điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
Phỏng vấn Lê Thành Nhơn

Minh Nguyệt: Thưa anh Lê Thành Nhơn, thay vì hỏi tiểu sử của anh như thường lệ, MN xin hỏi ngay vào con đường dẫn anh đến với nghệ thuật. Anh có nhớ là anh đã đi vào hoạt động vẽ tranh và dựng tượng như thế nào không?

Lê Thành Nhơn: Sau khi học xong trung học, tôi theo học ngành hội họa tại trường Mỹ thuật Bình Dương. Mấy năm sau, tôi chuyển sang học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật ở Sài Gòn. Năm 1963, khi đang học năm thứ hai, tôi có làm một pho tượng bằng đồng, được Việt Nam gửi đi triển lãm ở Paris. Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành điêu khắc, tôi được bổ về dạy học tại tỉnh Bình Dương. Một thời gian sau, tôi bị động viên. Trong thời gian 5 năm ở trong quân đội, tôi không có cơ hội nào để làm công việc nghệ thuật cả. Sau đó, tôi bị thương, được giải ngũ.

Bức tượng đầu tiên tôi làm sau khi rời khỏi quân đội nhận được huy chương vàng giải Văn học Nghệ thuật và hiện nay được lưu trữ tại Viện Bảo tàng Quốc gia tại Sài Gòn. Liên tiếp sau đó, tôi có nhiều công trình mỹ thuật khác như tượng Phật Thích Ca hiện đang đặt tại chùa Huệ Nghiêm. Sau đó, tôi dạy học tại trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn và trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế. Trong những ngày dạy học ở Huế, tôi thực hiện được pho tượng Phan Bội Châu (năm 1973).

MN: Xin anh nói thêm về bức tượng Phan Bội Châu một chút. Cơ duyên nào thúc đẩy anh đi đến quyết định tạc bức tượng này?

LTN: Khi nhắc đến năm 1972, tất cả người Việt Nam đều nhớ tới mùa hè đỏ lửa, khi những người dân ở Huế phải chịu cảnh đau khổ, lầm than. Gần đến Tết, tôi đang sửa soạn về Sài Gòn thì anh Bửu Ý, một người bạn của tôi, đến thăm và hỏi: "Bây giờ anh về sao?". Tôi im lặng không trả lời. Sau đó, anh Bửu Ý rủ tôi lên chùa Thiên Mụ. Khi đứng trên tầng cao nhất của chùa Thiên Mụ nhìn ra sông Hương, anh Bửu Ý khuyên tôi ở lại chơi, làm cái gì cho vui Huế một chút. Tôi quyết định ở lại, thực hiện bức tượng Phan Bội Châu trong suốt năm đó.

Trong những ngày thực hiện pho tượng này, tôi có quen với kỹ sư Hồ Đăng Lễ, trưởng khu Công chánh Thừa Thiên. Anh chở đến cho tôi 20 tấn đất và một núi thanh sắt. Sau đó, tôi nhờ anh em sinh viên cột những thanh sắt đó lại, nhờ vậy tôi có một cái sườn to, cao 4 thước rưỡi, chiều ngang 6 thước và sâu 5 thước. Và từ cái sườn đó tôi đắp 20 tấn đất lên. Như vậy, bức tượng Phan Bội Châu không phải là công trình của cá nhân tôi mà là một công trình tập thể của sinh viên trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, sinh viên các trường đại học ở ngoại thành, cũng như giáo chức và các em học sinh một trường tiểu học nhân một chuyến vào thăm Đại nội. Không khí chung quanh khu làm tượng trở nên dập dìu hẳn lên với những tà áo sinh viên.

Khi tượng Phan Bội Châu được thực hiện xong bằng đất, ai cũng mong muốn bức tượng được tồn tại lâu dài với thời gian bằng một chất liệu nào chắc chắn hơn một chút. Lúc bấy giờ, một anh kỹ sư làm việc trong chương trình khuếch trương tại Huế có đề nghị với tôi, sẽ hỏi xin tiền của người Mỹ để đúc tượng Phan Bội Châu bằng đồng. Tôi đã thẳng thắn từ chối.

Sau đó, luật sư Phan Duy Tuệ khi ra khánh thành toà án ở Quảng Trị, có gặp Trịnh Công Sơn tại Huế. Anh Trịnh Công Sơn hỏi Phan Duy Tuệ có cách gì để giúp đúc đồng tượng Phan Bội Châu không. Phan Duy Tuệ cho biết là có thể nhờ cha anh là phó Thủ tướng Phan Quang Đán. Sau khi chúng tôi đến gặp ông Phan Quang Đán, ông quyết định bán kho xi măng phế thải của Đà Nẵng để giúp chúng tôi đúc tượng Phan Bội Châu bằng đồng. Ngoài ra, một ông cậu ở Paris của tôi cũng có vận động kiều bào gửi tiền về giúp. Như vậy, việc tượng Phan Bội Châu được đúc đồng chính là công trình của nhiều người chứ không phải của riêng tôi.

MN: Vừa rồi, anh có nhắc đến "mùa hè đỏ lửa", đến cuộc chiến tranh tàn khốc và kéo dài ở Việt Nam. Anh có nghĩ là những biến động chính trị và xã hội ấy có ảnh hưởng đến sáng tác của anh không?

LTN: Có chứ. Sau hai cuộc thế chiến, con người trải qua những chuyện bán buôn nô lệ, chuyện kỳ thị chủng tộc, chuyện viễn chinh đô hộ tàn sát sinh linh nơi các thuộc địa, những chuyện ở trại tập trung Auschwitz, nơi những người Do Thái bị lột trần truồng, bị cạo đầu đưa vào lò hơi ngạt.

