tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nhà phê bình là ông? – F2  [đối thoại]

 

F2 trong trường hợp này giống như “lai giống” vậy, nếu bài viết của Lữ là thuần chủng, các bài biết khác, trong đó có bài của tôi [về bài của Lữ] là F1, thì với tôi, bài viết này là F2 – giống nòi cứ thế, dần dần mờ nhạt.

Tôi hi vọng chỉ lai giống thêm lần này nữa thôi.

Đầu tiên, với câu của Trà Đoá:

Ví dụ như khi đi học có câu ‘Kính thầy, yêu bạn’, nếu hiểu theo kiểu Lý Đợi thì chắc phải lên án sự ‘kỳ thị giới tính’ trong môi trường giáo dục.

Đương nhiên đây là kỳ thị rồi, vì suốt một thời gian dài, có thể xem từ 1945 trở về trước, “giáo viên” ở VN được quy định/quy chuẩn, hoặc bị đồng nghĩa là “giới tính đực” – là thầy.

Trà Đoá phải chịu khó đọc lại một chút về lịch sử khoa cử và giáo dục Việt Nam, sẽ thấy người ta ứng phó với danh xưng cho “cô giáo” Nguyễn Thị Lộ, Đoàn Thị Điểm... như thế nào? Rồi khi nào thì cụm từ “thầy/cô” xuất hiện trong ngôn ngữ giáo dục Việt Nam, cũng đã có những nghiên cứu cụ thể, khả tín.

Tôi nghĩ những câu như: “Một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thầy”; “Muốn sang thì bắt cầu kiều/Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”... nên dần dần được thay thế. Hay ít ra, chỉ dùng khi viết về những giáo viên “giống đực”, còn khi viết về “giống cái”, hay những người “đồng tính”, chúng ta phải nghĩ và quy ước ra những từ, những cụm từ khác. Đó là bắt buộc để cho ngôn ngữ phát triển.[*]

Trường hợp dùng chữ “thầy/cô”, nếu xét về mặt dụng ngữ, tôi thấy dễ hơn dùng “ông/bà”, vì ta có thể viết là “giáo viên, giảng viên, giáo sư...” để thay thế. Tuy nhiên, văn chương báo chí Việt Nam phổ biến với việc dùng các từ: “thì, là, mà”..., tôi cũng nằm trong thói quen đó, xin viết lại đoạn của Lữ - mà theo thiển ý của tôi là chẳng mất nghĩa gì đáng kể:

“Nhà phê bình, là người đọc, mà cũng là người viết. Nhà phê bình viết xuống cái đọc của mình. Cách đọc đó, cũng chính là cách viết. Khiêm tốn hơn, thì sẽ không chỉ cho ai cách đọc một tác phẩm văn học. Tự nhiên hơn, thì sẽ nói: ‘Tôi đọc như vậy đó’. Và điều này có nghĩa là: Tôi sống như vậy đó. Không ai bắt chước tôi được...”

Cần gì phải phân biệt giới tính ở đây nhỉ!

Đó là chưa nói, trong nhiều trường hợp, chứ không muốn nói là đa số, tiếng Việt cũng không nhất thiết phải dùng chủ ngữ, vị ngữ. Mà khi viết như vậy, càng đỡ phải ràng buộc vào “ông/bà”, “thầy/cô”..., càng dễ trung tính hơn.

Nếu chúng ta không có nỗ lực canh tân ngôn ngữ thì tình trạng “kỳ thị giới tính” vẫn hiện diện là còn quá nhẹ. Chứ những từ/những tu duy thời chiến vẫn còn “chiếm lĩnh” trong ngôn ngữ đời thường, thì càng mệt mỏi hơn. “Chiến sĩ”, “đội ngũ”, lô-cốt”, “chiến thắng”, “đánh tan”, “dẹp tan”, “càn lướt”... và còn vô vàn nữa, vẫn đang được dùng cho ngôn ngữ y tế, giáo dục và nghệ thuật... Tại Việt Nam, nếu nói/viết “đội ngũ phê bình”, “đội ngũ y bác sĩ đã chiến thắng hay dẹp tan bệnh dịch”, “các chiến sĩ mùa hè xanh”... vẫn được xem là chuyện bình thường(?).

*

Mở rộng một chút, khi các trường mẫu giáo, mầm non ở Việt Nam (trong suốt 60-70 năm qua) gần như do các cô giáo đứng lớp, vậy mà cái khái niệm/tên gọi “cô giáo” vẫn chưa định hình, chưa có cửa, hay chưa “chiếm ưu thế” trong tâm hồn, trong suy nghĩ, trong cách viết... của nhiều học sinh dưới mái trường XHCN, ngay cả những học sinh đã trưởng thành, nghĩ cũng lạ. Hay là, do “các thầy” lãnh đạo ở các trường, các cấp giáo dục... “dữ” quá, làm cho các học sinh/sinh viên/nhà giáo, rồi sau này là các nhà văn, nhà phê bình “không dám” cho chữ “cô” hiện diện kế bên chữ “thầy”, chứ đừng nói là bình đẳng; hoặc trong vài trường hợp, cần phải thay thế.

