kịch hình thể | sân khấu đồng hiện | nhận định sân khấu | kịch bản |
sân khấu
Cái máy hát quay tay
(Hoàng Ngọc Biên dịch & giới thiệu)

 

     Robert Pinget là một trong những đại biểu của nhóm Tiểu thuyết mới gồm những người viết ở Pháp những năm 50 một thời quây quần ở Nhà xuất bản Les Éditions de Minuit, số 7 phố Bernard Palissy, Paris VIè, cùng với Samuel Beckett, Michel Butor, Claude Ollier, Alain Robbe-Grillet, Nathalie Sarraute, Claude Simon – trong Tuyển tập các Nhà văn Pháp hiện đại, Nxb. Trình bầy, Saigon, 1969, chúng tôi đã cảm hứng đưa thêm vào danh sách Marguerite Duras, Jean-Marie Gustave Le Clézio và Claude Mauriac. Sinh năm 1919 ở Genève, Thụy sĩ, thuở nhỏ Robert Pinget học ban cổ điển ở bậc trung học, lớn lên mê hội họa (như Claude Simon), ông dự định trở thành họa sĩ và theo học một thời gian ngắn ở École des Beaux Arts ở Paris, nhưng rốt cuộc lại theo ngành luật, và năm 1946 ông qua Paris hành nghề luật sư (như Nathalie Sarraute). Suốt năm năm vẽ tranh (từng triển lãm một lần ở Paris, 1950), ông không ngừng viết, viết như những nguệch ngoạc chấm phá của một người đi từ cái vẽ, và năm 1951 ông đã cho ra đời tác phẩm đầu tiên, Entre Fantoine et Agapa, gồm 20 truyện ngắn, ấn bản đầu tiên ở Nxb. La Tour de Feu, sau đó in lại ở Nhà Minuit. Ngoài chuyện vẽ, ông làm thơ rất nhiều (“tôi trước tiên là một thi sĩ”) trước khi đột nhiên có một khám phá lạ lùng ở tuổi trên ba mươi: tìm ra tiếng nói của chính mình, với Mahu ou le Matériau (1952), tiếng sét “ái tình” của ông, thời ấy từng được Alain Robbe-Grillet chào đón như “một mẫu đến sớm của những hình thức tiểu thuyết hiện đại nhất” (Le Monde). Khởi sự bằng những truyện ngắn có tính hoạt kê, những loại trào phúng thi vị và ngụ ý – ngụ ý nhưng không mang một ý nghĩa giáo dục mà chỉ do phát minh thuần túy, ông đã dần dà tiến đến một thứ ngôn ngữ và một lối diễn tả kiểu cách riêng biệt (rất tự nhiên chứ không phải khổ công tìm kiếm) để suy niệm về sự thật, về những giới hạn và những cạm bẫy của nó. Câu chuyện kể của ông thường tự tổ chức, như trong truyện kể Fable (1971) chẳng hạn, và như thế người đọc cảnh giác vừa đoán ra được cái kiến trúc của nó, đồng thời có thể khám phá ra những viễn cảnh của nó.
     Robert Pinget lần đầu tiên đến với kịch nghệ bằng bản dịch Pháp ngữ vở All That Fall của Samuel Beckett – Tous ceux qui tombent (có phải vì thế mà Beckett đã đáp lễ bạn mình với bản Anh ngữ của La Manivelle The Old Tune cho đài phát thanh Anh?). Ông từng theo đoàn kịch Tréteau de Paris qua New York (1971) làm cố vấn sân khấu cho các vở diễn của mình (ArchitrucDead Letter), từng là diễn viên kịch trên sân khấu Pháp (1972) trong vở Abel et Bela của chính mình. Có thể nói Pinget là người thích “ngao du” từ thể loại này qua thể loại khác, ngao du từ chính những bản văn của mình, hẳn là để phát hiện một ngôn ngữ thỏa đáng cho một nội dung vừa hiện thực vừa thi vị: sau Le Fiston, ông có bản dành cho sân khấu Lettre morte ra đời cùng năm 1959; ba năm sau Baga, ông lại có kịch bản Architruc; vở kịch truyền thanh La Manivelle ra đời năm 1960, một năm sau ông phát triển thành Clope au dossier.
     Pinget là người đi nhiều, viết nhiều, đã từng làm nhiều nghề khác nhau, như họa sĩ thiết kế nhà cửa, giáo viên dạy các trường trung học (ở London), và là một trong những nhà văn Pháp có số phận lạ lùng: nổi tiếng ở ngoài nước trước khi được nhìn nhận xứng đáng trên chính mảnh đất dung thân của mình là nước Pháp, với nhiều giải thưởng văn học lớn như Prix Femina, Prix des Critiques... Robert Pinget mất ngày 25 tháng Tám 1997, để lại một gia tài đồ sộ những tác phẩm tuyệt đẹp trải dài từ truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện kể, kịch trình diễn và kịch truyền thanh...
 
