tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Nhà làm phim không chỉ lấy nội dung, còn đánh tráo nhân vật “Đường Kiến” của nhà văn Kinh Dương Vương  [đối thoại]
[Đã đăng trên báo Viễn Đông ngày 25.03.2011]

 

Nhà văn Kinh Dương Vương, về việc đổi nhân vật người lính VNCH thành lính Mỹ trắng: “Mình đâu có sẵn sàng để cho nó hoán đổi đâu. Nếu mà nó hỏi tôi trước và nó đưa kịch bản cho tôi coi, thì chắc chắn là tôi phải từ chối rồi”.

 

HÀ NỘI – Trong kỳ trao giải Cánh Diều Vàng, một trong những giải thưởng điện ảnh lớn tại Việt Nam ngày 13-3-2011, bộ phim truyện “Đường Kiến” của đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa đã đoạt giải Cánh Diều Bạc trong hạng mục phim ngắn. Sau khi báo điện tử VNExpress đưa tin này, anh Nam Quan, con trai của nhà văn Kinh Dương Vương (tức họa sĩ Rừng, tên thật là Nguyễn Tuấn Khanh) đã phát giác ra kịch bản phim rất giống truyện ngắn cùng tên của ông, đã đăng trong tạp chí Văn số 125 chủ đề Đầu Xuân Lộc Mới, phát hành ngày 1-3-1969, hiện nay có đăng lại trên trang mạng vanchuongviet.org.[*] Đồng thời, ngày 22-3-2011, trang mạng văn học Tiền Vệ cũng đã có bài viết của Nguyễn Tôn Hiệt tựa đề “Phim ‘Đường kiến’ đoạt giải Cánh Diều Bạc là một món hàng ăn cắp”.

Một điều cũng gây xôn xao cho một số người trong giới văn học trên mạng là không chỉ cốt truyện bị sao chép hầu hết, mà nhân vật chính trong truyện cũng đã bị thay đổi, từ một người lính Việt Nam Cộng Hòa (trong truyện của nhà văn Kinh Dương Vương) thành một người lính Mỹ trắng (trong phim của Thiều Hà Quang Nghĩa).

Sau khi câu chuyện vỡ lỡ, báo điện tử VNExpress có đưa tin ngày hôm sau về việc nhà văn Kinh Dương Vương bỏ qua cho đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa về việc đã lấy tác phẩm của ông chuyển thể thành phim mà không xin phép. Đạo diễn này cũng đã gửi thư xin lỗi ông về việc lấy truyện mà không hỏi qua tác giả, viện cớ vì ông ở ngoại quốc, nên không thể tìm ra cách để liên lạc.

Trả lời phỏng vấn Viễn Đông qua điện thoại chiều 24-3-2011, trước khi lên máy bay đi Việt Nam, nhà văn Kinh Dương Vương nói:

“Câu chuyện nó đã ra như rứa rồi, mà người có lỗi lại là một cậu sinh viên, nó đang còn đi học đó mà, trong tinh thần gọi là mình muốn cho nó ăn năn, hối lỗi, hơn là làm ra cho to chuyện... Ý của tôi là như thế”.

Ông phân tích thêm:

“Nếu là do một ông đạo diễn đàng hoàng, có tính cách business, thì mình sẽ có cách đối xử khác. Còn đây chỉ là một cậu sinh viên, coi như là nó ăn cắp văn đi, rồi nó viết cái thư ăn năn, sám hối, năn nỉ mình thì mình cũng nên tha thứ cho nó thôi”.

Được hỏi ông nghĩ sao về việc thay đổi nhân vật người lính Việt Nam Cộng Hòa bằng một người lính Mỹ trắng, ông cho biết cảm tưởng:

“Nó làm như vậy là nó trái với tinh thần của câu chuyện của tôi rồi. Vì cái chuyện của tôi viết về chiến tranh Việt Nam, viết về giữa người Việt Nam với nhau, còn đằng này, nó đem nó thay đổi người lính Cộng Hòa bằng người lính Mỹ, thì cái chuyện đó là sai trái rồi”.

Ông giải thích:

“Mình đâu có sẵn sàng để cho nó hoán đổi đâu. Nếu mà nó hỏi tôi trước và nó đưa kịch bản cho tôi coi, thì chắc chắn là tôi phải từ chối rồi, vì không có cái chuyện đó được. Nhưng mà bây giờ nó đã làm càn rồi, thì bây giờ mình biết làm sao bây giờ?”

