điêu khắc | hội họa | nhiếp ảnh | trang thiết | đồ họa | nhận định mỹ thuật |
tạo hình
"Phiên bản hoạ sĩ"

 

Tựa đề trên có thể gây nhiều ngạc nhiên “Lạ chưa? Xưa nay, người ta chỉ nói đến phiên bản tranh, phiên bản tượng chứ đâu có ai nói đến phiên bản họa sĩ bao giờ?”

Vậy mà có đấy. Phiên bản tranh, tượng, ở đâu cũng vậy, từ lâu, đã là chuyện bình thường. Nó có mặt ở khắp nơi, ngay cả ở những quốc gia tiên tiến nhất về nghệ thuật. Nó có tác dụng tích cực là góp phần làm cho các giá trị nghệ thuật được phổ cập. Sự thật là sự tiếp xúc với mỹ thuật ở số đông công chúng - ở khắp mọi nơi - chủ yếu là thông qua các loại phiên bản - từ hình thức chép tay đến chụp hình, in ấn… Ý thức về thực tế này và các ý nghĩa của nó mà ở nhiều nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc … chẳng hạn, bên cạnh việc nhập sách báo, các lọai ấn phẩm giới thiệu mỹ thuật các nước, họ còn mở hẳn các bảo tàng, tổ chức các cuộc triển lãm trưng bày phiên bản chép tay những tác phẩm tiêu biểu của mỹ thuật thế giới. Sự tồn tại của các bảo tàng, các cuộc triển lãm này là một thành phần làm nên “không gian hòa nhập” thúc đẩy tiến trình “hiện đại hóa” nghệ thuật của họ… Ở Việt Nam mấy năm gần đây, sự có mặt và ngày càng phát triển của các cơ sở chép tranh, nhìn từ góc độ này, là rất đáng khuyến khích. Tuy manh mún, tự phát, nhưng rõ ràng nó có ích. Tiếp cận với những phiên bản chép tay từ đây, mọi người có cơ hội hình dung rõ ràng hơn đặc điểm nghệ thuật của những tên tuổi vừa quen vừa lạ như Van Gogh, Picasso, Dali, Matisse v.v…, và nhờ đó, mà có một ý thức đầy đủ hơn về những cách nhìn khác, những hệ thẩm mỹ khác… giúp thông thóang tầm nhìn của mình …

Ðó là chuyện phiên bản tranh, tượng. Trong thực tế đời sống mỹ thuật, ở đâu cũng vậy, còn có một lọai phiên bản khác, rất đáng chú ý hơn, nhưng không đáng khuyến khích chút nào, là chuyện “phiên bản họa sĩ”. Nói cho đơn giản, dễ hiểu, đó chính là hiện tượng nhái theo người khác. Thay vì tìm tòi sáng tạo, tự định hình cho mình một lối vẽ riêng, hay triển khai ứng dụng một phong cách sẵn có, không ít người được gọi là “họa sĩ”, đã lựa chọn cho mình cách thế dễ dàng nhất là nhái theo cách vẽ của một họa sĩ nào đó. Lấy ngay hình ảnh trong thế giới đối tượng quen thuộc - phong cảnh, chân dung, hay tĩnh vật …- làm chất liệu, rồi cách điệu, phối màu dựa theo bút pháp, theo kỹ thuật, thậm chí bê nguyên xi bảng màu của họa sĩ ấy, họ vẽ thành tranh, rồi đàng hoàng ký tên mình. Ở Việt Nam, đây là một hiện tượng đã và đang rất phổ biến. Người trong nghề, ai cũng dễ dàng chỉ ra “họa sĩ” nào là phiên bản của họa sĩ nào. Các họa sĩ Tây nổi tiếng có “phiên bản” ở ta nhiều nhất có thể kể: Monet, Cezanne, Matisse, Picasso, Kandinski, Miró, Klimt, Bacon … Họa sĩ ta, những người như Đỗ Quang Em, Thành Chương, Lê Thiết Cương… cũng có khá nhiều “phiên bản”. Oái oăm, có vài họa sĩ đã gần như là “phiên bản” của vài họa sĩ Tây nào đó rồi cũng lại có phiên bản của riêng họ!… Động cơ của sự nhái lại này rất khác nhau. Có người, vì tự mình yêu thích, bắt chướt rồi “quen tay”, nhưng nhiều hơn là những người nhái theo, đơn giản chỉ vì cách vẽ của họa sĩ đó đang là thời thượng, được nhiều người yêu thích, thậm chí là dễ bán, được các gallery yêu cầu… Nhưng dù xuất phát từ động cơ nào thì những sự nhái lại này cũng đều có hại.

Tất nhiên cần phân biệt những họa sĩ nhái theo người khác và những họa sĩ đi theo người khác. Đi theo, ứng dụng và triển khai phong cách của người khác, trong nghệ thuật, xưa nay là điều bình thường. Trong sự đi theo này, thống nhất với ý thức, với thái độ thẩm mỹ của những người tiên phong, người đi theo vẫn là mình trong sự khám phá thực tại và hình thức biểu hiện. Ở họ, những giá trị nghệ thuật mới mẻ vẫn có thể tiếp tục được phát hiện. Còn nhái theo, thì chỉ dừng lại ở kỹ thuật, ở cách vẽ, ở lớp vỏ ngoài của cái được gọi là phong cách. Ðó là sự bắt chước một cách nô lệ. Bởi vậy mà không lạ gì “phiên bản họa sĩ” nào cũng chỉ là phiên bản của một giai đoạn. Với các họa sĩ nhái theo người khác, nghệ thuật chỉ còn là sự chiết trung theo kiểu “bình mới rượu cũ” hay “bình Tây rượu Ta” mà thôi - hình thức và nội dung nghệ thuật tách rời. Và đó không gì khác hơn là thứ giả hình, phi nghệ thuật. Với nó, các giá trị nghệ thuật không những không được phổ cập, mà ngược lại, càng làm cho nhận thức về nghệ thuật vốn đã chẳng dễ dàng càng thêm rối mù.

Hiện tượng nhái theo người khác hay “phiên bản họa sĩ”, đúng ra, chẳng đáng lưu ý. Sự bắt chước và ăn bám như thế ở đâu và thời nào cũng có. Tuy nhiên, ở những nơi khác, khi văn hoá mỹ thuật đã phát triển khá cao, những tiêu chuẩn và nguyên tắc phân định giá trị mỹ thuật đã định hình tương đối vững chắc, sự nhái theo chỉ dừng lại ở các sinh hoạt văn hoá đại chúng. Ở Việt Nam, tình hình tương đối khác, nghệ thuật thật và nghệ thuật giả đan xen vào nhau, những giá trị sáng tạo thật và những thứ bắt chước theo thời thượng giả tạo đứng kề bên nhau, do đó, sự phổ cập của loại “phiên bản hoạ sĩ” chỉ làm tăng thêm độ nhiễu trong môi trường nghệ thuật. Nó làm quần chúng hoang mang và ngay cả giới nghệ sĩ cũng hoang mang theo. Trong bối cảnh đó, mỹ thuật rất khó phát triển một cách lành mạnh được.

 

____________________

Bài trên đã được đăng trên báo SGGP Thứ Bảy (Việt Nam) 19.01.2002. Lần in này trên Tiền Vệ, tác giả có sửa chữa lại một ít.

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021