tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Thực dân, nô lệ, ăn mày  [đối thoại]

 

Tháng Ba năm 1906, phẫn nộ trước hình ảnh người Trung Quốc hả hê thưởng thức cảnh lính Nhật cắt cổ đồng bào mình trên màn ảnh trong một giảng đường y khoa tại Nhật, Lỗ Tấn đã dứt khoát từ bỏ hoài bão làm thầy thuốc nhen nhúm từ tấm bé và nung nấu khát vọng canh tân ở tuổi chớm biết ưu tư để lao vào cái nghề cầm bút nghiệt ngã, bấp bênh. Làm thầy thuốc thì chỉ có thể chữa những bệnh tật trên thể xác của con người. Cái mà dân tộc Trung Hoa cần chữa là những căn bệnh sâu trong tinh thần của mấy trăm triệu người.[1]

Tháng Tư năm 2010, những triệu chứng của chứng bệnh ấy lại lộ ra, không với dân tộc của Lỗ Tấn mà với chúng ta. Khi một bậc chuẩn khoa bảng ngành American Studies, qua sự tiếp tay của một nhà truyền thông, bực dọc đưa ra “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” để biện minh cho sợi thòng lọng mà hệ thống toàn trị láng giềng đang siết dần vào cổ họng đất nước mình, cả hai đã hả hê thưởng thức tương tự, không hơn không kém.[2] Hả hê trước những tâm cảm nhức nhối về thân phận nhược tiểu của đất nước mình. Hả hê trước tình cảnh điêu đứng của những anh em chú bác mình, những người vừa cắn răng chịu đựng một chính quyền không ra chính quyền, vừa bươn chải chịu đựng gã láng giềng đang tập tành tướng đi đế quốc nhưng chưa bao giờ ra dáng đế quốc bởi không thể gột bỏ hết bản chất vô sản lưu manh kiểu bần cố nông đấu tố như có thể thấy qua những hành vi cướp biển bần tiện, nhỏ mọn.[3] Và khi hả hê thưởng thức như thế, những con bệnh tim não cùng những ủng hộ viên khác đã thưởng thức với sự mãn nguyện của những đầu óc nô lệ, ăn mày.

Tôi không hề quá đáng, nặng lời. Khi cho rằng người Việt phải tri ân hệ thống toàn trị Trung Hoa qua những khoản đầu tư đã bỏ ra trong thời chiến, bậc chuẩn khoa bảng suy nghĩ có khác nào hạng ăn mày khi ghi tâm khắc cốt những ân huệ bố thí mà không đếm xỉa gì đến động cơ hay cung cách bố thí?[4] Và khi khăng khăng rằng mình hoàn toàn đúng bởi đã hành xử chính xác theo “Tiêu chuẩn biên tập BBC”, nhà truyền thông nối giáo cũng chỉ thể hiện một đầu óc nô lệ mà Phan Khôi đã chỉ ra trên Phụ Nữ Tân Văn hơn 80 năm trước:

“Chẳng những một mình ông, tôi thấy có nhiều người cũng nói như ông vậy. Họ nói: Quốc ngữ viết thế nào cũng được, không cần phân biệt t với c, có g với không g. Nói vậy thì sao họ học chữ Pháp họ lại phải viết theo từng nét? Sao họ không viết là ving đi mà phải viết vingt? Sao họ không nói ‘j’alle’, ‘tu alles’, ‘il alles’ đi mà lại phải nói ‘je vais’, ‘tu vas’, ‘il va’? Tôi mong rằng rày về sau đừng có ai nói như ông nữa mà làm cho tôi thương tâm quá! Vì trong sự này tôi thấy ra cái tánh nô lệ của người ta: các anh bồi từ phòng khách đến phòng ăn, phòng ngủ của Tây thì các anh giữ quét dọn sạch sẽ luôn; còn chỗ xó của vợ chồng anh ấy nằm thì tha hồ là dơ dáy. Song nô lệ cách này còn được; chớ nô lệ cách kia thì thôi, hết mong gì nữa!”
[5]

Thì cũng là cái cảnh “hết mong gì nữa”. Người thì chăm chút “quét dọn sạch sẽ” sao cho đúng “tiêu chí biên tập” của kẻ giữ sổ lương, còn lại “tha hồ là dơ dáy”. Người thì, như một nghiên cứu sinh ngành American Studies, chắc chắn sẽ không bao giờ dám bộc lộ sự “bực dọc” tương tự trước những George Washington hay Benjamin Franklin, những người Mỹ đã dứt bỏ mối ràng buộc với nước Anh, cái mẫu quốc mà thuộc địa Mỹ “từ đó mà ra”. Từ những kẻ trong “xó nằm dơ dáy” cho đến hạng học thức hơn, sang cả hơn, chân trời đã rộng mở rất nhiều. Nhưng có mở đến đâu cũng vậy, cũng chỉ là cái tinh thần ở đợ và do đó vấn đề không thuộc về những cá nhân cụ thể mà là cái hình bóng chung thấp thoáng sau lưng họ, sau lưng những ủng hộ viên nhâng nháo, những kẻ đang lật bật muá may với những “ân phước” hay tinh hoa văn hoá Trung Hoa để làm nhiễu loạn mối ưu tư của cộng đồng Việt về sự sinh tồn trong mai hậu.

Như thế thì phải tìm hiểu kỹ hơn cái hệ số chung “bồi”. Như một chuẩn siêu cường đang lên, nước Trung Hoa hãnh tiến hôm nay đang càng ngày càng ra dáng thực dân và hệ quả là sự hình thành của lớp bồi Tàu đương đại, như một sự tiếp nối của những lớp “quăng vùa hương xô bàn độc” / “chia rượu lạt gặm bánh mì” thượng lưu hay hạ đẳng ngày trước.[6] Nếu sức mạnh cơ giới của thực dân Pháp từng khiến một Tôn Thọ Tường khiếp đảm đến độ đầu hàng không điều kiện Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc / Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay thì sức mạnh của thực dân Trung Hoa hôm nay cũng đang thai nghén nên một lớp kế thừa tương tự.[7] Nhưng thần phục thực dân cũng có nghĩa là thần phục sức mạnh. Não trạng nô lệ và ăn mày thực dân, thực chất, cũng chỉ là biểu hiện của não trạng nô lệ và ăn mày trước sức mạnh chính thống.

