tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Về bài phản hồi của TS. Trần Lê Hoa Tranh: đã rõ đường đi lối về  [đối thoại]

 

Bài phản hồi của TS. Trần Lê Hoa Tranh [TLHT] về bài viết của tôi đã giúp tôi có thêm mấy nhận định thêm, như sau:

 

1.

Tôi nhắc lại: Tiến sĩ không chỉ sơ suất “lỗi kĩ thuật” (cái này thì thỉnh thoảng người ta cũng hay nói vậy) khi làm tréo ngoe tên Đào Trung Đạo thành Đào Thiện Đạo không chỉ một lần mà những ba lần trong bài viết gốc:

- lần một là trong chính văn “Theo quan điểm của Đào Thiện Đạo...”

- lần hai là ở chú thích (3) và lần ba là ở chú thích (4)

Tôi nghĩ, Tiến sĩ đã biết trang Gio-o.com thì tại sao không vô trang này để đọc trọn vẹn thư mục bài viết của Đào Trung Đạo và có đủ đường link của bài viết? Chẳng lẽ “khi về Việt Nam, những đường link bài viết này không thể truy cập được” như Tiến sĩ nói là đúng với trang Gio-o.com ? Tôi không nghĩ trang Gió-o chịu những rào cản tường lửa hoặc can thiệp của hắc - cơ như trang Talawas và Tiền Vệ đã từng chịu trước đây, khiến ở Sài Gòn không vô được gio-o.com (độc giả nào ở Sài Gòn thì kiểm chứng giúp tôi). Hơn nữa, Tiến sĩ nói đã sang tận Mỹ, sao lúc đó không ghi cho tận tường đường link? Hay ở bển cũng không vô được gio-o.com?

 

2.

Tiến sĩ có khoe là đã nhờ Admin website cơ quan Tiến sĩ đang công tác sửa lại các thủ thuật làm tréo ngoe trên và dẫn đường link bài đã sửa [đọc ở đây] – lưu ý độc giả đây là bản TLHT đã sửa lại sau khi bài của tôi đăng trên Tiền Vệ ngày 7/12/2012. Tiến sĩ cũng đính kèm thêm phụ lục bài viết đã sửa ấy đăng trên Tiền Vệ (Tôi phải cảm ơn Tiền Vệ khi cho đăng phụ lục này, nếu không, sau bài này, tôi e là có thêm một lần sửa nữa từ các website trong nước). Nhưng (khổ quá), cái chú thích (3) (5) (8) (9) và (10) vẫn cứ không chính xác, vẫn cứ sai:

- (3) (5) (8) (10), Tiến sĩ ghiĐào Trung Đạo, “Nhà/quê nhà trong Văn chương vô xứ Việt Nam”, gio-o.com” trong khi tài liệu chính xác của nó là:

“ĐÀO TRUNG ĐẠO, NHÀ/quê NHÀ TRONG VĂN CHƯƠNG VÔ XỨ VIỆT NAM (Home / Home-Country in the Vietnamese Literature of Displacement)” tại địa chỉ:

http://www.gio-o.com/DaoTrungDaoVanChuongVoXuR.html ”.

Cái dòng tiếng Anh không hẳn là vô ý của Đào Trung Đạo. Vì ông muốn nhấn mạnh vào cái khái niệm “Văn chương vô xứ Việt Nam” để phân biệt với văn chương vô xứ của nơi khác.

- (4), Tiến sĩ ghi “Linda Lê, Tu écriras sur le Bonheur (Bạn viết về hạnh phúc), p.336, chuyển dẫn từ Đào Trung Đạo.” Thì độc giả không rõ là “chuyển dẫn từ Đào Trung Đạo” là từ đâu.

