tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nỗi niềm hậu hiện đại 2  [đối thoại]

 

1. Về chuyến xe thơ khởi động đầy hứa hẹn Thơ đến từ đâu? do Nguyễn Đức Tùng cầm lái trên Talawas, Inrasara được hân hạnh ngồi ghế số 2; đến khi xe cập bến Việt Nam đầy bão táp thì tất cả hành khách được phân lô theo trật tự abc để tránh chen lấn. Khá đáo để. Khách lên bờ (mãi sau, NĐT bảo do gởi nhầm địa chỉ, nên tôi không nhận được thư, và tôi hoàn toàn không biết tình hình gì trong thời gian sách in), dòm lại thấy có mòn hao vài sợi tóc bạc:

“[bài thơ thích nhất là] Gia tài của Nguyễn Hoàng Nam và bài Khóc Văn Cao của Bùi Chát” rơi mất đâu chữ “Bùi”, thành ra mỗi “Chát”; còn “nhóm Mở Miệng” thì còn lại thành: nhóm MM” (nỗi này người biên tập đã xin lỗi chung về “viết tắt”).

Thế thôi, với tôi vậy là ổn, phần tôi không vấn đề gì để kêu ca. Chỉ tiếc ví mà biết trước, chắc tôi nhờ anh thay hình mới chứ không là tấm ảnh đầy phong độ chộp từ hơn chục năm trước, để tránh tiếng với đời là cái ông rọm tới nơi mà còn... đoảng.

 

2. Ở một bài liên quan, Nguyễn Quốc Chánh viết:

“Vì không thể bẽn lẽn thêm nữa nên tôi đã phải từ chối cái rẹt lời rủ rê cố đấm ăn xôi (tôi nhấn mạnh) của ông Inrasara trong cuốn Thơ hậu hiện đại gì đó được hứa là sẽ xuất bản chính thức...”

Quả thật, tôi không hiểu nổi tác giả muốn ám trỏ nỗi gì. Không hiểu, nên thử dò la manh mối.

Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại khác cả trời biển với Thơ đến từ đâu? từ cách làm đến mục đích.

- Mục đích: Ý hướng tìm hiểu tâm hồn người Việt, tôi chọn thơ Việt hôm nay làm đối tượng. Thơ Việt đương đại trong đó có Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại gồm ba phần: Tổng luận - Phê bình - Tuyển thơ, nhấn ở hai khoản trước, tuyển thơ là để minh họa.

- Cách làm: Nếu Thơ đến từ đâu? thuộc thể loại phỏng vấn cần hiệp lực tác chiến từ hai bên mới ra hình hài, thì Thơ Việt đương đại lại khác: Người làm phê bình có thể phê bình mà không cần hỏi í kiến tác giả. Chỉ vì công cuộc có tuyển thơ (liên quan đến bản quyền), và để bổ khuyết tư liệu, nên tôi mới liên hệ với tác giả. Danh sách 78 người gồm đủ khuynh hướng, tôi đều có “Thư mời chung” (nhưng gởi thư điện tử đến từng địa chỉ một), ở đó bảy vị từ chối vì lắm lí do, bằng nhiều thái độ khác nhau. Gặp trường hợp này, tôi có “Thư riêng” giải minh. Qua giải minh, ba người vui vẻ nhập cuộc chịu chơi, bốn còn lại giữ vững lập trường. NQC rơi vào con số 4 này. Tôi đã một lần nói rõ sự vụ ở Tiền Vệ: “Bạn không thích ngồi chung mâm với nhóm Mở Miệng thì xin miễn bàn. Bạn ban đầu khá nhiệt tình nhưng sau xin rút, bảo thơ mình không liên can gì đến tạp chí Thơ, tạp chí Việt, hay Bùi Giáng. Thật sự đến lúc này tôi cũng không hiểu ý của bạn. Có lẽ có vài ngộ nhận nhỏ nào đó ở góc khuất tâm linh nào đó. Riêng bạn không muốn dính dáng đến nhà nước...”[1]; bạn nữa dứt khoát “bác không thể nhét tôi nằm chung với đám phản động này được”. Tôi tôn trọng chọn lựa của các bạn và đã nói lời cám ơn, rất mực văn minh phong vận.

Vậy thôi, không gì khác.

Tôi chưa bao giờ gởi thư mời lần thứ hai cho tác giả nào bất kì. Tánh tôi từ thuở mẹ đẻ đã thế, đồng bào nào không tin cứ về làng thổ cẩm Caklaing đất nắng Phan Rang hỏi ông anh ruột tôi là Phú Đạm thì biết ngay! Mười hai năm trải qua ba cơ quan Nhà nước khác nhau cho đến khi làm nhà văn tự do vào tuổi tứ thập, đố bà con nhìn thấy đơn xin việc của tôi.