Khuynh hướng phò thực dân, như thế, chỉ là biểu hiện nhất thời và sa đoạ của khuynh hướng phò chính thống. Và nếu khái niệm “thực dân” luôn được hiểu như là những thế lực đến từ bên ngoài thì đã đến lúc chúng ta phải nhận diện thứ “thực dân” sinh sản bên trong.[8]

Khi quyền lực chính thống tự tách mình ra, không nương tay bóc lột cộng đồng để phục vụ lấy mình như một cộng đồng con, nó đã là hiện thân của một thứ “thực dân”. Nội hoá hay ngoại hoá, đã đối phó với khát vọng sống của cộng đồng thì thứ thực dân nào cũng ngay ngáy kiểm duyệt để che đậy bản chất ăn cướp và bóc lột của mình. Nhưng kiểm duyệt cũng chỉ là một biện pháp cụ thể trong mục tiêu ngu muội hoá con người, như một đường lối nhất quán. Khi hệ thống toàn trị sắt máu hơn cả chính quyền thực dân trong chính sách ngu muội hoá ấy, nó đã sợ hãi sự thật và mong mỏi công dân của mình ngu dốt hơn cả thế lực cai trị bên ngoài đã từng sợ và từng mong.[9] Như thế, nếu cái mũ cối được xem là biểu tượng của chủ nghĩa thực dân phương Tây thì hệ thống toàn trị hiện tại không chỉ kế thừa từ thực dân Pháp cái mũ ở trên đầu mà kế thừa cả cái chủ trương ngu dân ở bên trong cái đầu.

Cuộc cách mạng đắt giá mà hệ thống toàn trị vẫn ồn ào kỷ niệm đi kỷ niệm lại, xem ra, chỉ là thứ “cách mạng” để thay đổi màu da dưới cái mũ cối. Chỉ thay màu da thôi nên sau đó vẫn là những trò ngu muội hoá con người quen thuộc, vẫn là những cuộc xâm lược nhắm vào giềng mối quan hệ và tình cảm quen thuộc. Và có quen thuộc như thế nên những hình ảnh sinh động và bi phẫn nhất trong “Á Tế Á Ca” hay “Bình Ngô Đại Cáo” vẫn tiếp tục sinh động và tiếp tục bi phẫn như một thứ “hiện thực phê phán”.[10]

Khi thực hiện chính sách ngu dân trên đất nước chúng ta, thực dân Pháp đã đần độn hoá con người để vừa có thể đầu độc và bóc lột thậm tệ bằng thuốc phiện hay sưu cao thuế nặng, vừa có thể cao rao sứ mạng “khai hoá”. Hệ thống toàn trị kế thừa cũng tiếp tục như vậy để vinh quang hoá cái sự nghiệp ghê tởm xây dựng từ những cuộc đấu tố, những trại cải tạo, những trò cướp bóc tập thể, những cơn mê sảng vĩ cuồng mà hậu quả nhãn tiền là đói rách, nợ nần và tụt hậu. Hệ thống cần làm vậy để những sai lầm tiếp nối sai lầm vĩnh viễn thuộc về trách nhiệm của một “quá khứ” chung chung, của những “lý do lịch sử” chung chung hay “yếu tố khách quan” chung chung. Và nó cần vậy để mối quan hệ rành rành giữa kẻ cướp và con mồi mới trở thành “quan hệ hữu nghị hướng tới bền vững, ổn định”.

Để thoải mái cai trị và, thậm chí, để được thoải mái... hèn, hệ thống toàn trị phải kìm hãm, phải duy trì công dân của mình trong thân phận của những kẻ nô lệ hay ăn mày ngây dại, hồn nhiên.[11]

Như cái kiểu hồn nhiên khi chúng ta nắn nót những “đơn xin” đầy tính ăn mày. Cứ dựa theo tiêu chí dân quyền của một xã hội dân sự thì, trừ một thiểu số quyền lực, những ai đang từng hay đã từng sống dưới với hệ thống cai trị ấy mà không phải gánh chịu kiếp ăn mày? Dưới hai cái ách cai trị thực dân và quân chủ, cha ông chúng ta phải chịu thân phận ăn mày ấy khi viết “đơn xin” gởi lên “quan Công sứ” với lời kết “Muôn đội ơn quan lớn” đã đành.[12] Thời của những chính quyền “nhân dân”, “dân chủ” hay “cộng hoà”, chúng ta cũng phải tiếp tục các phẩm giá tương tự trong những “Đơn xin” in sẵn và những “Đơn xin” tự biên tự diễn tương tự. Đơn xin nhập học. Đơn xin chuyển trường. Đơn xin chuyển hộ khẩu. Đơn xin cấp giấy phép xây dựng. Đơn xin mượn giấy tờ trong hồ sơ sinh viên. Đơn xin làm lại thẻ sinh viên.[13] Xin, xin và... xin. Chúng ta vẫn phải đi ăn xin và vẫn phải “đội ơn” như thể là thời thuộc địa cho dù ngôn ngữ khác đi, có màu mè thêm ra kiểu “Trong khi chờ đợi sự chấp thuận của quý cấp tôi xin bày tỏ nơi đây tấm lòng thành kính và biết ơn sâu xa”.

Ăn xin cho đáng ăn xin / Lấy chồng cho đáng bù nhìn giữ dưa... Có hạ mình đi xin thì cũng nên xin những gì cho đáng chứ? Và để xứng đáng là “chính quyền nhân dân” thì cũng phải bình thường hoá những chuyện như thế như là những “thao tác” thuần túy kỹ thuật chứ? Khi phức tạp hoá những “thao tác kỹ thuật” ấy bằng một thứ ngôn ngữ và những thủ tục ăn mày, hệ thống cai trị đã biến nó thành một “hành động chính trị” để, qua đó, chính trị hoá vấn đề, biến công dân của mình thành những con tin hay con nợ nhằm tiện bề thao túng và chi phối.

Nhưng không chỉ là những quan hệ xin-cho lặt vặt mà là chủ trương ăn mày hoá như một phần trong hệ thống giáo huấn ngu dân. Chính tính nhất quán và sự tiếp nối của những hệ thống giáo huấn ngu dân nối tiếp nhau qua bao thời kỳ quân chủ, thực dân và thực-dân-hậu thực-dân mới có thể biến chúng ta thành những con tin hồn nhiên và ngây thơ như thế. Nó huấn nhục và tôi mọi chúng ta. Nó lột sạch phẩm giá con người của chúng ta. Nó bắt chúng ta tư duy như là những thực thể ký sinh, chỉ có thể tồn tại bằng cách ăn xin hệ thống, bám chặt vào hệ thống, như một thứ tôi đòi.

