tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Viết blog  [đối thoại]

 

Đã đăng trên blog của Đài tiếng nói Hoa Kỳ (VOANews.com) ngày 14/07/2009.

 

Viết blog, thật ra, là viết nhật ký. Khác với các tờ báo mạng, blog thường đứng tên một người cụ thể, một cá nhân cụ thể, ở đó, người ấy trình bày một cách nhanh nhạy và cũng có thể, một cách thực thà, những ý nghĩ thoáng hiện trong đầu về bất cứ một vấn đề nào đó, từ xã hội đến chính trị, kinh tế và văn hóa. Như là một đoạn nhật ký, một bài viết trên blog không cần, và thật ra, không thể, là kết quả của một quá trình nghiên cứu công phu và nghiêm túc được. Nó cũng không cần, và thật ra thì không thể, có một cấu trúc hoàn chỉnh với một mở đầu và một kết thúc chặt chẽ, mạch lạc được. Với những mức độ khác nhau, một bài viết trên blog thường có vẻ gì như một bài viết nháp, một cái gì đó dở dang chờ được kết thúc ở một nơi nào khác.

Nơi đó là nơi nào?

Là ở người đọc.

Thì bài viết hay tác phẩm văn học nào lại không kết thúc ở người đọc? Các lý thuyết gia thuộc trường phái Mỹ học tiếp nhận (Reception Aesthetics) và phê bình căn cứ trên hồi ứng của người đọc (Reader reponse criticism) đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, có lẽ, cho đến nay, chưa có hình thức truyền thông nào mà vai trò của người đọc lại lớn và tích cực như là trong các blog.

Ở đây có một nghịch lý. Là nhật ký, nhưng blog lại được người khác, có khi rất đông người khác, phần lớn là những người xa lạ, đọc. Ở phương diện này, blog có vẻ như một tờ báo. Nó cũng được xuất bản, dù là xuất bản trên mạng. Nó cũng có độc giả, có khi một khối độc giả cực lớn. Trong trường hợp của những blog nổi tiếng, số độc giả của blog không hề thua kém bất cứ một tờ báo chính thức nào.

Blog còn hơn cả tờ báo ở chỗ nó đồng thời là một diễn đàn. Hầu hết các nhật báo Tây phương hiện nay đều có mục diễn đàn dưới hình thức Ý kiến bạn đọc. Nhưng tất cả đều có giới hạn. Trước hết là giới hạn về số người và số ý kiến phản hồi. Không gian dành cho các ý kiến ấy khá nhỏ so với khuôn khổ tờ báo. Sau nữa, giới hạn về thời gian: để được đăng, người ta phải chờ, có khi cả tuần, đối với tuần san, và một vài ngày, đối với nhật báo. Các blog thì khác. Blog nào cũng mở rộng cửa chào đón ý kiến phản hồi của người đọc. Bao nhiêu cũng được. Càng nhiều càng tốt. Phần lớn các ý kiến ấy không được kiểm duyệt hay biên tập. Được viết như thế nào, hầu như chúng hiện nguyên hình thế ấy. Có thể nói với tư cách diễn đàn, blog là một biểu hiện của tinh thần tự do và dân chủ cao nhất hiện nay.

Vừa là nhật ký vừa là tờ báo lại vừa là diễn đàn, bản chất của blog là một thể loại hoàn toàn mới mẻ trong lịch sử nhân loại.

Nó là một sự tổng hợp.

Mà tổng hợp cũng có nghĩa là xoá nhoà ranh giới.

Thứ nhất là ranh giới giữa tính chất riêng tư và công cộng. Một cảm nghĩ bâng quơ và thoáng qua của người cầm bút, khi xuất hiện trên blog, liền trở thành một phát ngôn chính thức và công khai: nó trở thành một không gian công cộng để ai cũng có thể ghé đến và bình luận, góp ý, thậm chí, chê bai.

Thứ hai, blog xoá nhoà ranh giới giữa tác giả và độc giả. Để ý mà xem, trên các blog, sự phân biêt giữa tác giả và độc giả rất mơ hồ. Bất cứ độc giả nào cũng có quyền phản hồi, nghĩa là, phần nào đó, trở thành tác giả. Không hiếm người, vốn không hề viết văn hay làm báo bao giờ, vẫn được nhiều người biết đến tên tuổi nhờ đóng góp ý kiến thường xuyên trên các blog nào đó.

Thứ ba, blog xoá nhoà ranh giới giữa văn hoá đặc tuyển và văn hoá đại chúng bởi trên blog, mọi người đều có quyền có ý kiến và mọi ý kiến đều bình đẳng với nhau; ý kiến nào gửi đến trước, đứng trước; ý kiến nào gửi đến sau, đứng sau; không có sự phân loại hay phân cấp gì cả.

Còn nữa.

Chắc chắn là blog còn có nhiều đặc điểm khác nữa.

Bạn có thấy đặc điểm gì khác?

 

 

--------------

Bài liên hệ:

20.07.2009
[VĂN HỌC] ... Tôi cho rằng một bài văn hay, dù viết trên blog, trước hết phải dựa trên những sự kiện chính xác. Tất nhiên không cần phải chính xác một cách tinh vi như trong một bài nghiên cứu, nhưng ít nhất phải chính xác một cách căn bản. Sau đó mới nói đến cái hay, cái đẹp. Nếu anh viết một bài blog để ca tụng rượu vang của Pháp mà anh lại mô tả nhầm thành rượu whisky của Scotland, thì anh đừng trách tại sao người đọc cảm thấy mất sướng... (...)
 