- In ấn: Sống ở Việt Nam, viết sách, tôi in “trong nước” Việt Nam - là vấn đề chả cần bàn. Ồ, ví mà có nhà xuất bản ngoại quốc nào đó hợp đồng in chúng thì sướng rên. Toàn bộ chữ nghĩa ấy, trong đó có nghiên cứu - phê bình phục dịch cho Thơ Việt đương đại đều đã đưa lên Tiền Vệ, Inrasara.com,... Rồi khi làm bản thảo, tôi giao cho nhà xuất bản và Công ty Sách lo liệu tất tần tật. Bảy công trình khác của tôi cũng thế, có cái ba năm vẫn chưa nghe nó oe oe chào đời, tôi cũng không nửa lần hỏi han hay trăn trở chuyện ngoài lề, rằng nó có vấn đề gì không, hay tôi có phải chung chi không? Ừ, nếu có nhà nào ì thì tôi ì lại, bởi đơn giản tôi chưa biết tới khái niệm “chạy” là gì.

 

3. Tóm lại: 1- Song thoại với cái mới (NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2008) sau 15 tháng chờ, Ban biên tập không bỏ một câu hay nửa dòng, ngoài duy nhất chữ “nhà xuất bản” trong “nhà xuất bản Giấy Vụn”; 2- Tôi không đòi hỏi mình phải được dành ghế ngồi ở Thơ đến từ đâu? Nhập cuộc văn chương, tôi chưa từ chối cuộc phỏng vấn nào bất cứ, từ Tiền Vệ, Talawas đến Thiếu nhi dân tộc,... ; cũng không chê bai hay ưỡn ngực về tuyển nào bất kì, từ tuyển thơ CLB thơ tỉnh lẻ, dân tộc thiểu số cho chí “tinh tuyển” thơ “cấp quốc tế”, tôi đều vô tư, vô vị lợi và vui vẻ; còn nếu có ai dùng phỏng vấn hay tuyển đó vào mục đích nào đó thì hết thuộc vòng kiểm soát của tôi rồi; 3- Tôi càng chưa hề năn nỉ hay “cố đấm” mời cho kì được ai ngồi vào chiếu Thơ Việt đương đại; cho nên nếu vị nào mong giải quyết khâu oai với tôi ở khoản này thì nên đi chỗ khác chơi là vừa.

 

4. Tạp chí Hồn Việt do Mai Quốc Liên tổng biên tập, số 6, tháng 12-2007, Vũ Hồng Ngự (?) sau khi mang bài thơ “Lỗ thủng lịch sử” của Nguyễn Hữu Hồng Minh ra “đánh”, đã chỉ [điểm] đích danh tôi mà quy kết:

“Nhưng tuyên bố như ông Inrasara, người luôn cổ vũ, tuyên truyền cho các dòng thơ phá phách “hậu hiện đại” này (...) thì là phi lịch sử và nhất là ẩn đằng sau những lời lẽ cổ vũ ấy là những hàm ý sâu xa hơn, thách thức hơn, kích động hơn (Inrasara nhấn mạnh), không khó nhận thấy.”

Trong lúc tôi chưa nửa lần bàn tới bài thơ trên ở bất kì đâu!

Là chuyện tôi cũng không hiểu nổi!

Một nhà phê bình ở phía bên này đã vậy, đành vậy. Đó là sự việc của hai năm cũ. Hôm nay, một nhà thơ ở phía khác ôm mang tâm sân hận đẩu đâu giận cá ải ai xách con dao tạt qua chém thớt nhà Inrasara tôi, thì hơi bị... trật. Ơn trời, may mà hụt, nếu không, nhỡ tôi nổi hứng ba gai quay lại tặng anh một thụi, hỏi anh biết đàng nào mà rờ đây. Buồn [và] cười vậy đó!

Bảy năm nghiên cứu thơ Việt mà tôi tạm gọi là “phê bình lập biên bản”[2] với mục đích “tìm hiểu tâm hồn Việt”, đến nay có thể khẳng định mà không sợ sai là: Tôi chưa hiểu gì cả.

