tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Một hoạt cảnh “đầy màu sắc và hương thơm”  [đối thoại]

 

Từ sự viết lách ẩu tả tầm bậy tầm bạ vừa có thể là “không tiền khoáng hậu” mà cũng đồng thời vừa là “không tiền bảo chứng” đến hoang tưởng của đại loại các “nhà phê bình” và “nhà biên khảo” như thế, tôi không thể không thấy ra một hoạt cảnh khá là “đầy màu sắc và hương thơm” một cách đặc biệt.

Đó là: nếu không có sự tự nguyện đứng ra “sút vô gôn” rất đáng được vỗ tay “rầm trời đất” bởi Hoàng Ngọc-Tuấn - sút thủng lưới - thì những “hồ sơ” đại loại như thế cứ vẫn cứ còn nằm im trong tủ. Và như thế thì không khác nào cứ như thể là tập thể độc giả chúng ta nói chung cũng như “giới hữu trách” trong vấn đề in ấn và xuất bản cũng như cho đăng (post) lên mạng trong cộng đồng chúng mình nói riêng cứ thế mà triền miên, ít ra là trên bề mặt, sôn đố mì loạn cào cào theo kiểu “luân vũ trong bóng mờ” và vừa nhảy vừa cùng hợp... chia động từ “loè”, thể thụ động một cách “vô tư”, “sang cả/quý phái”, “hồn nhiên”, và đồng thời rất ư là “hồ hởi phấn khởi”: tôi bị loè, anh bị loè, nó bị loè, chúng (ta, anh, nó) bị loè, có phải thế không?

Này nhé: những bài viết như thế mà lại được gom lại để dự phần vào việc IN THÀNH SÁCH, như trường hợp của Thụy Khuê, là quyển Sóng Từ Trường - Tiểu luận Phê Bình (nxb Văn Nghệ, 1998). Xong rồi 13 năm sau, có nghĩa là từ lúc xuất bản thành sách đó cho đến bây giờ, cứ thử google mà xem, tỷ như gõ “Thái Thanh, tiếng hát lên trời”, thì thấy là nó được đăng tới đăng lui dài dài dù là lai rai (trên internet). Lai rai nhưng không phải là ít, cứ như thể là “đúng hẹn lại... đăng” như một cái dịch, làm như thể là bài viết ấy phải là một cái gì rất tinh túy tinh hoa, khuôn vàng thước ngọc, một thứ “classic” trong lịch sử phê bình văn chương nhạc thuật đầy “tiền bảo chứng” không thua gì cái máy in tiền; hoặc giả nó như là một mẩu nước hoa hảo hạng quảng cáo tại các quầy mỹ phẩm tăm tiếng phát không cho thiên hạ để người ta cầm lấy rồi cứ thế mà hít lấy hít để, cứ thế mà xuýt xoa, ui chu choa thế này thế nọ, sao mà thơm quá vậy cà, thơm ơi là thơm!

Như mới đây nhất, cũng bài “Thái Thanh, tiếng hát lên trời”, lần đầu tiên tôi đọc được bài đó là do tôi đọc từ Người Việt Online như đã thưa, mà khi cho trích lại như thế (trích lại một cách “ung dung tự tại” và cũng có phần không kém trang trọng), Người Việt Online cũng chỉ là trích lại từ Diễn Đàn Thế Kỷ mà thôi, như đã có ghi nguồn. Ai dám nói Người Việt OnlineDiễn Đàn Thế Kỷ không phải là thuộc hàng “đại gia”? Các đại gia mà còn hít lấy hít để như thế thì nói chi dân thường.

Như vậy rõ ràng là người ta quả đã là thiếu sót nếu không muốn nói là ngu ngơ, và người ngu ngơ đầu tiên và cũng là người bị loè mà không biết bị loè đầu tiên phải là người cho in thành sách và cho yết lên mạng tá lả, có phải thế không? Mà phải chi đây là một loại hàng giả tinh vi cao độ hay khó phát giác gì cho cam! Thế là thế nào? Còn bài của Hoàng Ngọc Hiến thì cũng được đăng trên Talawas, cũng là một trang mạng tầm cở chứ vừa gì! Và tiêu chuẩn chọn đăng của nó khó dễ thế nào thì tôi không biết nhưng chắc chắn không phải là làng nhàng mà được. Hàng giả này của Hoàng Ngọc Hiến cũng chẳng có gì là tinh vi đến độ khó phát giác. Tuy nhiên, về sức lan tỏa, vì một lý do nào đó, bài này không có sức lan tỏa mạnh như của Thụy Khuê.