Cái máy hát quay tay được dịch từ La Manivelle (Minuit, 1960), là một trong những vở kịch truyền thanh trào lộng khá tiêu biểu của Pinget. Ai từng đọc Clope au dossier (1961) sau này đều có thể dễ dàng nhận ra cái cách thể hiện trước đó (1959) những mớ hỗn độn âm thanh đối thoại xô đẩy nhau một cách chói tai trong Cái máy hát... Hai ông già là Toupin và Pommard gặp nhau giữa đường. Toupin chơi một loại đàn ống cầm tay, Pommard là một lão ông chững chạc. Gặp và nhận ra nhau, họ cứ thế nói, nói không ngừng, từ chuyện nọ xọ chuyện kia, như một cái máy, xâu vào câu chuyện trời trăng của mình nào những thứ gần như sáo rỗng, những câu nói có sẵn, lặp đi lặp lại, những giai thoại không đâu vào đâu – giống như cái máy hát quay tay của Toupin. Của Toupin, hay của Pinget? Pinget rất thiện nghệ trong thể hiện ngôn ngữ nói. Đối thoại của ông dễ dàng toát ra một bầu khí căng thẳng giữa khoảng cách của lời nói và im lặng. Kịch Pinget, như trong kịch cổ điển Pháp thế kỷ XVII, chủ yếu là kịch của lời nói – của chữ. Lời nói và im lặng. Động tác, điệu bộ chỉ ở hàng thứ yếu.
     Vậy thì cái máy quay tay là của Toupin, hay của Pinget? Cảm tưởng dễ thấy nhất: chính Pinget quay cái máy, và đưa người đọc vào một thứ nhạc độc đáo lạ lùng. Hãy nghe Toupin và Pommard nhắc lại chuyện xưa trong “thời buổi bây giờ”...
HNB

 

CÁI MÁY HÁT QUAY TAY

kịch truyền thanh

 

 

Tiếng xe cộ sau hậu trường. Mặt tiền, một điệu nhạc cũ rích lặp đi lặp lại từ một cái đàn thùng quay tay. 20 giây. Sau đó máy hát bị kẹt. Những cú đập gõ lên thùng để cho máy chạy lại. Không kết quả.

Toupin (Giọng run run của người già. Ông liên tục ngưng để thở, ngay cả giữa một chữ đang nói. Phát âm nhão do thiếu răng cửa. Tiếng những phụ âm nghe như gió.) – Ấy ấy, máy lại hỏng rồi. (Một lát. Tiếng nắp hộp mở ra. Tiếng cạo gãi bên trong hộp.) Cái nhạc quỷ quái, cái nhạc quỷ quái này. (Một lát. Lại những tiếng cạo gãi. Tiếng nghiến của máy hát quay tay. Những cú đập gõ lên thùng. Máy chạy lại.) A tới lúc rồi.

 

Nhạc bắt đầu trở lại. 10 giây. Tiếng bước chân ngập ngừng rất gần.

 

Pommard (Giọng run run của người già. Ông nói lúng ba lúng búng, câu nói cũng ngắt khúc và chữ lặp đi lặp lại. Hàm răng giả của ông làm ông thổi ra gió nhiều hơn cần thiết ở những phụ âm gió.) – Ủa thì ra Toupin đấy mà – (tiếng nhạc ngừng) – ông bạn già Toupin ngon lành của ta, nhận ra ta chứ, Pommard, bố của quan tòa đây, Pommard, bạn nhớ ra chứ gì.

Toupin . – Ông Pommard. Ta thật không ngờ. Ông Pommard đây rồi. (Một lát.) Mà ông ngồi xuống đi chứ, ngồi xuống đi chứ, đấy, ngồi kia kìa. (Một lát.) Dắt này trời tốt quá hả Ông Pommard.

Pommard. – Ông bạn Toupin ngon lành của ta, ta thật là vui lòng được gặp lại bạn sau bao nhiêu năm trời, bao nhiêu năm trời.

Toupin. – Đúng thế, Ông Pommard, quả đúng thế, đúng là nó như thế. (Một lát.) Mà này, ông bạn nói ta nghe nào.

Pommard. – Thời gian qua ta ở với con gái ta rồi thì nó chết. Thế là ta trở về đây sống với đứa con gái kia.

Toupin. – Cô, Cô gì vậy cà?

Pommard. – Berthe. Ông bạn biết đấy, vâng, con bé lấy thằng Cochin làm nghề ươm vườn, được hai con.

Toupin. – Đẹp đôi, đẹp đôi lắm Ông Pommard, ta có lời mừng cho ông bạn. Nhưng ông bạn cho ta biết cái cô qua đời đáng thương kia.

Pommard. – Ung thư, người ta làm đủ mọi cách, nó kéo dài suốt ba năm, bạn thấy không, bọn trẻ ra đi còn cánh già thì ở lại.

Toupin. – Thật tội nghiệp Ông Pommard ạ.

 

Một lát.

 

Pommard. – Thế còn ông bạn bà vợ ra sao rồi?

Toupin. – Thì vẫn thế, vẫn thế, nhưng được bao lâu không biết.

Pommard. – Vâng con Germaine tội nghiệp của ta.

Toupin. – Nó có con cái gì không?

Pommard. – Ba đứa, ba đứa, đứa đầu Jean, đứa thứ nhì Marcelin và con bé Sixtine, con bé Sixtine ta cưng nhất.

Toupin. – Cái tên nghe dễ thương quá.

Pommard. – Con bé đúng là lớn trước tuổi ông bạn mà biết được, mới ngày hôm nọ a, mới ngày hôm nọ thôi nó nói gì với ta, tội nghiệp con Germaine.

Toupin. – Thế còn anh con rể của ông bạn?

Pommard. – Hả?

Toupin. – Buồn thật Ông Pommard, buồn thật. (Một lát.) Vâng ông bạn thấy bọn trẻ đấy. (Một lát. Tiếng xe cộ tăng tốc nổ rất gần.) Chúng nó sẽ băm nát ta ra từng mảnh với những cái máy xe quỷ quái kia.

Pommard. – Ngã tư này nguy hiểm, nguy hiểm thật.

Toupin. – Chúng sẽ băm nát ta ra từng mảnh.

Pommard. – A cái thời ta ngày xưa Toupin, cái thời ta ngày xưa cái ngã tư này là ngoại thành, ngoại thành, chúng ta sống yên tĩnh ông bạn còn nhớ chứ.

