thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
sản phẩm của chiến tranh [1]

 

những trích đoạn rời từ chương hai trong tiểu thuyết Đến Từ Hoả Tinh (sắp xuất bản)

 

 

 

 

SẢN PHẨM CỦA CHIẾN TRANH [1]

 

 

Trường-Châu

Cả ngày nay tôi đi vô đi ra vấp phải đồ đạc trong nhà không biết bao nhiêu lần. Đêm qua tôi nằm mơ thấy khuôn mặt của gã con trai ấy. Mắt hắn thô lố nhìn tôi. Môi hắn mấp máy điều gì. Tôi tỉnh giấc. Một mình giữa căn phòng mênh mông như biển trời. Định thần một lát, tôi lấy lại bình tĩnh. Tự hỏi, tôi là ai? Là ai? Là ai?

Tôi là hắn? Tôi là tôi? Thôi đừng bận tâm nữa. Tôi dỗ dành tôi. Tôi là tôi. Ừ, tôi chính là thằng tôi đây.

Đọc bản tin bà Phương Thảo gửi đến hôm qua: “... ngày trước đàn bà, trẻ con, súc vật, nô lệ bị xua đuổi, bị đàn áp, bị bịt mồm...” thì tôi ngưng ngang. Hình ảnh môi hắn cứ mấp máy như muốn nói rằng: “Ngay lúc này đây, tôi chính là...” Hắn và tôi thì liên hệ đếch gì đến bản tin do người đàn bà viết? Mụ Phương Thảo muốn gì đây? Lại chửi bới đàn ông chăng? Tôi bỏ bản tin bà Phương Thảo sang một bên, lấy bài thơ của tác giả Hạnh Nhi đọc, ba câu đầu:

“Chiến tranh là gì?
Là bé gái bị hiếp?
Cả đời không thể nguôi ngoai?”

Tôi với tay bật tivi.

Judy đến, nàng bận xi líp đỏ, không xú chiêng, váy cũn cỡn lòi phần mông núng nính. Hôm nay sinh nhật mày, tao cho mày đụ kiểu chó, kiểu mày thích. Tôi không thấy nứng lắm, nhưng cũng cố nhấp nhấp được mươi cái, rồi rút cặc ra. Judy trèo lên ngồi trên bụng tôi, mông Judy bự tồ làm bụng tôi bành ra. Tôi nghẹt thở muốn ói. Tôi thấy môi Judy xoè như cái hoa loa kèn sau sân nhà chực nuốt chửng tôi. Tôi nói Judy leo xuống bằng giọng nhẹ nhàng nhưng quyết liệt. Tôi bật người dậy, ngồi dưới thảm, lưng dựa thành giường, thở hồng hộc. Judy đi ra bếp pha ly margarita đổ nhiều tequila mang vào phòng. Nàng nhấp vài ngụm rồi bất ngờ hất cả ly rượu vào mặt tôi. “Mày, mày không thèm đụ tao nữa hả? Mày chê tao hả? Mày mê con khác rồi hả? Hả? Hả...?” Judy vừa nói vừa cười to. Cái hoa loa kèn thu nhỏ lại. Tôi hết sợ nàng nuốt chửng. Tôi xích người lại gần, vân vê đuôi tóc nàng, nói khẽ: “Không, không phải như thế! Em biết vì sao mà. Em hãy liếm hết rượu trên mặt tôi đi.” “Không, không, em chỉ muốn liếm cặc anh thôi!” Judy vừa rà lưỡi trên mặt tôi vừa nói. “Cặc tôi teo mẹ nó rồi, em biết mà...” Tôi nói trong tiếng thở dài. Judy ngả đầu lên người tôi. Cặc tôi thun lại, rơi rũ.

