tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Vài suy nghĩ và kinh nghiệm về kỹ thuật ‘dòng ý thức’  [đối thoại]

 

Tôi rất thích cách nhà văn Phùng Nguyễn dùng chữ “đi một lèo!” để diễn tả lối viết không chấm câu. Thật vậy, quả là “đi một lèo!”

Lối viết “đi một lèo!” này chắc chắn sẽ tiếp tục gây ngạc nhiên (và bực mình?) cho nhiều độc giả người Việt, nhưng thật ra, nó không quá mới lạ. Và nó cũng là một kỹ thuật viết hết sức cần thiết cho những văn cảnh thích hợp — cần thiết đến mức hầu như không thể thay thế.

Người ta đã gọi nó là kỹ thuật ‘dòng ý thức’ — một kỹ thuật đã được một số nhà văn tiền vệ (avant-garde) ở châu Âu ứng dụng từ hồi đầu thế kỷ 20.

Năm 1999, trong tạp chí Việt (số 3, chuyên đề “Cái Mới Trong Văn Chương”), tôi đã có bàn về kỹ thuật này trong tiểu luận “Vấn đề cái mới trong tiểu thuyết thế kỷ 20” (đã đăng lại toàn bài trên Tiền Vệ). Nay tôi xin chép lại ở đây những đoạn cần thiết để chia sẻ cùng bạn văn và bạn đọc. Sau đó, tôi xin giới thiệu đến các bạn truyện ngắn “Bên ngoài kinh Qur’an” do tôi viết vào tháng 11 năm 1998, trong đó tôi đã ứng dụng kỹ thuật này.

 

_________

 

[...]

Bước vào thế kỷ 20, cuốn Ulysses (1922) của nhà văn Ái Nhĩ Lan James Joyce là tác phẩm thực sự đáng lưu ý. Hai mươi bảy năm sau khi tiểu thuyết này ra đời, học giả Hyram Haydn ghi nhận: “Tác phẩm thí nghiệm khổng lồ này, kiệt tác của trường phái ‘dòng ý thức’, đã được công nhận là một tiểu thuyết quan trọng nhất và tạo ảnh hưởng lớn nhất của thế kỷ.”

[...]

Cực điểm của kỹ thuật ‘dòng ý thức’ trong tác phẩm này là một cuộc độc thoại nội tâm của Molly Bloom nằm trên giường chập chờn suy nghĩ triền miên. Cuộc độc thoại nội tâm này nằm ở cuối sách, kéo dài gần 44 trang rưỡi, mà chỉ có một dấu chấm câu.

Như chúng ta biết, nhà tâm lý học William James đã phân tích và mô tả hiện tượng ‘dòng ý thức’ trong tác phẩm đồ sộ Principles of Psychology (Những nguyên tắc tâm lý học, 1890), và chính ông đã đặt ra thuật ngữ ‘stream of conciousness’. Vào năm 1916, James Joyce đã bắt đầu tìm cách mô tả ‘dòng ý thức’ trong cuốn A Portrait of the Artist as a Young Man (Người nghệ sĩ qua hình ảnh một chàng trai), nhưng chưa thuần thục về kỹ thuật. Những khám phá có vẻ tương tự với kỹ thuật ‘dòng ý thức’ cũng có thể được tìm thấy thấp thoáng trong bộ Tristram Shandy (1760-67) của Laurence Sterne, trong cuốn Les Lauriers sont coupés (Những cây nguyệt quế bị đốn, 1888) của Edouard Dujardin, trong bộ À la recherche du temps perdu (Tìm những thời đã mất, 1913-27) của Marcel Proust, và trường thiên Pilgrimage (Chuyến hành hương, 1915-38) của Dorothy Richardson. Henry James và Dostoievsky cũng đã thấp thoáng cho thấy những ý niệm tương tự. Nhưng phải đến cuốn Ulysses của Joyce, kỹ thuật ‘dòng ý thức’ mới thực sự chín mùi đúng mức. Từ đó, tiểu thuyết thế kỷ 20 bắt đầu có một phương tiện mới để kể những điều mà tiểu thuyết cũ đã không thể kể.

