tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Ông xanh và thơ  [đối thoại]

 

Trong lúc say mê tổng luận từ ý niệm ban đầu “tín ngưỡng và nghệ thuật” để viết tiểu luận “Nghĩ về viết lách: Tín ngưỡng và thơ”, bác Nguyễn Hưng Quốc có thể đã cỡi ngựa xem hoa và đã bỏ quên các thành phần trốn tránh, bất tuân?

Bởi lẽ ở cuối thế kỷ 19, cậu học trò Rimbaud — con “phượng hoàng của thơ ca” trong tương lai — đã nguệch ngoạc lên vách thành phố hay trên tường của học đường ba chữ “Merde à Dieu” (Thượng Đế là cái cục...).

Vào đầu thế kỷ 20 nhà thơ tên tuổi Jacques Prévert cũng phạm thánh:

Lạy Cha chúng tôi ớ trên trời

Xin hãy ớ lại đó

Còn chúng tôi chúng tôi sẽ ớ lại trên trái đất

Trái đất đôi khi thật xinh xao

Với những điều huyền bí của nó ớ Nữu Ước

Rồi những điều huyền bí của nó ớ Paris

Không thua kém gì lẽ huyền bí của Chúa Ba ngôi...

(Bản dịch của Nguyễn Đăng Thường và Diễm Châu)

 

Nguyên tác:

Notre Père qui êtes aux cieux

Restez-y

Et nous nous resterons sur la terre

Qui est quelque fois si jolie

Avec ses mystères de New York

Et puis ses mystères de Paris

Qui valent bien celui de la Trinité...

(“Pater Noster”, Jacques Prévert)

 

Ở đây tất nhiên không có chuyện “Cao xanh liều một cánh tay níu trời” (Vũ Hoàng Chương).

William Blake thì khẳng định rằng chẳng có đức tính nào sẽ tồn tại nổi nếu các con chiên Thiên Chúa không “bẻ gãy” mười điều giáo lệnh của Moise.

Chủ nghĩa Thơ siêu thực của André Breton chống đối Thiên Chúa giáo, mặc dù rất trân trọng các tư tưởng thần bí, duy linh (spiritualism), vân vân và vân vân.

Thiển nghĩ của Sương: “các tôn giáo là những bài thơ” khi ta chỉ đọc Kinh Phật, Kinh Thánh, Kinh Hồi Giáo sử dụng ngôn ngữ vần điệu đầy tính nhạc cho dễ nhớ, và để đọc to, để truyền khẩu, thuyết pháp, vân vân. Trái lại, trong thi hành và trong thực tế thì tiếc thay các tôn giáo lớn chẳng những không còn là “những bài thơ” mà thường là đầu giây mối nhợ của sự mê muội, dị đoan, cuồng tín, cấm kỵ, khủng bố và chiến tranh như hiện nay.

Sau đây là vài bài thơ của ta cợt nhả Phật giáo:

 
[Khuyết danh, khuyết nhan]
 
Chuông mõ nhà ai khéo mỉa mai
Củ khoai sao lại có hai tai
Muốn kêu dưa hấu hèm không cuốn
Ốm (?) nói bình vôi ngặt thiếu quai
Chỉ tưởng sọ dừa ôm ấp dẫn
Nào ngờ trái bưởi hỏi han đời
 
 
Thơ Hồ Xuân Hương:
 
Đền Trấn quốc
 
Ngoài cửa hành cung cỏ dãi dầu,
Chạnh niềm cố quốc nghĩ mà đau!
Một tòa sen lạt hơi hương ngự,
Năm thức mây phong điểm áo chầu.
Sóng lớp phế hưng coi vẫn rộn.
Chuông hồi kim cổ lắng càng mau.
Người xưa, cảnh cũ đâu đâu tá?
Khéo ngẩn ngơ thay lũ trọc đầu.
 
 
Chùa Hương
 
Bầy đặt kìa ai khéo khéo phòm,
Nứt ra một lỗ hỏm hòm hom.
Người quen cõi Phật chen chân xọc,
Kẻ lạ bầu tiên mỏi mắt dòm.
Giọt nước hữu tình rơi thánh thót,
Con thuyền vô trạo cúi lom khom.
Lâm tuyền quyến cả phồn hoa lại,
Rõ khéo trời già đến dở dom.
 
 
Chùa quán sứ
 
Quán sứ sao mà cảnh vắng teo,
Hỏi thăm sư cụ đáo nơi neo?
Chày kình tiểu để suông không đấm,
Tràng hạt vãi lần đếm lại đeo.
Sáng banh không kẻ khua tang mít,
Trưa trật nào người móc kẽ rêu.
Cha kiếp đường tu sao lắt léo,
Cảnh buồn thêm ngán nợ tình đeo.
 
 
Chùa xưa
 
Thày tớ thung dung dạo cảnh chùa,
Thơ thì lưng túi, rượu lưng hồ.
Cá khe lắng kệ, mang nghi ngóp,
Chim núi nghe kinh, cổ gật gù.
Then cửa từ bi chen chật cánh,
Nén hương tế độ cắm đầy lô.
Nam mô khẽ hỏi nhà sư tí,
Phúc đức như ông được mấy bồ?
 
 
Kiếp tu hành
 
Cái kiếp tu hành nặng đá đeo,
V?ây mà chút téo tẻo tèo teo
Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc
Trái gió cho nên phải lộn lèo.
 
 
Nhà sư / Sư hổ mang
 
Chẳng phải là Ngô, chẳng phải ta,
Đầu thì trọc lóc, áo không tà.
Oản dâng trước mặt, năm ba phẩm,
Vãi mọp sau lưng, bảy tám bà.
Khi cảnh, khi tiu, khi chũm choẹ,
Giọng hì, giọng hí, giọng hi ha.
Tu lâu có lẽ lên sư cụ,
Ngất nghểu tòa sen nọ đó mà!
 

Hy vọng đối thoại này có thể bổ khuyết hay giúp ý thêm cho bài tiểu luận của Nguyễn Hưng Quốc.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021