tin & thư | chuyên đề | tác phẩm mới | tác phẩm của tháng | đối thoại | tác giả | gửi bài | góp ý |
sinh hoạt
đối thoại
Ông Hoàng Ngọc Hiến giảng “hậu hiện đại”, ông Nguyễn Đình Chính viết “hậu hiện đại”  [đối thoại]

 

Phạm Thị Điệp Giang chê trách cuốn “tiểu thuyết hậu hiện đại” Online... balô của ông Nguyễn Đình Chính là “đại nhảm”, là “cũ kinh khủng”, “sáo và sến kinh khủng”, là “dâm mọi lúc mọi nơi”, là “cái sự nhảm ba lăng nhăng của một lão nghệ sĩ nửa mùa...” v.v... Chê trách như vậy thì có điểm đúng, có điểm chưa đúng, và cũng có điểm... oan cho ông Chính.

Xét riêng về cốt truyện, thì ai đọc vào cũng có thể thấy là nó gồm toàn những chuyện nhảm, những chuyện ba lăng nhăng, được kể với một giọng không giấu được vẻ khoái trá. Nhưng cốt truyện nhảm không có nghĩa là cuốn tiểu thuyết đáng vất đi. Trái lại, tôi nghĩ các nhà nghiên cứu văn học và lịch sử nên mua về để dành mà làm tài liệu sau này.

Vì sao? Vì nó là cuốn tiểu thuyết, với giọng tự thuật, đã phản ánh khá trung thực thứ văn hoá nhảm nhí của dạng người Việt Nam rởm đời và rửng mỡ nhan nhản trong đời sống “kinh tế thị trường theo định hướng XHCN” đương thời. Dạng người này là một biểu hiện mang tính cơ hội chủ nghĩa của “con người mới XHCN” hồng và chuyên mà nền giáo dục của Đảng đã dày công đào tạo từ thời “trước đổi mới”. Lúc còn ăn cơm độn bo bo thì họ thở nhẹ ra cũng sặc mùi “tính Đảng”, nhưng kịp khi có chút đô la rủng rỉnh thì hơi thở của họ lại sặc mùi... “tính heo nọc”. Từ cái “tính” này chuyển sang cái “tính” kia không phải là một sự dị biến, nhưng là một sự chuyển hoá từ chất sang lượng đúng theo “quy luật”, vì hai cái “tính” ấy có “quan hệ hữu cơ” với nhau trên cơ sở “duy vật biện chứng - lịch sử”. Từ “tính Đảng” chuyển sang “tính heo nọc”, cũng như từ “đỉnh cao trí tuệ” chuyển sang “đại nhảm”, thì đều rất là đúng với cái “lô-gích chủ đạo và nhất quán” của “chủ nghĩa nhân văn duy vật” vậy.

Xét về mặt thẩm mỹ, cô Giang đánh đòn cái kiến thức nhếch nhác của ông Chính về “hậu hiện đại” thì... oan cho ông ta, vì ông ta là người sáng tác, đâu có điều kiện tự nghiên cứu mỹ học “hậu hiện đại”. Chủ yếu những gì ông ta biết về “hậu hiện đại” đều dựa vào những lời truyền giảng của các ông giáo sư, học giả đầy thẩm quyền của nước nhà. Họ giảng thế nào thì ông Chính (và cả tá nhà văn, nhà thơ ở thủ đô) nghe thế ấy, tin thế ấy, học theo, làm theo, ứng dụng, triển khai, rao bán...

Nếu ông Chính tưởng rằng “hậu hiện đại” là kể chuyện dâm, càng dâm chừng nào, càng “hậu hiện đại” chừng ấy, thì cái lỗi không ở ông Chính mà ở các ông học giả có uy tín chuyên về lý thuyết văn học. Ở thủ đô Hà Nội hiện nay thì có ai uy tín bằng ông giáo sư Hoàng Ngọc Hiến. Hãy nghe ông Hiến giảng về “hậu hiện đại” tại một hội thảo lý luận văn học,[*] và hãy xem các ví dụ cụ thể mà ông nêu ra, thì rõ “hậu hiện đại” là gì. Tôi xin tô đậm những chỗ đáng lưu ý.

