tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Phản hồi của tác giả Nguyễn Đình Đăng đối với lời xin lỗi của tác giả cuốn NHẬT KÝ VÙNG TÂM CHẤN  [đối thoại]

 

Sau khi tác giả Nguyễn Đình Đăng phổ biến bài “Nhà xuất bản Thời đại và nhóm tác giả du học sinh đã vi phạm quyền tác giả”, Trương Quang Đức, một trong ba tác giả của cuốn Nhật ký vùng tâm chấn đã gửi thư đến tác giả Nguyễn Đình Đăng để giải thích và xin lỗi về hành động vi phạm tác quyền. Tuy nhiên, nhà xuất bản Thời Đại vẫn chưa đưa ra một lời giải thích hay xin lỗi nào đối với tác giả Nguyễn Đình Đăng.
 
Sau khi nhận thư xin lỗi của Trương Quang Đức, tác giả Nguyễn Đình Đăng đã viết một bức thư phản hồi. Trong đó, ông cho rằng việc vi phạm tác quyền này là nghiêm trọng. Ông không đồng ý với lối giải thích của Trương Quang Đức. Ông khuyên nhóm tác giả du học sinh này nên rút kinh nghiệm từ việc làm sai lầm này. Đồng thời, ông kêu gọi các nhà xuất bản ở Việt Nam sớm chấm dứt tình trạng vi phạm tác quyền và sớm đạt được sự tôn trọng sở hữu trí tuệ của một nước văn minh.
 
Dưới đây là nguyên văn bức thư của tác giả Nguyễn Đình Đăng:

 

Chào cháu Trương Quang Đức,

Tôi vừa nhận được thư của cháu xin lỗi về việc cháu đã đưa hai bài viết cuả tôi vào in trong cuốn sách “Nhật ký vùng tâm chấn – 6 ngày kinh hoàng tại Sendai” do cháu cùng hai bạn Nguyễn Thị Phương Dung, Bùi Phi Anh làm tác giả và NXB Thời Đại xuất bản.

Tôi rất lấy làm tiếc về việc này, mà tôi cho là nghiêm trọng, bởi lẽ việc vi phạm bản quyền này lại do chính các cháu gây ra, những sinh viên Việt Nam đang du học tại một đất nước mà luật pháp nói chung và quyền tác giả nói riêng được tôn trọng hết mực. Trong quá trình làm luận án thạc sĩ hay tiến sĩ, chắc các cháu cũng đã ít nhiều làm quen với việc đăng bài hoặc viết sách. Việc tôn trọng quyền tác giả không chỉ thể hiện sự tôn trọng luật pháp mà còn là đạo đức nghề nghiệp (professional conduct).

Đăng lại nguyên văn bài viết và trích đăng là hai việc khác nhau. Cháu có thể trích đăng một câu, hoặc vài câu của tác giả khác, mà không cần xin phép với điều kiện cháu để những câu trích dẫn trong ngoặc kép và ghi rõ nguồn trong phần tài liệu tham khảo. Nhưng nếu cháu đăng lại nguyên văn một bài cuả tác giả khác thì cháu cần được sự đồng ý của tác giả bài đó. Nếu bài đó là cuả nhiều tác giả, cháu phải nhận được đồng ý của tất cả các tác giả hoặc của một tác giả do nhóm tác giả này ủy quyền.

Việc các cháu dùng tiền bán sách (trong đó có thể có hoặc không kèm nhuận bút tác quyền) để ủng hộ đồng bào bị nạn trong trận động đất – sóng thần tại Nhật Bản là một việc thiện. Song không thể dùng mục đích từ thiện để biện minh cho hành động (ở đây là việc vi phạm quyền tác giả).

Ngoài nhóm tác giả, NXB Thời Đại cũng có lỗi trong việc này bởi, trước khi xuất bản, NXB cần nhận được sự đồng ý của tất cả các tác giả có bài đăng trong tập sách. Theo kinh nghiệm của tôi, khi đăng bài viết của bất kỳ tác giả nào, bao giờ các tạp chí hoặc NXB ở Nhật, châu Âu, Mỹ cũng yêu cầu tác giả ký vào thư đồng ý hoặc chuyển nhượng bản quyền (copyright transfer). Điều này không phải là mới mẻ đối với các NXB tại Việt Nam. Năm 2007, khi NXB Kim Đồng xuất bản bản dịch tiếng Việt (từ bản tiếng Anh) cuốn sách “Truyện cổ tích vùng Chitose” do cố tác giả Gizo Osami sưu tầm từ vùng Ainư rồi biên soạn ra tiếng Nhật, NXB Kim Đồng đã đề nghị ông Arikata Osami – con trai cố tác giả Gizo Osami – và cả hoạ sĩ minh hoạ tập truyện viết thư đồng ý (Thư đồng ý của họ được in tại trang đầu của cuốn sách).

Tuy nhiên tôi vẫn chưa nhận được bất cứ hồi âm nào từ NXB Thời Đại. Sau khi biết việc này, một người bạn khác của tôi – một nhạc sĩ nổi tiếng tại Việt Nam – thậm chí còn cho tôi biết rằng ở Việt Nam những chuyện vi phạm quyền tác giả như thế này là chuyện bình thường. Đây là một hiện trạng đáng buồn, bên cạnh rất nhiều hiện trạng đáng buồn khác, mà theo tôi, câu “Cái nước mình nó như thế” của của cố giáo sư Hoàng Ngọc Hiến[1] đã phản ánh sự nhẫn nhục trước những hiện trạng đáng buồn đó, hơn là một lời giải thích.

Tôi hy vọng các cháu rút được kinh nghiệm trong việc này. Tôi cũng hy vọng các nhà làm sách tại Việt Nam sớm chấm dứt việc vi phạm bản quyền, sớm đạt được sự tôn trọng sở hữu trí tuệ của một nước văn minh.

 

Nguyễn Đình Đăng

 

____________

 

 

-----------------

Bài liên quan:

07.06.2011
[VĂN HOÁ & CUỘC SỐNG] ... Việc NXB Thời Đại và nhóm du học sinh Trương Quang Đức, Nguyễn Thị Phương Dung, Bùi Phi Anh đăng lại các bài viết của tôi, hơn nữa lại đăng trong một cuốn sách để đem bán trên thị trường, mà chưa được tôi cho phép, là một việc làm tự tiện, rõ ràng đã vi phạm quyền tác giả, bất kể động cơ của việc xuất bản cuốn sách này nhằm mục đích gì... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021