Với kỹ thuật ‘dòng ý thức’, tiểu thuyết bắt đầu tiến đến gần hơn với giá trị mỹ thuật của những nghệ thuật khác: ta không thể rút gọn được tác phẩm. Như chúng ta thấy, không ai có thể rút gọn một bản nhạc, một bài thơ, một vũ điệu, hay một bức hoạ; chúng ta chỉ có thể thưởng thức chúng đúng như nguyên dạng của chúng. Nhưng chúng ta có thể tóm lược một tiểu thuyết cũ. Thậm chí, nhiều khi bản tóm lược còn có vẻ cô đọng hơn, có tác dụng sắc cạnh hơn nguyên bản. Trong suốt nhiều thập niên vừa qua, nhà xuất bản Reader’s Digest đã không ngừng tung ra những tiểu thuyết rút gọn (condensed) tràn ngập thị trường, và bán rất chạy. Nhưng nhìn lại, chúng ta chỉ thấy đó toàn là những tiểu thuyết viết theo bút pháp hiện thực kiểu thế kỷ 19. Người ta không thể rút gọn được loại tiểu thuyết mới có sử dụng kỹ thuật ‘dòng ý thức’ trước hết là vì họ không thể tìm ra một cốt chuyện rõ ràng. Bên cạnh đó, giá trị mỹ học của kỹ thuật sử dụng ngôn ngữ không chấp nhận hành động tóm lược. Rút gọn là kể lại theo cách ngắn gọn hơn, nhưng đối với một cuốn như Ulysses thì vô phương kể lại.

[...]

 

Lối viết không có dấu chấm hết ở cuối truyện cũng đã được James joyce thực hiện từ đầu thế kỷ 20, trong cuốn tiểu thuyết Finnegans Wake.

[...]

Hãy đọc đoạn mở đầu:

riverrun, past Eve and Adam’s, from swerve of shore to bend of bay, brings us by a commodius vicus of recirculation back to Howth Castle and Environs.

Ta thấy chữ đầu tiên của tác phẩm, riverrun, không được viết hoa, như thể nó là một chữ ở giữa câu.

Hãy đọc đoạn kết thúc của tác phẩm:

End here. Us then. Finn, again! Take. Bussoftlhee, mememormee! Till thousendsthee. Lps. The keys to. Given! A way a lone a last a loved a long the

Tác phẩm kết thúc với mạo tự the bỏ lửng, và không có dấu chấm câu, dẫn ngược người đọc trở lại từ đầu với chữ riverrun. Điều này gợi đến sự tiếp tục không ngừng của chuyển động thế giới bên trong và bên ngoài dòng ý thức của con người. Ở đây, sự chuyển động chợt quay ngược lại từ đầu như ý niệm lịch sử tái diễn theo chu kỳ của Giambattista Vico: câu cuối của tác phẩm chợt quay vòng lại, nối tiếp với câu đầu, như một người hay một thế giới chìm đắm trong những cơn mộng triền miên chợt thức giấc, chợt sống lại, và làm lại từ đầu một lịch sử khác, để lại dấu vết của lịch sử cũ sau lưng.

[...]

Tất cả những kỹ thuật trong Ulysses đều được sử dụng lại ở Finnegans Wake, nhưng những hiệu quả mang tính tả thực và tự nhiên chủ nghĩa đều bị xoá nhoà bằng một bức màn ngôn ngữ vừa tạo thanh vừa tạo hình, biến thành một ảo trạng đa tầng và đa giác. Joyce đánh vỡ giới hạn của ý niệm về đề tài. Những dòng ý thức và những mảnh tiềm thức đan vào nhau như một ma trận cực kỳ phức tạp của thế giới bên trong con người. Trật tự tuyến tính giả định của hiện thực bên ngoài bị triệt tiêu, để từ đó một ‘trật tự’ khác của thế giới bên trong được nhìn thấy đúng như chính nó Ồ một thế giới phi thời gian, phi không gian, bất định, năng động và vĩnh viễn bất khả đoán. Thế giới bên trong con người, qua sự khai mở của Joyce, cho thấy nó không phải chỉ là một cõi nhỏ nhoi và bị khép kín trong những định chế của ý thức hệ và văn hoá. Ngược lại, nó có thể là một thế giới cực kỳ phong phú, chứa đựng tất cả những mảnh đa sắc của hiện thực thế giới vô biên bên ngoài.