Đọc xong truyện Lụa của Alessandro Baricco (bản dịch của Tố Châu, Công ty Nhã Nam và N.x.b. Văn học xuất bản, năm 2007), tôi cảm giác tác phẩm này có khí vị “hậu hiện đại”. Mặc dù cuốn truyện này không khác gì một tác phẩm văn học cổ điển: cách kể “tuyến tính” từ đầu chí cuối, tác giả sử dụng những “mẹo” rất cổ điển để tạo ra sự bất ngờ, sự lạ lùng và huyền bí..., câu văn trong sáng, cách diễn đạt vô cùng chính xác, cú pháp hết sức đơn giản... Trong toàn bộ tác phẩm chỉ có một giọt “hậu hiện đại”. Đó là đoạn văn ở trang 144 diễn tả những dục vọng sâu sắc nhất của con người, một đoạn văn hậu hiện đại chắc chắn sẽ gây sốc ở nhiều độc giả:
 
... “em sẽ để dương vật của anh tách miệng em, vào sâu giữa môi em. Ép chặt lưỡi em, để cho nước từ miệng em ứa ra thấm tới tới tay anh, cái hôn của em, bàn tay của anh, hoà nhập vào nhau, trên dương vật của anh...”
 
Không có đoạn văn này, truyện Lụa sẽ là một tác phẩm hoàn toàn khác, nó là văn học thế kỉ XIX, là văn học dễ dãi của công chúng đường phố... Làm sao nó có thể trở thành một tác phẩm “lừng lẫy trên văn đàn quốc tế”, được dịch trên 30 thứ tiếng. Cái giọt “pốp” hậu hiện đại quan trọng lắm chứ! Một giọt cà cuống thôi cũng đủ để làm giậy mùi vị của bát nước chấm cổ điển. Và cũng không nhất thiết phải dốc cả lọ cà cuống!
 

Theo lời giảng của ông Hiến trên đây, nhà văn có thể rút ra một số điều cụ thể:

1. Truyện Lụa của Baricco được viết theo lối cổ điển, nhưng mang “khí vị hậu hiện đại”, chỉ vì nó có một đoạn văn tả cảnh người nữ bú... chai và xóc... lọ cho một người nam.

2. Đoạn văn bú chai xóc lọ này là một đoạn văn hậu hiện đại duy nhất trong truyện Lụa.

3. Không có đoạn văn bú chai xóc lọ duy nhất này, truyện Lụa chỉ là thứ văn học dễ dãi của công chúng đường phố.

4. Nhờ có đoạn văn bú chai xóc lọ duy nhất này, truyện Lụa trở thành một tác phẩm “lừng lẫy trên văn đàn quốc tế”, được dịch trên 30 thứ tiếng.

5. Đoạn văn bú chai xóc lọ duy nhất này, do đó, cực kỳ quan trọng, vì nó, như “một giọt ‘hậu hiện đại’” hay một “giọt ‘pốp’ hậu hiện đại”, đã nâng giá trị của truyện Lụa từ thứ văn học dễ dãi đường phố lên thành một danh tác quốc tế!

 

Ông Hiến diễn giảng trôi chảy đến thế, nêu ví dụ rành mạch đến thế, thì quá là thuyết phục, chứ còn cãi cọ đằng nào!

Sau đó, tự đê mê với sự xác tín ấy, ông Hiến còn đi ngược thời gian, lôi cả thơ Trần Dần vào để làm ví dụ:

Thơ Trần Dần những năm 60 đã có hơi hướng hậu hiện đại. Trong bài Người vật nhau với thế giới tàn bạo, có một câu thơ rất “pôp”: “Thống chế Pêtanh đeo kiếm gãy - ảnh đầu giường / Bên múi bẹn tồng hông đùi gái Mỹ”, chắc là những độc giả đứng đắn phải chau mày, nhưng trong bài thơ có những nét chấm phá tạo thành một không gian thơ cao sang.

Đấy, theo ông Hiến, cái “hơi hướng hậu hiện đại” trong bài thơ của Trần Dần nằm trong hình ảnh “múi bẹn tồng hông đùi gái Mỹ”, và hình ảnh này là một trong những nét chấm phá tạo thành một không gian thơ cao sang cho bài thơ.

Còn nữa, cũng theo ông Hiến:

hơi hướng hậu hiện đại trong Chuyện tình mùa tạp kỹ. Nó thể hiện ở những suy nghĩ “bất nhã”, những hình ảnh “bất nhã”, những từ ngữ “bất nhã”...
 
Ta cô đơn giữa chợ/ Ta cô đơn giữa ngã tư/ Ta cô đơn giữa học đường/ Ta cô đơn mọi chỗ/
Không ngoại trừ nhà vệ sinh ga...
 