Riêng cá nhân tôi, tôi sinh năm 1940, năm thế chiến thứ hai bắt đầu. Tại Việt Nam, Nhật đuổi Tây, rồi Tây trở lại đuổi Nhật ra, rồi hai triệu người Việt chết đói tại miền Bắc. Ở miền Nam, trên những đường phố, từng xâu người phù thủng bị trói tréo tay bằng dây điện, đầu cạo trọc lầm lũi đi qua những phố chợ hàng ngày. Dưới các dòng sông, chõng sình trương trôi lềnh bềnh. Đêm đêm tiếng thùng thiếc và mõ đánh rền lên từ xóm trên đến xóm dưới. Trên những vách tường đổ nát với máu khô còn đầy, truyền đơn khẩu hiệu dán đủ màu... Trong những biến chuyển đó, sự sáng tạo của người nghệ sĩ cũng phải thay đổi theo thời đại.

Khi còn ở Việt Nam, tôi rất cảm màu cánh gián của sơn mài, màu chói của xa cừ, những màu vàng rây bạc phủ đã ăn sâu từ lâu trong máu mình. Rồi khi lớn lên trong những đồi đá, màu đất, những giòng sông, con suối, ngôi làng mạc của mình trải qua cuộc chiến tranh, tôi sáng tạo theo sự suy nghĩ và tình cảm liên quan đến hoàn cảnh của đất nước. Ra nước ngoài, với hoàn cảnh xã hội hoàn toàn khác hẳn, được tự do tuyệt đối, từ đó dần dần con người tôi biến đổi và khoáng đạt hơn. Tất cả quan niệm sáng tạo, ý thức sáng tạo cũng như phương cách làm việc của tôi cũng thay đổi.

MN: Anh sang định cư ở Úc từ năm 1975. Hoàn cảnh sống và làm việc ở Úc chắc chắn rất khác với Việt Nam. Theo anh nó khác như thế nào? Nó có những thuận lợi và những khó khăn gì?

LTN: Khi đặt chân đến Melbourne, tôi phải đi sơn xe hơi, phải đi bán vé trên tàu điện, phải làm vất vả trong các factories để bảo đảm cho cuộc sống thực tế hàng ngày. Riêng vấn đề làm nghệ thuật không phải chỉ một ngày một bữa, không phải chỉ qua đêm mà có thể thành công được, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, tại quê nhà hay ở nước ngoài. Ở nước ngoài, vấn đề càng khó khăn hơn. Vì tất cả mọi thứ đều mới: đời sống mới, tâm tình mới, con người mới, ngôn ngữ mới. Khi bước vào một thế giới xa lạ như vậy thì vấn đề tìm lại sự quân bình đòi hỏi phải có thời gian.

Còn những thuận lợi thì như thế này. Ở bên này, mình sống chung trong xã hội với nhiều nghệ sĩ của các quốc gia khác nhau. Mình chia xẻ được với họ rất nhiều: những người nghệ sĩ ai cũng yêu những sự sáng tạo mới. Sự cuồng nhiệt này tạo nên những biến chuyển cực kỳ nhanh chóng, từ đó làm cho mình hết sức phấn khởi, hăng say tìm đến những cái gì mới và lạ cho công việc sáng tạo của mình.

MN: Tháng 12 (1998), anh có cuộc triển lãm mới tại thành phố Melbourne. Cuộc triển lãm có tên là Eden. Tại sao là Eden?

LTN: Eden ở đây không phải là vườn địa đàng mà chỉ là một niềm vui trọn vẹn. Trong cuộc triển lãm này tôi cho trưng bày 30 bức tranh sơn dầu với màu sắc tươi vui, với hai trạng thái tình cảm cực kỳ lạ lùng, đối ngược, như âm với dương. Đó là những ấn tượng của hai khoảng thời gian đặc biệt của vùng đất tại Nam bán cầu này. Mùa đông ở đây có những ngày quá ngắn, sương mù dày đặc và gió rất lạnh. Ba giờ chiều trời đã tối mịt, cho nên, để có thể làm việc được nhiều, tôi phải rời nhà từ rất sớm. Lái xe trên đường sương mù thật là một kỳ thú. Có khi không thể nhìn thấy gì ngoài một quãng đường trước mắt. Những lúc đó, nghe tiếng chim đập thì tôi biết mình đang băng ngang một cánh rừng. Trong những làn sương trắng lờ nhờ chuyển động, tôi có cảm tưởng như nhìn thấy những nàng kiều nữ đang cựa mình. Còn vào mùa hè thì ngày lại quá dài, 5 giờ sáng mặt trời đã mọc; 9 giờ tối, mặt trời còn chưa chịu lặn. Ánh sáng mặt trời chói lọi xuyên qua các tường kính, phản chiếu lại như thuỷ tinh đang nóng chảy trong lò. Các bóng cây dài lê thê như loài khủng long băng qua xa lộ, mây giăng óng ả có hình như cánh chim phượng hoàng bay theo mỗi buổi chiều trên đường về nhà tôi.

Ngày ngày đi trên con đường vạn sắc như vậy, tôi vẽ rất nhiều tranh về bóng mặt trời và sương mù. Và tôi rất yêu những ngày nhập nhằng, khi quá ngắn, khi quá dài và bốn mùa tới lui bất ngờ ở đây.

MN: Xin cám ơn anh Lê Thành Nhơn.

(Đây chỉ là một phần của cuộc chuyện trò khá dài giữa Lê Thành Nhơn và Minh Nguyệt, đã được phát thanh trong chương trình Việt ngữ của đài Radio Australia vào cuối tháng 12 năm 1998 và đầu tháng 1 năm 1999)


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021