 

Long

Tôi dụi mẩu thuốc vào bồn rửa chén, rồi quẳng vào thùng rác. Tôi mở cửa bước ra khỏi nhà, bầu trời đang ngả dần tối. Đi trong trời mờ tối đột nhiên tôi nghĩ: có nên về lại Việt Nam ở khi không còn sức làm việc không? Lúc đấy, trong nhà băng tôi đã có xấp tiền dày cộm, đủ bảo đảm cuộc sống yên ổn tuổi già. Ý nghĩ thay đổi chỗ ở làm bước chân tôi bỗng chậm lại và không đều. Tôi thò tay vào túi áo khoác, lấy ra gói thuốc, rút một điếu, đặt lên môi, bật lửa châm, rít hơi dài, hai chân tôi bước đều trở lại. Tôi sẽ phải về Việt Nam ở với xấp tiền dày cộm (đã, đang và sẽ) để dành trong nhà băng. Chắc chắn tôi sẽ về Việt Nam. Tôi hít sâu hơi thuốc dài. Lúc vừa đặt chân đến đảo Guam, nếu trong tay có điếu thuốc, liệu tôi có cầm bút ký tên vào đơn xin trở về Việt Nam theo tàu Thương Tín chỉ vì câu nói lấp lửng của Liên: “Em bị trễ kinh hơn cả tuần nay...”

Giờ thì Liên đã thành vợ, thành mẹ, thành bà ngoại, bà nội của người khác rồi. Còn tôi đây, đang đi trong trời chiều ngã về đêm nghĩ tới nàng.

Cánh cửa gỗ đỏ trầy trụa đang chờ tôi mở. Đống bột chủ đã nhào trộn cất trong tủ lạnh đang chờ tôi lấy ra để trải kín mặt bàn, cắt thành từng khoanh nhỏ, bỏ vào chảo dầu chiên đều hai mặt. Công việc ở tiệm M C Donuts đang chờ tôi. Lại một ngày nữa của đời tôi.

 

Quỳnh (Hướng)

Soi gương, tôi thấy tôi tăng 10 tuổi. Coi hình trong driver licence, tôi thấy tôi tụt 10 tuổi. 10 + 10 = 20. Con số 20 chẵn, tròn vo, chắc nịch.

Từ 1975 đến 1985 tôi xoá trắng sự có mặt của tôi trên cõi đời này. Tôi không muốn bất cứ ai hỏi tới 10 nắm đó tôi đã làm gì, ở đâu, có khổ không, có bị cơn đói hành hạ không, có mất tự do không, có bị đày đi vùng kinh tế mới không, có bị đi nghĩa vụ quân sự không. 10 năm đó tôi đã làm gì với đời tôi? Tôi thẳng tay cắt bỏ, chùi sạch sành sanh 10 năm trong đời. 10 năm vô tích sự. 10 năm vô dụng. 10 năm vô duyên.

Đến Mỹ, để lấy được cái bằng kỹ sư công chánh, tôi lại mất chẵn 10 năm. 6 năm ở community college cộng thêm 4 năm ở state university. Ngày lên bục lãnh bằng, đầu tôi hói gần phân nửa. Mấy đứa sinh viên Việt Nam trong trường gặp tôi gọi chú xưng cháu. Cầm cái bằng trong tay trên đường từ trường về nhà tôi hoàn toàn chẳng biết tương lai mình đi về đâu? Sau nhiều lần được gọi đến phỏng vấn việc làm, tôi nhận được thư cám ơn thay điện thoại báo tin được mướn. Những lần đầu bị từ chối, tôi hơi buồn buồn nhưng tuyệt nhiên không thất vọng hoặc hối tiếc. Tại sao? Tôi không biết. Chẳng lẽ tôi hết hy vọng vào chính bản thân rồi sao? Hay tôi không thiết tha lắm với cái nghề kỹ sư? 10 + 10 = 20 năm. Thời gian trai trẻ sung sức nhất đời người, tôi đã uổng phí vô ích? Tôi chưa từng làm một ngày nào với cái bằng kỹ sư công chánh đã ngốn tôi chẵn 10 năm, đã nỗ lực bằng mọi giá để đạt cho được. Giờ đây, nó chỉ là mảnh giấy. Mảnh giấy hư vô như cuộc đời tôi. Trong 10 năm ấy, tôi đã làm đủ nghề để sống. Tôi phụ làm vườn, chạy bàn, dọn dẹp văn phòng, gác cổng phi trường... Hiện nay tôi là nhân viên của công ty điện thoại AT&T. Công việc của tôi là gọi điện thoại “mời” khách hàng Việt Nam sống rải rác trên toàn nước Mỹ đổi hãng điện thoại họ đang sử dụng sang hãng AT&T. Tôi thích công việc này vì tương đối được tự do, một mình một phòng dù phòng rất bé, và giờ giấc không bị trói chặt. Đôi khi, tôi cũng cảm thấy chao đảo, nhưng vội tìm cách gạt ra khỏi đầu ngay. Tôi không phải là loại người ưa nuôi dưỡng cảm giác buồn bã, sầu đau.