Toupin. – Ta mà có còn nhớ hay không, nó là đồng quê chính thị, là đồng quê, này nhé trên cái bờ đường kia, chúng ta từng trồng những cụm hoa, những cụm hoa chúng ta từng trồng. Khi ta nghĩ tới... (Đột nhiên hoàn toàn im lặng. 10 giây. Tiếng nhạc bắt đầu trở lại, ngập ngừng, rồi ngừng hẳn. Im lặng. Những tiếng động trên đường phố bắt đầu trở lại.) A những con ngựa, những chiếc xe, và những xe ngựa kéo, những xe ngựa kéo, tất cả những thứ ấy giờ đây xa lắm Ông Pommard.

Pommard. – Và những chiếc độc mã ông bạn nhớ chăng, đích thị là những thứ tiện nghi những chiếc độc mã ấy.

 

Một lát.

 

Toupin. – Cái xe hơi đầu tiên xem nào, ta nhìn thấy ở kia kìa, kia kìa, ở cái ngã tư kia, ấy là một chiếc Pic-Pic.

Pommard. – Không phải một chiếc Pic-Pic ông Toupin, không phải một chiếc Pic-Pic, nó là một chiếc De Dion-Bouton.

Toupin. – Pic-Pic, Pic-Pic, ta có nhớ không à, y như là ta chỗ kia bước ra, ở cái góc ấy, của cái nhà sách Plumet, cái nhà sách Plumet ngày xưa, y như là ta bước ra với năm mươi xu tiền tăng lương, a cái thời ấy thì ta chẳng lãnh được bao nhiêu tiền đâu.

Pommard. - Một chiếc De Dion-Bouton, De Dion-Bouton.

Toupin. – Thời ấy ta phải làm việc kiếm sống, ta ra về không phải lúc sáu giờ, cũng không phải lúc bảy giờ, đúng bóc nó là lúc tám giờ. (Một lát.) Ta nói đến đâu rồi nhỉ? (Một lát.) Vâng, khi ta ra khỏi tiệm sách Plumet lúc tám giờ, có một nhóm người túm tụm, đấy là do chiếc xe kia chạy qua.

Pommard. – De Dion-Bouton ông Toupin, chính thị cái ông xem nào, chính là cái ông ở Douves ông ta là tay buôn rượu nho, tên ông là gì nhỉ.

Toupin. – Lapache, Etienne Lapache.

Pommard. – Lapache đúng bóc rồi.

Toupin. – Dù sao đi nữa Ông Pommard, dù sao đi nữa thời ấy không như thời bây giờ, những cái máy xe quái quỷ kia, chúng sẽ băm nát ta ra từng mảnh.

Pommard. – Ông bạn Toupin thân mến ơi, có muốn thì ta nói cho nghe, mấy cái thứ tốc độ kia ông bạn thấy đấy, nó làm hỏng hết cả nơi này, ta không còn sống được nữa, ta không còn sống được nữa, nó làm hỏng hết, ngay cả thời tiết trong mùa. (Tiếng xe.) A cái thời ta sống ông bạn nhớ chứ, mùa xuân nào mùa xuân nào trời cũng ấm, thế còn mùa hè, thì nóng bức, nóng bức.

Toupin. – Ta mà có nhớ không, này nhé một năm nọ hẳn phải là đâu đó gần gần 1895, hồi cánh ta còn ở Sirancy, tối nào chúng ta cũng dùng dây cao su phun nước tưới lên mái nhà để cho đêm được mát, đúng là mùa hè 1895.

Pommard. – Ta lấy làm lạ Toupin, cái thời ấy ông bạn nhớ chứ, cái ống cao su là một thứ rất xa xỉ, rất xa xỉ, ấy là thời sau chiến tranh.

Toupin. – Ông bạn nghĩ thế?

Pommard. – Nghĩ gì mà nghĩ, ta bảo ông bạn biết là cái ống cao su đầu tiên chúng ta mua quanh đấy là ở tiệm Truitaz, cái lão già Truitaz ấy, sau chiến tranh, năm 1920 có lẽ, thời ấy nó hãy còn rất là đắt, ông bạn có nhớ không tưới cây bằng cái đồ tưới, quả đúng là ông bạn có một khoảnh vườn nhỏ thế chứ gì, ông già của bạn có cái khoảnh vườn ấy trên đường Crachon.

Toupin. – Trên đường Rouget Ông Pommard, nhưng đúng là thế, cái vụ tưới cây ông bạn nói thì đúng ông bạn quả có lý, chắc quá đi rồi ta bảo sao chuyện cái dây cao su, chúng ta thời ấy làm gì có nước trong đường ống, hay đã có rồi nhỉ.

Pommard. – Đúng bóc là trên đường Rouget, phía sau trại cưa Soliveau.

Toupin. – Chỉ đến năm 1925 ta mới có nó ta nhớ ra rồi, cái thau rửa tay và cái chậu.

 

Tiếng xe cộ.

 

Pommard. – Cái con đường Rouget ấy ông bạn nhìn thấy người ta đã biến nó thành cái gì rồi, mới hôm qua ta với thằng con rể đi ngang qua, ông bạn thấy người ta đã biến những khoảnh vườn của ta, và những dãy hàng rào mận gai của ta thành cái gì rồi.

Toupin. – Chính vậy tất cả những tòa nhà có phải thế không đang mọc nhanh như nấm kia, ông bạn có hề nghĩ đó là chuyện nghiêm chỉnh đàng hoàng, nó không đứng vững được đâu.

Pommard. – Nó không bao giờ đứng được đâu ái chà không là cái chắc, so sao được với đá tảng của nhà ta nó chỉ có đường sụp đấy thôi.

Toupin. – Và hơn thế chẳng có móng xây, chẳng có tầng hầm, chẳng có gì cả, ta hỏi ông bạn chứ làm sao con người có thể sống không có tầng hầm để cất rượu, chất thành cọc như người ta vẫn nói, những cọc, y như cái thời ao hồ, ông bạn thấy tiến bộ chưa.