Vậy thì phải trở ngược lại một chút với tiến trình “tôi đòi hoá” trong lịch sử Trung Hoa, nơi mà, theo nhà chuẩn khoa bảng, vua chúa chúng ta hay dân tộc chúng ta “từ đó mà ra”. Khi chấm dứt thời kỳ phân phong để tóm thu thiên hạ về một mối, Tần Thuỷ Hoàng đã tóm thu chữ “trẫm” của thiên hạ vào cái lưỡi của mình và biến tất cả thành “tôi”, như một thứ tôi đòi.[14] Mà cũng không phải trở ngược hơn 20 thế kỷ, chỉ hơn nửa thế kỷ thôi đã thấy cái sự thể tương tự khi, vào năm 1945, lúc mới có 55 tuổi, Hồ Chí Minh đã buộc cả nước, trong đó có những thế hệ 80 hay 90, gọi mình là “bác”. Dù không độc chiếm chữ ấy như bạo vương họ Tần đã làm với “trẫm”, ông chủ tịch này cũng đã ngạo ngược không kém.[15] Và cho dù mức độ có khác nhau bởi thời thế đã khác nhau, ông chủ tịch cũng chỉ hành động theo cùng một triết lý với bạo vương là tạo nên khoảng cách trong ý đồ lễ trị.

Khoảng cách giữa những bậc quân vương như Tần Thủy Hoàng với bề tôi là một khoảng cách thực xa, trong đó kẻ tôi mọi không thể ngẩng mặt đối diện mà chỉ có thể nhìn vào bực thềm dưới chân: “Muôn tâu bệ hạ”.[16] Khi một “bề tôi” như Xuân Diệu không dám ngẩng mặt trong cách “muôn tâu” hiện đại Con ngồi trước Bác mênh mông / Tội nhiều chưa dám ngẩng trông cha già thì khoảng cách ấy có thể phần nào xích lại nếu, như có thể thấy ở phần sau, vượt qua được cái chướng ngại “tội nhiều” bằng cách... lập công”.[17] Bằng danh xưng “Bác”, lãnh tụ của hệ thống thực dân nội hoá đã ranh mãnh tạo nên một khoảng cách vừa xa, vừa gần. Đủ xa để thấy ông ta vĩ đại quá, cao cả quá. Đủ gần đề thấy ông ta gần gũi quá, thân thuộc quá, như thể cùng chia sẻ một phần máu huyết với mình. Và để tạo nên cái khoảng cách vừa xa vừa gần ấy, nhà cách mạng đội mũ cối không nhất thiết phải độc chiếm chữ “bác” nhưng lại chiếm hữu những thứ khác thâm hiểm hơn nhiều.

Như cái bài hát “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng”, cũng ra đời vào năm 1945, chẳng hạn.[18]

Khi nhồi sọ vào các thế hệ mầm non những câu hát thuộc loại Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn các em nhi đồng / Ai yêu các em nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh, hệ thống toàn trị đã xâm lấn vào những tâm hồn trong sáng và những giềng mối quan hệ cùng tình cảm gia đình. Không ai có thể so đo hơn thua trong những tình cảm tế nhị và thiêng liêng như thế nhưng, ngay từ đầu, đầu óc non nớt của các em đã bị ô nhiễm với cái ý tưởng kỳ thị cảm tình. Không ai yêu các em bằng “Bác”, kể cả cha mẹ ông bà. Các em cũng không thể yêu ai hơn là yêu “Bác”, kể cả ông bà cha mẹ. Mà nếu phải chăm chỉ học hành thì trước hết, các em phải học để “xứng đáng” là “cháu Bác Hồ Chí Minh”[19] Một phương pháp giáo dục như thế không chỉ tách đứa bé ra khỏi những khuôn mặt gần gũi và thân yêu nhất của mình mà còn tách các em ra khỏi chính các em, vong gia và vong thân. Cực kỳ phản sư phạm.

Không chỉ phản sư phạm, đó còn là một phương pháp sặc mùi thực dân và cái ông “Bác kính yêu” ấy không chỉ kế thừa từ thực dân cái mũ cối ở trên đầu mà còn thừa kế cả cái dã tâm xâm lược ở trong tim. Khi nhồi sọ những đứa trẻ bằng những bài ca hay vè như thế, bộ máy cai trị của ông ta đã xâm lược vào những giềng mối quan hệ thiêng liêng, thâm hiểm hơn cả thực dân Tây hay thực dân Tàu.

Thật vậy. Khi áp dụng chính sách đồng hoá người Việt cổ, thực dân Trung Hoa của ngàn năm Bắc thuộc đã xâm lấn và hủy hoại những giềng mối quan hệ của tổ tiên chúng ta thời ấy với lớp tổ tiên đi trước. Khi hủy diệt những dấu vết văn tự trên đất nước chúng ta, thực dân Trung Hoa của 10 năm Minh thuộc đã tiến hành cái trò xâm lược thâm hiểm tương tự. Khi dạy cho học trò tiểu học bài sử đầu tiên “Tổ tiên chúng ta là người Gôloa”, thực dân Pháp đã thâm hiểm một thể với mục tiêu cắt đứt giềng mối quan hệ giữa học sinh thời ấy với những thế hệ tổ tiên từ trong các huyền sử xa xăm. Nhưng khi can thiệp vào những giềng mối và quan hệ tình cảm của các em thơ, hệ thống toàn trị mũ cối đã đẩy cái trò xâm lược thâm hiểm này xa hơn, sâu hơn vào từng ngóc ngách gia đình, can thiệp sâu vào tình cảm giữa những thế hệ đang giáp mặt với nhau.

Nếu Khổng Tử cho rằng “lễ” phải đi kèm với “nhạc” thì những bằng chứng “lễ/nhạc” như thế cho thấy lãnh tụ mũ cối của chúng ta đã áp dụng y hệt nguyên lý cai trị của các bậc quân vương.

Khi bề tôi của các bậc quân vương có liều mình xả thân, họ đã không ý thức rõ rằng họ đang xả thân cho đất nước của họ. Như những kẻ ăn lộc vua, họ xả thân là để báo đáp ơn vua. Trần Quốc Toản ngày xưa, có bóp nát quả cam trong tay tại Hội nghị Bình Than rồi trở về thành lập toán quân nghĩa dũng, vị anh hùng trẻ tuổi này cũng chỉ hành động với khẩu hiệu “Phá cường địch báo hoàng ân” chứ không nêu cao khẩu hiệu “vì nước”. Nếu “nước”, trong cách hiểu theo khái niệm “quốc gia” hiện đại, là sản phẩm của cuộc cách mạng kỹ nghệ tại Âu châu và du nhập vào các nước Á – Phi trong nỗ lực giải thực thì, chính với những cuộc vận động giải thực này, người dân các thuộc địa này mới hiểu thế nào là xả thân cho đất nước của mình. Nhưng đó là những cuộc cách mạng thực sự là... giải thực. Với thứ “cách mạng” chỉ để thay màu da dưới cái mũ cối thì sự thể vẫn vậy nên, có xả thân thì, trước hết, những công dân ưng ý nhất của nó cũng phải nêu cao cái khẩu hiệu dâng công lên lãnh tụ và bộ máy cai trị nói chung. Thời thực dân Pháp, thanh niên Việt Nam bị dẫn dụ hay ép buộc sang chiến trường hay cơ xưởng Âu châu để đền đáp “ơn khai hoá” của nhà nước Đại Pháp chung chung. Thời thực-dân-hậu-thực-dân thì những thế hệ tiếp nối cũng chỉ lập lại cùng cái công việc đền đáp mang bản chất ăn mày với những khẩu hiệu lập công “dâng Đảng”, “dâng Bác” hay để “xứng đáng” với niềm tin mà hai thứ ấy đã trao. Nhỏ thì chăm học để xứng là “cháu”, lớn thì chăm chăm lao vào chỗ chết để xứng hay chăm chăm với ý tưởng làm sao để xứng với “niềm tin” của bộ máy cai trị. Đất nước có thể nào ngóc đầu lên nổi khi thế hệ tiếp nối thế hệ chăm chăm nhau cái sự “xứng đáng” ngu xuẩn này?[20]

