tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Lại nói về phản tỉnh  [đối thoại]

 

Không khác mấy ví có đem so đọ với chữ trinh, phản tỉnh cũng có ba đường bảy nẻo.

Nhớ ông nhà văn Liên Xô Alexây Tônxtôi mới vào nghề văn, có in tập thơ đầu tay hẳn hoi. Sau thấy thơ mình tệ quá, bèn vào hiệu sách vét mua sạch sành sanh, rồi đốt đi. Sau đó ông tập trung vào viết tiểu thuyết. Đó là phản tỉnh về tài năng. Độc giả hay nhà phê bình sau này có viết về ổng, cũng quên tập thơ kia đi. Chả vấn đề gì phải bàn.

Lại nhớ nước An Nam ta khi chuẩn bị tiến lên xã hội chủ nghĩa, các nhà thơ tài năng [trí thức tiểu tư sản] thời Thơ Mới bỗng dưng sáng mắt sáng lòng giác ngộ cách mạng, và nhứt là để tỏ tấm lòng thành tuyệt đối với chế độ mới, bèn hè nhau chối bỏ đứa con tinh thần rứt ruột đẻ ra. Họ kêu mấy đứa con kia bằng thứ ngôn từ gì thì làng trên xóm dưới đều tỏ, miễn khai.

Tui gọi đó là phản tỉnh cơ hội chủ nghĩa.

Trớ trêu, chính mấy đứa con bị chối từ kia lại níu tiếng tăm họ ở lại với đời. Chứ mấy sản phẩm sòn sòn đẻ ra sau đó có huy động bao nhiêu nhà phê bình đồng chí phùng mang thổi tới đâu cũng xẹp lép. Tội!

Văn giới xứ An Nam chuyện gì chứ chuyện lạ cấp quốc tế thì cứ tiếp diễn. Nguyễn Minh Châu đọc ai điếu cho cả nền văn học, chớ đùa! Đấy là phản tỉnh thành thật đến xót xa. Sau đó không lâu, tới lượt Nguyễn Khải trước lúc nhắm mắt cũng đã kịp phản tỉnh...

Chế Lan Viên còn lạ hơn nữa. Mới chối bỏ Điêu tàn đó, sau làm thơ “tuyên truyền và minh họa” đã đời rồi cuối đời đẻ mấy di cảo sám hối. Sám hối thôi, chớ ông không dám chối từ nữa, hố chết! Lâm tui không dám in nguyên xi cả bài làm mất thì giờ bạn đọc yêu mến, chỉ xin trích:

Ai? Tôi?
Mậu Thân 2000 người xuống đồng bằng.
Chỉ một đêm, còn sống có 30.
Ai chịu trách nhiệm về cái chết của 2000 người đó?
Tôi! Tôi, người viết những câu thơ cổ võ
... Người ấy nhắc những câu thơ tôi làm người ấy xung phong
Mà tôi xấu hổ...
              (Chế Lan Viên, Di cảo, 1987).

Nhưng điều được cái là tất cả ba vị ấy (và còn nhiều nữa) chỉ dừng chương trình tại đó thôi. Dù gì thì gì, đó là phản tỉnh thật lòng. Thật lòng đau xót hay thật lòng... hố, cũng là thật lòng.

Ông Trần Nhuận Minh cũng thật lòng chả thua kém, khi ông viết:

“tôi xin tự loại bỏ toàn bộ sáng tác 25 năm bao cấp... những bài thơ mà có bài, đọc lại, tôi rất xấu hổ... hầu hết đều là thơ tuyên truyền minh họa”. (tuyên truyền cho cái gì, rồi có chết thằng Tây nào không hổng thấy ổng nói đến).

Nếu mà dừng ở đó thôi thì ông Trần Nhuận Minh cũng “chân thành phản tỉnh” lăm lắm, nỏ mất công Lâm tui truy cứu lí lịch. Nhưng ông chơi trò khôn lỏi, chơi tiếp màn hài kịch như vầy:

“tôi mới chọn lại 28 rồi 29 bài trong 25 năm đó in thành PHỤ LỤC để tham khảo ở cuối sách, chính là vì các cháu sinh viên, nghiên cứu sinh làm luận văn cử nhân và thạc sĩ khoa học về thơ tôi...”

Thế là “định hướng” [xã hội chủ nghĩa] dư luận mẹ rồi còn gì!

Nên có thơ rằng: Khôn chốn văn chương là khôn dại...

 

 

-------------------

Bài liên quan:

15.01.2013
[CHUYỆN THƠ] ... Vừa qua tác phẩm “Đối thoại văn chương” được đăng trên DA MÀU, nhiều ý kiến khác nhau, tôi may mắn đã được đọc “Đối thoại văn chương” và cả “Thơ đến từ đâu”, xin nêu một vài ý nhỏ... (...)
 
14.01.2013
[CHUYỆN THƠ] ... Trần Nhuận Minh là nhà thơ “quan trọng” như thế nào và có tầm nhận thức văn chương cao đến cỡ nào mà ông Nguyễn Đức Tùng đã phải dày công bỏ ra cả năm trời để phỏng vấn và viết thành cuốn sách Đối Thoại Văn Chương?... (...)
 
09.01.2013
[CHUYỆN THƠ] ... Hôm qua, đọc cái bài “Đối thoại văn chương - Nguyễn Đức Tùng và Trần Nhuận Minh” đăng trên Damau.org, 7-1-2013, mà 3 lần phát hoảng. Hoảng vì mới đầu tuần, Lâm tui đụng phải cùng lúc 3 cái vĩ đại... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021