 

Thành

Bà Jenny làm ở thư viện nhìn tôi, hỏi: “Ông là cựu quân nhân hả?” Tôi gật đầu: “Yes, mèm!”

Nhiều người chung quanh nói tôi gàn. Còn Lan, tuy không nói, nhưng qua ánh mắt, nó cũng nghĩ tôi là người gàn nhất hành tinh. Tôi có gàn không? Bà Thu Huệ từng tuyên bố nếu bà có con gái, thì thà bà gả cho thằng ăn cướp, nó còn đưa tiền về nuôi vợ nuôi con. Hoặc bà gả cho thằng đần, nó còn dọn dẹp nấu cơm giặt giũ hầu hạ vợ con. Chứ không đời nào bà gả cho thằng gàn cả. Thằng gàn chỉ tổ làm khổ con gái mình vì sĩ diện hão. Thu Trang, em gái bà Thu Huệ “giễu” tôi rằng: “Phải có ‘biệt tài’ mới sống được kiểu như anh Thành.” Còn Hoà, chồng Lan, em rể tôi, thường nói: “Anh Thành đi lính chỉ ba năm, nhưng suốt quãng đời còn lại, anh Thành sống cho ba năm lính ấy.” Tôi gạt tất cả lời bình phẩm của họ ra khỏi đầu. Tôi sống đời tôi. Chỉ vậy thôi. Xin mọi người hãy để tôi yên. Mắt tôi quen thuộc với màu xanh áo lính. Màu xanh áo lính cho tôi sự bình an tâm hồn. Đầu óc tôi luôn hoài niệm về đời lính. Tim tôi đập đều theo điệu nhạc quân hành. Bởi lẽ tôi là thằng cựu lính chiến Việt Nam Cộng Hoà.

Lan đến, mang theo chút nóng bên ngoài trời vào trong nhà. Tóc Lan túm gọn bằng sợi thun. Hai tay Lan bưng đĩa thạch ba lớp: mít, dừa và dứa. “Trời nóng, em mang đến để anh ăn cho mát.” Vợ chồng Lan là kỹ sư. Dạo gần đây Lan ăn chay nhiều hơn ăn mặn. “Bé Vi đâu?” Tôi hỏi. “Con bé hơi bị nóng, em để nó ở nhà với anh Hoà. Em đi chợ Safeway sẵn ghé thăm anh chút.” Tôi với tay tắt nhạc. Lan là người thương lo cho tôi nhất trên trần gian này. Thình thoảng nhìn tôi, Lan nói: “Sống với quá khứ chắc cũng có cái thú vị của nó chứ hả anh Thành?” Hoặc: “Ba năm lính của anh chắc là hiển hách lắm nên anh cứ dung dưỡng mãi, nhất định không buông bỏ.” Tôi chẳng hiểu tại sao Lan nói thế. Lan chưa một lần nặng lời hay to tiếng với tôi. Lúc Lan chán, mệt, buồn, thất vọng vì tôi quá thì nó quay lưng nén tiếng thở dài. Mỗi lần Lan mua cho tôi cây thuốc lá, khi đưa cho tôi, không bao giờ quên dặn: “Anh đừng hút thuốc nhiều quá!”