Đó là những thế hệ mà giềng mối tình cảm, trong đó có cả giềng mối quan hệ với đất nước của mình, đã bị xâm lược và hủy hoại. Mà cả lãnh tụ đội mũ cối cũng đã bị hủy họai như thế nên, khi trăn trối một cách bình tĩnh trong bản di chúc viết đi viết lại trong vòng 4 năm trời, từ 1965 đến 1969, ông ta đã không mảy may đề cập đến những tổ tiên mà chính ông ta từng nhắc nhở là “có công dựng nước”. Có viết đi viết lại thì ông ta cũng chỉ viết về cái ngày “đi gặp cụ Mác cụ Lê” và “các bậc cách mạng đàn anh” vậy thôi.[21] Như thế thì vị lãnh tụ che đầu bằng cái mũ cối thực dân này cũng chỉ là một thứ ký sinh và ở đợ tinh thần. Ông ta thản nhiên rằng ông “không có tư tưởng nào khác ngoài tư tưởng Mác – Lê Nin”. Ông ta vui vẻ rằng ông không cần viết sách lý luận và hãy để việc này cho Mao Chủ tịch chu tất.[22] Rồi ông ta sắt son rằng ông ta có thể sai chứ Mao và Stalin không thể nào sai![23] Lãnh tụ “kính yêu” mà đã thế thì nói gì là những sản phẩm ưng ý nhất của cái hệ thống giáo huấn mà ông ta nặn ra?

Đó là hệ thống nhất quán từ A tới Z, bắt đầu từ tiếng “Bác”, từ bài “đồng dao” vong thân cho lứa tuổi nhi đồng đến khẩu hiệu “Đời đời nhớ ơn...” v.v... trong lớp học cho đến những mức độ tôi đòi hoá cao hơn, phức tạp hơn về những giá trị “vĩ đại” và “vinh quang” đầy tính tôi đòi. Và đó cũng chính là những giới hạn không thể vượt qua, cũng giống như hệ thống giáo dục khoa cử Nho học với những “húy” mà sĩ tử không thể phạm, những giáo điều phải học thuộc lòng. Để “thành đạt” trong một hệ thống như thế thì phải làu làu như những sản phẩm ký sinh của hệ thống, làu làu một cách hồn nhiên hay vờ vịt hồn nhiên.

Quen với một môi trường giáo dục như thế nên tôi đã ngạc nhiên đến ngẩn người trong lớp học tạm bợ ở trại tỵ nạn về những nền tảng giáo dục và văn hoá Tây phương. Lớp học dành cho những người tỵ nạn lõm bõm đôi chút tiếng Anh, đủ để làm việc cho các cơ quan của Liên Hiệp Quốc và buổi thảo luận do một nhân viên của cơ quan quốc tế này hướng dẫn tưởng là bình thường như một cơ hội để hoàn thiện tiếng Anh: “Theo bạn, ai là người vĩ đại nhất nhân loại”. Bình thường thôi và chúng tôi, đâu khoảng mười học viên, tiếp nối nhau nêu tên thần tượng của mình, vận dụng bằng hết khả năng Anh ngữ để chứng minh thật thoả đáng luận điểm của mình. Người theo Đạo Phật thì có Đức Phật. Tín đồ Thiên Chúa giáo thì có Chúa Jesus. Kẻ mê khoa học thì Albert Einstein, người mê văn chương thì Victor Hugo, Leo Tostoy và, có người thì đơn giản: “Mẹ tôi”. Chúng tôi thảo luận rào rào như thế bằng kiến thức và ngôn ngữ chắp vá của mình cho đến khi nhận được câu trả lời riêng cho từng người, để trong hộp giấy cứng, mang ra đọc ở ngoài hành lang.

Lời đáp thật đơn giản và thật bất ngờ: một tấm gương soi dưới đáy để câu trả lời, cho bất cứ ai đến lượt, cũng chỉ là khuôn mặt của mình.

Đó không đơn thuần là lời đáp cho một câu hỏi mà là một triết lý, một nền tảng văn hoá đã làm tôi ngây người như một phát minh thú vị. Mà quả là thú vị khi, trong một hoàn cảnh trớ trêu như thế lại có thể, vô hình trung, gặp lại Nguyễn Thái Học trên một miền đất lạ. Bạn mới là người vĩ đại nhất. Bạn cho rằng Đức Phật là người vĩ đại nhất ư? Bạn cũng có thể có trở thành Phật lắm chứ, vấn đề là bạn có muốn làm hay không! Bạn cho rằng Einstein là người vĩ đại nhất ư? Tại sao bạn không cố lên, bạn cũng có thể trở thành một nhà khoa học như ông ta lắm chứ? Vân vân, bao nhiêu là tên tuổi vĩ đại nhưng cứ ước mơ, cứ tưởng tượng và cứ gắng sức, hoàn toàn không có một giới hạn nào đặt ra trước mặt: Không thành công cũng thành nhân.

Không thành công cũng thành nhân và hiện tại đã có quá nhiều lời ta thán về tình trạng “không thành công mà cũng chửa thành nhân” của nền giáo dục toàn trị với sự khủng hoảng hầu như toàn diện. Khủng hoảng từ sự áp dụng máy móc của những giáo điều xơ cứng đến sự lúng túng, thiếu sáng tạo trước những đòi hỏi gay gắt của cuộc sống. Khủng hoảng từ nhân phẩm của ông thầy cho đến đạo đức của học trò. Khủng hoảng từ chương trình giảng dạy cho đến thể lệ thi cử, khủng hoảng từ những thay đổi xoành xoạch chẳng đâu vào đâu và những chính sách mâu thuẫn, chồng chéo lên nhau. Một cuộc khủng hoảng mà, cả những người trí thức nhất và tâm huyết nhất vẫn phải bó tay trong cái khát vọng tạo nên cú hích thay đổi. Họ bó tay, bất lực. Họ mù tịt, chẳng biết phải bắt đầu cú hích ở chỗ nào.

