tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nhắc đến rượu, nhớ bạn  [đối thoại]

 

Đọc bài “Về yêu xứ Quảng” của Trần Vũ, tự nhiên tôi thấy thèm... rượu.

“Thành tích” uống rượu của tôi cũng đã được Trần Vũ nhắc đến trong một lần nói chuyện với Thuỵ Khuê về Mai Thảo trên đài RFI năm ngoái:

“Buổi tối đó, chúng tôi tiễn Nguyễn Hưng Quốc đi Úc, trong cái quán nhỏ gần bờ sông Seine. Mai Thảo ăn ít. Chúng tôi uống với ông. Bình thường anh Quốc không uống rượu. Nhà phê bình, giống hầu hết giới phê bình, muốn tỉnh táo, mà điều này sáng tác ghét thậm tệ. Tuy nhiên, tối đó, Nguyễn Hưng Quốc cố gắng theo chúng tôi. Anh không gìn giữ, không chiếu lệ, mà uống thật tình, vì anh cũng thương Mai Thảo. Nếu lý trí Nguyễn Hưng Quốc gần với Võ Phiến, tình cảm anh dành cho Mai Thảo. Uống chia tay, như một vĩnh quyết. Đến một lúc, anh ngã bật ra bàn và nôn thốc tháo, rồi bất tỉnh. Chúng tôi kêu hầu bàn thay khăn, kêu thêm rượu. Khuya lắm, đến khi quán đóng cửa, phải ra về, tôi khiêng vai Nguyễn Hưng Quốc, trong lúc Mai Thảo khiêng hai chân, chúng tôi khiêng dọc bờ sông phủ hơi ẩm của đêm hè. Chúng tôi khiêng trong im lặng. Không ai nói với ai lời nào. Cho đến khi ra xe, tôi muốn chở Mai Thảo về trước, nhưng ông lắc đầu: “Đưa Quốc về nhà.” Gương mặt ông nhăn nhúm vì buồn.

Thật ra, đó không phải là lần duy nhất tôi say đến ngất ngư. Ở Paris, tôi cũng từng say quắc cần câu một hai lần khác nữa. Nguyên nhân giống nhau: Bình thường tôi không uống rượu, nhưng một dịp nào đó, vì lý do nào đó, tôi uống nhiều hơn lượng rượu mà cơ thể mình cho phép. Hậu quả: Lần nào cũng lăn đùng ra nằm, xụi lơ.

Nghĩ lại, có một điều tôi vẫn không giải thích được, ít nhất với chính mình, hiện tượng này: Tôi chỉ không thích uống rượu khi sống ở Pháp. Rượu: Không thiếu. Rượu ngon: Cũng không thiếu. Vậy mà lại không muốn uống. Kỳ lạ: Cho đến nay, Pháp vẫn nổi tiếng là nơi sản xuất ra nhiều loại rượu ngon nhất thế giới. Và cũng là nơi dân chúng tiêu thụ lượng rượu nhiều nhất thế giới. Tôi biết. Biết vậy mà vẫn không uống.

Lúc ở Việt Nam thì tôi có uống. Không nhiều và không thường xuyên. Nhưng có. Thời ấy, toàn uống rượu đế. Ăn thịt cầy thì uống rượu nếp than.

Liên quan đến chuyện uống rượu ở Việt Nam, chuyện này khắc sâu trong ký ức tôi nhất: Một lần, đâu như cuối năm 1979, lúc mới tốt nghiệp và được giữ lại làm cán bộ giảng dạy ở trường Đại Học Sư Phạm, tôi dẫn đám sinh viên năm thứ tư đến Củ Chi để thực tập. Tối, đám sinh viên nam hay tụ tập uống rượu, dưới những ngọn đèn dầu leo lét. Món nhắm rất đơn giản: xí quách, tóp mỡ hoặc vài ba trái cóc. Nhưng rượu thì nhiều. Rượu đế ở Củ Chi rất nặng. Mà tửu lượng của tôi lại thấp. Uống chút đã thấy choáng váng mặt mày. Có điều ham vui nên không chịu rời bàn. Một đêm, đang nhậu, tôi ra ngoài đi tiểu. Thời ấy, ở miền quê, làm gì có toilet. Muốn tiểu tiện, cứ ra ngoài vườn. Tôi thấy rõ ràng là, dưới ánh trăng vằng vặc, mình bước qua khỏi khung cửa, đi qua hiên, bước xuống bậc tam cấp, xuống sân, đi hết khoảng sân rộng, đến lùm cây rậm; và đứng dưới lùm cây, tôi kéo quần xuống. Xin mở ngoặc: Viết đến đây, chợt nhớ một câu văn của Phạm Thị Hoài trong truyện ngắn “Man Nương”: “Họ đứng vén quần giữa phố một cách rất khiêu dâm”! Xin đóng ngoặc. Và viết tiếp ý trên. Đang tè, một tên sinh viên chạy ra, kề tai tôi, giọng hốt hoảng: “Thầy! Đi ra xa xa chút chứ sao lại đứng trước hiên nhà người ta đái vậy!” Vừa nói nó vừa đẩy tôi ra xa.

