|
Nhai lại, nhai lại, nhai lại... chưa chịu mòn răng
[đối thoại]
|
![]() |
Đọc bài “Thơ Việt, một hành trình chưa ngừng nghỉ” của Hoàng Lan, tôi không thể tránh khỏi cảm giác chán chường. Chán chường vì cái lối lí luận phơn phớt, chung chung, vì cái ngôn từ lặp theo kiểu sách giáo khoa thời tem phiếu. Chán chường vì thi thoảng Hoàng Lan lên gân nói đến “cảm thức và thi pháp Hậu Hiện Đại” dường như chỉ để làm sang vì chỉ nói suông mà không đủ sức dẫn giải thế nào là “cảm thức” và “thi pháp” Hậu Hiện Đại. Đọc bài thơ “Sinh tồn” của Văn Cầm Hải, độc giả chẳng biết Hậu Hiện Đại nằm chỗ nào trong mớ từ ngữ cũ và sáo: “Thuở nào xanh xao”, “má hồng”, “sông mây”, “thắp sáng dương gian”, “trầm tư sinh khí”, “nhiệm màu”, “thánh thót”, “tiếng khóc vạn kỷ”, “rụng cánh đơm hoa”... Phản cảm nhất là Hoàng Lan đã cố tình chọn những bài thơ có những hình ảnh sex và những chữ “tôi”, để rồi gán ghép cả dòng thơ Việt hải ngoại vào nhận định hàm hồ đầy tính miệt thị như sau: Cảm giác chung khi tiếp cận với những bài thơ trên là một cảm giác không thoải mái chút nào, không “thơ” chút nào. Người đọc bị cuốn vào một thế giới xô bồ, bực bội, bế tắc, đạp đổ và văng tục vào tất cả. Đúng là cuộc sống có những điều tồi tệ không thể nói bằng thứ ngôn ngữ trau chuốt. Nhưng đọc những bài thơ trên đây, người đọc bị choáng trong một thế giới mà ở đó ý thức văn hoá, ý thức về cái đẹp, ý thức về những quan hệ nghĩa tình gia đình, cộng đồng, dân tộc không còn nữa, mà nhường chỗ cho cái tôi cực đoan ít nhiều đã bị tha hoá. Về thi pháp, các bài thơ đều tràn ngập cảm thức Hậu Hiện Đại. Tuy nhiên chưa có bài nào thể hiện được hết những đặc trưng thi pháp Hậu Hiện Đại. Những bài thơ ấy được viết theo cách thức thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ không vần, thể hiện cái tôi bế tắc, không có gì mới.
Hay quá! Thế giới thơ ca của người Việt ở hải ngoại là “một thế giới xô bồ, bực bội, bế tắc, đạp đổ và văng tục vào tất cả”, “một thế giới mà ở đó ý thức văn hoá, ý thức về cái đẹp, ý thức về những quan hệ nghĩa tình gia đình, cộng đồng, dân tộc không còn nữa”! Cái nhận định này của Hoàng Lan thật là đáng được trao Giải Thưởng Nhà Nước, vì có lẽ khó mà có một lời miệt thị nào văn hoa hơn được nữa. Nhưng khổ một nỗi, ngôn từ của Hoàng Lan sao mà y hệt như một học sinh chỉ biết nhai lại một cách máy móc cái kiểu ngôn từ lý luận văn học XHCN nghèo nàn và cũ rích cách đây hơn nửa thế kỷ. Chán chường nhất là những cụm từ “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan”. Đó là những cụm từ mà các nhà lý luận văn học đầy “tính Đảng”, “tính nhân dân”, đã đem ra để chê bai, kết án những tác phẩm lãng mạn thời 1930-1945. Thế rồi suốt hơn nửa thế kỷ qua, bao thế hệ học sinh từ mái trường XHCN chui ra lại tiếp tục lải nhải những cụm từ đó. Trong mắt họ, hầu như bất cứ cái gì thiếu “tính Đảng”, thiếu “tính nhân dân”, không hồ hởi ca tụng Đảng và Nhà nước thì đều có thể dán cho những cái nhãn “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan”. Dần dần, họ lớn lên và khó mà không trở thành những con vẹt trong bầy vẹt “lý luận văn học”. Xưa thì họ cho rằng văn học lãng mạn là “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan”. Nay thì họ “vận dụng có sáng tạo” đến độ họ lại cho rằng văn học ngoài luồng, văn học Việt hải ngoại là “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan”. Đứng riêng một mình, không chịu đứng xếp hàng răm rắp là “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan”. Nói chuyện sex là “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan”. Văng tục là “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan”. Phản kháng là “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan”. Đòi