điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Em dài quên cân đối…

 

Tranh 1: "không lời", mực mầu trên giấy, 15cm x 20cm, vẽ những năm 60.

 

Tháng giêng năm 1997, những ngăn kéo bí mật trong căn nhà số 7 phố Vũ Lợi lần đầu tiên được mở ra bởi những bàn tay khác không phải Trần Dần. Cùng với Jờ Joạcx, Mùa sạch, Thơ 63-64, Những ngã tư - Những cột đèn, Con Trắng, 177 hùng ca, Thơ không lời - Mây không lời, Thiên thanh - 77 - Ngày ngày, những người thân của Trần Dần còn tìm thấy rất nhiều tranh vẽ và kí họa nằm rải rác giữa thơ mini và các ghi chép dưới dạng nhật kí thơ. Chúng hầu như đều được thực hiện bằng những chất liệu đơn sơ: giấy của sổ tay vẫn bán giá rẻ thời đó và màu thừa từ công việc tô ảnh màu mà Trần Dần thường làm những năm 60, 70 để kiếm sống.

Tranh vẽ giai đoạn những năm 60 của Trần Dần là những tranh hữu hình. Nhưng không chép lại cái mà ông nhìn thấy, theo lối tả thực, mà trình bầy lại cách nhìn thế giới của ông. Cách nhìn này tập hợp những cặp quan hệ đối lập thuần tuý thị giác, giữa tác phẩm và thực tế, giữa nhiều yếu tố cơ bản trong một tác phẩm hội hoạ. Hãy xem các tranh vẽ của Trần Dần, chúng đều hết sức giản dị, bảng pha mầu của ông không có liên hệ nào với những mầu sắc chói chang rực rỡ của xứ nhiệt đới. Ông đã đề nghị một gam mầu trầm lạnh, đôi khi đơn sắc, đôi khi biến đổi kín đáo xung quanh nhiều mầu xám rất khác nhau. Thế nhưng bảng mầu khiêm tốn dịu dàng của ông lại đối ngược với những đường nét rất cách điệu, mạnh mẽ và khẳng định, với nhiều đường cong lớn cho những bố cục đơn giản, và với nhiều đường thẳng đều đặn lấp đầy mặt tranh cho những bố cục phức tạp. Những chi tiết làm nên sự phức tạp này không bao giờ là những đồ vật được vẽ lại từ bên ngoài như lọ hoa, bình trà, con mèo, hoặc bàn hoặc ghế như ở nhiều hoạ sĩ khác, mà chính là sự biến hoá của đường nét thuần túy. Những cặp mâu thuẫn này đã làm người xem ngạc nhiên không ít trước tranh vẽ của Trần Dần, vì không biết định tính chúng như thế nào: vui hay buồn, yêu hay ghét, thông minh hay ngây thơ, hữu tình hay vô ý, khéo léo hay vụng về?

Khó có thể tin rằng chúng không phải là tranh vẽ của một hoạ sĩ chuyên nghiệp. Vì sự thành thục trong nét bút, trong cách tô mầu làm sao để lợi dụng được chất liệu giấy xốp, trong cách sử dụng những khoảng trống, trong cách đặt cạnh nhau và cùng nhau những mảng mầu xa nhau về chất: mịn hoặc thô, nhẵn hoặc xốp… Tranh của ông quay lưng lại với mỹ thuật Việt Nam chính thống, và đúng hơn nó tiếp nối vào «école de Paris» của những thập niên đầu thế kỷ 20. Cuộc hành trình riêng lẻ và bí mật của ông trong hội hoạ cũng có thể chia sẻ những quan điểm tạo hình của Nghiêm, Liên, Phái, Sáng, những cái tên ít ỏi đứng ngoài nền hội hoạ xã hội chủ nghĩa Việt Nam thời ấy.

Khó có thể hình dung nổi một nhà thơ đã vẽ những tranh này, vì thực ra trường phái hội hoạ của Paris kể trên loại bỏ các tính chất khác như văn học, tôn giáo để bênh vực vị trí độc lập của nghệ thuật thị giác. Trần Dần đã loại trừ thơ khỏi tranh vẽ của ông là vì như vậy.

Nhưng ngược lại, khi đến với thơ, ông đã để lộ ra người hoạ sĩ trong thơ. Từ cách đưa những khoảng trắng vào Nhất định thắng, Bài thơ Việt Bắc, ông đã có không ít trùng lặp với con đường của Maïakovski: nhà thơ Nga đã từng đến với hội hoạ trước khi đến với thơ, và chính người hoạ sĩ trong Maïakovski đã đề nghị hình thức thơ bậc thang cho thơ. Từ cách đưa mầu sắc vào Cổng tỉnh: Tôi một tên nô lệ vàng / Tôi lớn ở một đầu ô tím …Thời gian lặp đi lặp lại những chiều vàng vọt như nhau…Nhưng đêm quảng trường sương trắng xuống từ lâu…Tôi đến bì bõm đen rãnh cống/ Tôi vày mảnh trời xanh trong vũng nước đục ngầu… Đường hàng Song xanh lấm tấm sao chiều… đến chỗ người hoạ sĩ lấn át cả nhà thơ trong những bức chân dung phụ nữ, với những đường nét đầy ngẫu hứng, tự do và phóng túng. Người hoạ sĩ ấy đã làm khổ tâm ngay cả nhà thơ, vì bức hình hoạ thiếu cân đối:

                              Em dài man dại

                              Em dài quên che đậy

                              Em dài tê tái

                              Em dài quên cân đối

                              Em dài bối rối

                              Em dài vô tội

                              Em dài - khổ tâm...