Sau lần đó, tôi tởn, bỏ rượu một thời gian. Nhưng ở Việt Nam muốn bỏ rượu hẳn không phải là điều dễ. Nhất là sau này, khi tôi đi vượt biên, bị bắt, bị ở tù, và ra tù, bị mất chỗ dạy ở trường Đại Học Sư Phạm. Thì giờ rảnh nhiều, lại buồn, lâu lâu tôi lại tấp vào quán rượu. Trong những người thỉnh thoảng tôi uống chung, có một người thầy cũ. Một lần hai thầy trò cùng ngà ngà, ông thầy tôi khuyên tôi: “Cậu nên tìm cách vượt biên đi. Với lý lịch của cậu bây giờ, không hy vọng gì tiến thân được ở Việt Nam đâu. Tài của cậu mà ở đây thì chỉ phí đi thôi.” Tôi rất ngạc nhiên, đến bây giờ, thú thực, vẫn còn ngạc nhiên: Về phương diện chính trị và tư tưởng, thầy của tôi là một người nổi tiếng rất bảo thủ. Không phải bảo thủ mà là rất bảo thủ. Bảo thủ và giáo điều. Dù vậy, tôi vẫn tin lời nói ấy xuất phát từ tâm chứ không phải từ rượu.

Năm 1985, vượt biên, sang Pháp, không hiểu sao, tôi lại không còn thấy mặn mà với rượu nữa. Công việc đầu tiên tôi làm trong mấy tháng đầu tiên ở Nice là trong một tiệm ăn Việt Nam mà chủ nhân là ông anh vợ. Rượu muốn uống bao nhiêu cũng được. Thằng em vợ tôi, đầu bếp chính, cứ uống rượu tì tì từ sáng đến tối thay nước. Vậy mà tôi vẫn không uống. Tuyệt đối không uống. Sau, ở Paris, hầu như weekend nào cũng gặp Trần Vũ, trong khi Vũ uống rượu, hầu như lúc nào cũng uống rượu, tôi chỉ uống cà phê và nước lạnh.

Sang Úc, hai người bạn thân nhất của tôi ở Melbourne là Lê Thành Nhơn và Lê Văn Tài. Cả hai đều là hoạ sĩ và cả hai đều thích uống rượu. Trong khi họ uống rượu hoặc uống bia, tôi uống nước và hút thuốc lá. Nhiều lần Lê Thành Nhơn xin hút ké. Sau, anh không xin nữa: Anh tự đi mua, lúc nào cũng kè kè một gói 555 trong túi. Lúc ấy, tôi lại bỏ thuốc. Nhiều lúc, hút một mình, buồn, anh than thở: “Ông lừa tôi. Ông làm cho tôi ghiền thuốc lá rồi ông lại bỏ, để tôi phải hút một mình!”

Tôi áy náy. Nhưng vẫn không hút thuốc. Và không uống rượu.

Sau đó, Lê Văn Tài bỏ Melbourne đến Perth, rồi về Sydney sống. Cuối năm 2002, Lê Thành Nhơn qua đời. Ở Melbourne, trong giới văn nghệ, hầu như tôi không còn ai là bạn nữa. Tối, ngồi đọc sách hay viết lách lăng nhăng, tôi lại lấy chai rượu đỏ ra uống. Tối nào cũng thế. Nhiều lần, nói chuyện qua điện thoại, nghe tiếng tôi khui rượu lục cục, Hoàng Ngọc-Tuấn hỏi: “Uống rượu hả?” Tôi ừ. Tuấn nói: “Ông chờ tôi một lát để tôi đi tìm chai rượu!”

Thế là, cách nhau gần một ngàn cây số, hai đứa vừa nói chuyện vừa uống rượu.