Pommard. – A ông bạn lúc nào cũng vẫn vậy, lúc nào cũng là tay đùa bỡn cái lão già Toupin này. Thật ra thì ông bạn cũng tới bảy mươi sáu rồi chứ gì?

Toupin. – Bảy ba, bảy ba, tuổi ấy thì cũng không còn bao lăm nữa.

Pommard. – Ông bạn nói cái gì vậy ông Toupin, ông nói cái gì vậy, ta đây đang cái tuổi bảy mươi sáu đó, thì ông bạn chỉ là một thanh niên thôi Toupin.

Toupin. – Ấy là ông bạn nói đùa cho vui, a cái Ông Pommard này.

Pommard. – Này thôi thì ông bạn xịn Toupin, ông làm một điếu thuốc chơi vậy. (Một lát.) Con gái ta hẳn là đã lại lấy mất của ta mấy điếu rồi, nó không muốn ta hút thuốc, việc nó nó không lo. (Một lát.) A thuốc đây rồi, thuốc lá có đây rồi, đây này.

Toupin. – Ta không muốn để ông bạn thiếu hụt.

Pommard. – Không muốn để ta thiếu, ông bạn đùa đấy à, đây này, cầm lấy.

 

Một lát.

 

Toupin. – Mấy điếu thuốc chật cứng trong bao, lấy ra không phải dễ.

Pommard. – Thì ông bạn lấy nguyên gói vậy. (Một lát.) A tay chân ta lóng cóng quá. Ông bạn nhặt lên được chứ?

 

Một lát.

 

Toupin. – Được rồi đấy. (Một lát.) A vâng thỉnh thoảng bập bập một cái thì cũng hay, nhưng bây giờ không còn như ngày xưa, thuốc lá con gà của bọn chúng chẳng còn chút giá nào, ông bạn nhớ không, ông bạn có nhớ thứ thuốc lá lính ở trung đoàn chứ, đấy mới thật là thuốc lá chính cống.

Pommard. – A thuốc lá lính ông Toupin thân mến của ta, thứ thuốc lá lính dành cho vua, thứ thuốc lá dành cho vua. (Một lát.) Ông bạn có lửa không?

Toupin. – Quả là ta không có, vợ ta không muốn ta hút thuốc lá.

 

Một lát.

 

Pommard. – Cái bật lửa của ta, con khốn kia chắc là đã lấy mất cái bật lửa bùi nhùi của ta rồi.

Toupin. – Thế thì thây kệ, ta cứ giữ thuốc đây rồi sau này đem ra hút vậy.

Pommard. – Con khốn đúng là như vậy, nó lấy mất của ta rồi, dù sao thì như thế cũng hơi quá đáng, hơi quá đáng, ta còn làm gì được bây giờ. (Một lát.) Có lẽ ta có thể hỏi ông đây xem. (Tiếng chân bước rất gần.) Xin lỗi ông, ông có lửa chứ.

 

Tiếng bước chân đi xa.

 

Toupin. – A bọn trẻ ngày nay, bọn trẻ toàn một lũ ích kỷ cá nhân Ông Pommard ạ, chúng không còn nghe cánh già mình nữa. (Một lát.) Khi ta nghĩ đến, khi ta nghĩ đến... (Đột nhiên hoàn toàn im lặng. 10 giây. Tiếng nhạc bắt đầu trở lại, ngập ngừng, rồi ngừng hẳn. Im lặng. Những tiếng động trên đường phố trở lại.) Ta vừa nói gì nhỉ? (Một lát.) A vâng chuyện trung đoàn, ông bạn thuộc khóa 1900, 1900, 1902, không thế sao?

Pommard. – 1903, 1903, thế còn bạn, vậy ra ông bạn khóa 1906?

Toupin. – Đúng là 1906, ở Clermont-Ferrand.

Pommard. – Ông bạn ở trong kỵ binh?

Toupin. – Trong bộ binh, bộ binh.

Pommard. – Thế nhưng bộ binh không có ở Clermont ông bạn nhớ chứ, đó là kỵ binh, vậy thì ông bạn phải ở Toulouse, ở Toulouse là bộ binh.

Toupin. – Ta bảo bạn là ở Clermont-Ferrand, ta còn nhớ rõ này nhé, tiệm cà phê Marronnier ở góc đường.

Pommard. – Charbonnier, tiệm cà phê Charbonnier, ông bạn nghĩ là ta không biết Clermont, ta từng nghỉ hè với bà Pommard ở đấy, ta biết rõ Clermont như cái túi của ta đây này Toupin, tiệm cà phê Charbonnier ở góc đường, đường, đường tên nó là gì nhỉ, con đường lên dốc, ta sẽ nhớ ra thôi, ông bạn nghĩ ta không biết tiệm cà phê Charbonnier nằm ở góc đường, a ngu quá đi, ở góc đường và ở quảng trường lớn.

Toupin. – Ta thì ta cứ nhớ tiệm tên là Marronnier, nhưng dù sao đi nữa thì ta hồi ấy ta cũng ở Clermont.

Pommard. – Ta thấy cái ấy lạ lắm đấy, kỵ binh là ở Toulouse ông bạn có nhớ.

Toupin. – Ta ở trong bộ binh, bộ binh ở Clermont.

Pommard. – Bộ binh vâng ta muốn nói thế, bộ binh ở Clermont.

Toupin. – Thì đúng là ta nói thế, ở Clermont bộ binh.

Pommard. – Ta thấy cái ấy lạ lắm đấy, ông bạn có lẫn lộn với thời chiến tranh, thời động viên không đấy?