Thì cũng dễ hiểu thôi. Khi nền giáo dục đóng khung trong những giới hạn không thể vượt qua thì tự thân nó đã là một giới hạn không thể vượt qua, trớ trêu như là tự mắc vào cái bẫy của chính mình với cái tình thế Catch –22 không thể nào giải quyết.[24] Nếu hệ thống chỉ nhắm đến việc đào tạo những sản phẩm ký sinh thì những thành viên thành đạt nhất phải chứng tỏ được khả năng ký sinh cao nhất. Mà thành đạt nhất cũng có nghĩa là quyền lực nhất. Trong mối quan hệ cộng sinh giữa quyền lực như thế với và tình-trạng-hiện-hữu, cái status quo của hệ thống, thành viên nào dám vứt hết những phần thưởng nhận được để phá vỡ sự ổn cố của hệ thống đang trao thưởng cho mình?

Như thế, chính bản chất thực dân của hệ thống toàn trị mới là căn nguyên lớn nhất của tình trạng khủng hoảng nói trên. Cái cuộc khủng hoảng toàn diện không thể nào cải tổ mà, để giải quyết, phải tiến hành sự thay đổi toàn diện mang tính cách mạng.

Như cuộc khủng hoảng về đạo đức thầy trò chẳng hạn. Trang bị cái gọi “văn hoá mới xã hội chủ nghĩa” hay “văn hóa quần chúng”, hệ thống toàn trị đã xâm lấn vào văn hoá truyền thống và do đó “tách” công dân của mình ra khỏi những giá trị truyền thống ở đó thầy phải ra thầy và trò phải ra trò cùng những chuẩn mực “hiền minh” để tin, theo  khác. Bác đã lên đường nhẹ bước tiên, Mác Lê Nin thế giới người hiền, nếu chuẩn mực “hiền minh” của thứ “văn hoá mới” này là những lãnh tụ chuyên hô hào đập phá, hô hào cái sự tiêu diệt giai tầng khác để bảo đảm quyền lợi của giai tầng mình thì hậu quả phải là những thành viên quen mùi đập phá, quen mùi tiêu diệt và quen mùi với quyền lợi riêng mình, trong đó có những “thằng thầy” và những “thằng trò”.[25]

Hay như, những lời ta thán về sự xuống cấp của tiếng Việt. Đây đó, đã có những lời báo động về ảnh hưởng của kỹ thuật, nhưng sự nhiễu xạ từ tác động kỹ thuật chỉ thuần túy là cạnh kỹ thuật bởi, trước sự du nhập của những cái máy computer hay cái mobil phone, ngôn ngữ chẳng đã từng bị ta thán là bết bát cái sự xuống cấp là gì? Vấn đề ở đây là, khi hệ thống toàn trị tách rời con người ra khỏi đất nước mình, do đó tách rời họ ra khỏi tiếng nói chung gọi là “Quốc ngữ” của mình và ngày đêm nhét vào tai họ ngôn ngữ chính trị của hệ thống. Hậu quả phải là tình trạng loạn ngôn khi tiếng nói đã bị nhiễu xạ và xuống cấp theo ngôn ngữ đấu tố, ngôn ngữ nghị quyết và ngôn ngữ tuyên truyền, thứ ngôn ngữ mang bản chất thực dân và mỵ dân của bộ máy giáo huấn toàn trị.[26]

Và như, những lời ta thán về vấn đề sang nhượng lãnh thổ và sự thờ ơ của đa số công dân trước vấn đề lãnh thổ. Đã tiến hành “cách mạng” chỉ để thay đổi màu da dưới cái mũ cối thì hệ thống cũng chỉ kế thừa lãnh thổ như thể là kế thừa cái mũ ấy trên đầu. Đã kế thừa lãnh thổ như một thứ thực dân thì cũng hành động như một thứ thực dân và hậu quả là đất đai bị tùng xẻo y như là thời... mất nước. Và khi con người bị hệ thống tách ra khỏi đất nước, phải tồn tài bằng cách bám vào hệ thống như một thứ ký sinh, họ đâu còn biết đến “lãnh thổ quốc gia”? Cái mà họ biết hay chỉ vờ vịt biết là không gian sinh tồn, là cương vực riêng của hệ thống.

Hẳn nhiên, những chủ trương ngu dân như thế không thể thể nào dung hợp với khát vọng sống của con người. Nếu đã không hợp với con người mà những từ ngữ dành cho sản phẩm của nó như “nô lệ”, “ăn mày”, “ở đợ tinh thần”, “con tin” hay “con nợ” và “ký sinh trùng chính trị” đã trở thành nhàm chán, chúng ta có thể nào sử dụng đến từ “con thú”?

Xã hội thì phải luôn tiến hoá. Mà khi hệ thống toàn trị đang đẩy xã hội và con người đi vào những bước thoái hoá nối dài thì, có lẽ, hệ thống thực dân nội địa này cũng đang dần biến con người chúng ta trở thành con thú...[27]

 

8.6.2010

 

_________________________

[1]Cha mất từ rất sớm và ký ức tuổi thơ gắn liền với hình ảnh của tiệm cầm đồ và tiệm thuốc: cầm đồ xong thì đến tiệm thuốc mua thuốc. Lớn lên muốn theo đuổi khoa học và nghe tin cuộc canh tân của Nhật khởi sự từ việc du nhập y khoa hiện đại Tây phuơng, Lỗ Tấn đã theo học tại Học viện Y khoa Tiên Đài (Sendai Medical Academy). Nhập học từ năm 1904, đến năm 1906 thì bỏ học để lao vào hoạt động văn học. Chuyện được kể lại trong lời nói đầu của tuyển tập tập truyện ngắn Gào thét (Call to Arm), đề ngày 3/12/1922:

“[...] These inklings took me to a provincial medical college in Japan. I dreamed a beautiful dream that on my return to China I would cure patients like my father, who had been wrongly treated, while if war broke out I would serve as an army doctor, at the same time strengthening my countrymen’s faith in reformation.
 