Lan chưa biết chuyện tôi đã đưa “tôi” cho thằng Lộc em trai Huyền “xài” rồi. Thằng Lộc đang ở đâu? Nó còn sống ở Việt Nam không? Nó làm gì với cái tên của tôi? Và Huyền nữa, nàng đã lấy chồng chưa? Tôi giờ đây là ai? Là ai? Tôi không còn là thằng Thành nữa. Tôi đã đưa “tôi” cho người khác sử dụng rồi.

“Rừng lá xanh xanh cây phủ đường đi
Thành phồ sau lưng ôm mộng ước gì
Tôi là người đi chinh chiến dài lâu
Nên mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu.
...
Lời hát xin gây rung động thật sâu
Đừng hát như chim giữa rừng lá sầu
Xin thật lòng qua câu hát đầu môi
Như lính giữa rừng yêu lá thấp mà thôi.”

 

Trường-Châu

Soi gương tôi thấy tôi là thằng Châu chứ đéo phải thằng Trường. Tôi là thằng Trường khi tôi không soi gương. Tôi có còn là thằng Châu tuổi nhỏ bị thúi tai, thò lò mũi xanh, bụng ỏng vì sán, dái lòi cả ngoài quần đùi thủng đít. Thằng Châu con nhà nghèo, bị bỏ học, ba bị chết trận, má không biết chữ. Thằng Châu lười ẵm em, trốn việc nhà, nghịch phá hàng xóm. Hiếm hoi tôi đi tìm thằng Châu tôi đã khai tử. Tôi quen tôi là thằng Trường rồi. Thằng Châu chỉ xuất hiện trong tôi rất bất chợt như bị nổi da gà hay khi trời rất nóng hoặc khi tôi đang rơi vào cơn sốt. Giờ đây, tôi là thằng Trường da trắng trẻo, đeo kiếng cận, những ngón thon dài, tóc mảnh loà xoà ở trán, tay ôm tập sách đầy chữ bắt đầu vào sáng sớm ngày 29/4/1975 ngay sau khi tôi nhét cái thẻ sinh viên của thằng Trường vào túi áo, cái kiếng cận của thằng Trường vào túi quần, tập sách của thằng Trường vào ba lô. Rồi vuốt vội mắt thằng Trường đang nửa nằm nửa ngồi xoải thân dưới gốc thông trong nắng sớm nồng mùi biển mặn. Miền Nam được miền Bắc giải phóng. Thằng Châu được thằng Trường giải phóng. Tôi vất ba lô trong đó chứa đựng toàn bộ thằng Châu của hơn hai mươi năm làm người xuống cái giếng sau căn nhà không còn ai trú ngụ. Chắc họ cũng như bầy kiến đang chạy tới chạy lui trên miệng chảo nung nóng. Tôi là một người khác bắt đầu từ đây. Tôi đoạn tuyệt thằng Ngô Văn Châu. Tôi tái sinh tôi bằng một con người khác: Lê Đăng Trường. Tôi phải sống như một người có học thức, có suy nghĩ. Thằng lính Châu trong tôi đã chết. Tôi bóp mũi thằng Châu lính. Tôi không khoác lại cái áo lính từ sáng sớm hôm ấy. Tôi liệm nó theo ba lô quẳng xuống đáy giếng. Tôi thôi phải đối diện với ý tưởng ngày mai mình còn thức dậy hay ngủm như thằng Thông thằng Hoàn thằng Thái. Đời lính tráng của tôi chấm dứt như cuộc chiến kết thúc 30/4/75. Tôi chặt đứt cái kiếp làm thằng lính bất hạnh, tủi nhục, bắt buộc. Giờ đây, tôi là thằng sinh viên da trắng trẻo, đeo kiếng cận, hai bàn tay với những ngón thon dài, vẻ mặt trầm tư, điệu bộ học thức. Nhờ biến cố 30/4/75 tôi đã đạt được ước mơ sâu thẳm trong tôi. Thay vì giết kẻ địch tôi giết chính thằng tôi. Tôi dứt bỏ tất cả sau lưng, tấm thẻ bài không còn cơ hội đặt trên quan tài. Tôi ngửa cổ nhìn trời thề sẽ không hề ngoảnh mặt lại. Tôi theo đoàn người chen lấn leo lên thuyền, thẳng hướng phóng tới phía trước, nơi chân trời xa lạ. Tôi vượt biên, đi Mỹ.