Toupin. – Động viên ông bạn nghĩ coi, ta còn nhớ y như là mới hôm qua cái thời động viên, chúng ta ai nấy lập tức được đưa thẳng tới Chaumont, Chaumont đúng bóc là thế, ở đó có tiệm cà phê Marronnier và một cô quét dọn Ông Pommard, một cô quét dọn mà cô ta tên gì nhỉ, Elise, Elvire, Eloïse, ngay cái thời bắt đầu chiến tranh khi chúng ta còn chưa tin là chuyện có thật, Chaumont, a chúng ta còn giữ một kỷ niệm đẹp.

Pommard. – Kỷ niệm đẹp, kỷ niệm đẹp, dù sao ta cũng sẽ không gọi nó là một kỷ niệm đẹp.

Toupin. – Là ta muốn nói cái lúc bắt đầu, lúc bắt đầu ở Chaumont, khi ta chưa tin nó là có thật, với cái cô quét dọn tên cô ta là gì nhỉ rồi ta sẽ nhớ ra thôi. (Một lát.) Thế còn anh con trai của bạn.

 

Tiếng xe cộ.

 

Pommard. – Sao?

Toupin. – Cái anh làm quan tòa.

Pommard. – Nó bị phong thấp hành đấy.

Toupin. – A cái vụ phong thấp, phong thấp nó là bẩm sinh đấy Ông Pommard.

Pommard. – Ông nói gì thế kia, ta có bao giờ bị phong thấp đâu.

Toupin. – Khi ta nghĩ tới bà mẹ tội nghiệp của ta, mới có sáu mươi tuổi bà đã hết cựa quậy nổi. (Tiếng xe cộ.) Mấy cái phong thấp đó, người ta chưa có tìm ra được thuốc chữa, thế mà ai nấy chúng nó cứ hãnh diện với mấy cái hỏa tiễn nguyên tử, ta có thể bảo là ta còn hên, úm ba la tai qua nạn khỏi. (Một lát.) Con trai ông bạn vâng anh ấy được người ta đưa lên nói trên nhựt trình, cái vụ Robinot anh ấy có thể tự hào về mình khi anh hướng dẫn mấy cuộc tranh luận, bà vợ ta sáng nay bà ấy còn đọc cho ta nghe trên tờ Horizon-Mou đấy.

Pommard. – Ông bạn bảo sao, vụ Bobinot?

Toupin. – Vụ Robinot Ông Pommard ơi, là cái thằng cuồng dâm Robinot, ở ngoài Tòa đại hình.

Pommard. – Không phải nó đâu, con trai ta nó đâu có ngồi ở Tòa đại hình, nó ngồi ở tòa dân sự, ông bạn muốn nói quan tòa, quan tòa tên là gì nhỉ trong vụ án Bobinot?

Toupin. – A ta cứ tưởng là anh ấy đấy.

Pommard. – Đâu có ta đã bảo mà, con trai ta nó ngồi ở tòa dân sự, nó đâu có ngồi ở Tòa Đại hình.

Toupin. – Ồ ta ông bạn biết mà, dân sự, đại hình, ta chẳng bao giờ biết gì nhiều cái khỏan này.

Pommard. – Thế tuy nhiên, thế tuy nhiên Ông Toupin, một vụ án dân sự và một vụ án hình sự nó không giống như nhau, người ta không có tường thuật những vụ án dân sự trên báo.

Toupin. – Nguyên cả cái guồng máy kia với ta bao giờ nó cũng có vẻ rắc rối ông bạn biết đấy và bây giờ đây thì ta chẳng còn hiểu ất giáp gì cả.

Pommard. – Ông bạn chưa bao giờ có mặt ở Tòa án?

Toupin. – Có một lần ta đến đó dự cái vụ ly dị của con cháu cách nay đã, cách nay đã ba chục năm, hồi đó ta lúng túng lắm ông bạn tin ta đi, cái con bé ly dị chồng sau hai năm đám cưới, em gái ta còn chưa hoàn hồn.

Pommard. – Ly dị là một tai họa xã hội, một tai họa xã hội ta trả lời với ông bạn như thế đó, ông bạn hãy cứ hỏi con trai ta xem.

Toupin. – A cái đó thì ta đồng ý, một tai họa xã hội ông bạn nói đúng, khi ta nhìn thấy những hậu quả, ông bạn cứ nghĩ xem con cháu ta có một đứa con gái nhỏ thực tế là chưa hề biết mặt cha nó.

Pommard. – Thế con cháu nó có được cấp dưỡng gì không?

Toupin. – Ông bạn bảo sao?

Pommard. – Một khoản cấp dưỡng khi ra tòa ly dị.

Toupin. – Quả là con bé được nuôi dưỡng nhưng người ta không cho ăn đủ, một con bé hai tuổi sao mà không khổ được.

Pommard. – Không phải con bé, mà là mẹ nó.

 

Tiếng xe cộ.

 

Toupin. – Như thế con trai ông bạn anh ấy đã xử nhiều vụ ly dị rồi.

Pommard. – Vì làm quan tòa nó bắt buộc phải thế, nhưng với tư cách làm cha thì nó bài bác chuyện này.

Toupin. – Anh ấy có con cái gì không?

Pommard. – Thì nghĩa là nó có một thằng con trai, thằng bé Hubert, thằng bé mất khi mới được có bốn tháng cách đây bao lâu, cách đây bao lâu rồi nhỉ.

Toupin. – Bất hạnh quá Ông Pommard nhỉ. Thế hai người không có thêm cháu nào khác?

 

Tiếng xe cộ.

 

Pommard. – Ông bạn bảo sao?

Toupin. – Những đứa con khác.

Pommard. – Ta có mấy đứa cháu con của hai đứa con gái ta, ta cho ông bạn biết rồi. (Một lát.) Còn chuyện cái thằng cuồng dâm Bobinot kia, có phải là ghê tởm hay không đưa ra mấy cái thứ quái quỷ kia trước mặt bọn con nít, có thể là con chúng ta Toupin, cháu chúng ta.