I do not know what advanced methods are now used to reach microbiology, but at that time lantern slides were used to show the microbes; and if the lecture ended early, the instructor might show slides of natural scenery or news to fill up the time. This was during the Russo-Japanese War, so there were many war films, and I had to join in the clapping and cheering in the lecture hall along with the other students. It was a long time since I had seen any compatriots, but one day I saw a film showing some Chinese, one of whom was bound, while many others stood around him. They were all strong fellows but appeared completely apathetic. According to the commentary, the one with his hands bound was a spy working for the Russians, who was to have his head cut off by the Japanese military as a warning to others, while the Chinese beside him had come to enjoy the spectacle.
 
Before the term was over I had left for Tokyo, because after this film I felt that medical science was not so important after all. The people of a weak and backward country, however strong and healthy they may be, can only serve to be made examples of, or to witness such futile spectacles; and it doesn’t really matter how many of them die of illness. The most important thing, therefore, was to change their spirit, and since at that time I felt that literature was the best means to this end, I determined to promote a literary movement.”

[2]Đỗ Ngọc Bích, “Một cách nhìn khác về tinh thần dân tộc” (Truy cập ngày 25.5.2010) và: Nguyên Giang, “Về bài của tác giả Đỗ Ngọc Bích trên BBC” (Truy cập ngày 25.5.2010).

[3]Khi chính quyền không đủ sức, thậm chí không có đủ dũng khí để bảo vệ người dân thì nó không ra dáng một chính quyền nữa. Và đó không phải là hiện tượng cá biệt mà lặp đi lặp lại, không chỉ mất tài sản mà có khi còn mất mạng. Xem thí dụ gần nhất: Trà Minh, “12 ngư dân được thả sau khi nộp 200 triệu đồng tiền chuộc”, Tuổi Trẻ 15.5.2010.

[4]Trung Quốc không bao giờ muốn Việt Nam thống nhất và hùng mạnh, do đó chỉ viện trọ nhỏ giọt để nuôi dưỡng cuộc chiến du kích. Tuy nhiên, cả trong việc viện trợ này Trung Quốc cũng lạm dụng để gặm nhấm dần lãnh thổ Việt Nam. Xem: “Điều gì đang xảy ra trong bang giao Việt-Trung?”, Mặc Lâm phỏng vấn Dương Danh Dy, đài RFA 2.7.2009.

[5]Phan Khôi, “Viết chữ Quốc ngữ phải viết đúng”, Phụ Nữ Tân Văn số 31 (5.12.1929). Dẫn theo Tranh luận văn nghệ khế kỷ XX, (2002) tập 1, NXB Lao Động, tr. 106.

[6]Nguyễn Đình Chiểu, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”:

“Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.
Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.”

[7]Bài thơ “Giang sơn ba tỉnh” của Tôn Thọ Tường:

Giang sơn ba tỉnh hãy còn đây,
Trời đất xui chi đến nỗi này?
Chớp nhoáng thẳng bon dây thép kéo
Mây tuôn đẹn kịt khói tàu bay.
Xăn văn thầm tính, thương đôi chỗ,
Khấp khởi riêng lo, biết những ngày.
Miệng cọp hàm rồng chưa dễ chọc,
Khuyên đàn con trẻ chớ thày lay!

[8] Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh định nghĩa “thực dân” là “Nhân dân di cư ra nước ngoài để làm ăn”. Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam (NXB Đà Nẳng 2004) thì định nghĩa (2) là “Người ở nước tư bản, thuộc tầng lớp bóc lột, thống trị ở nước thuộc địa, trong quan hệ với nhân dân nước thuộc địa.”

[9]Bùi Minh Quốc, “Thư ngỏ gửi các bạn trẻ Việt Nam và hai bạn Mỹ Fred, Rob”, Diễn đàn talawas, 19.8.2005.

“Trong dịp đại hội lần thứ 7 vừa rồi của Hội Nhà văn Việt Nam (tháng 4.2005), mấy đồng nghiệp của tôi – nhà thơ Xuân Sách, nhà thơ Trần Mạnh Hảo, nhà văn Hoàng Quốc Hải – phát biểu tại diễn đàn chỉ tha thiết xin nhà nước thành lập cơ quan kiểm duyệt chính thức, công khai, để nhà văn cứ viết hết cỡ theo lương tâm mình, còn nhà nước không vừa ý chỗ nào thì cứ cắt nhưng phải in rõ chấm chấm chấm kiểm duyệt bỏ chấm chấm chấm như thời chế độ thực dân.
 
Ôi, đau đớn làm sao, nhục nhã làm sao! Hỡi hồn thiêng các liệt sĩ Đặng Thùy Trâm, Dương Thị Xuân Quý, Nguyễn Văn Giá, Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân, Trần Đăng, Thôi Hữu, Nam Cao, Trần Mai Ninh... và tất cả các liệt sĩ của tất cả các thế hệ đã ngã xuống vì độc lập tự do, hãy về đây mà chứng kiến cho nỗi nhục của chúng tôi! Chẳng lẽ chiến đấu như thế, hy sinh như thế để chuốc lấy nỗi nhục này? Sau bao nhiêu năm chiến đấu hy sinh vì độc lập tự do, nay chỉ xin cái mức tự do ngôn luận như thời thực dân mà cũng không được. Xưa là nô lệ cho ngoại bang, nay lại làm nô lệ cho một nhúm cầm quyền nhân danh Đảng.”

[10]“Á tế á ca” hay “Bài thơ về châu Á”, bài thơ dài 200 câu làm theo thể song thất lục bát, được dùng làm tài liệu giảng dạy ở Trường Đông Kinh Nghĩa thục (1907), gọi là “Đề tỉnh quốc dân ca”. Chưa rõ tác giả dù có người đoán là của Phan Bội Châu, nội dung lên án chính sách cai trị tàn bạo của thực dân Pháp, kêu gọi nhân dân Việt Nam noi gương Nhật, đánh đuổi thực dân Pháp, giành độc lập dân tộc.

Xin trích những đoạn khá “đắt” với chính sách kinh tế XHCN thời “bao cấp”:
Rượu ta nấu, nó cho rượu lậu
Muối ta làm, nó bảo muối gian
Hay:
Các hạng thuế các làng thương mãi...
Hết đinh điền rồi lại trâu bò
Thuế chó cũi, thuế lợn lò
Thuế muối, thuế rượu, thuế đò, thuế ghe
Thuế sản vật, thuế chè thuế thuốc
Thuế môn bài, thuế nước thuế đèn
Thuế nhà cửa, thuế chùa chiền
Thuế rừng tre gỗ, thuế thuyền bán buôn
thuế cả hết phấn son đường phố
Thuế những anh thuốc lọ gầy còm
Thuế gò, thuế bãi, thuế cồn
Thuế người chức sắc, thuế con hát đàn.
 
