tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Giã từ talawas  [đối thoại]

 

Ba câu phỏng vấn cuối cùng của talawas đã được nhiều bạn văn trả lời rất xác đáng, rất sâu sắc. Đúc kết tất cả, chúng ta có một kho ý tưởng phong phú về những vấn đề hệ trọng nhất của Việt Nam hiện nay. Tôi tự thấy mình không thể nói thêm một điều gì hay ho hơn nữa. Do đó, thay vì cố gắng trả lời ba câu hỏi ấy, tôi chỉ xin viết ra những tâm tình đơn sơ dưới đây để thay một lời giã từ talawas.

 

*

 

Tôi đọc talawas không chỉ như một thói quen, mà như một nhu cầu thường xuyên, gần giống với sự ghiền thuốc lá (tôi không thể bỏ thuốc lá, dù đã từng cố gắng!). Hầu như ngày nào tôi cũng đọc talawas, thậm chí có ngày tôi đọc nhiều lần nếu trên talawas đang diễn ra những đề tài quan trọng. Không chỉ đọc các bài viết, tôi đọc cả những ý kiến của độc giả, và đôi khi tôi cũng tham gia góp ý. Công việc hàng ngày của tôi rất bận rộn, nên ít khi tôi có thì giờ để đọc một hơi hết cả các bài mới, mà talawas lại cập nhật bài mới mỗi ngày vài lần, vì thế tôi thường phải trở lại hơn một lần để tiếp tục đọc. Trong những chuyến du lịch hay làm việc ở những nơi không thuận tiện truy cập internet, mỗi khi có cơ hội, tôi vào copy các bài mới trên talawas, giữ trong một cái USB để đọc dần trong những lúc có thì giờ.

Bạn bè và các em tôi ở Sydney dường như ai cũng đọc talawas hàng ngày, và talawas chiếm một phần nhất định trong ý nghĩ của họ. Mỗi năm, chúng tôi có rất nhiều dịp để quây quần gặp gỡ với nhau, và hầu hết những gì chúng tôi đem ra bàn bạc bao giờ cũng xoay quanh các đề tài về văn học, nghệ thuật và chính trị, đặc biệt là chính trị; và hiển nhiên các bài viết và ý kiến trên talawas đã cung ứng phần lớn chất liệu cho những cuộc trò chuyện giữa chúng tôi. Đó là chưa kể rằng trong những cuộc trao đổi qua điện thoại, những buổi cà phê giữa đôi ba người,... talawas cũng thường xuyên được nhắc đến. Chín năm hiện diện của talawas nhất định đã mang đến cho khả năng suy luận và nhận định chính trị xã hội của chúng tôi thêm những chiều sâu và những bề rộng đáng kể. talawas là nơi chúng tôi hàng ngày tiếp cận để thu nhận thông tin và có cơ hội cọ xát với những vấn đề nhức nhối của cuộc sống Việt Nam. Bởi thế, sự hoá thạch của talawas sau ngày 3/11/2010 chắc chắn sẽ làm chúng tôi cảm thấy hụt hẫng.

Nhớ lại hồi đầu năm 2010, lúc talawas và một loạt trang web khác bị tin tặc đánh sập, bạn bè chúng tôi ở Úc đã gọi điện thoại cho nhau và đến gặp nhau để trò chuyện trong một tâm trạng căm giận đối với những thế lực đang ra sức ngăn chặn tiếng nói tự do dân chủ. Trong thời gian talawas ngưng sinh hoạt, mỗi ngày tôi vẫn gõ talawas.org vào browser dăm ba lần, với hy vọng thấy talawas sống lại. Thế rồi, một hôm, sau nhiều ngày chờ đợi trong sự thất vọng, tôi đã liên lạc với nhà văn Phạm Thị Hoài để hỏi thăm khả năng hồi sinh của talawas. Được biết tình trạng của talawas lúc ấy rất khó khăn, tôi đề nghị với Hoài để cho em trai của tôi (tức là Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia về internet) giúp khôi phục lại talawas và thiết lập một hệ thống kỹ thuật tốt hơn để bảo quản an ninh. Sau đó, Hoài và Diêu đã liên lạc với nhau, và Diêu đã nhiệt tình góp tay vào công việc. Thế rồi, talawas sống lại. Chúng tôi rất đỗi vui mừng. Kể từ đó, Diêu tình nguyện theo dõi và bảo quản an ninh cho talawas, liên tục đối phó với những đợt tấn công đủ cỡ, đủ kiểu của tin tặc...

Một hôm, cuối tháng 9/2010, Diêu nói với tôi: “Chị Hoài cho em biết rằng từ đầu tháng 11 sắp tới talawas sẽ ngưng sinh hoạt...” Tôi nói với Diêu: “Hãy hy vọng là talawas tạm ngưng một thời gian để cải tiến, cũng như hồi đầu tháng 11/2008 talawas đã dừng lại khoảng vài tháng, trước khi biến thành talawas blog sinh động hơn... Nhưng cũng có thể lần này talawas sẽ thật sự giã từ, vì có lẽ Hoài muốn trở lại với công việc sáng tác. Kể từ lúc talawas chào đời cho đến nay, Hoài đã quá bận rộn điều khiển diễn đàn, không còn thời gian để viết tiểu thuyết. Hoài mà ngưng viết tiểu thuyết thì quá uổng cho tài năng của Hoài, nhưng talawas mà ngưng sinh hoạt thì chúng ta lại mất đi một diễn đàn quan trọng của những đối thoại tự do và dân chủ về mọi phương diện của đất nước Việt Nam. Thật ra, vài năm trở lại đây, Hoài đôi lúc đã có ý muốn ngưng talawas đúng vào sinh nhật 3/11 để có một kết thúc tròn trịa, nhưng rồi Hoài vẫn cho talawas tiếp tục triển hạn thêm một năm nữa, rồi một năm nữa... vì các vấn đề của đất nước cứ dồn dập xảy ra không ngớt... Lần này chúng ta hãy hy vọng rằng Hoài sẽ có một giải pháp nào đó để vừa có thể trở lại với văn chương, nhưng vừa có thể tiếp tục duy trì talawas...”