 

Tiếng xe cộ.

 

Toupin. – Bà Pommard chắc hẳn phải rất là hãnh diện được làm bà của các cháu.

Pommard. – Bà Pommard chết cách nay hai chục năm, Ông Toupin à.

Toupin. – Ồ xin lỗi, đầu óc ta ở đâu vậy cà, ta không còn đầu óc gì nữa ông bạn thấy đấy, đúng thế ông bạn có bảo ta là ông ở nhà của Cô Germaine.

Pommard. – Nhà con gái ta tên Berthe, Ông Toupin ạ, con gái ta tên Berthe, tức là Bà Georges Cochin.

Toupin. – Cô con gái tên Berthe của ông bạn chắc chắn quá rồi, vậy ra là cô ấy lấy Cochin, hai người có một cái xưởng sửa chữa ô tô gần chỗ lò heo.

Pommard. – Không đó là cái anh chàng ươm vườn anh của nó.

Toupin. – Đẹp đôi thật, ta mừng cho ông bạn đó, thế hai người có con cái gì không?

 

Tiếng xe cộ.

 

Pommard. – Ông bạn bảo sao?

Toupin. – Con cái ấy.

Pommard. – Có hai thằng nhỏ dễ thương lắm, thằng bé Jean, ta muốn nói là Hubert, và thằng kia, thằng kia.

Toupin. – Nhưng ông bạn cho ta biết cái cô qua đời đáng thương nọ. (Một lát.) Thật ra thì điếu thuốc này, ta có thể hỏi ông đây. (Tiếng bước chân rất gần.) Này ông ơi, ông có lửa không ông. (Bước chân đi xa.) A bọn trẻ toàn một lũ ích kỷ cá nhân Ông Pommard ạ.

Pommard. – Thằng bé Hubert và thằng kia, thằng kia, tên nó là gì nhỉ. (Một lát.) Thế còn bà Toupin?

Toupin. – Thì vẫn đấy.

Pommard. – A ông bạn quả là người may mắn Toupin, ông quả là người may mắn. Bà Toupin, ông nghĩ coi, bà Toupin người đàn bà cực kỳ xinh đẹp.

Toupin. – Người đàn bà xinh đẹp, người đàn bà xinh đẹp vâng ta thì ta chẳng nói thế, nhưng tới tuổi này ông bạn biết đấy. Vợ chồng này còn có sức khỏe cám ơn Trời, úm ba la tai qua nạn khỏi. (Một lát.) Ông thấy không Ông Pommard, rồi ra ta cũng sẽ phải ra đi như thế, giữa lúc đang chuyện trò vào một buổi sáng nắng đẹp, một buổi sáng.

Pommard. – Ông nói cái gì thế kia Toupin, ai nói cái chuyện ra đi khi ta có sức khỏe như ông bạn đây và một bà vợ ngon lành, a ta sẵn sàng cho đứt mười năm của ta để đem bà vợ của ta về lại ông thấy không, sống với những người khác đâu được như thế.

Toupin. – Cô Berthe quả là rất tử tế, ông bạn được nuông chiều quá thôi còn gì.

Pommard. – Nhưng vẫn không giống như thế tin ta đi, ta cũng chẳng dám nói gì quá, hãy cứ xem chuyện mấy điếu thuốc, cái bật lửa đấy thôi.

Toupin. – Cô Berthe đúng là một cô con gái tốt.

Pommard. – Con gái tốt, con gái tốt vâng ta chẳng nói thế, nhưng nó cứ cho rằng ta là kẻ lú lẫn cam đoan như thế. (Một lát.) Ủa ta làm gì với mấy điếu thuốc kia rồi nhỉ?

Toupin. – Và ông bạn nói ta nghe cái cô con dâu tội nghiệp của bạn ta bảo sao nhỉ, cô con dâu của bạn.

Pommard. – Con dâu ta, con dâu ta, con dâu ta sao?

Toupin. – Cô con dâu bạn cô ấy có tiền của, nghe người ta bảo cô ấy có tiền của.

Pommard. – A tiền của nó, anh nói với ta chuyện tiền của của nó, mất hết trong thời chiến tranh rồi, hết trơn hết trọi anh nghe ta nói không, tiền của nó để hết trong nhà băng, chẳng có một chút đất đai gì cả. (Tiếng xe cộ.) Đất đai Toupin chỉ có nó mới có giá trị vững chắc, nhưng cái con đàn bà kia ông bạn thấy đấy, nó chẳng bao giờ chịu biết cái gì cả, con ấy đúng là một con la ương bướng.

Toupin. – Ông bạn muốn sao, đâu phải lúc nào ta cũng có thể thấy trước hết mọi chuyện.

Pommard. – Thôi nào, thôi nào Toupin, dù sao ông bạn cũng đừng nói với ta, đất đai, có phải quái quỷ là con người ta lúc nào cũng sẽ sống trên đất đai, dù sao ông bạn cũng đã hiểu, chẳng cần phải trí thức học giả gì cả, trừ phi là hắn ta nổi cơn ngông đi xây nhà trên mặt trăng theo như cách người ta vẫn nói, a mấy cái kiểu đó bạn thấy đấy toàn là chuyện ngông cuồng, chuyện ngông cuồng rồi sẽ phải trả giá cả mẹ kiếp nó.

Toupin. – Thế ra ông bạn ông bạn đây không tin chuyện mặt trăng à, những chuyện người ta thí nghiệm.