Không có chi tiết cuối, đây chỉ là một câu văn sáo nhàm về một mô típ sáo nhàm: “sự cô đơn”. Chi tiết bất nhã “không ngoại trừ nhà vệ sinh ga” là một giọt “hậu hiện đại” tác giả vẩy vào câu văn làm câu văn đứng dậy, sống động hẳn lên. Giống như một gáo nước lạnh dội lên mô típ “cô đơn” và những người thích tạo dáng cô đơn. Dĩ nhiên không tránh khỏi xúc phạm những người thực sự cô đơn. Câu văn hậu hiện đại dễ gây ác cảm do tính chất hầm hố của nó.

Đấy, ông giáo sư Hoàng Ngọc Hiến đã truyền giảng như thế. “Không ngoại trừ nhà vệ sinh ga...” là một chi tiết “bất nhã”, là một giọt “hậu hiện đại”, đem “hơi hướng hậu hiện đại” vào Chuyện tình mùa tạp kỹ của Lê Anh Hoài, làm câu văn sáo nhàm về một mô típ sáo nhàm bất ngờ đứng dậy, sống động hẳn lên, trở thành một “câu văn hậu hiện đại”!

 

Nói tóm lại, theo lời truyền giảng của ông Hiến, thì “hậu hiện đại” là kể chuyện dâm, là sử dụng những suy nghĩ, hình ảnh, từ ngữ “bất nhã”. Một “giọt hậu hiện đại” mà ông Hiến đem ra làm ví dụ là đoạn văn tả một người nữ bú chai và xóc lọ cho một người nam, là “múi bẹn tồng hông đùi gái Mỹ”, là “nhà vệ sinh ga”.

Vì thế nếu nhà văn, nhà thơ nào muốn viết tiểu thuyết, muốn làm thơ có khí vị “hậu hiện đại”, có “hơi hướng hậu hiện đại”, thì cứ theo cái cẩm nang của ông Hiến, viết y chang như tiểu thuyết cổ điển, như thơ cổ điển, nhưng phải vẩy thêm vào đó một giọt “hậu hiện đại” (bú chai, xóc lọ, đùi, bẹn, nhà vệ sinh...). Là ngon lành!

Và tất nhiên nếu ai can đảm, không chịu dừng ở “khí vị”, “hơi hướng hậu hiện đại”, mà lại cả gan muốn viết cho thật đậm đặc “hậu hiện đại” thì cứ tăng liều lượng đến tối đa, dốc cả lọ cà cuống vào!

Khi các ông thầy lý thuyết đã oang oang truyền giảng rành mạch, có ví dụ cụ thể hẳn hoi, thì các ông học trò hồ hởi ứng dụng và triển khai. Vậy nên cô Giang phàn nàn, chê trách, mỉa mai như thế này cũng bằng thừa:

- Ơ, hoá ra Hậu hiện đại vẫn cũ, cũ kinh khủng. Từ cấu trúc truyện, tuyến nhân vật đến đề tài, tình tiết,...
- Hậu hiện đại sáo và sến kinh khủng...
- Hậu hiện đại là làm tình, và làm bằng nhiều cách = ấu dâm, quần dâm, mộng dâm,... (Tóm lại là dâm mọi lúc mọi nơi)

Cô Giang ơi, ông Nguyễn Đình Chính đã làm đúng phóc theo tinh thần “hậu hiện đại” do ông Hoàng Ngọc Hiến truyền giảng đấy! Ông Chính còn triển khai tối đa cho thật đậm đà chất “hậu hiện đại”. Này nhé, đầu đuôi như vầy: ông Chính đã viết Online... balô cũ rích y như một tác phẩm văn học cổ điển hay một cuốn tiểu thuyết thế kỉ XIX, và ông ta dốc đến nửa lọ cà cuống, vẩy lia lịa vào đó những “giọt hậu hiện đại”, những giọt “pốp” hậu hiện đại, khiến cái mùi “hậu hiện đại” (theo cẩm nang của ông Hiến) bốc ra ngạt cả mũi.

Vậy mà cô Giang lại chê trách ông Chính là “cũ kinh khủng”, “sáo và sến kinh khủng”, “dâm mọi lúc mọi nơi”, thì tội nghiệp cho ông Chính quá đi chứ.

Con dại, thì cái mang. Nếu cô Giang thấy bực bội vì những trò nhảm nhí của ông Chính và các nhà văn, nhà thơ “hậu hiện đại” ở thủ đô, thì cô hãy nện cho nhừ xương cái ông thầy đã dạy cho họ thế nào là “hậu hiện đại”. Cô nhé.

