tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Dân chủ không tự nhiên mà có  [đối thoại]

 

Với nhan đề như trên, tôi muốn nói đến ba điều: một, dân chủ là kết quả của quá trình phát triển lâu dài của lịch sử; hai, dân chủ là kết quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ của nhiều người và nhiều thế hệ; và ba, dân chủ là kết quả của việc học tập.

Mệnh đề thứ nhất tương đối dễ hiểu và dễ thấy. Tuy khái niệm “dân chủ” đã ra đời ở Hy Lạp cách đây đã 2500 năm, nhưng, thứ nhất, đó chỉ là dạng phôi thai của dân chủ với nhiều hạn chế nhất định; và thứ hai, cái dạng phôi thai ấy đã bị bóp chết một cách tức tưởi suốt cả hai ngàn năm sau đó, trong suốt thời kỳ trung cổ và Trung Đại, khi mọi quyền lực đều nằm hẳn trong tay của giới tu sĩ hoặc giới quý tộc. Hình thức dân chủ mà chúng ta đang đề cập chỉ mới xuất hiện từ hơn một trăm năm nay, và càng ngày càng hoàn thiện dần.

Mệnh đề thứ hai cũng rõ: Mọi nền dân chủ đều ra đời sau những cuộc tranh đấu dai dẳng, có khi còn đẫm máu. Dân chủ không phải là món quà cho không biếu không của ai cả. Đó là thứ mà người ta phải giành giật và đánh đổi bằng cả xương máu của chính mình.

Tuy nhiên, trong bài này, tôi chỉ muốn tập trung vào mệnh đề thứ ba: Dân chủ là điều người ta phải học tập.

Trước hết, cần lưu ý: dân chủ không phải chỉ là vấn đề cơ chế. Không phải cứ có bầu cử, có Quốc Hội, có luật pháp, có truyền thông, dù là truyền thông tự do, là có dân chủ. Bên cạnh cơ chế, có khi còn quan trọng hơn cơ chế, là con người. Dù cơ chế có hoàn hảo đến mấy nhưng thiếu những con người có ý thức dân chủ thì cái cơ chế ấy cũng sẽ bị vô hiệu hóa và không sớm thì muộn thế nào cũng bị sụp đổ. Lý do là: một trong những điều kiện quan trọng của cơ chế dân chủ là sự tham gia của dân chúng. Tham gia bằng nhiều cách và với nhiều mức độ khác nhau, từ việc bầu cử đến việc ứng cử, từ việc góp ý đến việc sinh hoạt, v.v… Thiếu ý thức dân chủ, những sự tham gia ấy nhất định sẽ bị hạn chế và có nguy cơ bị lệch hướng: thay vì phát huy dân chủ, chúng lại củng cố độc tài.

Nhưng ý thức dân chủ không phải là thứ bẩm sinh. Nó không được sinh ra. Nó phải được thụ đắc. Thụ đắc trong hai môi trường chính: giáo dục và xã hội.

Trong giáo dục, ngoài kiến thức, hai mục tiêu quan trọng cần được nhấn mạnh là việc đào luyện cho học sinh và sinh viên khả năng suy nghĩ một cách độc lập và sáng tạo. Thiếu hai khả năng ấy, người ta chỉ là những con vẹt, thậm chí, những công cụ. Sự độc lập phải được hiểu là độc lập từ chính thầy cô giáo, từ sách giáo khoa, và xa hơn nhưng cũng thiết yếu hơn, độc lập từ các giáo điều. Khi xã hội còn nặng tư tưởng giáo điều, cứ mở miệng ra là “Tử viết” hoặc “Marx nói”, “Lênin nói” hay “Bác Hồ nói”, trẻ em, và từ đó, dân chúng không thể có sự độc lập trong tư duy được. Mà đã không có độc lập thì không thể sáng tạo. Nền tảng của độc lập và sáng tạo, do đó, là sự tin tưởng vào sự thật và sự tự tin là chính mình, bằng những nỗ lực riêng của mình, có thể tiếp cận được sự thật ấy. Có được niềm tin tưởng và sự tự tin ấy, người ta mới có thể hành xử như một con người tự do. Có hành xử như những con người tự do, người ta mới có dân chủ.