Pommard. – Ông bạn thân mến của ta chúng nó muốn ta trông đom đóm mà ngỡ là bó đuốc, mặt trăng thì mẹ kiếp xưa nay nó vẫn có, xưa nay nó vẫn có đó, và xưa nay nó vẫn có nghĩa là cái tưởng tượng Toupin, tưởng tượng. (Tiếng xe cộ.) Trừ phi các bậc tiền bối của ta thảy đều là những thằng ngu nhưng có thể như thế được sao ông bạn coi kìa, Descartes, Talleyrand, Gambetta, các vị xưa nay vẫn coi mặt trăng như thôi đi nào thôi đi nào, không phải tới ngày hôm nay người ta mới bận tâm tới chuyện đó đâu nào, có nực cười không nào, chúng nó tưởng chúng nó khám phá ra mặt trăng tựa như tựa như. (Một lát.) Ta muốn nói gì nhỉ?

 

Tiếng xe cộ.

 

Toupin. – Vậy ra ông bạn ông bạn đây chống lại tiến bộ?

Pommard. – Tiến bộ, tiến bộ không ta không bảo thế, tiến bộ thì nó vẫn có đó, nhưng tiến bộ nó là chuyện khoa học, mặt trăng thì không phải là chuyện tiến bộ, nó là chuyện trời trăng, trời trăng.

Toupin. – A ta nghĩ ông bạn có lý, tiến bộ đó là chuyện khoa học và mặt trăng đó là chuyện trời trăng, thế đấy.

Pommard. – Cái khôn ngoan của người xưa ông bạn thấy đấy ngày nay chúng nó chẳng hề lấy làm trọng và thế là thế giới cứ thế lệch lạc, như thế cứ trở về với những câu châm ngôn lành mạnh có phải là hơn không thay vì đi qua chém giết nhau mãi tận bên Tàu vì mỗi một chuyện mặt trăng, a khi ta nghĩ tới ông cha vô phước của ta.

Toupin. – Về ông thân của ông bạn, ta biết rõ ông cụ đấy. (Tiếng xe cộ.) A đó chính là một ông Cụ Pommard cha, ông cụ cái gì thấy cần nói là nói toạc ra, này nhé ta còn nhớ, một năm ở hội đồng thành phố, một năm cha ta bảo ta, ấy phải là để xem xem, năm 95, 96 hay 95, không lâu trước khi ông từ chức, đúng bóc là 95, năm đông giá.

Pommard. – A xin lỗi, năm đông giá ấy là năm 93, năm ta mười tuổi, 93 Toupin ạ, đông giá.

 

Tiếng xe cộ.

 

Toupin. – Cha ta bảo ta rằng Ông Pommard nổi nóng với ông thị trưởng, ông gì cái thời ấy nhỉ, chắc phảl là Magnin, vâng ông Magnin.

Pommard. – A cái ấy thì không phải rồi ông bạn thân Toupin của ta, cha ta vào hội đồng cùng với Magnin năm 97, tháng giêng 97.

Toupin. – Tuy nhiên, tuy nhiên đúng ra phải là năm 95 hay 6 bởi vì cha ta đã rời khỏi hội đồng năm 96, tháng tư 96, năm ấy có âm mưu chống cha ta, nên ông phải xin từ chức.

Pommard. – Ấy thì ông cụ thân sinh hồi đó không còn trong hội đồng, nhưng dù sao thì cha ta cũng vào đấy cùng với Magnin năm 97, năm có hỏa hoạn ở Pérottaz.

Toupin. – A hỏa hoạn ở nhà Pérottaz, chỉ cách chỗ ta có năm trăm mét Ông Pommard, ta hãy còn nghe tiếng bà mẹ tội nghiệp của ta bảo chúng ta ôi bà mẹ Marie tội nghiệp ấy mới tối hôm qua đây còn nói với ta, tháng giêng 96 chính là thế.

Pommard. – 97 ta bảo ông, 97, năm cha ta được bầu.

Toupin. – Thế tuy nhiên cái tát vào mặt Magnin, đấy ta nhớ rồi.

Pommard. – Cái tát tai ấy là tát Oscar Jumeau, lão hàng thịt ở phố Surtout.

 

Tiếng xe cộ.

 

Toupin. – Lão hàng thịt ở phố Surtout, đây lại là một kỷ niệm xưa. Có phải lão ta có một cô con gái ông bạn nhớ chứ.

Pommard. – Hélène, Hélène Jumeau cô gái xinh đẹp, cô ấy chắc là cỡ tuổi ta, cô sinh năm 83.

Toupin. – Và Rose Boulette, cái cô Rose đẹp gái, ngày nay cô ốm nhom, và Françoise Loin, và Renée cái gì ấy nhỉ, Renée, Renée Bottu ấy đấy, có phải cô ta lấy một anh chàng tên Sancou.

Pommard. – Đó là anh của cô ấy, người anh tên Alfred của cô lấy Corine Sancou, cái cô nhẹ dạ, nhẹ dạ ông bạn còn nhớ.

Toupin. – Ông bạn nghĩ sao ta không nhớ, Corine Sancou, cái cô gái lồ lộ thơm phức, ha ha ha cái cô lồ lộ thơm phức.

Pommard. – Cái ông Toupin quỷ quái, ông Toupin quỷ quái này.

 

Tiếng xe cộ.

 

Toupin. – Và Louisette Pilouchat, cô gái kết thúc đúng là đáng thương.

Pommard. – Đúng là con gái của Jean-Pierre, cha mẹ rõ là phải chịu trách nhiệm ông bạn tin ta đi.