Về dự định lên tiếng việc thay đổi nhân vật chính, trong bối cảnh chính trị, kinh tế hiện nay, nhà văn Kinh Dương Vương cho biết:

“Đúng là như vậy đó. Vì câu chuyện này mới xảy ra đây thôi, mới có ba, bốn ngày thôi, cho nên tôi cứ để cho dư luận xôn xao, rồi cuối cùng thì tôi mới có tiếng nói chính thức”.

Ông nói thêm:

“Mình phải viết một cái bài nó đàng hoàng, mang tính văn học chứ. Thế thì không phải chuyện mình nói qua nói lại với một đứa con nít”.

Ông cho hay, sau khi về đến Việt Nam, trong vòng vài ngày, sẽ có buổi phỏng vấn với báo chí trong nước để đăng tải trên mạng và trên báo in tại Việt Nam. Sau đó, ông nói là “sẽ phản ảnh tất cả những cuộc nói chuyện đó, và tường thuật lại cho báo chí hải ngoại, trong đó có báo Viễn Đông”.

Được hỏi về một số dư luận cho rằng bộ phim, vì lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam và nêu lên tính nhân bản của người lính Mỹ trắng trong cuộc chiến, sẽ có giá trị thực dụng cho nhà nước CSVN trong việc tuyên truyền, nhất là trong khi đang gầy dựng quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, nhân tiện xóa đi hình ảnh người lính VNCH, nhà văn Kinh Dương Vương nhận xét:

“Tôi không nghĩ như vậy, vì đây là một cái phim coi như là bài tập của [cậu sinh viên] trong trường thôi mà, chứ không phải là một cái phim để nó tung ra ngoài, ra quần chúng”.

Ông giải thích về hoàn cảnh khả dĩ đưa đẩy đạo diễn Thiều Hà Quang Nghĩa tráo nhân vật chính:

“Tôi thấy nó gút mắc cho cậu đó là như thế này: Nếu nó để hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa đó, thì không thể nào nó qua cái mặt kiểm duyệt được. Cho nên nó thay thế người lính VNCH bằng cái anh Mỹ trắng, như vậy nó rất phù hợp với nhà nước Việt Nam. Cho nên là nó để vô thôi, chứ thực ra là nó cũng không có bị ai sai khiến hay là có âm mưu gì cả”.

 

 

_________________________

[*]Truyện ngắn “Đường kiến” đã được đăng lại vào ngày 24 tháng 10, 2010, trên báo Văn chương Việt.

 

 

------------------

Bài liên quan:

26.03.2011
[VĂN NGHỆ & CHÍNH TRỊ] ... Mình viết những dòng này, chẳng qua mình chỉ muốn nói đôi ba cảm nghĩ về cái “chùm khế ngọt” của chúng ta, nhân vừa rồi đọc được những bài viết về “cánh diều bạc bẽo” gì đó trên Tiền Vệ... (...)
 
25.03.2011
[VĂN NGHỆ & CHÍNH TRỊ] ... Nhân vật chính trong truyện Đường kiến là một anh lính Việt Nam Cộng Hoà, nhưng trong phim Đường kiến, anh lính Việt Nam Cộng Hoà bị xoá, thay vào đó là một anh lính Mỹ. Và tại sao là Mỹ mà không phải Việt Nam Cộng Hoà?... (...)
 
22.03.2011
[VĂN HOÁ & ĐẠO TẶC] ... Nay lại vừa được ông Nguyễn Tôn Hiệt cho công bố, ngoài tính chất “rụng rời” của câu chuyện đáng được gọi một cách thật chính xác là “ăn cắp có thưởng”, cũng có kèm theo một tấm hình minh họa mà tôi cũng thấy có một cái gì thật xô lệch của “các vai diễn”, một cái gì thật nhầu nhèo, cẩu thả gây cho người đọc một cái cảm giác “nhân bần trí đoản” rất ngao ngán, nhếch nhác... (...)
 
[VĂN HOÁ & ĐẠO TẶC] ... Người ta thường nói: “Bần cùng sinh đạo tặc”. Đó là nói đến sự bần cùng về miếng cơm manh áo. Đằng này lại không phải là chuyện đói ăn, thiếu mặc, mà là sự bần cùng về văn hoá. Bần cùng văn hoá thì sinh ra đạo tặc văn hoá. Cái gì đã làm cho văn hoá Việt Nam trở nên bần cùng đến mức sinh ra đạo tặc triền miên như thế này? Đây là một câu hỏi chung mà mỗi người Việt Nam đều cần phải suy gẫm... (...)

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021