tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Phim Đường Kiến có phải là tác phẩm ăn cắp không?  [đối thoại]

 

Việc phim ngắn Đường Kiến của Thiều Hà Quang Nghĩa, một sinh viên năm thứ ba trường điện ảnh Việt Nam, lấy ý tưởng từ một truyện ngắn mà không xin phép tác giả, đã làm dư luận sôi nổi. Đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa giải thích rằng anh có đề rõ ràng ở đầu phim “Phim ngắn Đường kiến - Kịch bản dựa vào ý tưởng truyện ngắn cùng tên của Kinh Dương Vương”, nhưng vì không biết địa chỉ Kinh Dương Vương nên không liên lạc được.[*] Tuy vậy, vẫn nhiều bài gay gắt kết án anh trên tienve cũng như các nơi khác.

Thực ra, việc chuyển tác phẩm của người khác từ một thể loại này sang một thể loại khác là một chuyện rất thường. Có thể nói đại đa số tác phẩm nghệ thuật là lấy ý từ một tác phẩm khác. Việc này chỉ có thể gọi là “ăn cắp” nếu lấy ý chính mà không ghi rõ xuất xứ. Ngày xưa, ngay cả chuyện ghi xuất xứ cũng không cần thiết, như khi Nguyễn Du chuyển truyện Kiều từ văn xuôi thành thơ mà không ai kết án là ăn cắp. Phim Đường Kiến không có vấn đề này vì xuất xứ đã ghi đầy đủ. Việc đạo diễn giữ nguyên si tên truyện làm tên phim cũng cho thấy là anh không cố ý giấu giếm “tông tích” của nó.

Đáng trách là việc đổi vai chính từ một người lính miền Nam thành một người lính Mỹ. Đây rõ ràng là do sự ràng buộc chính trị, nhưng đó là lỗi của chế độ hơn là của người làm phim, vì anh ta bắt buộc phải làm vậy để cuốn phim được chấp nhận ở Việt Nam. Nếu một nhà làm phim hải ngoại muốn làm một cuốn phim chiến tranh từ một cuốn truyện viết ở Việt Nam có vai chính là một người lính bộ đội, thì chắc cũng phải thay đổi để tránh bị chụp mũ, phản đối, biểu tình. Dĩ nhiên, Thiều Hà Quang Nghĩa cũng có lựa chọn là... đừng dùng truyện của một tác giả VNCH, như thế sẽ khỏi thay đổi tình tiết làm mất lòng tác giả. Nhưng chắc là anh đã “fall in love” với câu chuyện đó, thậm chí có thể có cảm tình với văn chương miền Nam, nên đã làm một việc có thể làm mất lòng chế độ (vì cái nhìn của Đường Kiến chắc chắn không phải là cái nhìn chính thống, “lề phải” hiện thời ở trong nước).

Thiều Hà Quang Nghĩa còn bị trách vì đã không xin phép tác giả truyện ngắn, và không cố gắng hết mình để tìm địa chỉ tác giả. Cũng phải thông cảm vì “Kinh Dương Vương” không phải là một tác giả nổi tiếng. Họa sĩ Rừng có thể nổi tiếng và dễ tìm hơn, nhưng một sinh viên trẻ ở Việt Nam thì làm sao biết được rằng hai người đó là một.

Thực ra, việc chuyển một truyện ngắn thành phim cũng chẳng khác gì việc lấy một bài thơ phổ thành ca khúc. Chuyện này các nhạc sĩ Việt Nam làm như cơm bữa và hầu hết cũng không xin phép tác giả. Nhạc sĩ cũng thường hay tự tiện sửa lời cho hợp với nhạc, nhiều khi cắt bỏ cả những câu, ý quan trọng. Lời thơ cũng có khi bị đổi vì lý do chính trị, chẳng hạn chữ “đi bộ đội” trong bài thơ Màu tím hoa sim của Hữu Loan thường bị đổi thành “đi quân đội”. Chỉ khi bài hát được thương mại hóa, được in hay thâu đĩa bán thì mới cần lo chuyện bản quyền nhà thơ. Thậm chí đã có trường hợp nhạc sĩ không ghi tác giả bài thơ lên bài hát, như trường hợp ca khúc “hit” Kỷ Vật Cho Em, nhạc Phạm Duy, thơ Linh Phương, nhưng chuyện này thì không chấp nhận được.