 

Long

Tôi tỉnh giấc bởi cơn mơ ngắn. Tôi thấy tôi nằm chết, người thâu ngắn cứng đơ như tảng đá. Trong mơ tôi không sợ và tỉnh dậy tôi cũng không sợ. Tại sao tôi không sợ cái chết của chính tôi? Tôi tự hỏi. Tôi giữ tâm bình thản và sống đời bình thường. Hôm qua, tôi ghé nhà băng rút 50 đô để đưa cho Hoà đi mua cái tủ lạnh khác. Lúc bank teller hỏi tên má tôi là gì, tôi trả lời, nghĩa là tôi gọi tên má tôi một cách dửng dưng. Có vài lần ông Quỳnh (Hướng) nói tôi là người vô cảm. Ông Châu-Trường nói tôi là kẻ ám sát mọi cảm giác. Họ nói chắc chẳng sai. Kiếp sau tôi chuyển hoá thành thứ gì khác, hoặc sẽ không có đời sau, nghĩa là thằng tôi chấm dứt đời này luôn thì càng tốt. Tôi từng là trẻ thơ, rồi lớn lên, đi học, đi lính, đi tù, và giờ tôi đang đi làm tiệm bánh M C Donuts của hai vợ chồng người Mỹ gốc Cam Bốt không con làm chủ. Tuy nhiên, hoạ hoằn trong vài khắc giây ngắn ngủi, tôi cảm tưởng mình đang đi lạc trong sương mù hay trên đường ngược chiều. Tôi vội nhắm mắt vì lòng vướng chút sợ hãi. Tôi rất ngại suy nghĩ, vì suy nghĩ chỉ làm nhức đầu, mệt người. Ai muốn suy nghĩ, thích suy nghĩ, ghiền suy nghĩ thì mặc họ. Tôi tập cho tôi một thói quen chỉ nhìn cái gì đang hiện hữu, xảy ra trước mắt. Những hình ảnh quá khứ thỉnh thoảng đột ngột trở về, như hắt xì hay ợ, tôi không thể biết trước để cản ngăn. Những trải nghiệm biến thành mớ ấn tượng hỗn độn. Khuôn mặt Liên lạnh lùng hay ủ dột cùng cơn đói hoành hành trong đêm giá lạnh trong trại tù cải tạo ở ngoài Bắc.

.. .. .. .. .. ..

Tôi không muốn nghĩ ngợi gì đến cái “tôi” cả. Tôi sống như tôi đang là tôi. Tôi tránh phản ứng. Tôi hành xử chừng mực. Mọi chuyện thường nhật diễn ra đều đặn. Bắt đầu mỗi ngày, từ đánh răng, rửa mặt, thay quần áo, hút điếu thuốc đầu ngày trước khi rời nhà, đi bộ đến trạm xe bus, hút thêm điếu thuốc nữa trước khi xe bus trờ tới. Những khuôn mặt quá quen thuộc ngồi trên xe bus tôi không cần ngó cũng thuộc nằm lòng, như vật gì tôi cần là kiếm được ngay trong tiệm M C Donuts tôi làm từ ngày đến Mỹ. Và căn nhà có căn phòng tôi trú ngụ từ ngày định cư ở xứ này. Rồi nhà băng, nơi có cái hộp sắt tôi cất tiền dành dụm, ghé lại mỗi thứ Tư, ngày nghỉ làm. Tôi ngồi ngắm nhìn, đưa tay sờ xấp tiền mà lòng sung sướng khôn tả. Tiền này do công sức tôi tạo ra. Tay tôi mở nắp, đóng nắp hộp đựng tiền không biết bao nhiêu lần, chẳng khác thở vô thở ra để sống.

