tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Đi và viết  [đối thoại]

 

Nhớ, trong cuốn Thơ miền Nam (Văn Nghệ, California, 1999, tr. 3047), khi đề cập đến thơ Quách Tấn, Võ Phiến viết:

Thi sĩ Tản Đà có lần nhìn lại đời cầm bút của mình, và viết: ‘Tôi từ khi theo về nghề quốc văn kể có gần mười lăm năm, lên bổng xuống trầm, vào trong ra đục, phong trần chẳng quản, phi nghị mặc ai, thực cũng mong tựa văn chương để có ít nhiều sự nghiệp. Mới đây, tôi ở Hà Nội vào Nam, thăm Thuận An, qua Đà Nẵng, trải Hoành Sơn, Hải Vân, một lần đường bộ, hai lần dường thuỷ, càng thấy gian sơn là to, càng mới biết văn chương là rất nhỏ mà bao nhiêu cái tư tưởng muốn lấy văn chương làm sự nghiệp, tự nhiên như bọt bể mây ngàn’.
 
Ngày xưa, khi thi sĩ viết những lời tâm huyết ấy, tôi mới vừa biết đi trên hai chân chưa được bao lâu. Nằm kềnh ra không phải là đặc điểm của loài người, bò lê bò la bằng cả tứ chi cũng không phải đặ cđiểm của loài động vật người, đứng thẳng di chuyển bằng hai chân mới là người. Vậy ngày thi sĩ Tản Đà ngoái đầu nhìn lại sự nghiệp, tôi loạng quạng bắt đầu làm người.
 
Sau này, gần cuối đời ngẫu nhiên gặp câu văn của cụ, thoạt tiên tôi bất giác mỉm cười: ‘Mới từ Hà Nội vào Nam cụ đã khớp!’

Lại nhớ, một lần ngồi nói chuyện phiếm ở Paris, nhà văn Mai Thảo khoe là, sống ở California, nhưng ông thường bay đến các tiểu bang khác ở Hoa Kỳ để thăm viếng bạn bè, thỉnh thoảng được một số ca sĩ và nhạc sĩ thân quen cho tháp tùng sang Úc, Tân Tây Lan hay một nước nào đó ở châu Á để rong chơi; riêng vào mùa thu, ông thường bay sang Pháp và châu Âu để ngắm lá vàng và nhớ lại những trang thơ văn thật đẹp ông đọc và yêu thích thời thơ ấu.

Nói xong, ông cười, khoe hàm răng khấp khểnh đã rụng khá nhiều, rồi tiếp: “Đi như vậy mới gọi là đi, chứ đi như ông Nguyễn Tuân ngày trước thì ra cái đếch gì!” Rồi ông lại cười.

Dĩ nhiên là Mai Thảo đùa. Cả cái mỉm cười “bất giác” và “thoạt tiên” của Võ Phiến trích ở trên cũng chỉ là nụ cười đùa. Hơn nữa, hai ông chỉ đùa trong chuyện đi chứ không phải trong chuyện viết. Ai cũng biết, trong thế giới văn chương, điều quan trọng nhất là viết hay hay không hay chứ không phải là chuyện đi nhiều hay đi ít.

Nguyễn Tuân cũng từng nhấn mạnh điều đó trong loạt bài “Đi và viết” vào năm 1972. Có điều, với Nguyễn Tuân, riêng cái chuyện đi không cũng đã có một tầm quan trọng đặc biệt. Có lần ông tuyên bố: “Cuộc đời con người làm văn có vẻ như chỉ có hai việc: chân thì đi mà tay thì viết”.[1]

Sau đó, trong một bài viết khác, ông tự điều chỉnh lại, thêm vào một yếu tố thứ ba: “Người làm nghiệp văn thấy hình như đời mình, nghề mình chỉ thâu tóm lại có ba việc cơ bản: đi, đọc, viết.”[2]

Để tăng tính thuyết phục cho nhận định của mình, Nguyễn Tuân dẫn ra tấm gương của Tư Mã Thiên và nhiều bậc tiền nhân khác: “Đông Tây kim cổ, xem ra đã được gọi là danh sĩ thường đều là những vị đi khá nhiều.”[3]

