tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Trả lời nhà văn Phan Quỳnh Trâm  [đối thoại]

 

Xin cảm ơn nhà văn Phan Quỳnh Trâm (PQT) về ý kiến phản hồi. Nếu tôi “đã đọc ba chớp ba nhoáng và không thực sự hiểu nội dung” bài viết của [PQT] thì tôi thành thật xin lỗi.

Tôi đồng ý về điểm tách rời nghề nghiệp (không sử dụng nghề chuyên môn để làm chính trị) và cá nhân (có thể sử dụng tên tuổi để tham dự chuyện chính trị). Phản hồi của tôi (vì nhanh nhẩu “ ba chớp ba nhoáng”) cho một vấn đề “nhạy cảm” và vô cùng “nguy hiểm” vì nó đã được/bị lý thuyết hóa (nhà văn không nên làm chính trị với tác phẩm) có thể gây ngộ nhận và ảnh hưởng không nhỏ nên đã không đi vào “chi tiết”. Thế nhưng, lập luận tách rời hai phạm trù (?) của PQT cũng không đứng vững, vì Bob Dylan, The Beatles, Trịnh Công Sơn đã sử dụng nghề nghiệp để viết nhạc phản chiến. Jane Fonda có phim “Home Coming” để “tạ lỗi” (phần nào) với các cựu quân nhân Mỹ. John Wayne đóng vai chính và chọn đề tài chiến tranh Việt Nam nhìn từ phía hữu trong phim “The Green Berets”.

Một diễn viên tuy bị lệ thuộc một hảng phim khi ký hợp đồng nhưng cũng có quyền từ chối hay lựa chọn đóng một vai nào đó để thể hiện trực tiếp hay gián tiếp quan điểm chính trị của mình. Không thiếu những phim Hollywood có nội dung chính trị. “Người Mỹ trầm lặng” truyện và phim đều phản ánh quan điểm chính trị của nhà văn và nhà đạo diễn. Đó là chưa kể các cuốn phim Hollywood khác về chiến tranh Việt Nam như “Apocalypse Now”, “The Deer Hunter”, “Born on the Fourth of July”, “Full Metal Jacket”, “Platoon”, “Hamburger Hill”, “Good Morning, Vietnam”, “Casualties of War”, v.v... không thể kể xiết. Đó là chưa kể phim về hai cuộc thế chiến. Hà Nội trước 75 chỉ có phim chính trị mà thôi. Phim “Đừng đốt” mới đây dựa theo Nhật ký Đặng Thùy Trâm là một phim chính trị.

Tiểu thuyết chính trị của các tác giả Âu-Mỹ thì cũng vô số kể. Xin kể thử vài cuốn truyện nổi tiếng nhứt: “Giả từ vũ khí”, “Chuông nguyện hồn ai”, “1984”, “Giờ thứ hai mươi lăm”, “Đêm giữa ban ngày” (Darkness at Noon/LeZero et l'Infini), v.v...

Theo Linda Hutcheon trong cuốn “The Politics of Postmodernism” thì “theo định nghĩa văn chương là chính trị và chính trị là văn chương” (“the literary is by definition political and the political is literary”) do giáo sư Stuart A. Scheingold trích dẫn trong cuốn “The Political Novel”.

Xin thưa: Có nhiều cuốn sách viết về tiểu thuyết chính trị của Thế kỷ 20, vì tiểu thuyết chính trị là thể loại nổi bật nhứt của cái thế kỷ đẫm máu này. Tiểu thuyết chính trị đã cho ra đời những tác phẩm lớn ký tên Disraeli, Kafka, Joyce, Orwell, Hemingway, Malaparte, Greene, Grass, Kundera, Naipaul, Solshenitsyn, Gordimer, Garcia Marquez, Carpentier, Semprun, Asturias, Heller, Vonnegut... PQT có nên tìm đọc trưốc, trước khi viết về “văn học và chính trị?

Tôi đang viết một bài về “Văn chương là... chính trị” nhưng rất uể oải vì muốn tránh “đụng chạm”, tránh “đánh phá” giấc ngủ an lành của các độc giả tự đắc có thể đánh mũi biết ngay cái hay, cái dở. Sau đây là một đoạn trích trong bài tôi đang viết về sự sai lầm của PQT, hầu cho thấy sơ qua vì sao tôi không đồng ý với PQT trong trường hợp nếu tôi chán ngán bỏ luôn không viết tiếp:

“Bài viết của Phan Quỳnh Trâm đặt sai câu hỏi, sai vấn đề, dựa trên quan niệm cũ ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’. Tác giả dị ứng chính trị trong văn chương ta nói riêng và truyện có nội dung chính trị nói chung vì sự liên kết với văn chương hiện thực Xã Hội Chủ Nghĩa. Tác giả đã hiểu từ “chính trị” theo nghĩa xấu, nghĩa hẹp nhứt. Loại văn chương này (VCXHCN) dở, không phải vì nó chính trị, mà vì nó là văn chương tuyên truyền, không đến từ đời sống thật, tình huống bịa đặt, nhân vật là những con rối để chứng minh nọ kia kia nọ...”

Khi gởi đối thoại tôi biết sẽ có tranh cãi nên đã do dự vì tuổi giả sức yếu cãi qua cãi lại chẳng ích lợi gì. Nhưng vì “vấn đề” rất quan trọng như đã nói ở trên nên tôi phải một lần nữa... đánh liều nhắm mắt đưa chưn và chờ nhận lãnh những lời vàng tiếng ngọc. Tôi có thể viết phản hồi để ca ngợi bài viết của PQT như vài người đã làm và đã được PQT trích dẫn. Nhưng lương tâm tôi không cho phép.

Hy vọng lần này tôi không “ba chớp ba nh[o]áng” viết bậy viết bạ. Nếu có sai quấy thì xin thành thật tạ lỗi.

Trân trọng

 

 

-----------------

Bài liên quan:

25.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Nếu đọc kỹ bài của tôi, NĐT sẽ thấy là tôi không hề phủ nhận là trong chính trị thì người ta cần sự đóng góp của tất cả mọi người, kể cả một anh công nhân, một chị lao công hay một người không hề có nghề nghiệp gì. Hơn nữa, tôi còn cho có một số thành phần khác trong xã hội có thể đóng góp được cho chính trị nhiều hơn giới nhà văn... Tuy nhiên, tôi vẫn cho những sự tham gia ấy khác nhau về bản chất... (...)
 
23.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Trong tiểu luận “Văn học và chính trị” tác giả Phan Quỳnh Trâm tự đặt ra một câu hỏi rồi tự trả lời. Nhưng câu trả lời đã cho thấy ngay lập luận lỏng lẻo, mâu thuẫn... (...)
 
22.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Trong tư cách người đọc, tui nhận thấy, một chữ HAY được yêu cầu trong sáng tác phẩm, khả dĩ tóm lược và giải quyết được khá nhiều chuyện dài dòng... Vấn đề còn lại là làm sao biết được hay hay không. Cá nhân tui, tui biết được. Rất dễ. Và tui tin là mỗi một người đọc, cũng tự có thể đánh giá được tác phẩm nào đó. Tự mình thôi. Không ai có thể thay mình được... (...)
 
21.10.2011
[VĂN HỌC & CHÍNH TRỊ] ... Lâu nay, tôi thích Neruda, nhưng khi đọc bài của PQT, thấy nhận xét của Borges, tôi thất vọng về Neruda. Tôi không ngờ một nhà thơ lớn như ông mà để chính trị làm cho tha hoá đến không còn tư cách của một nhà trí thức như vậy... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021