ca khúc | nhạc độc tấu | nhạc hòa tấu | nhạc kịch | nhận định âm nhạc | thảo luận âm nhạc | phỏng vấn | nhạc điện tử |
âm nhạc
CÂU CHUYỆN ÂM NHẠC [3]: Khi ca sĩ hát sai lời


Nguồn: báo Người Việt

 

Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng có đôi lần chứng kiến cảnh một ca sĩ đứng trên sân khấu say mê diễn tả những lời ca... sai. Người dễ dãi có thể nói: “Nhạc giải trí mà, sai vài ba chữ cũng đâu có hề gì...” Thế nhưng, thậm chí đã có những ca sĩ đứng trước hàng trăm ngàn người để hát bài quốc ca khai mạc một sự kiện lớn, mà lại hát sai lời. Thế mới đáng kinh ngạc.

Đầu tháng Giêng 2011, trong lễ khai mạc Super Bowl ở Texas, trước sự chứng kiến của hơn 100 ngàn khán giả, ca sĩ nổi tiếng Christina Aguilera đã hát sai lời bài quốc ca Hoa Kỳ “The Star-Spangled Banner”. Thay vì: “O'er the ramparts we watched, were so gallantly streaming”, cô đã hát thành: “What so proudly we watched at the twilight's last gleaming.” Hôm sau, Christina Aguilera đã lên đài truyền hình CNN để xin lỗi: “Tôi quá xúc động trong khi hát, nên tôi đã quên lời. Tôi chỉ dám hy vọng rằng mọi người có thể cảm nhận được tình yêu của tôi cho đất nước này và tinh thần đích thực của bài quốc ca vẫn được thể hiện.” Tuy nhiên, nhiều người đã khám phá ra rằng Christina Aguilera hát câu đó vì cô đã học theo lời quốc ca bị một người nào đó chép sai trên... Wikipedia. Sau đó, câu chép sai đã được người ta sửa lại trên Wikipedia.

Tháng Chín 2011, trong lễ khai mạc cuộc tranh tài tennis US Open, sau phút mặc niệm cho những nạn nhân của vụ khủng bố 9/11, danh ca Cyndi Lauper đã hát bài quốc ca Hoa Kỳ... sai lời. Thay vì: “O'er the ramparts we watched, were so gallantly streaming”, bà đã hát thành: “O'er the ramparts we watched, as our flag was still streaming." Tuy nhiên, Cyndi Lauper đã hát với sự xúc động chân thành và trình bày hoàn toàn suôn sẻ, và có lẽ ít ai nhận ra chỗ sai lời đó. Tuy nhiên, sau đó, bà đã giải thích qua Twitter: “Tôi đã quá xúc động ở đoạn giữa bài hát khi tôi nhớ đến 9/11. Tôi hy vọng tôi đã không hát quá tệ. Tôi muốn hát bài quốc ca như một lời an ủi.”

Tháng Năm 2013, nữ danh ca Canada, cô Alexis Normand, cũng hát sai lời bài quốc ca Hoa Kỳ trong lễ khai mạc cuộc tranh tài 2013 Memorial Cup. Sau khi hát hoàn toàn đúng hai câu đầu tiên, cô bắt đầu hát sai lời, rồi đem lời từ đoạn này nhét vào đoạn kia, rồi hát u ơ, rồi dừng lại giữa chừng một cách vô cùng bối rối, thế là khán giả bèn cùng hát vang lên để giúp cô hoàn tất bài hát. Ngay sau đó, Alexis Normand hát bài quốc ca Canada rất hoàn hảo. Đêm đó, cô đã gửi lời xin lỗi qua Twitter. Alexis Normand đã hát sai lời và quên lời chỉ vì cô... chưa thuộc lời. Cô giải thích: “Ngay sáng thứ Bảy hôm đó tôi được mời hát và tôi liền đồng ý. Thường thì tôi học lời khá nhanh, và trước nay tôi vẫn có nhiều thì giờ để học lời. Thật ra tôi đã thuộc lời bài quốc ca Hoa Kỳ, nhưng vì quá hồi hộp, tôi đã quên hết...”

Phân tích những trường hợp trên đây, chúng ta thấy việc hát sai lời có những nguyên nhân khác nhau. Christina Aguilera hát sai lời vì đã học lời hát chép sai trên internet. Cyndi Lauper hát sai lời vì quá xúc động. Alexis Normand hát sai lời vì không có đủ thì giờ để học cho thật thuộc lời.

Tuy nhiên, những trường hợp ca sĩ chuyên nghiệp quốc tế hát sai lời thì vẫn ít khi xảy ra, và chỉ xảy ra trong khi trình diễn trước công chúng. Sau mấy chục năm nghe nhạc ngoại quốc, tôi chưa từng nghe một ca sĩ quốc tế nào hát sai lời trên đĩa thu âm, vì khi thu âm thì họ có thể có bản nhạc mở ra trước mắt để hát đúng từng chữ; rồi nhóm biên tập còn phải nghe đi nghe lại và yêu cầu thu đi thu lại nhiều lần để bài hát được hoàn hảo.