Toupin. – Thế tuy nhiên họ đã nuôi con gái đâu đó đàng hoàng, họ đã vét hết tiền của để nuôi con, cái bà Marie tội nghiệp kia từng tâm sự với ta, thời ấy chúng ta thân thiết lắm, ông bạn biết là họ sống trên chỗ thềm cầu thang của ta, vâng đúng thế, bà Marie tội nghiệp bà ấy nói với chúng ta là chuyện đem gửi con bé vào nhà trọ ở Sainte-Maxerde là một sự hi sinh ghê gớm ông bạn nghĩ coi, một nhà trọ đâu đó rất đàng hoàng, dành cho bọn con gái con nhà tử tế Ông Pommard, mấy cô nương ấy còn học cả tiếng Anh nữa đấy.

Pommard. – A thì ta nói với ông bạn đấy, họ đã nuôi con bé như một nàng công chúa con gái của họ ấy, tiếng Anh ta xin hỏi ông một chút nhé, tiếng Anh đấy.

Toupin. – Ông Pommard ta hỏi thử nhé ta có thế nào trách được những bậc cha mẹ số một kia, ít nữa là chuyện giáo dục.

Pommard. – Tiếng Anh, tiếng Anh, có phải ta nói với ông như thế không nào.

 

Tiếng xe cộ.

 

Toupin. – Họ nhịn đủ thứ chuyện, có miếng gì trong miệng cũng lôi ra cho con Louisette của mình.

Pommard. – Dù gì chăng nữa thì ông bạn chớ có nói với ta là con bé con gái Pilouchat là đứa dễ bảo, ông có nhớ cái năm lễ Phục sinh, năm 12 hay 13.

 

Tiếng xe cộ.

 

Toupin. – Sao cơ?

Pommard. – Khi ta nghĩ đến Jean-Pierre Pilouchat, thôi thì ông bạn khỏi nói. (Một lát.) Phục sinh 1913 coi ta nhớ ra rồi, con bé gây ra cái vụ tai tiếng nọ, con gái dễ bảo mà làm cái điều như thế à.

Toupin. – Thôi thì hãy để yên cho người nằm dưới đất vậy Ông Pommard.

Pommard. – Nguyên tắc Toupin, nguyên tắc, không có nguyên tắc ông bạn thấy đấy. (Tiếng xe cộ.) Có phải có một ông nhà binh?

Toupin. – Sao cơ?

Pommard. – Có phải một ông nhà binh?

Toupin. – Trong xe ấy à?

Pommard. – Sao?

Toupin. – Một ông nhà binh trong xe?

Pommard. – Trong cái vụ tai tiếng Pilouchat.

 

Tiếng xe cộ.

 

Toupin. – Ông bạn muốn nói trung úy Bonne-Mesure?

Pommard. – Bonne-Mesure đúng thế. Có phải hắn ta có dính dáng đến cái vụ ấy?

Toupin. – Hắn lui tới với Louisette thì có. (Một lát.) Hắn chết năm 14.

Pommard. – Thế còn bà cô Ariane của hắn?

Toupin. – Bà ấy chết trước đó mấy năm, trước đó mấy năm.

Pommard. – Bà ấy đúng là người độc đáo, tất nhiên có hơi sỗ sàng một chút phải thế không.

Toupin. – Nóng nảy, nóng nảy, nhưng rất tốt bụng, ta nói cho ông bạn đây biết. (Tiếng xe cộ.) Ông không thấy cái điệu bộ cô cháu giống y chang bà cô sao?

Pommard. – Cô cháu? Ta không nhớ.

Toupin. – Có chứ ông bạn nhớ không, Cô Francine, là người sau đó lấy một ông người Mỹ. Cô ấy vẫn sống trong lâu đài.

Pommard. – Ta tưởng họ đã bán cái lâu đài rồi.

Toupin. – Bán lâu đài ấy à, đừng có nghĩ tới chuyện đó, họ sẽ không bao giờ bán đi đâu, của cải gia đình mà, ít ra là từ ba thế kỷ nay, ba thế kỷ Ông Pommard.

Pommard. – Nghe ông nói người ta sẽ bảo ông là người chép sử của dòng họ ấy Toupin, ông bạn biết mấy người kia dữ ha.

Toupin. – Chuyện chép sự*[1] thì không Ông Pommard, nhưng dù sao Cô Francine thì ta biết cô ấy nhiều, ta vẫn chuyện trò qua lại như ngày xưa với bà cô của cô ấy, Cô Francine cô ta không có hãnh diện, à vâng ta nói cho ông bạn đây biết, cái điệu bộ cô ấy giống y chang bà cô.

Pommard. – Có phải cô ấy có một người anh?

Toupin. – Ông Trung úy vâng, ông ta chết hồi năm 14.

 

Tiếng xe cộ đinh tai.

 

Pommard. – Những cái xe kia ông bạn thấy đấy, không còn cách nào nói chuyện được nữa. (Một lát.) Nãy giờ ta cản ông bạn làm việc rồi, ta sắp đi đây.

Toupin. – Ông bạn đi à, ông bạn đi à, lâu mới gặp nhau được có một lần này.

Pommard. - Ấy thế thì ta ở lại vậy, đủ thì giờ hút một điếu thuốc. (Một lát.) Ta làm gì với mấy điếu thuốc này nhỉ? (Tiếng xe cộ.) Ông bạn cứ tiếp tục đi, đừng bận tâm vì ta.

Toupin. – Khi ta nghĩ đến, khi ta nghĩ đến...

 

Đột nhiên im lặng hoàn toàn. 10 giây. Nhạc bắt đầu trở lại, liền đó nó bị lấp bởi những tiếng động trên đường phố bấy giờ đang bắt đầu trở lại. Những tiếng đường phố và bài nhạc trong máy cùng thi nhau mạnh dần. Rốt cuộc bài nhạc nghe lớn hơn và đắc thắng cất cao.

 

_________________________

[1]Toupin có thể không hiểu, hoặc không nghe ra chữ historiographe, đã trả lời bằng một chữ lạ lùng, histriographe, thế nên người dịch phải dùng một chữ không có trong tiếng Việt.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021