Nhưng nhà trường không, chưa đủ. Ý thức dân chủ còn cần phải được đào luyện trong môi trường xã hội nữa. Những gì được học trong nhà trường cần phải được thực tập ngay trong đời sống hàng ngày, ở đó, người ta được thoát ra khỏi áp lực của tập quán và giáo điều và được có quyền phát biểu những ý kiến riêng của mình dù chúng đi ngược lại với đám đông và với quyền lực. Việc hành xử như một con người tự do – điều kiện của dân chủ - do đó, chỉ có thể thực hiện được trong môi trường tự do.

Nhận thức được tầm quan trọng của giáo dục và xã hội trong việc đào luyện ý thức  cũng như thói quen dân chủ sẽ dẫn đến hệ luận này: Để xây dựng một nền dân chủ tại Việt Nam, người ta phải bắt đầu, trước hết, từ hai điểm: giáo dục và xã hội. Khi giáo dục và xã hội chưa thay đổi, sự thay đổi về cơ cấu quyền lực, nếu có, không có gì bảo đảm sẽ dẫn đến dân chủ cả. Có khi đó chỉ là thay thế một hệ thống độc tài này bằng một hệ thống độc tài khác.

Nhưng nhìn cả hai phương diện giáo dục và xã hội ở Việt Nam, liên quan đến vấn đề dân chủ, chúng ta không thể không bi quan. Nền giáo dục Việt Nam, cho đến nay, sau bao nhiêu lời hứa hẹn cải cách, vẫn không hề thay đổi theo chiều hướng phát huy tinh thần độc lập và sáng tạo. Học sinh vẫn phải nhồi nhét kiến thức để trả bài. Thầy cô giáo vẫn tự đóng vai trò trung tâm phân phối kiến thức. Hệ thống thi cử vẫn dựa trên việc kiểm tra ký ức. Việc nhồi nhét ấy dẫn đến hệ quả khác: sự giả dối. Trẻ thì giả dối trong cách học tủ và học vẹt. Lớn thì giả dối trong việc mua bán bằng giả và bằng dỏm. Khi giả dối lên ngôi, mọi bảng giá trị, từ truyền thống đến hiện đại, đều bị đảo lộn. Không có nền dân chủ nào có thể được xây dựng trên những sự đảo lộn như vậy cả.

Sinh hoạt xã hội Việt Nam hiện nay cũng không phải là mảnh đất tốt để nuôi dưỡng dân chủ. Luật pháp không rõ ràng, để sống còn, người ta phải mánh mung. Xin trường học cho con cái: mánh mung. Xin việc làm: mánh mung. Để tăng lương hoặc tăng chức: mánh mung. Ở đâu cũng có và cũng cần có mánh mung cả. Thói mánh mung ấy, một mặt, giết chết luật pháp, mặt khác, giết chết cả niềm hy vọng vào dân chủ.

Để thay đổi môi trường xã hội như thế, người ta không chỉ cần củng cố hệ thống pháp luật như một số người đã nói; người ta cần phải, quan trọng và khẩn thiết hơn, xây dựng cho được một xã hội dân sự lành mạnh.

Nhưng vấn đề xã hội dân sự là một vấn đề rộng lớn và phức tạp. Chúng ta sẽ bàn sau.

 

 

-----------------

Bài liên quan:

15.07.2011
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Dân chủ sẽ không có ý nghĩa gì cả nếu nó không nhằm phát huy sự bình đẳng và tự do của mỗi người với tư cách là cá nhân; không nhằm phát huy nhân quyền nói chung. Hơn nữa, chỉ có dân chủ mới bảo vệ được nhân quyền. Tranh đấu cho nhân quyền, do đó, bao giờ cũng gắn liền với việc tranh đấu để xây dựng một nền dân chủ thực sự... (...)
 