Tôi không nuôi dưỡng quá khứ. Cái gì đã qua là cho qua. Tránh quay cổ nhìn lui. Thỉnh thoảng hình ảnh những tháng ngày huấn luyện lái máy bay tác chiến ở tiểu bang Texas mấy mươi năm trước đột nhiên hiện ra trong trí nhớ. Ngày ấy, tôi là chàng thiếu uý phi công, khoẻ, bô trai, thoả thích bay lượn, choáng ngợp giấc mộng đời. Miệng cười nói huýt sáo liên miên. Giờ đây, tôi là gã đàn ông trung niên, thích sự ổn định, luôn cố duy trì mọi thói quen thường nhật, muốn quên đi tất cả mọi chuyện đã trải qua. Có khi mấy ngày liền tôi không mở mồm nói một lời với bất kỳ ai.

 

Quỳnh (Hướng)

Tôi có biệt tài ‘giả’ giọng nên thu hút được khá nhiều khách hàng cho công ty. Tôi cũng quyến rũ được một số ‘bạn tình’ qua điện thoại. Tôi thu âm giọng nói khác miền, khác giới tính, khác tuổi tác, rồi nằm nghe, tự kích thích như chẳng phải là tôi mà là ai khác. Đặc biệt giọng trai trẻ, nhả nhớt lời trăng hoa lượn lờ khắp thân thể tôi. Làm ‘thằng nhỏ’ cửng, cứng ngắc. Nhưng khi tôi nghe giọng nói thật của tôi thì ‘thằng nhỏ’ phản bội sự thèm muốn của tôi.

Qua điện thoại, tôi có thể giả giọng người đàn ông đứng đắn hoặc người đàn bà đảm đang. Cậu thanh niên chững chạc hoặc cô gái liến thoắng yêu đời. Tôi đóng vai, diễn tuồng tuỳ theo giọng nói bên kia đầu giây. Tôi làm kẻ chinh phục, truyền tải thông tin nhạy cảm, gói gọn trong giọng nói trời phú. Kẻ đang áp tai vào đầu điện thoại bên kia đéo biết tôi là ai!

Trên chục ‘người’ đã tỏ tình với tôi trên đường giây điện thoại. Đa phần là đàn ông trung niên khi tôi giả giọng gái trẻ. Ban đầu tôi hơi luống cuống, nhưng về sau, tôi tỉnh bơ lờ đi, hoặc bắt qua chuyện khác một cách tự nhiên khéo léo.

Có người đánh giá mức độ hấp dẫn tình dục của tôi qua giọng nói. Tôi im lặng, lắng nghe. Khách hàng lần đấy là người đàn bà trung niên, gốc Chợ Lớn, sinh sống ở tiểu bang Ohio.

Có ông khách đoán tôi có ngón tay út dài lắm. Dài hơn những ngón tay còn lại nên tôi mới có giọng nói hay, rõ, trong trẻo như thế. Tôi nghe, xoè bàn tay mình ra xem xét, thấy ngón tay út bình thường, không dài không ngắn. Tôi chẳng nói gì với ông khách hàng bói tướng đấy.

Có cô gái bảo vai tôi chắc phải rộng lắm nên lượng testosterone cao thành ra tôi sở hữu được giọng nói truyền cảm, lôi cuốn.

“Giọng nói quyến rũ thường đi đôi với hình thể quyến rũ.” Có chàng trai đoán eo tôi thon, ngực tôi nở, hông tôi rộng nên giọng nói tôi ngọt ngào mê hoặc.

“Ban ngày cậu nói hay thế, chắc ban đêm cậu nói còn hay hơn, nhỉ?” Một bà đứng tuổi, có lẽ vừa qua tuổi mãn kinh nói với hơi thở gấp. Tất nhiên, lần đấy tôi cũng im lặng một lát rồi nhẹ nhàng lái qua chuyện nắng mưa trong ngày.