19.07.2009
[VĂN HỌC] ... Ông Minh ơi, tình cảnh đoã ê chề rồi, moà ông coòng xúi “Đừng iu cô Qoảng”! Ông Vũ ơi, lồm eng chi moà loạ rứa? Iu thì cứ iu, toáng thì cứ toáng, nhưng chớ có toáng trậk lấk! Em nó hổng phê đao!... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Không ai cấm anh yêu, tuy nhiên đừng đem cái tình yêu mông lung và ngang phè của anh ra giáo huấn thiên hạ. Võ Phiến rất hiểu về các vùng đất miền Trung thế nhưng có ai dám nói là nhà văn này không yêu miền Trung, không yêu Bình Định, Quảng Nam?... (...)
 
18.07.2009
[VĂN HỌC] ... Tôi thấy rõ ràng là, dưới ánh trăng vằng vặc, mình bước qua khỏi khung cửa, đi qua hiên, bước xuống bậc tam cấp, xuống sân, đi hết khoảng sân rộng, đến lùm cây rậm; và đứng dưới lùm cây, tôi kéo quần xuống... Đang tè, một tên sinh viên chạy ra, kề tai tôi, giọng hốt hoảng: “Thầy! Đi ra xa xa chút chứ sao lại đứng trước hiên nhà người ta đái vậy!” Vừa nói nó vừa đẩy tôi ra xa... Sau lần đó, tôi tởn... (...)
 
[VĂN HỌC] .... Ai cấm được anh có một tình yêu xứ Quảng của riêng anh? Một người đang ở xa, nhìn về. Phải chăng đã yêu mà cần phải yêu đúng “thuần phong mỹ tục” mới được phép? Tình yêu đâu có lỗi. Hay phải đừng yêu xứ Quảng?... (...)
 
17.07.2009
[VĂN HỌC] ... Tôi chưa có khả năng phân biệt Quảng Tín, Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Quảng Trị. Quảng nào đối với tôi cũng là Quảng. Nên tôi gộp tất cả các Quảng vào hai chữ “miền Trung”, như tôi gộp hết Quy Nhơn, Bình Định, Tam Kỳ, Bồng Sơn, Sa Huỳnh cũng vào “miền Trung”. Vào một chữ “Trung” mà mình ưa. Vào một giọng Trung mà mình thấy lạ. Ưa vì cảnh vật đẹp. Ưa vì thức ăn ngon. Ưa vì chiếc lưng cong của đất nước hữu tình. Miền Trung là đất của tình cảm... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Cảm xúc về xứ Quảng, về miền Trung, mà chỉ cần thay đổi địa danh thì có thể áp dụng cho bất cứ xứ nào, miền nào. Lối viết này ta thấy nhan nhản trên báo chí Việt Nam bây giờ. Đại loại như một bài báo nào đó tán tụng một nhà thơ X, nhưng nếu ta thử đổi tên nhà thơ X thành ra tên nhà thơ Y, thì đọc cũng lọt lỗ tai như thường. Đúng là “nhất dĩ quán chi”... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Đọc bài của độc giả Trần Nguyễn, tôi thấy có nhiều chỗ rất là lúng túng. Khen bài “Về yêu xứ Quảng” của nhà văn Trần Vũ là một bài “thật hay” và “thành công”, độc giả Trần Nguyễn lại đưa ra những luận điểm không có sức thuyết phục chút nào cả... (...)
 
16.07.2009
[VĂN HỌC] ... Bài viết thể hiện tính chủ quan đầy cảm xúc của tác giả, chính đây là nét riêng của mỗi nhà văn, cách cảm của mỗi người về một vùng đất, từ giọng nói, đến tính cách, đến phong vị ẩm thực. Người đọc không cần biết đúng hay sai, chỉ thấy bài viết lôi cuốn, hấp dẫn người đọc từ ngôn ngữ đến hình ảnh là thành công... (...)
 
15.07.2009
[VĂN HỌC] ... Trần Vũ, sau khi tán sai về giọng Quảng, tán nhảm về bia Sông Hàn, tán trật về rượu Bầu Đá, thì kết thúc bằng câu nhắn nhủ: “Viết blog, cũng giống chế rượu Bầu Đá, cái cay phải lan tỏa. Phải làm ghiền.” Nhắn nhủ như vậy thì cũng thiệt là... rởm... (...)
 
14.07.2009
[VĂN HỌC] ... Mỗi lần ra miền Trung, tôi đều say mê giọng nói của người Trung, đặc biệt từ Quy Nhơn đến Đông Hà. Nghe giọng nói của họ, tôi thấy đặc chất Việt, đậm đà trong hơi thở, đặc sệt âm Việt, tính Việt, đến kẹo lại như món mắm xưa. Nếu giọng Huế thanh, trong như bát chè mạn và ngọt như bát chè sen, thì giọng Quảng nghe mới thật đã. Những Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi... (...)
 
13.07.2009
[VĂN HỌC] ... Nhiều người tiên đoán chính các blog sẽ là tên sát thủ của tất cả các tờ báo. Không phải ai cũng đồng ý. Nhưng có một sự thật: gần đây, số lượng các tờ báo phải bị đóng cửa hoặc đang sống ngắc ngoải khá nhiều. Kẻ thù chính là internet. Trong internet, kẻ thù chính là các blog... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021