06.06.2011
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Trên thân thể con người chỉ có một số điểm được xem là nhạy cảm; còn ở Việt Nam hiện nay thì dường như ở đâu cũng “nhạy cảm” cả. Chuyện đa nguyên đa đảng ư? - Ồ! Nhạy cảm lắm. Chuyện tự do và dân chủ ư? – Cũng nhạy cảm! Chuyện tranh chấp với Trung Quốc ư? – Cũng nhạy cảm! Chuyện tham nhũng ư? – Nhạy cảm! Chuyện khả năng của lãnh đạo ư? – Nhạy cảm! Chuyện cán bộ đua nhau mua bằng giả ư? – Nhạy cảm! Chuyện con cháu cán bộ ăn chơi hư hỏng ư? – Nhạy cảm! Chuyện ngư dân Việt Nam bị bắt, bị cướp hoặc bị giết chết ngoài biển khơi ư? – Nhạy cảm!... (...)
 
02.06.2011
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Vì độc tài nên mới nảy sinh các cuộc vận động thay đổi cơ cấu quyền lực bằng bạo lực. Bởi vậy để tránh bất ổn, cách tốt nhất là dân chủ hóa chứ không phải là củng cố nền độc tài. Nếu dân chủ không trực tiếp dẫn đến sự phát triển thì ít nhất nó cũng bảo đảm và thúc đẩy sự phát triển... (...)
 
30.05.2011
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Một đất nước chỉ thực sự bắt đầu có hy vọng dân chủ nếu dân chúng, đông đảo dân chúng, nhận thức được và quyết tâm bảo vệ những cái quyền bất khả cưỡng đoạt ấy. Một nước chỉ thực sự có dân chủ khi nhận thức và quyết tâm bảo vệ quyền của dân chúng được bảo đảm bằng các cơ chế vững chắc và có hiệu quả... (...)
 
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Mối quan hệ giữa dân chủ và phát triển là một trong những đề tài thú vị thu hút sự chú ý của rất nhiều học giả trên thế giới. Mối quan hệ này, thật ra, có hai chiều: một, từ phát triển đến dân chủ; và hai, ngược lại, từ dân chủ đến phát triển. Hai chiều này có thể được cụ thể hóa bằng hai câu hỏi chính: thứ nhất, có phải sự phát triển, đến mức nào đó, sẽ tự động làm nảy sinh ra dân chủ?... (...)
 
21.05.2011
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Có nhiều lần tham gia những cuộc hội thảo khoa học về quản trị hay kinh tế, tôi thấy khi phân tích những khó khăn, những rào cản vì “cơ chế” hay “cơ cấu”, thì cuộc thảo luận bắt đầu đụng vào cái phạm trù mà đại đa số chuyên gia hay thành viên khoa học đang tham dự cho là “chính trị”, thì hầu hết họ đều đồng ý rằng cần phải dừng, vì “không nên” tiếp tục phân tích ở góc độ này! Nhưng ai cũng biết chính những góc độ “cơ cấu” hay “cơ chế” này là thách thức bắt buộc phải vượt qua mới có thể có giải pháp tối ưu!... (...)
 
19.05.2011
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Họ nghĩ là họ được quyền quyết định mọi thứ cho dân tộc, ngay cả những tầm nhìn, định hướng, chiến lược, và thực hiện, mà không cần phải lắng nghe lòng mong muốn của người dân... (...)
 
16.05.2011
[CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI] ... Điều làm cho bố hổ thẹn nhất, phẫn nộ nhất, đó là chuyện xảy ra cách đây vài ngày! Khi có những dấu hiệu thế giới sẽ đưa Việt Nam mình ra khỏi danh sách các nước nghèo, thì ngay lập tức lãnh đạo nhà nước, ông Thủ tướng, đã phát biểu, giải thích với thế giới rằng “Việt Nam vẫn còn là nước nghèo”, nhằm để thế giới tiếp tục giữ nước mình trong danh sách các nước nghèo. Lý do là vì họ muốn vẫn tiếp tục được nhận viện trợ!... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021