“Anh phải là người khá tự tin nên mới có được giọng nói như thế!” Câu này ám ảnh tôi mấy ngày liền. “Tôi là ai? Là ai? Tôi có tự tin vào chính tôi không?” Không. Không. Tôi là một thằng tởm lợm, là thứ loser hạng nặng. Ngay lúc này đây, tôi muốn khạc nhổ vào mặt tôi. Tôi chẳng khác gì cục đờm bầy nhầy tanh tưởi.

 

Thành

Tôi cần tra một chữ trong từ điển Anh-Việt thì bất ngờ thấy tấm ảnh của Huyền. Tóc Huyền trong ảnh để xoã, không bới cao như khi nàng ở cạnh tôi. Huyền có cái gáy nõn nà rất đẹp. Tôi không thấy cái gáy của Huyền trong ảnh. Tôi nhắm mắt cố nhớ lại màu da ở cổ nàng. Mùi thơm da thịt ở cánh tay nàng. Nhưng không thể. Biết Huyền đang ở nơi đâu? Sống ra sao? Đã bao năm rồi tôi không còn nghe lại giọng nói, tiếng cười, bước chân vô ra của nàng. Nàng ra đi, để lại trong tôi khoảng trống vắng và lòng nhớ thương. Còn thằng Lộc ra đi mang theo cả con người tôi. Giờ tôi chẳng biết tôi là ai? Thằng Lộc là tôi hay là thằng Lộc? Làm sao nó ra khỏi nước Mỹ mà người Mỹ không nhận ra nó? Tôi hơn nó nhiều tuổi chứ ít ỏi gì. Nó to cao, trắng trẻo. Tôi gầy gò, xanh xao. Giờ thì tôi không còn ngồi đếm ngày chờ Huyền trở về như trước nữa. Tôi không còn nghe nàng càm ràm rằng tôi ngớ ngẩn, chậm lụt, lười biếng nữa. Yêu nàng và sợ nàng, tôi đã hi sinh “thằng tôi” khi nàng khóc lóc van xin tôi cứu giúp thằng Lộc bằng cách cho mượn giấy tờ của tôi để nó chuồn về Việt Nam lánh nạn một thời gian. Nó đang bị cảnh sát truy nã vì phạm tội giết người. Sao nàng lanh trí quá vậy? Tôi không cho Lan hoặc bất cứ ai hay biết gì về chuyện này. “Thằng Lộc đâu có cố ý đánh chết thằng Mỹ ấy? Nó chỉ tự vệ thôi mà. Giờ cảnh sát truy nã nó dữ quá! Chỉ có anh mới cứu được em trai của em... Chị em em sẽ đội ơn anh suốt đời.” Thằng Lộc làm ca đêm cho tiệm tạp hoá mở 24/24 ở tiểu bang khác. Thằng Mỹ xông vào tiệm vừa cướp tiền vừa doạ giết thằng Lộc. Thằng Lộc sợ quá, mất bình tĩnh, vội vớ cái vợt baseball táng mạnh vào đầu thằng Mỹ. Thằng Mỹ ngã lăn đùng xuống sàn không cựa quậy. Thằng Lộc sợ quá bỏ chạy trốn. Nó dùng điện thoại công cộng gọi cho Huyền, rồi lái xe chạy xuyên bang đến nơi Huyền đang trú ngụ.

.. .. .. .. ..