Hay “Bình Ngô Đại Cáo” (bản dịch Ngô Tất Tố):
[...] Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn
Vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ
Dối trời lừa dân đủ muôn ngàn kế
Gây thù kết oán trải mấy mươi năm
Bại nhân nghĩa nát cả đất trờị
Nặng thuế khóa sạch không đầm núi.
Người bị ép xuống biển dòng lưng mò ngọc,
Ngán thay cá mập thuồng luồng.
Kẻ bị đem vào núi đãi cát tìm vàng,
Khốn nỗi rừng sâu nước độc.
Vét sản vật, bắt dò chim sả, chốn chốn lưới chăng.
Nhiễu nhân dân, bắt bẫy hươu đen, nơi nơi cạm đặt.
Tàn hại cả giống côn trùng cây cỏ,
Nheo nhóc thay kẻ góa bụa khốn cùng.
Thằng há miệng, đứa nhe răng,
Máu mỡ bấy no nê chưa chán,
Nay xây nhà, mai đắp đất,
Chân tay nào phục dịch cho vừa ?
Nặng nề những nổi phu phen
Tan tác cả nghề canh cửi.

[11]Xem bài báo “Đồng chí Trương Tấn Sang: Nhà báo phải cống hiến nhiều hơn vì nhân dân” của Tr. Bình – M. Anh trên Sài Gòn Giải Phóng ngày 20.6.2009. Ngày 19-6, kỷ niệm 84 năm ngày “Báo chí Cách mạng Việt Nam”, ông Trương Tấn Sang đã đến “làm việc” với Hội Nhà báo Việt Nam, và trong “làm việc” này có lúc họ Trương “lưu ý” Hội nhà báo: “Trước một số vấn đề phức tạp, nhạy cảm, kể cả vấn đề hệ trọng liên quan đến chính sách đối nội, đối ngoại của đất nước còn có biểu hiện vội vàng, chủ quan, chạy theo dư luận, gây khó khăn cho công tác lãnh đạo, điều hành. Một số cơ quan báo chí còn đưa thông tin sai, gây tác hại về chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước và các địa phương, doanh nghiệp...”

[Chú ý nhóm chữ “gây khó khăn cho công tác lãnh đạo”.]

[12]Tôi dựa vào một số đơn từ trong Quảng tập viêm văn của Edmond Nordemann, bản dịch của Nguyễn Bá Mão (NXB Hội Nhà văn & Trung tâm Văn hoá Đông Tây, 2005), tập trung trong chương thứ 3, kể từ trang 70. Nguyên tác Chrestomathie Annamite – Contenant 180 textes en dialecte Tonkinois, xuất bản năm 1898. Tác giả là giảng viên Trường Thông Ngôn, lấy tên Việt là Ngô Đê Mân.

[13]Có thể xem một số mẫu đơn trong trang web Khu Đô Thị Mới, và Trường Đại học Khoa học và Nhân văn.

[14]Trước đó thì là “trẫm” là đại danh từ nhân xưng ngôi thứ nhất nhưng từ đây thì chỉ mỗi Tần Thuỷ Hoảng được xưng “trẫm”, còn lại thì tất cả phải là “tôi”, nghĩ “tôi tớ”. Sử ký của Tư Mã Thiên, chương “Tần Thủy Hoàng bản kỷ”, bản dịch của Nhữ Thành, đã ghi với lời chú:

“... Quả nhân, một người nhỏ bé hưng bính trừ khử bọn bạo nghịch làm loạn. Nhờ uy linh của tôn miếu, sáu nước đều chịu tội thiên hạ bình định. Nay nếu không thay đổi danh hiệu thì không sao xứng với cái công lao đã làm được và truyền cho đời sau. Các ngươi hãy bàn nên đặt hiệu đế như thế nào.
 
Thừa tướng là Vương Quán, ngự sử đại phu Phùng Kiếp, đình úy Lý Tư đều tâu:
 
- Ngũ Đế ngày xưa đất chỉ vuông ngàn dặm, ngoài ra là đất đai của chư hầu và của man di, họ vào chầu hay không thiên tử cũng không cai quản được. Nay bệ hạ dấy nghĩa binh, giết bọn tàn ác và nghịch tặc, bình định được thiên hạ, bốn biển thành quận và huyện, pháp luật và mệnh lệnh đều thống nhất ở một nơi, từ thượng cổ đến nay chưa hề có, Ngũ Đế đều không bằng. Bọn thần sau khi bàn bạc kỹ lưỡng với các bậc sĩ thấy rằng: Ngày xưa có Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng, nhưng Thái Hoàng là cao quý nhất. Bọn thần liều chết xin dâng tôn hiệu của nhà vua là Thái Hoàng, mệnh ban ra gọi là “chế”, lệnh ban ra gọi là “chiếu”, thiên tử tự xưng gọi là “trẫm” (*).
 
Nhà vua nói:
 
- Ta bỏ chữ “thái”, lấy chữ “hoàng”, thêm chữ “đế”, của những vị đế thời thượng cổ hiệu gọi là Hoàng Đế còn những điều khác thì như lời các khanh tâu.
-------
* Các đời trước không dùng danh từ “chế” và “chiếu”. “Chế” quan trọng hơn “chiếu”, chỉ nhà vua mới được dùng chữ ấy, còn Thái Hậu thì có khi dùng chữ “chiếu” khi thay thế nhà vua trị dân, nếu gọi là “chế” tức là có ý muốn làm vua. “Trẫm” trước là một đại từ chỉ ngôi thứ nhất dành cho mọi người. Sách đạo giáo dùng chữ trẫm để chỉ một lực lượng siêu tự nhiên, một đấng không ai trông thấy. Bọn Lý Tư đề nghị dùng chữ này là vì thế.”
...”

[15]Theo tiểu sứ chính thức thì Hồ Chí Minh sinh ngày 19.5.1890, nghĩa là năm 1945 mới có 55 tuổi. Xin dẫn câu thơ của Xuân Diệu, bài “Ảnh Cụ Hồ”, Thơ dâng Bác, tuyển tập 1945 -1955

Trẻ con sớm dậy thoảng tơ vương.
Bác ở trong lòng biết mấy thương!
Bô lão đêm nằm mơ lứa tuổi,
Thấy vui như nhớ một vừng dương.

[16]Bậc tôi tớ không được ngẩng đầu nhìn thẳng mặt bậc quân vương, chỉ được phép nhìn vào bệ đá dưới chân vua mà tâu.

[17]Xuân Diệu, “Thơ dâng Bác Hồ”, viết năm 1953.

[18]Phong Nhã, “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”:

“Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng (3 lần)
Ai yêu bác Hồ Chí Minh hơn thiếu nhi Việt Nam.”
 