Dù gì đi nữa, lan tỏa hay không lan tỏa, về mặt tiêu cực của những vấn đề và sự thể như trên, có thể nào tính chất “lỗ hổng” của nó đã có mầm mống từ ngay trong “xương tủy” hay “nảo bộ” của những cơ quan/cơ sở/ quy cũ và tầm cỡ như nhà xuất bản Văn Nghệ và trang mạng Talawas trước kia, và bề thế như Người Việt cũng như Diễn Đàn Thế Kỷ bây giờ? “Yếu tính” của loại “lỗ hổng” như thế đó là gì? (Ai biết làm ơn chỉ giùm. Cám ơn.)

Một vài câu hỏi linh tinh lang tang khác: những món hàng cực kỳ dzỏm và ẩu tả luôn tuồn như vậy, và nằm chình ình như thế biết bao lâu, năm này qua tháng nọ, nhất là của Thụy Khuê, rồi bây giờ mới có người phát giác và chỉ ra, theo tôi, thì cũng đã là quái lạ rồi. Cái quái lạ kế nữa là chẳng nhẽ trong số các nhà phê bình văn học nghệ thuật lẫn âm nhạc âm nhùng khác cũng như các văn nhân tài tử học-rộng-hiểu-nhiều-cái-gì-cũng-biết-cái-gì-cũng-rành-từ-Đông-sang-Tây của các bộ môn khác tại các nơi, nhất là ngoài nước, không phát hiện được chuyện hàng dzỏm đại loại như thế mà chỉ có mỗi mình “Ronaldo” Hoàng Ngọc-Tuấn thôi hay sao? Phải có chuyên môn về âm nhạc cao như ông ấy mới làm được? Hay đèn nhà ai người nấy rạng? Hay không quởn?

 

 

-----------------

Bài liên quan:

20.09.2011
[CHUYỆN PHÊ BÌNH & CHUYỆN THƠ] ... Đây nhá, mình có thể nói như thế này, rởm hết, tất cả những gì mà những người cộng sản Việt Nam làm và nói từ trước đến nay đều rởm! Rởm từ trong ra ngoài! Rởm từ trên xuống dưới! Rởm tuốt tuột!... (...)
 
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Trong vật lý, chỉ có sóng điện trường gây nên bởi một môi trường có sự hiện diện của điện trường và từ trường. Kiến thức này chẳng cần phải ở trình độ đại học gì ráo, cỡ thi Tú Tài phần nhất ban A hay ban B hồi trước năm 75 là cũng đủ để nhận thức đúng hay sai... (...)
 
19.09.2011
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Cám ơn bạn Hoàng Ngọc-Tuấn đã lên tiếng một cách thẳng thắn, một sự thẳng thắn mà theo tôi là rất “dấn thân”, rất không khoan nhượng, không kiêng nể về những sự việc mà đến đây tôi gọi là sự viết lách ấu tả... (...)
 
17.09.2011
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Thỉnh thoảng tôi lại thấy có những người mù tịt về âm nhạc mà lại liều mạng nhảy bổ vào lĩnh vực âm nhạc để viết những bài phê bình, nhận định về âm nhạc... Họ dùng cái gì để viết những bài phê bình âm nhạc? Thưa các bạn, những người ấy dùng những thứ ngôn từ mù mờ, khoa đại và rỗng tuếch. Họ làm ra vẻ như đang phê bình âm nhạc, nhưng thực ra họ chỉ ra sức... múa chữ rởm... (...)
 
15.09.2011
[CHUYỆN PHÊ BÌNH] ... Tương tự như thế, đang nói về Thái Thanh, nhà phê bình Thụy Khuê có liên tưởng tới ai đi nữa thì đó cũng chẳng có gì là không bình thường cả; có điều tôi xin hỏi là đem Callas đặt cạnh Thái Thanh theo kiểu cách “ngồi chung mâm” như thế là có ý gì?... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021