Việt 8 | Việt 7 | Việt 6 | Việt 5 | Việt 4 | Việt 3 | Việt 2 | Việt 1 |
tạp chí Việt
Việt 5
Viết chơi

Trước có lần nói chuyện ăn chơi, giờ sẵn trớn nói luôn qua chuyện viết chơi.

Ăn, với uống, với ái ân v.v.v... vốn là chuyện trời sinh, là hoạt động sinh tồn, đáp ứng nhu cầu căn bản của sự sống. Vốn là những cái thiết thực, tức cái thiệt. Từ cái thiệt, con người (văn minh) chuyển hoá nó ra cái chơi.

Viết là một bịa đặït của con người, không bẩm sinh, không nguyên thuỷ. Viết là một bày vẽ của văn minh. Tưởng là chơi, lại thành ra cái thiệt, thành một hoạt động phục vụ cuộc sống cách ráo riết, cần mẫn, cật lực. Khổ thân cho cái viết.

- Nhưng viết, thế nào là chơi? thế nào là thiệt? Chuyện viết, đem nhập nhằng với các chuyện khác sao được? Ăn, uống, chẳng qua là "sự thường": ăn chơi được, uống chơi được. Đến như ái ân chơi, cũng... cho là được đi. Còn viết, đại phàm đã nâng cây bút lên viết ra văn chương thì đó là sứ mệnh thiêng liêng rồi, viết chơi thế nào được. Sẵn trớn nói bừa, e nhầm to.

- Ông Tản Đà nói, đâu phải mình nói? Tản Đà nói đã hơn nửa thế kỷ, càng nghiệm lâu càng thấy vừa ý:

In hết quyển này ra quyển khác
Có văn có ích, có văn chơi

("Lo văn ế")

Tản Đà là nhà văn chuyên nghiệp, sống bằng nghề văn thơ, lúc nào cũng ngay ngáy chuyện bán buôn, bán từ dưới đất đến tận chợ trên trời, vẫn ế. Người chuyên nghiệp phân loại rành rẽ như thế, sai thế nào được.

Theo Tản Đà cái văn mà ta cho là viết thiệt tức là cái "có ích", ngoài ra là viết chơi. Viết mà không nhằm có ích, tức thị viết chơi. Định nghĩa Tản Đà đem ra phân tích phải trái, e gặp ắc rối không ít. Chẳng hạn như truyện (tiểu thuyết) có thể xem là thứ mua vui. Vậy mà suy luận ra lắm người thấy có ích. Đọc truyện thì hiểu tâm lý con người, hiểu nhân tình thế thái, hiểu tình trạng xã hội, đọc truyện để hiểu người hiểu đời, để tâm hồn thêm phong phú, cuộc sống thêm ý nghĩa v.v... Biết đâu là thiệt biết đâu chơi?

Vậy ta không dại lăn mình vào chuyện vất vả. Hãy nói với nhau như giữa những người dễ tính. Viết giấy bán nhà, đợ ruộng là viết thiệt; viết thơ "Tương tiến tửu" như Lý Bạch, thơ yêu trộm như Arvers là viết chơi. Viết nghiêm chỉnh như học giả Thượng Chi Phạm Quỳnh là viết thiệt; viết những loại mộng con mộng lớn, những hài văn, nhàn đàm, những thơ đùa cô sư, bóp vú đau tay, gửi người tình nhân có quen biết và không quen biết v.v... như ông Tản Đà là viết chơi. Viết mà ngồi trong phủ Chủ tịch, đêm ngày lính tráng hầm hầm vũ khí canh phòng cẩn mật, an ninh lớp ẩn lớp hiện mấy vòng, viết cặm cụi dưới ngọn đèn khuya khoắt khiến các thi sĩ cách mạng trông lên mà cám cảnh đau lòng, giọt vắn giọt dài, viết như Bác ì ạch viết tự truyện ký T. Lan, ký Trần Dân Tiên, viết thế là viết thiệt; còn viết như ông Tô Đông Pha vừa viết vừa nhậu trên sông Xích Bích phải là viết chơi. Viết như ông Vũ Hoàng Chương vừa gõ trống tom chát vừa nghe gái í a vừa vung tay viết bài ca trù, ấy chẳng qua là viết chơi; còn như ông Lê Đức Thọ... á, cái ấy... chơi thế nào được? anh bộ đội nhỏ bé ốm o, lưỡi thè lòng thòng, cõng nhà lãnh tụ ú ù, ấy là cõng thiệt, vậy đấng lãnh tụ cưỡi lính trèo núi tất cũng làm thơ thiệt (thơ phục vụ) thôi...

Thiệt với chơi, đại khái thế chăng?

Thiệt với chơi, dưới con mắt người đời, không thể xem ngang nhau. Ông Tản Đà rành đủ hai món, hai món đều là của mình cả, cho nên dẫu lòng có thiên vị lời cũng nhẹ nhàng: một bên có ích, một bên không có ích, vậy thôi.

Còn Đặng Thai Mai, người cách mạng ăn nói sấn sổ lỗ mãng nghe phát ớn: "cái thứ văn mơn trớn béo tốt như đẫy thịt, trơn như tảng trán hói của nhà trưởng giả, cũng chỉ là một thứ 'văn chơi' mà thôi, chả có ý nghĩa gì là văn học." (Văn học khái luận).