Thế rồi, vào sáng sớm ngày 21/10/1020, tôi nhận được từ nhà văn Phạm Thị Hoài một email kèm 3 câu phỏng vấn cuối cùng của talawas. Trong email có câu: “Quyết định đã được bỏ phiếu từ mấy tháng trước rồi...” Tôi thẫn thờ một lát, muốn gửi Hoài một email để nói “khoan đã...”, nhưng tôi biết rằng mọi sự đã được quyết định.

Để tự trấn an, tôi pha một tách café, và giở sách ra, tìm lại một đoạn văn của Mario Vargas Llosa trong tiểu luận “Literatura y exilio”:[*]

“Để phục vụ cho đất nước, nhà văn không có cách nào tốt hơn là viết văn với sự nghiêm túc và lòng thành thật tối đa. Nhà văn chứng tỏ sự nghiêm túc và lòng thành thật của mình bằng cách đặt thiên chức của mình vào vị trí ưu tiên và bằng cách tổ chức cuộc sống của mình sao cho phù hợp với công việc sáng tạo. Văn chương là sự trung thành đầu tiên, trách nhiệm đầu tiên, nghĩa vụ đầu tiên của nhà văn.”

Trong tiểu luận ấy, Mario Vargas Llosa còn đưa ra một so sánh rất sâu sắc. Theo ông, đôi khi một nhà văn cũng có thể phục vụ đất nước bằng cách gác việc sáng tác sang một bên để làm “một nhà báo giỏi, một nhà giáo tốt hay một nhà vận động văn hoá hữu hiệu”, nhưng chính sự chọn lựa này lại tước đoạt mất một nhà văn của đất nước. Mario Vargas Llosa cho rằng một người có tài năng văn chương thì tốt nhất nên làm một nhà văn, vì:

“Đây không phải vấn đề nhận biết cái gì quan trọng hơn, hữu ích hơn; một thiên chức (đặc biệt là thiên chức của nhà văn) thì không thể được quyết định một cách chính xác trên những tiêu chuẩn mang tính thương mại, lịch sử, xã hội hay đạo đức.”

Tôi cảm thấy vui trở lại sau khi ngẫm nghĩ về những lời của Mario Vargas Llosa.

 

*

 

Tôi tin rằng nhà văn Phạm Thị Hoài quyết định ngưng sinh hoạt talawas để tiếp tục viết tiểu thuyết. Tất nhiên tôi buồn vì không còn được đọc talawas mỗi ngày, nhưng tôi cảm thấy vui vì nhà văn tài hoa của chúng ta lại trở về với công việc sáng tạo văn chương. Chín năm điều khiển diễn đàn talawas đã là một hy sinh lớn của nhà văn. Bây giờ Hoài có quyền trở lại với nghệ thuật của mình. Tôi tin chắc rằng sớm muộn gì rồi cũng sẽ có một (hay những) diễn đàn khác ra đời để tiếp nối những gì talawas đã làm, vì chín năm tồn tại của talawas đã để lại một con đường rõ nét cho những người có nhiệt tâm, có khả năng, theo đó mà tiếp tục thực hiện và khai triển mỗi lúc một hữu hiệu hơn.

Hôm nay là ngày cuối cùng của talawas. Tôi không biết nói gì hơn là trân trọng bày tỏ lòng cảm kích đối với sự cống hiến to lớn của nhà văn Phạm Thị Hoài và tất cả các anh chị em trong ban biên tập talawas trong những năm qua. Xin chân thành cầu chúc các bạn một tương lai đầy thành công trong sự nghiệp của mình

 

Sydney, 01 giờ, 3/11/2010

 

_________________________

[*]Mario Vargas Llosa, “Literatura y exilio”, Contra viento y marea, I (1962-1972), Barcelona: Seix Barral, 1986, 111-138.

 

 

----------------

Bài liên hệ:

28.10.2010
[DIỄN ĐÀN TỰ DO] ... Cách đây mấy ngày, tôi nhận được email của nhà văn Phạm Thị Hoài báo tin Talawas sẽ chấm dứt hoạt động vào ngày 3 tháng 11, lúc Talawas vừa tròn 9 tuổi. Sau đó, bản thông báo chính thức đã được đăng tải trên Talawas vào ngày 23 tháng 10. Đọc cả hai, tự dưng tôi cảm thấy buồn hiu hắt... Talawas đóng cửa, mất đi một diễn đàn có tầm vóc, hẳn những người có lòng sẽ ít nhiều cảm thấy bơ vơ. Ít nhất cho đến lúc một diễn đàn bề thế khác xuất hiện... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021