- Cái chú thích (9) của Tiến sĩ mới buồn cười. Lần trước tôi đã mách nước cho Tiến sĩ biết rằng cái đoạn mà Tiến sĩ chép dài ngoằng:

Tạp chí Booklist đưa ra nhận xét về Bitter in the Mouth: “Hấp dẫn… Trương là một người kể chuyện tài tình, và trong quyển tiểu thuyết yên vắng nhưng đầy sức mạnh này cô đã sáng tạo một nhân vật đáng chú ý và độc đáo”. Nhà văn nữ Jayne Anne Phillip thì cho rằng “Quyển Bitter in the Mouth, mỗi chữ đều mặn mà, là một tỏ bày của sự thông minh dí dỏm, của trái tim, và của tài năng tuyệt vời”. Nhà văn nữ gốc Trung Quốc Yiyun Li, tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Ngàn Năm Thiện Nguyện thì khuyên người đọc hãy “chuẩn bị hưởng một hàng đầy ắp những mùi vị của cuộc sống trong Bitter in the Mouth: đó là những mùi vị của tình bạn, lòng chung thủy, tình yêu, gia đình, và trên hết thảy là của những bí mật nằm ở mỗi góc của lịch sử một con người, những bí mật đã làm thành con người chúng ta. Monique Trương là một người quan sát giỏi và một nhà văn tuyệt mỹ”(6).

Là lấy từ bài “Bitter in the Mouth/Đắng Ngắt Trong Miệng” của Đào Trung Đạo tại địa chỉ: http://www.voatiengviet.com/content/bitter-in-the-mouth-09-08-10-102487144/916727.html

Thế mà bây giờ Tiến sĩ vẫn cứ ghi: [9]Chuyển dẫn từ: “Đọc The Book of Salt của Monique Truong”, Đào Trung Đạo, gio-o.com” Xin quí vị đọc toàn văn bài viết này xem có đoạn nào như trên không, ở đây: http://www.gio-o.com/DaoTrungDaoMonique.html

Mà tên đầy đủ của bài là “Ngôn ngữ, lưu đầy, cựu thuộc địa... Đọc The book of salt của Monique Trương”, sao Tiến sĩ cứ ngắt gọn đi chớ.

Một bài viết học thuật mà sai tên tác giả bài viết, không đủ tên bài viết, sai dẫn nguồn, không có đường link... vốn là những điều căn bản nhất thì là gì?. Tôi thiệt ưng ý cái từ “khuất tất” mà Tiến sĩ dùng.

 

3.

Tiến sĩ đã hoàn toàn thừa nhận những chỗ tôi chỉ ra “3.1.1, 3.1.2, 3.1.3, 3.1.4, 3.2.1 và một phần kết luận” trong bài viết của Tiến sĩ là chép từ các bài viết của Đào Trung Đạo. Tôi nói là chép vì tôi đã chứng minh rõ Đào Trung Đạo viết gì thì Tiến sĩ chép lại nguyên, không ngoặc kép ngoặc đơn gì trơn trọi. Khác với cái gọi là “trích dẫn” của Tiến sĩ chớ. Chả lẽ lỗi này lại do kĩ thuật hoặc do Admin quên giúp đỡ? Tiến sĩ đã thừa nhận rồi thì khi sửa phải nói rõ là “tôi đã sửa lại bài này” chớ.

 

4.

Bài đã sửa của Tiến sĩ vẫn không có chú thích gì hết những đoạn mà tôi đã chỉ ra là chép của Đào Trung Đạo. Nghĩa là chép lần hai:

- Ví dụ:

Danh từ Văn chương/Văn học Di Dân (Literature of Immigrant/ Emigrant Literature) thường được dùng để chỉ một mảng văn chương xuất hiện ở Âu-Mỹ từ trên 100 năm nay, có thể nói đã khởi đầu với Josept Conrad, tiếp theo là những tên tuổi lớn như James Joyce, Thomas Mann, Samuel Beckett, Vladimir Nabokov, Jorge Luis Borges, Gabriel Garcia Marquez…

Ví dụ:

Nhà/quê nhà chỉ có ý nghĩa sâu sắc đối với những người mất/không có/xa nhà/quê nhà. Vậy khái niệm này nói lên cái khoảng cách (distance) xa rời: nhà là một điểm cố định và ở đầu kia là đất khách, là lữ thứ, du hành. Hiểu như vậy nên chúng ta không ngạc nhiên khi những nhà văn hiện đang sống trên xứ sở của mình đã không đặt vấn đề, không bị dằn vặt quay quắt về vấn đề này trong tác phẩm của họ. “Nhà/quê nhà” không là một điều họ cần phải nói tới. Trong trường hợp nếu họ chủ ý nói tới thì “nhà” lại được thường được hiểu giới hạn là quê hương, nhất là tổ quốc.