Kỳ nhập học toàn Việt Nam (tạm quy ước cột mốc là đầu tháng 9) vừa rồi, theo thống kế không đầy đủ thì có khoảng 22 triệu học sinh đến trường, và có khoảng 1 triệu giáo viên sẽ đứng lớp. Một cộng đồng [ý nói toàn thể người Việt trên toàn thế giới, trong đó có 53 dân tộc ít người hơn] với khoảng 90 triệu dân mà có đến gần 1/3 số người (khoảng 30 triệu) đi học, đi dạy... quả là một con số đáng suy nghĩ. Trong số 30 triệu này, chắc cũng phải có đến một nửa thuộc về phái nữ, và một số ít thuộc về đồng tính. Tỷ lệ nữ của Việt Nam hiện nay vẫn còn cao hơn tỷ lệ nam một chút. Vậy mà, sau gần cả thế kỷ thay thế cho hệ thống giáo dục nam quyền thời phong kiến, nữ quyền – dù rất có công – vẫn chưa được gọi tên đúng mực. Mà nói như ngôn ngữ vỉa hè, các cô chưa có cửa mình với các thầy đâu.

 

La Hán Phòng 23.9.2009

 

_________________________

[*]Cách đây ít lâu, nhân công việc với đoàn kịch nói đến từ Anh quốc, khi họ mang vở Romeo & Juliet sang diễn tại Sài Gòn, tôi nhờ thông dịch hỏi ông trưởng đoàn là họ diễn đúng vở mà W.Shakespeare (1564-1616) sáng tác, hay có pha chế gì thêm? Ông trưởng đoàn nói “diễn theo bản dịch mới nhất, từ tiếng Anh cổ sang tiếng Anh đương đại, để người đương thời có thể hiểu được, chứ nếu diễn nguyên cổ văn, thì đến đạo diễn còn không hiểu gì, nói chi đến người xem phổ thông.” Nghe đến đây, tôi chợt nghĩ về thơ quốc âm (thơ Nôm) của Nguyễn Trãi (1380–1442), vị “tiền bối” của W. Shakespeare đến cả 2 thế kỷ, vậy mà thơ Nôm của ông đến nay đọc “vẫn hiện đại”, “chỉ cần vài chú thích nhỏ là đã sáng tỏ” – như cách nói của nhiều nhà phê bình, “ní nựng” trong nước.

Thơ Nôm của Nguyễn Trãi “hiện đại” đến mức không cần dịch ra tiếng Việt đương đại ư? Hay vì tiếng Việt trong nửa thiên niên kỷ qua chẳng phát triển bao nhiêu?

 

 

--------------

Bài liên hệ:

21.09.2009
[VĂN HỌC] ... Trong ngôn ngữ trao đổi văn học mang tính nghiêm túc, tương kính và chuyên nghiệp, ta gọi các nhà phê bình là “ông” hay “bà”, hay “ông/bà”. Gọi các nhà phê bình là “anh/chị” (anh Hoài Thanh, chị... Hoài Cảm...) thì không phải là lối gọi trong môi trường giao lưu chuyên nghiệp và nghiêm túc...Đối với các nhà phê bình thuộc giới đồng tính, thậm chí lưỡng tính, ta vẫn có thể gọi họ là “ông/bà”. Họ có thể tự xem họ là “ông” hay “bà” hay cả “ông” lẫn “bà”... (...)
 
18.09.2009
[VĂN HỌC] ... Một nhà phê bình giỏi có thể khiến cho người khác quan tâm đến một tác phẩm nào đó. Nhưng khi người đó đọc tác phẩm được nhà phê bình giới thiệu, người đó nên dùng sự trải nghiệm của mình để thưởng lãm nó (trải nghiệm trong cuộc sống bao gồm nhiều thứ như: sự giáo dục, nền văn hoá, môi trường tự nhiên, xã hội... và cả việc đọc những bài viết của nhà phê bình)... (...)
 
15.09.2009
[VĂN HỌC] ... Nói đúng ra, người ta có thể dùng bất cứ thể loại văn chương nào để viết ra những ý tưởng phê bình. Ví dụ như bài thơ lừng danh “An essay on Criticism” của Alexander Pope (1688-1744). Đó là một bài thơ, hiển nhiên như vậy, nhưng nó vẫn được xem như một bài nhận định mang tính phê bình văn học... (...)
 
14.09.2009
[VĂN HỌC] ... Về bài viết “Nhà phê bình: Cần phải khiêm tốn” của Lữ, tôi có vài ý kiến chung quanh các nhận định của Phan Quỳnh Trâm và Lý Đợi... (... )
 
13.09.2009
[VĂN HỌC] ... Phải chăng nhà phê bình là / và chỉ là “ông”? Tôi e là không phải. Bởi lịch sử phê bình cho thấy, có ông, có bà, và có cả giới đồng tính nữa... (... )

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021