 

_________

 

Cũng trên tạp chí Việt (số 3, chuyên đề “Cái Mới Trong Văn Chương” ), tôi đã công bố một truyện ngắn viết vào tháng 11 năm 1998, với nhan đề “Bên ngoài kinh Qur’an”. Rất nhiều đoạn trong truyện này đã áp dụng kỹ thuật ‘dòng ý thức’ với lối viết “đi một lèo!”.

Đây là một truyện ngắn về cuộc tình của Nhân, một thanh niên người Việt, và Fatimah, một cô gái Ả-rập. Những trở ngại của văn hoá và tôn giáo đã đưa cuộc tình của họ đến một kết thúc bi đát.

Truyện được viết với cầu trúc như hai tấm gương soi vào nhau (palindromic structure), gồm có 7 chương:

I. Căn phòng / II. Chiêm bao và ảo ảnh / III. Những đoạn nhật ký đáng lưu ý / IV. Jihad / V. Những đoạn nhật ký đáng lưu ý / VI. Chiêm bao và ảo ảnh / VII. Căn phòng

Ba chương đầu (I. Căn phòng / II. Chiêm bao và ảo ảnh / III. Những đoạn nhật ký đáng lưu ý) là những diễn biến trong thế giới hiện thực và nội tâm của Nhân.

Ba chương cuối, với thứ tự ngược lại theo thế đối xứng (V. Những đoạn nhật ký đáng lưu ý / VI. Chiêm bao và ảo ảnh / VII. Căn phòng), là những diễn biến trong thế giới hiện thực và nội tâm của Fatimah.

Chương IV. Jihad [tức là “Cuộc thánh chiến”] nằm ngay chính giữa sự phản chiếu đối xứng của hai thế giới ấy. Chương này được viết như một dàn hợp ca gồm 3 bè đồng hiện và xen lẫn vào nhau; mỗi bè được phân biệt bằng một font chữ khác nhau: chữ thường, chữ xiên, và chữ nhỏ.

Tôi áp dụng kỹ thuật ‘dòng ý thức’ ở hai chương: “II. Chiêm bao và ảo ảnh” (để diễn tả những giấc chiêm bao và những ảo ảnh của Nhân), và “VI. Chiêm bao và ảo ảnh” (để diễn tả những giấc chiêm bao và những ảo ảnh của Fatimah).

Trong quá trình viết truyện, tôi nhận ra rằng không thể có cách viết nào khác tốt hơn cho hai chương này. Tôi đã áp dụng kỹ thuật ‘dòng ý thức’ một cách hoàn toàn có chủ định, và kết quả là tôi rất hài lòng với hai chương này. [Mời các bạn bấm vào link này để thưởng thức trọn vẹn truyện ngắn “Bên ngoài kinh Qur’an”]

 

Hoàng Ngọc-Tuấn

 

 

-----------------

Bài liên quan:

07.10.2011
[BÚT PHÁP] ... Có ít nhất một điều rất thú vị trong “con đường” của Nhã Thuyên. Cũng như các truyện ngắn khác thuộc dạng mà tôi tạm gọi là “đi một lèo,” người đọc sẽ không tìm thấy dấu chấm nào trong đó. Tuy vậy... (...)
 
06.10.2011
[BÚT PHÁP] ... Thưa độc giả Đào Thị Ngọc Thu. Cảm ơn chị đã đọc tác phẩm của tôi, ... tôi không biết nên trả lời chị như thế nào cho gãy gọn và sáng rõ về việc tôi cố ý không phân đoạn và chấm câu (ở truyện “con đường”, tôi cũng cố ý không viết hoa nhan đề, không viết hoa chữ đầu tiên, không có cả dấu chấm cuối cùng)... (...)
 
[BÚT PHÁP] ... Thân gởi hai tác giả Nguyễn Thanh Hiện và Nhã Thuyên. Tôi mới đọc ba bài viết của anh và chị trên Tiền Vệ... Rất cám ơn anh và chị đã cho độc giả những trang viết hay, lạ và nhiều điều mới mẻ. Tuy nhiên, tôi có điều này xin phép hỏi anh và chị. Tôi thấy ba bài viết này có điểm giống nhau là viết không có phân đoạn và chấm câu... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021