Những lúc ấy, không lần nào tôi không nhớ đến Lê Thành Nhơn.

Mới đó, Nhơn đã mất gần 7 năm rồi.

À, mà nè, các bạn từng yêu mến con người và tác phẩm Lê Thành Nhơn, ba năm nữa, mình làm một cái gì để tưởng niệm 10 năm Nhơn mất nhé?

 

 

Melbourne 18.7.2009

 

 

--------------

Bài liên hệ:

18.07.2009
[VĂN HỌC] ... Ai cấm được anh có một tình yêu xứ Quảng của riêng anh? Một người đang ở xa, nhìn về. Phải chăng đã yêu mà cần phải yêu đúng “thuần phong mỹ tục” mới được phép? Tình yêu đâu có lỗi. Hay phải đừng yêu xứ Quảng?... (...)
 
17.07.2009
[VĂN HỌC] ... Tôi chưa có khả năng phân biệt Quảng Tín, Quảng Nam, Quảng Ngãi hay Quảng Trị. Quảng nào đối với tôi cũng là Quảng. Nên tôi gộp tất cả các Quảng vào hai chữ “miền Trung”, như tôi gộp hết Quy Nhơn, Bình Định, Tam Kỳ, Bồng Sơn, Sa Huỳnh cũng vào “miền Trung”. Vào một chữ “Trung” mà mình ưa. Vào một giọng Trung mà mình thấy lạ. Ưa vì cảnh vật đẹp. Ưa vì thức ăn ngon. Ưa vì chiếc lưng cong của đất nước hữu tình. Miền Trung là đất của tình cảm... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Cảm xúc về xứ Quảng, về miền Trung, mà chỉ cần thay đổi địa danh thì có thể áp dụng cho bất cứ xứ nào, miền nào. Lối viết này ta thấy nhan nhản trên báo chí Việt Nam bây giờ. Đại loại như một bài báo nào đó tán tụng một nhà thơ X, nhưng nếu ta thử đổi tên nhà thơ X thành ra tên nhà thơ Y, thì đọc cũng lọt lỗ tai như thường. Đúng là “nhất dĩ quán chi”... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Đọc bài của độc giả Trần Nguyễn, tôi thấy có nhiều chỗ rất là lúng túng. Khen bài “Về yêu xứ Quảng” của nhà văn Trần Vũ là một bài “thật hay” và “thành công”, độc giả Trần Nguyễn lại đưa ra những luận điểm không có sức thuyết phục chút nào cả... (...)
 
16.07.2009
[VĂN HỌC] ... Bài viết thể hiện tính chủ quan đầy cảm xúc của tác giả, chính đây là nét riêng của mỗi nhà văn, cách cảm của mỗi người về một vùng đất, từ giọng nói, đến tính cách, đến phong vị ẩm thực. Người đọc không cần biết đúng hay sai, chỉ thấy bài viết lôi cuốn, hấp dẫn người đọc từ ngôn ngữ đến hình ảnh là thành công... (...)
 
15.07.2009
[VĂN HỌC] ... Trần Vũ, sau khi tán sai về giọng Quảng, tán nhảm về bia Sông Hàn, tán trật về rượu Bầu Đá, thì kết thúc bằng câu nhắn nhủ: “Viết blog, cũng giống chế rượu Bầu Đá, cái cay phải lan tỏa. Phải làm ghiền.” Nhắn nhủ như vậy thì cũng thiệt là... rởm... (...)
 
14.07.2009
[VĂN HỌC] ... Mỗi lần ra miền Trung, tôi đều say mê giọng nói của người Trung, đặc biệt từ Quy Nhơn đến Đông Hà. Nghe giọng nói của họ, tôi thấy đặc chất Việt, đậm đà trong hơi thở, đặc sệt âm Việt, tính Việt, đến kẹo lại như món mắm xưa. Nếu giọng Huế thanh, trong như bát chè mạn và ngọt như bát chè sen, thì giọng Quảng nghe mới thật đã. Những Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi... (...)
 
13.07.2009
[VĂN HỌC] ... Nhiều người tiên đoán chính các blog sẽ là tên sát thủ của tất cả các tờ báo. Không phải ai cũng đồng ý. Nhưng có một sự thật: gần đây, số lượng các tờ báo phải bị đóng cửa hoặc đang sống ngắc ngoải khá nhiều. Kẻ thù chính là internet. Trong internet, kẻ thù chính là các blog... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021