 

5. Tuổi 15, khi tôi đang ngồi năm cuối Trung học đệ nhất cấp, Paul Mus đã khiến tôi kinh hồn khi phán rằng văn học Chăm có thể chỉ tóm gọn trong hai chục trang sách, nghĩa là chả có gì đáng nói. Thế là tôi đi và tìm, “từ bàn chân trần trắng, từ con số không, từ con số âm - có lẽ”, để 25 năm sau cho ra Văn học Chăm, khái luận - văn tuyển (3 tập). Công trình được nhà xuất bản in ngay, và cũng ngay sau đó tôi nhận nắm xôi 1.000 francs của CHCPI khá thơm tho.

Rồi sau bảy năm nhập làng chữ nghĩa Việt, khi nhận thấy thơ đổi mới đã qua ải từ lâu nhưng chẳng có nhà phê bình nào làm quyết toán; thơ hậu hiện đại đi gần hết chặng đường dài với bao thành tích mà vẫn chưa ai lập danh sách ghi công; thơ của các cây bút mới đang làm cuộc bứt phá ngoạn mục vài năm qua cũng thế, nói chi thơ dân tộc thiểu số mãi chịu phận hẩm hiu dù nó không thiếu món “đậm đà”, thế là tôi xắn ống quần vào cuộc. Thơ Việt đương đại sau năm năm lặn lội tạm kết thúc: Thơ đổi mới, một khởi đầu mới: 12 vị; Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại: 17 tác giả; Thơ DTTS Việt Nam, từ một hướng nhìn đông: 10 người; và Các khuôn mặt mới: 15 nhà (và còn hứa hẹn).[3]

Một cái Tết đi qua, thêm cái nữa sắp tới mà tất cả vẫn còn ngồi hít bụi nơi cửa xuất bản[4] nói chi người viết có miếng xôi nhuận bút cầm tay, chỉ thỉnh thoảng nghe tiếng bấc chì ném qua lại lộp bộp, ở đó vài cái miểng có văng tới phía mình. Đôi lúc buồn - “muốn gầm một tiếng tan u uất” hay tủi - toan học đòi bác Bàng Giúi “giã từ cõi mộng điêu linh/ anh về buôn bán với mình phôi pha”. Nhưng nghĩ lại, thôi thì cứ nếp nhà ông Inrasara thuở Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức (NXB Hội Nhà văn, 2006) mà trì trì:

Không bên lề
không trung tâm
tôi trú trên đường biên
 
Không ngoài luồng
không chánh lưu
sống như thể không đường biên
 
Cũng chẳng có gì trầm trọng cả
mỗi các ông cứ dựng chòi
mỗi các ông cứ có mặt như một biên giới.

 

Sài Gòn, 10-12-2009

 

_________________________

[1]Xem thêm: “Nỗi niềm hậu hiện đại — Thay lời kết”, đã đăng trên Tiền Vệ.

[2]Xem Inrasara, “Thơ Việt sau hậu hiện đại & Phê bình mở”, Tổng luận 15 khuôn mặt thơ mới:

“Thời đại toàn cầu hóa mà văn học Việt Nam vẫn đóng, hoặc có mở nhưng chỉ he hé. Sáng tạo văn chương đã mở với trào lưu sáng tác hậu hiện đại, nhưng lối tiếp cận và lối đọc văn chương ta vẫn cứ đóng. Đóng, cả ở phía phê bình. Phê bình nhìn tác phẩm văn chương như là một sản phẩm chết đã đành, nó còn í đồ loại bỏ thứ văn chương không hợp khẩu vị, khác với hệ mĩ học truyền thống, đi chệch khỏi quan điểm sáng tác của mình ra khỏi đời sống văn học. Hầu hết sáng tác hậu hiện đại Việt cùng với hàng trăm tác phẩm xuất bản không chính thống chưa được hân hạnh có mặt trong đời sống phê bình văn học thời gian qua, xuất phát từ tinh thần chối bỏ hẹp hòi ấy. Phê bình lập biên bản có mặt để giải quyết vấn đề khúc mắc đó.
 
Lập biên bản có nghĩa là chấp nhận mọi hiện tượng văn chương xảy ra trong thời đại ta đang sống. Bày nó ra như nó là thế, tìm hiểu triết lí trên đó thơ văn đó nảy sinh... Các quan điểm sáng tác ấy chưa hẳn đã cùng lối nghĩ của tôi hay tôi đã đồng tình hoàn toàn với nó, nhưng tôi cố gắng nhìn nhận nó như nó là thế (...).
 
