để diễn kịch “Ải Nam Quan” (Hận Nam Quan). Hai cô em họ lớn tuổi đời vào vai Nguyễn Phi Khanh và Nguyễn Trãi, kiêm đạo diễn, thiết kế viên. Tôi được giao cho vai phụ “tiểu đồng” trong một đêm mưa gió bão bùng có phận sự đưa tin của “tráng sĩ” hay gì đó, quên rồi. Kịch bắt đầu dưới ánh trăng mờ lạnh lẽo lúc hổ phụ bị quân Tàu bắt nhốt trong cũi sắp chở về Tàu làm nhưn bánh bao ăn chơi, và hổ tử “trong đêm mờ rẽ cỏ đi tìm cha”. Khi giáp mặt nhau, Nguyễn Trãi khóc lóc xin đi theo cha và hai anh sang Tàu. Thoạt nghe, Phi Khanh ngậm ngùi, đọc/ngâm/nói: Tình phụ tử chia lìa ai nín khóc... nhưng một giây sau đã trợn mắt mắng con: Không thể được... định sang Tàu chết nhục Làm con ma uất hận... giữa muôn người... và dạy Nguyễn Trãi phải tức tốc trở lại quê hương tìm đường cứu nước. Trên “đường về quê” Nguyễn Trãi gặp một nàng sơn nữ đẹp như tiên giáng thế do... chị tôi đóng. Trong buổi sáng/chiều rừng thơ mộng, sơn nữ - hoa rừng cài mái tóc xoã - đang hái... hoa rừng trên bờ suối, nàng vừa ngắt hoa rừng vừa ca. Nguyễn Trãi: Ai hát đó... hay chỉ là tiếng gọi Suối than thầm.. kể đã mấy nghìn năm Lời van vỉ bên đèo không biết mỏi Chảy triền miên như tiếng... hận xa xăm... Ðó là những gì tôi còn nhớ - hy vọng không sai quá nhiều - về vở kịch thơ của Hoàng Cầm đọc (và diễn) năm lên chín tuổi... rưỡi.
|