Phong Nhã tên thật là Nguyễn Văn Tường, sinh năm 1924. Bài này sáng tác vào cuối năm 1945, lúc Hồ Chí Minh mới có 55 tuổi nhưng cũng đã được “già hoá”: “Hồ Chí Minh kính yêu, Bác đã bao phen bôn ba nước ngoài vì giống nòi / Bác nay tuy đã già rồi / Già rồi nhưng vẫn vui tươi...”

[19]Bài thơ “Thư Trung thu” của Hồ Chí Minh, đăng báo Nhân Dân ngày 25-9-1952:

Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh?
Tính các cháu ngoan ngoãn
Mặt các cháu xinh xinh
Các cháu hãy cố gắng
Thi đua học và hành
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ
Tùy theo sức của mình
Để tham gia kháng chiến
Để gìn giữ hoà bình
Các cháu hãy xứng đáng
Cháu Bác Hồ Chí Minh.

[20]Thí dụ như ca khúc “Bác đang cùng chúng cháu hành quân” của Huy Thục: “Đêm nay trên đường hành quân ra mặt trận / Trùng trùng đoàn quân tiến bước theo con đường của Bác / Nở ngàn hoa chiến công ta dâng lên Người / Dâng lên tới Đảng cả niềm tin chiếu sáng ngời...”

Cũng có thể thấy điều này qua các khẩu hiệu mới nhất như “Công an nhân dân chỉ biết còn Đảng còn mình” hay “Đảng, mùa Xuân, Dân tộc”.
 
Xem: Nguyễn Tôn Hiệt, “Những khẩu hiệu quái đản”, Tiền Vệ.

[21]Theo thông tin chính thức của Đảng Cộng sản thì Hồ Chí Minh bắt đầu viết di chúc vào dịp sinh nhật của mình vào năm 1965, và sửa đi sửa lại trong những dịp sinh nhật tiếp theo. Trong di chúc có đoạn:

Vì vậy, tôi để sẵn mấy lời này, phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột.”
 
Xem: “Bản Di chúc của Bác viết năm 1965”, Báo Điện tử Đảng CSVN, 09/06/2009.

[22]Nguyễn Văn Trấn (1995) Viết cho mẹ & Quốc hội, California: Văn Nghệ, tr.143:

“Hôm đó, là tổ trưởng, tôi làm nhiệm vụ phản ảnh trực tiếp. Một mình Bác Hồ, một mình tôi. Tôi báo cáo tình hình, anh em trong tổ nói bộ hết duyên rồi sao mà lấy tư tưởng Mao Trạch Đông làm tư tưởng chỉ đạo Đảng ta. Nhưng anh em giao là nói trong tổ cho nhau biết chớ không phát biểu ở hội trường. Và đã lỡ miệng nói một điều quan trọng như vậy, trong quan hệ quốc tế này thì ngậm miệng đừng nói đi nói lại là hơn. Hồ Chí Minh nhắm hí mắt như Staline khi gặp vấn đề khó nghĩ, và tìm chữ. Tôi thưa tiếp: – Có đồng chí còn nói: Hay ta viết “tư tưởng Mao Trạch Đông và tư tưởng Hồ Chí Minh” có phải hay hơn không! – Câu nói của tôi làm cho mắt ông già rạng lên theo lời đáp cấp kỳ: – Không, tôi không có tư tưởng ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lê nin.”
 
Chuyện xảy ra trong Đại hội Đảng lần thứ hai, năm 1951 tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang/ Tổ này “Tổ Nam bộ” hay “Tổ quốc tế” gồm Hồ Viết Thắng, Kay Xon (sau là Tổng Bí thư ĐCS Lào), Ung Văn Khiêm, Dương Bạch Mai, Nguyễn Văn Tạo, Bùi Lâm, Bùi Công Trừng. Trần Công Tường, Trần Duy Hưng, v.v...
 
Trong một cuộc phỏng vấn, khi một ký giả hỏi tại sao ông không bao giờ viết các tác phẩm nghiên cứu về tư tưởng, Hồ Chí Minh trả lời “Tôi có gì để viết nữa, tất cả lý luận cần thiết Mao Chủ tịch đã nghĩ đến và viết ra rồi”.
 
Xem: William J. Duiker (2000) Ho Chi Minh. New York: Hyperion, tr. 5.

[23]Bùi Minh Quốc. “Làng văn một thời, và...” talawas [23/6/2004 ]

[24]Catch 22 là tên một tác phẩm của nhà văn Mỹ Joseph Heller, xuất bản lần đầu năm 1961 và từ ngữ này đã trở thành một thành ngữ diễn tả tình trạng bị ràng buộc bởi hai phía, tiến thoái lưỡng nan. Nhân vật trong truyện là Đại úy Joseph Yossarian, phi công lái máy bay oanh tạc trong Đệ nhị Thế chiến. Phi công này xin nghỉ bay với lý do bị tâm thần, không đủ sức bay theo điều khoản Catch-22. Tuy nhiên theo bác sĩ quân y thì khi phi công này đến yêu cầu “nghỉ bay vì lý do tâm thần”, chứng tỏ anh ta còn tỉnh táo.

[25]Trích trong bài “Bác ơi” của Tố Hữu, bài thơ đề ngày 6.9.1969.

[26]Tôi đã hai lần trình bày về tác động giữa quyền lực và ngôn ngữ trên Tiền Vệ.

[27]Liên quan đến “con thú” và “con người”, tôi nhớ câu thoại trong đoạn mở đầu phim Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy: “Chỉ có súc vật mới quay lưng lại với nỗi đau khổ của con người mà chăm lo riêng cho bộ da của mình”.

Theo dõi những cuộc tranh luận hay cãi cọ về dự án đường sắt cao tốc tại Việt Nam sẽ tìm thấy rất nhiều kiểu lập luận theo kiểu “quay lưng... chăm lo riêng cho bộ da của mình”:
 
- Bộ trưởng GTVT Hồ Nghĩa Dũng: Muốn “chọn phương án hoành tráng nhất, làm đường sắt cho tốc độ 300 km/h dù chỉ chở được hành khách vì “muốn đi ngay vào hiện đại”.
 
- Bộ Trưởng 4T, Lê Doãn Hợp: “Nếu ta làm đường thì họ mới ưu ái cho vay vì tình nghĩa với Việt Nam chứ nếu ta muốn đầu tư nông thôn, vùng sâu vùng xa thì làm sao vay được”.
 
- Giám đốc công an TP Hải Phòng Trần Bá Thiều: “Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá. Cứ ý kiến ra, ý kiến vào. Nếu Chính phủ đã quyết liệt như vậy thì tại sao Quốc hội không ủng hộ Chính phủ? Tần Thủy Hoàng xưa nếu không quyết liệt thì làm sao để lại Vạn lý Trường Thành?”.
 
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021