tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Xem World Cup, nhớ Việt Nam  [đối thoại]

 

 

Mấy ngày nay, thỉnh thoảng ngồi xem giải bóng đá thế giới đang được tổ chức tại Nam Phi trên tivi, tôi lại nhớ đến một số kỷ niệm về lòng say mê bóng đá của người Việt Nam.

Cuối năm 2004, tôi về công tác mấy tuần ở Việt Nam. Từ Úc, tôi bay thẳng đến Hà Nội trước khi về Sài Gòn thăm gia đình và bạn bè. Từ phi trường Nội Bài, tôi đón tắc xi vào Hà Nội. Lúc ấy trời đã tối. Tài xế là một thanh niên còn trẻ, độ ngoài 20 tuổi. Lên xe, tôi chào, anh làm lơ. Tôi hỏi mấy câu xã giao bâng quơ, anh cũng làm lơ.

Nhìn sang, thấy mặt anh đăm đăm, cau có, tôi cụt hứng, nín bặt. Và cảm thấy hơi lo lo. Càng lo hơn nữa, khi, sau đó, lâu lâu anh lại buột miệng lầm bầm chửi thề: “ĐM!”. Tôi chẳng hiểu tại sao anh lại chửi thề như vậy. Hoàn toàn không hiểu. Chợt loé lên ý nghĩ: tên này bị thần kinh hay có điều gì thù hận mình? Nghĩ thế, lại càng lo. Lúc ấy, việc sử dụng thẻ tín dụng (credit card) ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, cũng giống như nhiều Việt kiều khác về nước, tôi mang trong người một số tiền mặt. Tưởng tượng: Nếu, thay vì lái xe vào Hà Nội, anh ấy lái ngược về miền quê, đến chỗ vắng vẻ nào đó, rút dao ra, dí vào cổ mình.

Thì sao nhỉ?

Không khí nặng nề và căng thẳng kéo dài ít nhất 10 hay 15 phút. Rồi tôi nghe người thanh niên ấy lớn tiếng văng tục: “ĐM! Đá như cứt!”. Nghe câu chửi ấy, tôi thở phào nhẹ nhõm. Chợt hiểu: từ lúc tôi lên xe, anh đang say mê theo dõi phần tường thuật trận bóng đá giữa Việt Nam và Indonesia, hình như trong giải Tiger Cup. Quá chăm chú, anh không hề nghe tôi chào và hỏi. Những câu chửi thề anh buột miệng nói ra là khi nghe một cú bóng hụt nào đó của Việt Nam. Phần tôi, vì quá căng thẳng, tôi hoàn toàn không chú ý đến cái radio mở nho nhỏ trong xe.

Sau này, thỉnh thoảng nhớ đến sự say mê bóng đá của người thanh niên ấy cũng như sự sợ hãi vu vơ của mình, tôi lại thấy buồn cười.

Năm sau, cũng dịp cuối năm, tôi dẫn một đoàn sinh viên Úc về Việt Nam du khảo. Cũng ở Hà Nội. Nhưng đến phi trường Sài Gòn thì tôi được biết tôi không được phép nhập cảnh. Các sinh viên của tôi vẫn tiếp tục chuyến đi đã định. Sau bốn tuần du khảo không có thầy hướng dẫn, các sinh viên gặp khá nhiều chuyện bực mình, nhưng nói chung, ấn tượng của họ về Việt Nam, đất nước cũng như con người, khá đẹp. Hỏi: họ thích điều gì nhất? Không ít sinh viên đáp: sự say mê bóng đá của người Việt Nam!

Họ kể: trong những ngày đầu tiên họ đến Hà Nội, một giải bóng đá được tổ chức đâu đó (tôi không chắc có phải ở Việt Nam hay không). Lần ấy, Việt Nam thắng. Các sinh viên Úc ngạc nhiên thấy cả hàng chục ngàn người đổ xô ra đường, kẻ đi bộ, người lái xe gắn máy. Cờ vẫy, còi bóp inh ỏi, tiếng cười dòn dã khắp nơi. Không biết tiếng Việt và không hiểu gì cả, nhưng cũng bị lây cái không khí nồng nhiệt và náo nhiệt ấy, các sinh viên của tôi, nam cũng như nữ, lao xuống đường và nhập vào đám đông, cũng huơ tay múa chân hò hét và cười nói hỉ hả đến tận gần sáng. Nhớ lại, với họ, đó là một trong những kỷ niệm đẹp: họ được nhập vào một cơn say. Hay một cuộc lên đồng. Ngây ngất.

Nhớ, lúc tôi còn ở Việt Nam, trước cũng như sau năm 1975, tôi cũng thích bóng đá như vậy. Không mê. Nhưng thích. Chưa bao giờ tôi đến sân vận động. Tôi chỉ nghe tường thuật trên đài phát thanh. Đài thường mở lớn, có khi đặt ngay trước sân để hàng xóm nghe chung. Cánh đàn ông thường tụ lại với nhau vừa nhâm nhi cà phê vừa tán chuyện, tai thì dỏng lên nghe. Khi đội mình ái mộ đá lọt lưới đối phương, mọi người rú lên: “Dzzôôô!”

Nếu chọn một từ và một kiểu nói tiêu biểu nhất của người miền Nam, tôi nhất định sẽ chọn cái chữ “dzô!” ấy. Chữ “dzô!” ấy cũng thường được nghe trên các bàn nhậu lúc mọi người cụng ly với nhau.

Tôi không biết trong hai trường hợp ấy, người miền Bắc sẽ nói thế nào nhỉ? “Vào!” chăng? Tôi không biết. Nhưng tôi, vốn gốc miền Trung, trong cả hai trường hợp ấy, tôi phải nói “dzô!” mới thấy... đã!

Cuối năm 1985, tôi sang Pháp. Năm sau, 1986, có giải bóng đá thế giới được tổ chức ở Mexico. Pháp, với ngôi sao bóng đá lừng lẫy thời đó, Michel Platini, được lọt vào bán kết. Ban ngày, đi đâu cũng thấy không khí hừng hực mùi bóng đá. Gặp nhau, hầu như người ta không nói chuyện gì khác ngoài chuyện bóng đá. Mở báo ra, ngay trang đầu: bóng đá. Mở tivi lên: cũng bóng đá. Bật radio: cũng lại bóng đá. Năm ấy, nghe nói ở Pháp, có tên đàn ông giết cả vợ chỉ vì chị dám giành tivi với hắn đúng cái giờ có bóng đá. Giết xong, hắn ngồi coi tiếp. Hết trận, hắn gọi điện thoại báo tin cho cảnh sát để đến còng tay hắn đẩy vào tù.

Trong không khí như thế, tối, đi làm về, tôi cũng bật tivi lên xem. Một mình. Cửa phòng khép chặt. Không có ai nữa cả. Bóng lọt lưới, mới mở miệng định nói “dzô!” đã thấy đắng ngắt. Lại im. Nhiều lúc, đang xem dở, thấy lạt lẽo quá, bèn tắt tivi đi ngủ.

Mà thường thì không ngủ được. Cứ nằm trằn trọc nhớ Việt Nam.

Bây giờ cũng thế. Cứ mỗi lần có giải bóng đá, lại nhớ Việt Nam. Nhớ không khí. Nhớ những tiếng “dzô!” vang dội cả xóm.

Nhớ cồn cào.

 

 

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021