Vậy văn béo, văn đẫy thịt, văn trơn v.v... là thứ văn chơi (văn chơi tất cả mấy thứ?). Và đã là văn chơi - hết thảy mọi thứ văn chơi – thì không có ý nghĩa văn học.

"Ý nghĩa văn học" là cái gì vậy? Mằn mò định cho ra nghĩa cũng mệt, chi bằng cứ hiểu qua loa theo người dễ tính, rằng thiếu ý nghĩa văn học thì kể như đồ bỏ. Khốn khổ thay phú Xích Bích, thơ "Tương tiến tửu", thư gửi người tình nhân không quen biết!

Viết một bài phú, một bài thơ, một lá thư, thoắt cái xong ngay. Đến như cả một cuốn Les fleurs du mal, Baudelaire ậm è ậm ạch cả đời, sửa đi dửa lại thêm vào bớt ra, mãi tới chết vẫn chưa xong ấn bản nhất định, thế mà trong một bản dự thảo bài tựa tác giả có những lời "Cuốn sách vốn vô ích tự trong cốt tuỷ này [...] tôi viết ra không nhằm mục đích nào khác hơn là để tự giải khuây" (le livre, essentiellement inutile [...] n'a pas été fait dans un autre but que de me divertir).

Vậy thơ béo, thơ đẫy, thơ trơn... là chả có ý nghĩa văn học rồi chăng? Les fleur du mal không là văn phẩm thi phẩm chăng? Nghe cứ như là nói... chơi.

Nhân đây cũng băng ngang qua chuyện nói, bởi vì cái nói liên hệ mật thiết với cái viết: trước khi thành hình thứ văn chương bằng chữ nghĩa đã có thứ văn chương truyền khẩu. cái này dẫn tới cái kia. Cho nên đã có viết chơi viết thiệt tất có nói chơi và nói thiệt.

Nói như các bà nói rào rào trong chợ để mặc cả giá cá giá rau là nói thiệt, rất có ích; nói như bà cụ nằm kể chuyện Tấm Cám cho cháu nghe chờ ngủ là nói chơi. Nói như khi vợ bắt tại trận cảnh chồng vụng trộm, áp vào túm lấy tình địch gào thét xỉ vả tưng bừng là nói thiệt; nói như "hôm qua tát nước đầu đình" là nói chơi v.v...

Vả lại, không chỉ viết với nói trong ngành văn chương, mà trải khắp các bộ môn nghệ thuật đều có thiệt với chơi cả. Nụ cười mơ hồ, bâng quơ trong tranh Léonard de Vinci chẳng qua là cười chơi; cười hô hố trong thơ đả Mỹ của đội ngũ thi sĩ hài hước độ nào nhất định là cười thiệt, cười... có ích. Hát sông xanh, hát đêm tàn bến nọ bến kia, bất quá hát chơi; nhạc phanh thây uống máu tất là nhạc có ích, nhạc thiệt v.v...

- A! Chuyện vị nghệ thuật với vị nhân sinh đấy thôi. Sáng tác chơi là nghệ thuật vị nghệ thuật, sáng tác thiệt là vị nhân sinh chứ gì?

- Hầy! Người ta đang nói chơi, bỗng dưng lại xông tới, đặt vấn đề cách nghiêm chỉnh, trịnh trọng, bỗng dưng lại đòi nói thiệt. Rõ vô duyên.

- Vô duyên được à? Đề tài quan yếu, lớn lao như thế đối với người sáng tác...

- Lớn cái gì? Chẳng qua lý sự bắt bẻ nhau ỏm tỏi thôi, chứ lớn nỗi gì? Sáng tác với sáng tạo! Này, ông Trời là tạo hoá, là đấng sáng tạo, ông Trời ấy làm ra, sáng tác ra vũ trụ này, cuộc sống này có ý nghĩa gì chăng? có "ích" gì chăng? Ông ấy làm ra muôn sao, làm ra con người, con kiến, làm ra cái sống cái chết... có nghĩa gì? có ích gì? Đó là làm chơi hay làm thiệt? là sáng tác kiểu có ích, hay là sáng tác kiểu văn béo văn mỡ văn trơn, của trưởng giả trán hói vào lúc rửng mỡ? Cả cõi thế gian, nó sờ sờ, nó lù lù ra đấy, xoay tả xoay hữu, ngó trước ngó sau đâu đâu cũng thấy nó, đó là chơi hay thiệt?

- Nói toạc ra e phải tội, xin được phát biểu khe khẽ: Không chừng là cái chơi thôi. Cả cái công trình vĩ đại khắp cõi vô cùng là để vinh danh cái làm chơi, cái sáng tạo chơi. Ngọn rêu xanh với núi Thái sơn cùng là cái chơi, con cóc tía trong hang con chẫu chuột kêu oàm oạp, với ông Khổng Khâu ham cúng vái ông Trang Tử khoái gõ bồn v.v... toàn cái chơi cả. Vị tất có ý nghĩa gì.

- Ối, một cái chơi lớn lao ngang nhiên bao trùm càn khôn vũ trụ như thế không chê trách trước tiên, lại đi vặn hỏi chuyện tẳn mẳn của lũ thấp cổ bé miệng! Lũ sáng tác chơi quanh đây chẳng qua là đám trẻ nắm chéo áo lon ton chạy theo cụ Trời, đáng gì! Thôi nhá.

2-1995


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021