 

_________________________

[*]Bài tham luận “Tiếp nhận những cách tân của chủ nghĩa hiện đại và chủ nghĩa hậu hiện đại” của Hoàng Ngọc Hiến, đọc trong Hội thảo “Lý luận Văn học Việt Nam thế kỷ XX” tổ chức ngày 7/6/2008 tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đăng lại trên tạp chí Sông Hương ngày 16/7/2008.

 

 

--------------

Bài liên hệ:

02.03.2009
[VĂN HỌC] ... Không biết ông Hiến đã tổng hợp bao nhiêu sách vở, bài viết, nghiên cứu, thảo luận... về “hậu hiện đại” để nặn ra một công thức cô đọng đến thế! Theo công thức đó, ta có thể đi ngược thời gian và tìm thấy từ nhiều thế kỷ trước đây đã có vô số tác phẩm mang khí vị hay hơi hướng “hậu hiện đại”... (...)
 
[VĂN HỌC] ... So sánh hai cuộc phỏng vấn, tôi lại càng thấy... ớn tới tận óc, vì càng nói thì nhà văn Nguyễn Đình Chính càng cho thấy ông chỉ nói... bậy... (...)
 
01.03.2009
[VĂN HỌC] ... Về kỹ thuật và hình thức cấu trúc, văn phong của Online... ba lô không tuân thủ theo một khuôn mẫu bất biến. Nó chưa định hình. Nó còn đang ở dạng bào thai. Có thể nó sẽ là một đứa trẻ xinh xắn nhưng cũng có thể là quái thai. Về nội dung, Online... ba lô đang cố gắng dò tìm những đại giá trị mới. Có thể những đại giá trị này không có hoặc có mà chưa có tên gọi. Đó là những yếu tố hậu hiện đại... (...)
 
28.02.2009
[VĂN HỌC] ... Nhơn tiện cũng nói thiệt luôn. Cái trò đưa phong bì để dựng phỏng vấn giả mà làm tiếp thị này thì quá phổ biến ở nước ta. Tự lăng-xê dỏm để tiếp thị. Nhan nhản ca sĩ ra CD, nhà thơ nhà văn ra sách mới, đều chơi cái trò này. Ớn tới tận óc!... (...)
 
27.02.2009
[VĂN HỌC] ... Trời ơi, bác Hiệt dạy em sai rồi! Truyền thống dân tộc “Tôn sư trọng đạo” ngời sáng như thế, sao bác lại xui dại em? Hơn nữa, em lấy tư cách gì mà dám nện? Bản thân em còn chưa rõ “Hậu hiện đại” thế nào, kiến thức em cũng còn “nhếch nhác” lắm, nào dám lên mặt dạy dỗ gì ai, nói gì tới “nện nhừ xương” hả bác?... (...)
 
[VĂN HỌC] ... Thiển nghĩ, nếu tác phẩm của Alessandro Baricco được dịch trên 30 thứ tiếng vì có một giọt cà cuống, tác phẩm của Nguyễn Đình Chính được nữ thi sĩ Phạm Thị Điệp Giang đọc và phê bình trên mục Đối Thoại vì có nửa lọ cà cuống, thì thơ Nở Ngày có “hơi hướng hậu nhảm đại” của bần sĩ chỉ có... xác cà cuống mà thôi... (...)
 
26.02.2009
[VĂN HỌC] ... Cô Giang ơi, ông Nguyễn Đình Chính đã làm đúng phóc theo tinh thần “hậu hiện đại” do ông Hoàng Ngọc Hiến truyền giảng đấy! Ông Chính còn triển khai tối đa cho thật đậm đà chất “hậu hiện đại”... Vậy mà cô Giang lại chê trách ông Chính là “cũ kinh khủng”, “sáo và sến kinh khủng”, “dâm mọi lúc mọi nơi”, thì tội nghiệp cho ông Chính quá đi chứ. Con dại, thì cái mang... (...)
 
24.02.2009
[VĂN HỌC] ... Bìa sách được in rõ “tiểu thuyết Hậu hiện đại”... đọng lại cả cuốn truyện Online... Balô chỉ là cái sự nhảm ba lăng nhăng của một lão nghệ sỹ nửa mùa, đại nhảm. Cũng có phần nào văng mạng như tác giả đã cho biết (mà văng chưa tới nơi). Nhưng, xét về khía cạnh nào đó, sự nhảm ấy, sự cố gắng nhảm ấy, lại càng làm tăng thêm sự bất lực của một lớp người, càng cố tỏ lại hóa ra chỉ là càng cố tưởng (mình còn ngon lắm!)... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021