Đoạn thơ trên được trích từ Tập thơ 63-64 gồm những tìm kiếm về vẻ đẹp cơ thể nhiều hơn là vẻ đẹp đức tính hay nội tâm. Người phụ nữ của giai đoạn này từ chối sự cân đối, một tiêu chuẩn của thẩm mỹ cổ điển. Tính từ dài được nhắc bảy lần liên tiếp một mặt để công khai nhấn mạnh tính không hài hòa của cơ thể nhân vật nữ nhưng mặt khác, lại tạo nên vẻ quyến rũ rất gợi cảm, rất hiện đại mà Trần Dần không ngần ngại gọi tên là cái đẹp:

                              Đáng lý em không nên đẹp !

                              Đùi len mã vĩ

                              Triển lãm vườn hoa lõa thể

                              Anatomie lá hẹ

                              Ôi chao ! Ngón chân thường lệ !...

                              Mông non phi lý

                              mang chức năng bé tí...

Không có dấu vết của các cô gái bên hoa huệ tao nhã sang trọng mà các bậc thầy mỹ thuật Đông Dương để lại. Không có dấu vết của các nữ công nhân, o du kích, thành quả của hiện thực Xã hội chủ nghĩa. Cũng không còn dấu vết của hội họa Lập thể đã khiến Trần Dần phải thuyên chuyển công tác, năm 1950, khỏi nhóm Sông Đà. Phụ nữ trong tranh Trần Dần bộc lộ rất nhiều những đặc điểm dễ nhận thấy: kiểu tóc, cách ngồi, nét mặt vô cảm... Dường như ông luôn tìm cách phá cái trữ tình, lả lướt trong hội họa và thơ: những sợi tóc cứng, lông mày to, cặp môi rộng, cái mũi lệch, khuôn mặt méo mó, cái cổ to bè, đôi đùi quá khổ, đôi vai rộng như vai đàn ông… Xem tranh ông, đọc thơ ông những năm 60, người ta bỏ qua những băn khoăn thông thường: đây là ai, có quan hệ như thế nào với tác giả, biểu tượng cho cái gì, để tiến tới những suy nghĩ mang tính nghệ thuật thuần khiết: ông đã kể lại con người và thế giới như thế nào?

*

Có thể nói, ở Trần Dần, thơ và họa thường có mối quan hệ khá tương đồng. Nếu những năm 70, 80 Trần Dần để lại sau lưng Tập thơ 63-64, Mùa sạch, Jờ Joạcx mà đến với Thơ không lời- Mây không lời, thơ cơ bản, 36 thở dài, Tư Mã dâng sao… thì ông cũng bắt đầu một giai đoạn mới trong hội họa: tranh có hình nhường chỗ cho tranh không hình. Đây mới là cuộc gặp gỡ trực tiếp của Thơ và Hoạ. Có thể gọi những trang hoạ này là trang thơ cũng được. Có thể đếm được cả trăm trang họa như vậy. Có những quyển sổ từ đầu đến cuối bao gồm những con chữ được vẽ, được trở thành ký hiệu, những ký hiệu trở thành chữ, những câu thơ được vẽ trong nhiều trật tự mới với sự tham gia của các đường cong, đường thẳng, các dấu phẩy, dấu chấm phóng đại như những sinh linh nhỏ bé, để làm thành những bài thơ, hoặc những bức tranh không thể xác định được thể loại.

Khi Trần Dần gọi chữ là con chữ, chắc chắn phải có sự chia xẻ ý kiến giữa nhà thơ và hội hoạ. Con chữ chính là những cơ thể sống, hoàn toàn có thể nhìn thấy được, để người hoạ sĩ lấy làm đối tượng sáng tác cho mình. «Ecole de Paris» là đại diện mỹ thuật phương Tây cuối cùng đã đến được Việt Nam trước Cách mạng. Sau đó trong nhiều chục năm dài không thể tìm được những thông tin về nghệ thuật thế giới nữa. Không ai ở miền bắc Việt Nam hiểu rằng hội hoạ thế giới sau Paris không còn đơn thuần là một lĩnh vực thị giác, hội hoạ đã đi ra khỏi phạm vi của hình và mầu, để mở rông cửa tiếp đón các thể loại nghệ thuật khác, các tính chất khác từ nhiều bộ môn như kỹ thuật, chính trị, khoa học, xã hội… Cuộc hành trình chung của thơ và hoạ đến từ bản thân một mình Trần Dần vô tình đã mang giá trị đương đại. Dường như ông cũng cảm thấy đã đến lúc phải từ giã «école de Paris». Dường như việc trao cho hội hoạ những tính chất mới phải là một tất yếu của lịch sử mỹ thuật, không chỉ được phát hiện ra ở những trung tâm nghệ thuật thế giới, mà cả ở những cá nhân có óc sang trang sống trong những vùng nghèo đói, cấm vận và cô lập.

Nhưng ở Trần Dần, không chỉ hội hoạ mà thơ cũng đã được ông mở rông cửa đón những tính chất thị giác của nghệ thuật tạo hình. Nói cách khác, cả Thơ cả Hoạ cùng được ông xoá đi cái biên giới trường tồn và khó khăn, để cùng gia nhập một cái tên chung, cũng khó khăn, cũng nguy hiểm cho người sáng tạo, lẫn người thưởng thức. Cái tên ấy là Nghệ Thuật.

Tranh 2: "Lệ này là ẩn ngụ các rao kia", mực mầu trên giấy, 20cm x 15cm, trích từ một tập thơ hoạ những năm 80.

 

------------------------------------------------------------

Chú thích:

"không lời""Lệ này là ẩn ngụ các rao kia" là hai trong số năm chục bức tranh của Trần Dần đã được chọn trưng bầy ngay sau khi ông mất, tháng hai năm 1997, tại Mai Gallery, Hà Nội.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021