Thế nhưng, khi nghe các đĩa nhạc Việt Nam, tôi lại thường phát hiện nhiều ca sĩ, kể cả những ca sĩ rất nổi tiếng, vẫn hát sai lời. Trong những năm gần đây, tệ trạng ca sĩ hát sai lời trong khi trình diễn vẫn là đề tài thường xuyên của báo chí ở Việt Nam, nhưng tình trạng ca sĩ hát sai lời trong những đĩa nhạc đã thu âm và sản xuất thì cũng không phải là ít. Các nhà báo thường cho rằng nguyên nhân của tình trạng này là do các ca sĩ hát ẩu trong khi thu âm, và các nhà xuất bản chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà bất cần đến giá trị của sản phẩm.

Thật ra, chuyện ca sĩ hát sai lời thì không phải là chuyện mới xảy ra ở Việt Nam trong những năm gần đây. Trước 1975, ở miền Nam Việt Nam, thỉnh thoảng cũng có một vài ca sĩ hát sai lời trong khi trình diễn hay trong những đĩa nhạc. Sau 1975, ca sĩ người Việt ở hải ngoại cũng đôi khi hát sai lời vì không thể nhớ chính xác những bài hát ngày xưa. Thế nhưng, trong số khá ít những đĩa nhạc có bài hát sai lời, chúng ta có thể phát hiện những chỗ sai ấy đôi khi lại đến từ những tiếng hát nổi danh nhất. Thế mới lạ.

 

 

Thái Thanh, một trong những ca sĩ nổi tiếng nhất của Việt Nam, đã có dăm ba lần hát sai lời nhạc Phạm Duy trong những đĩa nhạc của bà. Thường thì bà chỉ hát sai một hay hai chữ, nhưng trường hợp được nói đến nhiều nhất là bài “Về Miền Trung” của Phạm Duy (trong đĩa Thái Thanh Tuyệt Phẩm 09: Nước Non Ngàn Dặm Ra Ði), thì trong đó Thái Thanh đã hát sai hai chỗ, làm lệch nguyên nghĩa của câu hát: 1/ “Tan thân thiếu phụ, nát đầu hài nhi” đã bị hát sai thành “Thương thân thiếu phụ, khóc đầu hài nhi”; và 2/ “Một chiều nao đốt lửa rực đô thành” bị hát sai thành “Một chiều mai đốt lửa rực đô thành”.

 

 

Hồi tháng Năm 2014 vừa qua, khi nhạc sĩ Tô Vũ từ trần, tôi đã tìm nghe lại những ca khúc của Tô Vũ mà tôi yêu thích. Khi nghe bài “Tiếng Chuông Chiều Thu” qua tiếng hát của Duy Trác (trong đĩa Tiếng hát Duy Trác 2) thì tôi rất kinh ngạc khi phát hiện rằng (ngoài rất nhiều chỗ hát sai nốt nhạc) ông đã hát sai quá nhiều chỗ trong lời hát:

“Ai về âm thầm nẻo cũ bâng khuâng tình xưa?” bị hát thành: “Ai về âm thầm nẻo cũ bâng khuâng tình thu” / “Hiu hiu luồng hơi may, du du làn mây bay” bị hát thành: “Du du làn mây bay, hiu hiu làn gió lay” / “Hồi chuông lớp lớp trong gió vàng” bị hát thành: “Hồi chuông lớp lớp trong nắng vàng” / “Từng cơn sóng mờ xóa dần trong sương lắng” bị hát thành: “Từng đợt sóng mờ xóa chìm trong sương lắng” / “Hồn ta chìm đắm tiếng chuông xa vời” bị hát thành: “Lòng ta thầm lắng tiếng chuông ban chiều” / “Hồi chuông ngân nga trong chiều thu ngợp gió” bị hát thành: “Hồi chuông ngân nga trong chiều thu ngập gió” / “Nhạc say mùa xương máu” bị hát thành: “Nhạc say tình xương máu” / “Hồi chuông âm vang khơi nguồn mơ ngày thắm” bị hát thành: “Hồi chuông ngân vang trong chiều thu gợi nhớ” / “Đường nắng vang vang gót chân reo mừng” bị hát thành: “Ngàn tiếng vang vang gót chân reo mừng” / “Gửi em lời yêu thương khi lòng mơ màng trầm lắng” bị hát thành: “Gửi em lời yêu thương khi lòng mơ màng thầm lắng” / “Chuông khơi mùa nắng mới / Tình xưa đẹp bao nhiêu” bị hát thành: “Chuông reo lời ước xưa / Tình ta đẹp bao nhiêu” / Hồn anh thầm nhắn tiếng chuông ban chiều” bị hát thành: “Lòng ta thầm lắng tiếng chuông ban chiều”...