 

_________________________

[*] http://moingay1cuonsach.com.vn/home/news/Gap-go-nhan-vat/Dieu-Bac-Duong-Kien-co-trom-ban-quyen-van-hoc-109/

 

 

------------------

Bài liên quan:

30.03.2011
[VĂN NGHỆ & CHÍNH TRỊ] ... Có thật là hai bạn trẻ Nghĩa, Hoàng muốn liên lạc với tác giả Kinh Dương Vương để xin phép “lấy ý tưởng” cho phim của họ hay không? Tôi đồ rằng không. Cứ giả sử là có thì họ có dám mở lời để xin tác giả truyện “Đường kiến” cho anh lính “nguỵ” hoá thân không? Nói hoá thân cho có văn vẻ chứ thực tế là cho anh ta biến đi cho khỏi rách việc. Nếu như dám mở lời thì họ phải thuyết phục Kinh Dương Vương bằng lý lẽ nào cho ổn?... (...)
 
28.03.2011
[VĂN NGHỆ & CHÍNH TRỊ] ... Không thể ngờ bà Phan Thị Trọng Tuyến ở bên Pháp, chưa tận mắt xem phim Đường Kiến, mà đã thấy là nó “thể hiện được cái suy tư sâu thẳm và sensibilité của tác phẩm origine một cách khá đạt.” ... (...)
 
27.03.2011
[VĂN NGHỆ & CHÍNH TRỊ] ... Tất cả những người khác đừng mong hai loại người Việt và Mỹ kể trên hoà giải với mình. Chắc chắn không ai hoà giải với kẻ không còn. Không ai hoà giải với người đã bị thay thế, thay mặt (bằng lãnh đạo của phe chiến thắng), thay thân (bằng Mỹ trắng). Những người khác—từ anh du kích quân được dựng dậy sau cái chết trong các diễn văn tuyên dương tử sĩ và bà mẹ anh hùng cho đến anh lính Cộng Hoà bị xoá trắng vĩnh viễn không được đầu thai—đều tan xác, mất thây... (...)
 
[VĂN NGHỆ & CHÍNH TRỊ] (Phỏng vấn nhà văn Kinh Dương Vương) ... “Nó làm như vậy là nó trái với tinh thần của câu chuyện của tôi rồi. Vì cái chuyện của tôi viết về chiến tranh Việt Nam, viết về giữa người Việt Nam với nhau, còn đằng này, nó đem nó thay đổi người lính Cộng Hòa bằng người lính Mỹ, thì cái chuyện đó là sai trái rồi”... (...)
 
26.03.2011
[VĂN NGHỆ & CHÍNH TRỊ] ... Mình viết những dòng này, chẳng qua mình chỉ muốn nói đôi ba cảm nghĩ về cái “chùm khế ngọt” của chúng ta, nhân vừa rồi đọc được những bài viết về “cánh diều bạc bẽo” gì đó trên Tiền Vệ... (...)
 
25.03.2011
[VĂN NGHỆ & CHÍNH TRỊ] ... Nhân vật chính trong truyện Đường kiến là một anh lính Việt Nam Cộng Hoà, nhưng trong phim Đường kiến, anh lính Việt Nam Cộng Hoà bị xoá, thay vào đó là một anh lính Mỹ. Và tại sao là Mỹ mà không phải Việt Nam Cộng Hoà?... (...)
 
22.03.2011
[VĂN HOÁ & ĐẠO TẶC] ... Nay lại vừa được ông Nguyễn Tôn Hiệt cho công bố, ngoài tính chất “rụng rời” của câu chuyện đáng được gọi một cách thật chính xác là “ăn cắp có thưởng”, cũng có kèm theo một tấm hình minh họa mà tôi cũng thấy có một cái gì thật xô lệch của “các vai diễn”, một cái gì thật nhầu nhèo, cẩu thả gây cho người đọc một cái cảm giác “nhân bần trí đoản” rất ngao ngán, nhếch nhác... (...)
 
[VĂN HOÁ & ĐẠO TẶC] ... Người ta thường nói: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Đó là nói đến sự bần cùng về miếng cơm manh áo. Đằng này lại không phải là chuyện đói ăn, thiếu mặc, mà là sự bần cùng về văn hoá. Bần cùng văn hoá thì sinh ra đạo tặc văn hoá. Cái gì đã làm cho văn hoá Việt Nam trở nên bần cùng đến mức sinh ra đạo tặc triền miên như thế này? Đây là một câu hỏi chung mà mỗi người Việt Nam đều cần phải suy gẫm... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021