Bất kì hiện tượng văn học nào tồn tại đều có lí do của nó. Tìm hiểu tinh thần con người thời đại thì không thể bỏ rơi chúng, miệt thị chúng. Tôi không cho phong trào văn chương thời thượng nào đó thì tiên tiến hơn cái có trước, không cho hậu hiện đại tiến bộ hơn hiện đại, tượng trưng lạc hậu so với siêu thực. Mỗi trường phái văn nghệ đều có thể hiến tặng cho nghệ sĩ một cách biểu hiện khác. Chúng góp nhiều chiều nhìn để làm phong phú cuộc sống tinh thần nhân loại. Nhìn văn học trong tiến trình và biến trình của nó - từ một tác giả, một nhóm tác giả cho đến một trào lưu - là cái nhìn khả dĩ hơn cả. Chỉ có thái độ và hành vi cản trở sự hình thành và phát triển cái mới mới là lạc hậu và phản [chuyển] động. Tôi chống lại nó”.
 

[3]Lí là thế, tình thì như vầy:

“Tôi yêu tiếng Việt, yêu các thi sĩ mà tôi nghĩ họ đang sáng tạo. Hết mình và sẵn sàng trả giá cho sáng tạo. Các nỗ lực đó nếu không được ghi nhận thì đáng buồn biết bao. Dù nhà thơ có vẻ đang mất thế giá trong xã hội, hay cho dù văn chương chẳng là cái đinh gì cả giữa vũ trụ vô cùng, thiên địa du du. Thơ Việt, từ hiện đại đến hậu hiện đại làm cái chuyện không là gì cả nhưng cần thiết đó” (Xem: “Nỗi niềm hậu hiện đại — Thay lời kết”).

[4]Mươi năm qua đa phần nhà xuất bản Nhà nước chỉ đóng vai bán giấy phép, các Nhà sách hay Công ty tư nhân thì thấy có lợi nhuận hay để đánh bóng danh tiếng, mới in (đương nhiên rồi); còn tôi thì - ngoài thơ - không ý định bỏ tiền ra để in tác phẩm mình, nên việc các cuốn sách này không mở mắt được hoàn toàn chưa hẳn vì chúng có vấn đề gì đó. Đến hôm nay nếu người viết còn mang ý đồ ăn theo “có vấn đề gì đó” để nổ thì rất ngớ ngẩn, nó chỉ có thể lừa được bộ phận độc giả nhẹ dạ mà thôi.

 

 

---------------

Bài liên hệ:

26.12.2009
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Trong thời đại này, hình như một ý thức văn hoá cũng đồng thời là một ý thức về chính trị. Những ám ảnh về kiểm duyệt ở xã hội Việt Nam hiện tại một phần có thể do chính bản thân người viết, với nỗi sợ hãi lẫn hèn hạ tự thân... (...)
 
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Một khi quyền lực và quyền lợi thống nhất, như ở Việt Nam, thì quyền con người trở nên bấn loạn. Trong sự bấn loạn của quyền con người, tôi chỉ có một cách vớt vát là thể hiện tối đa quyền từ chối... (...)
 
19.12.2009
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... đêm trước anh ngủ mơ / thấy những con chữ mình mẩy thương tích / bò chậm chạp lên người / chui vào thất khiếu vùng vẫy rên la / réo tên anh đòi mạng / anh thức giấc / sợ hãi kinh hoàng... (...)
 
15.12.2009
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Nadine Gordimer: “Tất cả những gì nhà văn có thể làm, như một nhà văn, là tiếp tục viết ra cái sự thật như chính anh ta nhìn thấy. Đó là cái mà tôi gọi là “quan điểm riêng” về những sự kiện, cho dù là những sự kiện lớn của đại chúng như những cuộc chiến tranh và những cuộc cách mạng, hay là những sự kiện cá nhân và thân mật của đời sống thường nhật.” ... (...)
 
08.12.2009
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Người biên tập thật đúng nghĩa phải là người bảo vệ cho tác phẩm, góp phần làm tác phẩm hoàn hảo hơn, và dũng cảm chống lại sự kiểm duyệt của chính quyền độc tài, chứ không để chính mình biến thành công cụ của hệ thống kiểm duyệt... (...)
 
07.12.2009
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Thơ tôi đến từ đâu thì tôi đã nói sơ qua trong bài trả lời phỏng vấn của tôi do nhà thơ Nguyễn Đức Tùng thực hiện, đăng trên Talawas bộ cũ ngày 1.8.2006. Thơ hải ngoại đến từ đâu thì xin thưa tôi thực tình không biết vì tôi ít giao thiệp. Còn thơ trong nước? Có thể một phần lớn (xịn, ngầu nhất?) đến từ bàn tiệc rượu (và mâm thịt chó?)... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021