Ví dụ:

Ở Việt Nam, những từ biểu hiện hạnh phúc và chịu đựng thường được dùng những từ mang tính chất nếm trải (vị giác). Hạnh phúc thì thường ngọt bùi, chịu đựng thì dùng đắng cay, chua cay, khổ quá…Với Đắng nghét trong miệng, M. Truong đã khám phá kinh nghiệm của một người thông qua văn học. Nhân vật chính: Linda Hammerick, chịu đựng một căn bệnh rối loạn giác quan rất hiếm: cô trở thành người nổi tiếng nhìn một từ và đoán vị của nó, cách biệt và độc lập với nghĩa của chúng: khi cảm giác bị kích thích bởi một sự vật lập tức có cảm giác hay nhận thức về một sự vật khác (chứng “synesthesia”), ví dụ khi nhìn một con chữ Linda lập tức cảm nhận được mùi vị của một món ăn. Chẳng hạn chữ “you” cho Linda những mùi vị của đậu hột đóng hộp, chữ “home/nhà” gợi mùi vị nước ngọt Pepsi, nghe từ mẹ, cô nghĩ đến sô cô la (từ chocolate là từ Aztec xocolatl có nghĩa là nước đắng). Thử thách của Linda, cũng là bí ẩn trung tâm của câu chuyện, là làm cách nào tháo gỡ rối loạn vị giác của cô, vứt bỏ cái đắng cay từ cái ngọt bùi.
Bitter in the Mouth đưa ra một cái nhìn khác biệt về vấn đề khủng hoảng bản ngã, nhất là bản ngã của người nữ di dân, vô xứ so với quan niệm thông thường của trí thức, nhà văn Mỹ đã có trước đây. Monique Trương cho thấy cuộc tìm kiếm bản ngã của một người sinh ra ở một nơi và trưởng thành ở một nơi không phải là quê hương là một lộ trình không có điểm dừng, điểm tận cùng, không có một kết thúc chỉn chu, thỏa mãn mà chỉ là một sự cần thiết, một sự chẳng đặng đừng.

Ví dụ:

Ngay từ trang đầu, thuy đã viết: “ Trong tiếng Việt, chữ để chỉ nước (water) và chữ để chỉ một quốc gia (a nation), một xứ sở, và một quê hương đều cùng một chữ nước.” Quyển sách tương đối mỏng, chỉ 158 trang, chia làm 5 chương: Suh-top! (lối phát âm chữ Stop của người mới bập bẹ tiếng Mỹ), Palm (hiểu theo hai nghĩa vừa là cây cọ vừa là lòng bàn tay), Tên Du Đãng Tất Cả Chúng Ta Đang Lùng Kiếm, Xương Chim, và chương cuối cùng : Nước (tác giả để nguyên chữ viết Việt trong sách).

Ví dụ:

Trong thời đại toàn cầu hóa và trong trào lưu dân chủ của thiên niên kỷ mới này hướng phát triển ảnh hưởng văn hóa kinh tế chính trị ngày nay không phải từ nước Mỹ tỏa rộng ra thế giới như trong 50 năm trước nữa mà nay ảnh hưởng này có xu hướng đi ngược lại: chính từ những di dân đến đây đã mang vào ngay trong lòng nước Mỹ những nét văn hóa bản xứ. Họ đã đóng góp tài năng trí tuệ vào nền văn hóa kỹ thuật tạp chủng của Mỹ, biến nền văn hóa mở này có tính cách toàn cầu hơn. Đó là một điều không thể tránh được, không thể ngăn cản. Văn học đã trở thành toàn cầu, không biên giới.

Một bài viết học thuật mà có nhiều đến thế những chữ nghĩa của người khác thì gọi là chi. Sao mà Tiến sĩ cứ “tận dụng, tiếp thu thành quả nghiên cứu của người đi trước” nhiều thế, đến tận cả cái kết luận. Thử hình dung, nếu xóa hết những đoạn chép từ các bài của Đào Trung Đạo, thì bài “bài viết hơn 10 trang” của TLHT còn lại những gì. Bài đã sửa rồi mà vẫn không chịu thừa nhận nốt những đoạn mình chép thì kì kì làm sao. Tôi thiệt là ưng ý cái cụm từ “có đầu tư hơn chút đỉnh” để chỉ công việc của Tiến sĩ lắm.

 

5.