Nói theo ngôn ngữ của Kim Thánh Thán, trong những cái khoái của Nguyễn Tuân, có cái khoái được đọc Truyện Kiều trên máy bay hay trên chuyến xe lửa xuyên Siberia hay trong phòng khách sạn ở xứ người khi bên ngoài tuyết rơi trắng xoá.[4]

Với Nguyễn Tuân, đi không phải chỉ là một niềm vui mà còn là một nỗi tự hào, không phải chỉ là một hành động mà còn là một triết lý: có người gọi đó là “chủ nghĩa xê dịch”, một cái nhãn, cho đến nay, dường như ông là người độc quyền.

Tuy vậy, trên thực tế, Nguyễn Tuân có đi nhiều hay không?

Trước năm 1954, thật ra, Nguyễn Tuân chỉ quanh quẩn trong nước, trừ hai lần xuất ngoại: một lần qua Campuchia và một lần sang Hongkong.

Sau năm 1954, ở miền Bắc, thỉnh thoảng ông được đi tham quan một vài nước xã hội chủ nghĩa, nhưng cũng chỉ hoạ hoằn.

Dù sao, so với bạn bè cùng thời với ông, nhất là ở thời gian chúng ta quen gọi là “tiền chiến”, kể ra, đi được như vậy cũng đã là nhiều. Nhiều hơn hẳn Nguyễn Bính, người, trước năm 1945, từ Hà Nội vào Huế đã thấy là “ly hương”: “Chén rượu ly hương, trời, đắng lắm!” Nhiều hơn những vô số những người cầm bút khác chỉ được đi giang hồ trên những chuyến tàu chợ mà Vũ Hoàng Chương từng kể trong cuốn hồi ký Ta đã làm chi đời ta?

Nhưng còn so với bây giờ?

Nếu tính về số lượng các chuyến đi cũng như chiều dài của các chuyến đi ấy, chắc chắn là Nguyễn Tuân thua hẳn các nhà văn, nhà thơ hiện nay. Thua những người sống ở hải ngoại, đã đành. Ông cũng thua cả những người đang sống tại Việt Nam hiện nay: rất nhiều người trong họ, không tài hoa bằng Nguyễn Tuân hay Mai Thảo, cũng có dịp được xuất ngoại khá thường xuyên.

Mà không phải chỉ có giới cầm bút. Ngay cả những người bình dân, rất ư bình dân, những người có khi còn bỡ ngỡ khi bước lên xe đò liên tỉnh ở Việt Nam, cũng có thể đi ngoại quốc, chủ yếu là đi thăm thân nhân đang sống ở nước ngoài.

Có thể nói chưa bao giờ người Việt Nam được đi ra nước ngoài nhiều như bây giờ. Và cũng chưa bao giờ người Việt Nam được tiếp xúc với nhiều người ngoại quốc như hiện nay. Trước, thời còn chiến tranh, lính Mỹ sang miền Nam khá đông. Nhưng đó là thời chiến. Quan hệ giữa người và người trong thời chiến khác: nếu không thù hận thì cũng đầy cảnh giác. Bây giờ thì người ngoại quốc có thể chan hoà với người Việt Nam.

Đi nhiều. Thấy nhiều. Biết nhiều.

Nhưng liệu chúng ta có hiểu sâu và viết hay hơn những người thời trước?

Đó mới là vấn đề.

Lại là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng mà mỗi người cầm bút phải tự trả lời.

Không ai trả lời thế cho ai được cả.

 

_________________________

Chú thích:

[1]Lữ Huy Nguyên (tuyển chọn) (1996), Tuyển tập Nguyễn Tuân, ; tập 3, nxb Văn Học, tr. 500.

[2]Như trên, tr. 505.

[3]Như trên, tr. 499.

[4]Như trên, tr. 506.

 

 

Bài đã được đăng trên blog của Nguyễn Hưng Quốc (VOANews.com)

 

 

---------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021