tự do, dân chủ là “cái tôi bế tắc”, “cái tôi cực đoan”... Chán như cơm nếp nát. Thử giở lại vài tài liệu: - Trong Giáo trình Lý luận Văn học Việt Nam giai đoạn 1900-1945, ở Phần I - Khái quát văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945, có khẳng định “Văn học lãng mạn là cái Tôi bế tắc, cực đoan, có sự phân hóa.” Học thế nào thì lặp lại thế ấy. Bước ra khỏi cổng trường, học sinh trở thành nhà văn, nhà báo, cứ bấy nhiêu đó mà nhai lại để kiếm ăn. - Bài “Huy Cận và vũ trụ thơ ca” của Ngô Văn Phú trong mục Khoa học Thường thức của trang thông tin điện tử tỉnh Bình Thuận có đoạn nói về Huy Cận: “đang từ nhà thơ của một vũ trụ buồn, hồn thơ của ông đã chuyển công lực sang hẳn một lãnh vực mới, một quan điểm mới đầy sức sống. Từ đắm đuối trong cái tôi bế tắc , thơ ông trong thời kỳ sau cách mạng Tháng Tám thành công, đã thành những cảm nhận tinh tế trước một vũ trụ mới, một cuộc đời mới... Để có những tập thơ ca ngợi cuộc cách mạng thần thánh của nhân dân ta, những đổi thay lớn lao của cả một đất nước, một dân tộc; ông đã suy ngẫm và im tiếng suốt một thời gian dài.” - Bài “Văn học thời phát triển và hội nhập” của Lưu Xá trên báo Sài Gòn Giải Phóng có đoạn: “Phổ biến trong hành trình đi tìm cái mới, lạ của không ít người viết văn trẻ là háo hức tự tin, mạnh dạn khám phá, nhưng vì nhiều lý do, chưa chuyên nghiệp, các bạn mau chóng thể hiện cái bất lực, bức xúc, trước thời cuộc, trước yêu cầu và thách thức khốc liệt của cuộc sống. Một số bạn viết trẻ quay về cái tôi bế tắc, cô đơn.” - Gần đây nhất, trong “Đề thi thử Đại học - Cao đẳng lần I (2009-2010)” ở Trường THPT Minh Khai, Hà Tĩnh, có câu hỏi số 2: “Suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề mà nhà thơ Nguyễn Bính đặt ra trong bài thơ CHÂN QUÊ của Nguyễn Bính.” Phần đáp án mẫu cho câu trả lời là “Khổ 1: Làm trước cách mạng tháng 8-1945 thể hiện một cái tôi bế tắc, bi quan, tránh đời, cũng như những cô đơn, đau khổ của nhà thơ.”
Còn nhiều ví dụ nữa. Còn vô số... Một hành trình chưa ngừng nghỉ! Trời hỡi, từ thời Cách mạng tháng Tám đến nay, cái hành trình ấy vẫn chưa ngừng nghỉ! Nhai lại, nhai lại, nhai lại... Chưa biết đến chừng nào thì mới chịu mòn răng?
--------------- Bài liên hệ:
31.03.2010
[VĂN HỌC] ... Cảm hứng để HL viết bài này xuất phát từ sự trì trệ của thơ VN hiện nay, HL muốn tìm hiểu xem con đường thơ Việt đã trải qua là con đường thế nào, để có một cái nhìn vào tương lai. Tất nhiên đây là cái nhìn chủ quan của HL. Những nhà nghiên cứu, nhà thơ và bạn đọc khác sẽ có cái nhìn khác. Mỗi người chỉ có thể nhìn thấy một phía của chân lý... (...)
30.03.2010
[VĂN HỌC] ... Khóc Hoàng Lan là khóc cho cả nền giáo dục Việt Nam. Khóc tiễn đưa tang đầu óc trống rỗng mà ăn nói to tướng của các cây viết lách được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa vô cùng thân yêu. Khóc cho sự đọc lỗ mỗ, hiểu lôm côm, còn ăn nói thì to đại cồ... (...)
29.03.2010
[VĂN HỌC] ... Xin nói ngay, bài “Thơ Việt, một hành trình chưa ngừng nghỉ” của Hoàng Lan là một mớ kết hợp hổ lốn của các ý tưởng trong giờ học văn dưới mái trường XHCN cộng với những thông tin chắp vá lôm côm lệch lạc về thơ Việt Nam nói riêng, văn học nói chung, và cái nhìn chủ quan rất thiên vị Bắc/Nam, trong nước/ngoài nước... (...)
27.03.2010
[VĂN HỌC] ... Lướt qua một chút hành trình thơ Việt, ta có thể nhận ra điều gì? Đó là một tiến trình không ngừng nghỉ sáng tạo, một tiến trình đầy sức lực đi về phiá trước. Trong tiến trình ấy hiện lên những khuôn mặt rạng rỡ. Tuy vậy thơ Việt chưa có một nền thơ riêng. Cũng nhìn vào tiến trình ấy, tuy thơ Việt đã có những thành tựu, song thơ Việt luôn đi sau thơ thế giới... (...)
|