Nói tóm lại, Duy Trác đã hát sai gần nửa phần lời của bài “Tiếng Chuông Chiều Thu”. Trong đó, có những chỗ sai làm câu văn thành vô nghĩa; có những chỗ sai làm ngược hẳn ý nghĩa của lời ca trong nguyên tác, chẳng hạn: “Chuông khơi mùa nắng mới” (nói đến một khởi đầu mới cho tương lai) thì biến thành “Chuông reo lời ước xưa” (nói đến sự ôn lại một ước muốn trong quá khứ). Câu hát sai lời này cũng không thích hợp với giai điệu “đố-đố-là-si-si”, khiến chữ “xưa” nghe thành “xứa”! Cũng vậy, câu “Hiu hiu luồng hơi may, du du làn mây bay” bị hát sai thành “Du du làn mây bay, hiu hiu làn gió lay” thì cũng không thích hợp với giai điệu, nên chữ “gió lay” nghe thành “gió láy”!

Vì sao ca sĩ Việt Nam, đặc biệt trong thời hôm nay, thường hát sai lời? Tôi đoán rằng điều này có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Những nguyên nhân thuộc về văn bản: 1/ Có rất nhiều bản sao không chính xác được phổ biến qua hình thức những tập ca khúc. 2/ Có vô số đĩa karaoke chứa đựng những lời hát đầy nhung nhúc sự sai lệch về từ ngữ và chính tả. 3/ Có vô số trang web phổ biến những lời ca đầy sai lệch do dân yêu nhạc chép lại.

Những nguyên nhân thuộc về ca sĩ: 1/ Có những ca sĩ đã học lời từ những bản sao không chính xác, từ các đĩa karaoke sai lời, và từ những trang web có in lời sai. 2/ Có những ca sĩ đã không học những bài hát trực tiếp từ bản ký âm có nhạc và lời chính xác, mà chỉ “học lại” bằng cách nghe những đĩa nhạc của những người khác. Nếu họ nghe nhầm chữ này thành chữ khác, thì họ sẽ hát sai lời. 3/ Có những ca sĩ chỉ hát theo ký ức và không hề dùng văn bản chính thức để kiểm tra lại ký ức của mình. Nếu ca sĩ nhớ nhầm, thì sẽ hát sai lời. 4/ Có thể có vài ca sĩ đã tự ý sửa lời ca lại cho hợp với sở thích riêng của mình, và từ đó truyền bá rộng ra. 5/ Có những ca sĩ không hiểu ý nghĩa của lời ca, nên không thể nhớ chính xác. 6/ Khi một ca sĩ hát sai lời nhưng lại thu vào đĩa nhạc và xuất bản, thì sẽ có nhiều ca sĩ khác “học lại” và tiếp tục hát sai lời.

Nhìn lại lịch sử âm nhạc thế giới, chúng ta có thể thấy rằng trong suốt hơn 4 thế kỷ qua, hình như chưa từng có ca sĩ cổ điển (chuyên hát opera hay ca khúc nghệ thuật) nào bị mang tiếng là hát sai lời. Ngược lại, hiện tượng hát sai lời lại thường xảy ra trong nhạc phổ thông. Phải chăng vì các ca sĩ cổ điển được rèn luyện vô cùng kỹ lưỡng trong nghệ thuật diễn tả lời hát để làm sao mỗi lời, mỗi chữ đều phải được hát một cách chính xác về cả âm nhạc, tình cảm và ý tưởng, cho nên họ không thể hát sai lời? Và phải chăng vì phần nhiều ca sĩ phổ thông chỉ hát bằng tiếng hát thiên phú của mình và ít khi được rèn luyện về việc diễn tả lời hát, cho nên họ ít khi lưu tâm đúng mức đến từng lời, từng chữ trong bài hát?

 

 

------------

Đã đăng:

... Thực tế cho thấy số lượng khán thính giả của nhạc cổ điển càng ngày càng giảm sút vì nhạc cổ điển thiếu sức thu hút. Nếu đem được nghệ thuật ứng tấu vào những buổi trình diễn thì nhạc cổ điển sẽ tạo nên một sinh khí mới. Chắc chắn là vậy, vì suốt nhiều ngàn năm qua trên khắp thế giời, hầu hết các nền âm nhạc cổ truyền đều xem trọng nghệ thuật ứng tấu, và khán thính giả âm nhạc ở mọi nơi, mọi thời đều luôn cảm thấy thích thú khi thưởng thức những dòng nhạc ứng tấu đầy bất ngờ của những nhạc sĩ tài hoa... (...)
 
Sau khi bài “Nhạc cổ điển và nghệ thuật ứng tấu” được đăng lên báo, người viết đã nhận được những email rất thú vị từ một số độc giả. Tựu trung những email ấy đều nêu lên một vài câu hỏi đại loại như thế này: “Sau nhiều năm chơi nhạc cổ điển chính xác theo bài bản, bây giờ muốn chơi ứng tấu thì nên bắt đầu từ đâu? Có thể học chơi ứng tấu được không?”... (...)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021