Câu hỏiliệu TLHT đã thực sự đọc tác phẩm của họ chưa hay chỉ dựa vào các bài điểm sách của Đào Trung Đạo và của báo chí nước ngoài rồi chép, trích, và dịch” của tôi đã được tôi chứng minh là Tiến sĩ TLHT không đọc tác phẩm của họ khi viết bài. Tiến sĩ khoe là có tiếp xúc gặp gỡ với hơn 30 nhà văn hải ngoại và xúi tôi liên lạc với nhiều nhà văn mà tôi chẳng quen biết chi. Nhưng tôi biết rõ việc tiếp xúc gặp gỡ nhà văn là hoàn tác khác với việc đọc tác phẩm của họ chớ. Trong trường hợp họ nếu họ nói với tôi là có biết TLHT thì họ cũng không thể xác định TLHT đã đọc tác phẩm của họ. Còn bản thân Tiến sĩ có đọc tác phẩm của họ hay không thì đã được thể hiện trên văn bản bài viết rằng không. Bởi thế tôi đâu cần “bôi nhọ nhân cách và chuyên môn” của Tiến sĩ. Văn bản của Tiến sĩ đã làm điều đó chớ.

Tôi cũng hề biết cái chương trình Fulbrigh là gì để mà “bôi nhọ cả uy tín” của họ. Tôi nghe thì cũng thấy sờ sợ. Nhưng là người thường xuyên nội trợ thì tôi hiểu không thể vì một con sâu mà xúc phạm, bôi nhọ cả nồi canh ngon. Tôi chắc chương trình Fulbrigh mà tiến sĩ nói họ vẫn đầy uy tín ngay cả khi có người chép một bài học thuật như Tiến sĩ.

 

6.

Tôi đã chứng minh TLHT “thuổng” các bài viết của Đào Trung Đạo rất rõ nên không cần biết Tiến sĩ có “ưu ái” ông Đào Trung Đạo hay không. Tiến sĩ có thể ưu ái, hâm mộ, hoặc “ăng-ti phen” ông là tùy tình cảm của Tiến sĩ. Tiến sĩ hứa với ông Đào Trung Đạo “từ nay về sau, tôi sẽ không trích dẫn, nêu ý kiến gì của nhà nghiên cứu nữa” thì là chuyện về sau, mà tôi rất hi vọng thế.

Còn bây giờ, như lần trước, tôi vẫn ngưỡng mộ khả năng âm thầm chỉnh sửa bài chép (có lẽ còn tệ hơn) của Tiến sĩ, kéo theo cả Admin các trang từng đăng bài đó. Nhưng nếu có dịp, tôi sẽ nhờ ai đó scan bài đó của Tiến sĩ trên tạp chí Nghiên cứu văn học, để biết là dù có thạo Gu-gồ thì cũng khó mà nói gì nữa.

Tôi không nhận lời cảm ơn của Tiến sĩ TLHT vì đã đọc bài của cô “rất kĩ, soi rất cặn kẽ”. Thực sự vì Tiến sĩ chép quá lồ lộ nên ai cũng thấy, không cần đến một độc giả ít biết văn chương sách vở như tôi.

 

 

-----------------

Bài liên quan:

13.12.2012
[NẠN ĐẠO VĂN] ... Tôi là Trần Lê Hoa Tranh, tác giả của bài viết “Văn học di dân Việt Nam trong bối cảnh văn học di dân Đông Á tại Hoa Kỳ”, tôi có vài lời muốn thưa lại với nhà phê bình Đào Hoa Chanh (ĐHC) nhân đọc bài “Về bài Văn học di dân… của TS. Trần Lê Hoa Tranh: trong bao chữ nghĩa thấy ngay gu gồ” đăng trên Quý báo... (...)
 
07.12.2012
[NẠN ĐẠO VĂN] ... Tôi không có ý phủ nhận công sức của TS. Trần Lê Hoa Tranh khi viết bài “Văn học di dân Việt Nam...”. Thậm chí tôi ngưỡng mộ khả năng sử dụng Gu-gồ của cô. Trong hình dung của tôi, bài viết của TS. Trần Lê Hoa Tranh là một mẫu mực của việc ngồi nhà, bật máy, lên mạng, tra Gu-gồ, lấy bài rồi sao chép chăm chỉ, rất đáng để các sinh viên của cô học tập nếu thấy sao chép là niềm vui và thao tác cần nhân rộng... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021