Những đầu ngón tay vàng khè thuốc lá của tôi không còn dùng để tính bao nhiêu ngày nàng đã rời khỏi nhà. Tôi nghĩ có lẽ Huyền đã về lại Việt Nam cùng với thằng Lộc. Lộc về trước nàng về sau. Thằng Lộc đã dùng giấy tờ của tôi để về lại Việt Nam và đã lọt khỏi cửa hải quan Mỹ một cách an toàn. Còn tôi đây, từ ngày thằng Lộc rời khỏi Mỹ thì tôi không dám rời khỏi thành phố. Tôi không khai báo cho sở di trú hay SSI nên tiền trợ cấp vẫn nhận đủ và đều mỗi đầu tháng. Nhiều lúc tôi lo sợ lỡ một ngày nào đó, họ điều tra biết được sự việc thì sao? Ngày đó tôi quá yêu Huyền và sợ Huyền bỏ nên tôi nghe lời dụ dỗ của nàng. Huyền chủ động tất cả. Huyền điền mọi giấy tờ và tôi ký tên. Nhưng rồi Huyền cũng bỏ tôi dù tôi đã chiều ý nàng. Chuyện đã xong lâu lắm rồi. Tôi nhớ trong thời gian làm thủ tục giấy tờ, mỗi khi thấy xe cảnh sát là toàn thân thằng Lộc co rúm như con cuốn chiếu. Mặt nó xanh mét và hai hàm răng va đập nghe lộp cộp. Ba tháng sáu ngày thằng Lộc rời Mỹ thì Huyền cũng bỏ tôi. Nàng ra đi để lại lá thư viết tay chưa tới nửa trang. Nội dung lá thư cám ơn sự tử tế của tôi đối với nàng. Nàng chẳng đá động gì đến chuyện thằng Lộc cả. Trong một lúc ngà ngà say tôi đã đốt lá thư ấy. Thằng Lộc giờ là thằng Thành. Nó đang sống ở đâu đấy trên lãnh thổ Việt Nam. Còn tôi là thằng Thành nữa không? Nếu một ngày nào đó người ta đến tận nhà điều tra thì tôi phải trả lời sao đây? Còn Huyền, có lúc nào nàng nghĩ về tôi không? Thằng Lộc là tôi, còn tôi không phải là thằng Lộc. Huyền trong ảnh không nhìn tôi. Mắt nàng đang nhìn đâu đó, như thể đang tìm kiếm vật gì. Huyền trong ảnh không cười, mà Huyền ngoài đời cũng ít khi cười.

“ Xin đối diện một lần bên tôi
Cho tôi yêu bằng hình hài đó không thôi
Đến với tôi, hãy đến với tôi
Đừng yêu lính bằng lời.
...
Đêm nằm miền xa
Trời cao đất hạ
Chợt lên ý lạ...
...
Ngoài kia súng nổ
Đốt lửa đêm đen
Tầm đạn thay tiếng em.”

 

Trường-Châu

Trưa nay Judy đến trong lúc tôi đang nằm ngủ quên trên sofa. Judy xoã tóc, môi không tô son, bận t-shirt khoét sâu cổ. Tôi thường hơi bị hoảng hốt mấy phút đầu mỗi khi gặp Judy. Vì sao Judy đến với tôi? Một thằng đàn ông không có gì ngoài “trên răng dưới dế”, mà dế giờ đang trên chiều hướng ủ rũ. Tôi khó che giấu vẻ hoảng hốt, dẫu thật ngắn ngủi ấy. Nhưng Judy lại nghĩ rằng lúc đấy tôi yêu nàng, xúc động vì nàng. Judy ôm chầm lấy tôi, hôn lên môi tôi, khi nàng buông tôi ra, tôi còn ngửi được mùi da ở khe vú nàng. Nàng báo tin thằng José, con trai của nàng đã chịu trở lại trường. José 17 tuổi, đang học lớp 11. Cách đây mấy tháng, nó bỏ nhà đi bụi đời theo bạn bè. Tôi cùng Judy lùng kiếm nó thật khó khăn, vất vả. Tôi thường tìm mọi cách giúp đỡ hai mẹ con nàng dù khả năng của tôi rất giới hạn. Có một lần, trong một phút “bốc đồng” tôi đề nghị nếu thằng José không muốn ở với nàng thì nó có thể đến đây ở với tôi. Tôi sẽ lo cho nó đến ngày tốt nghiệp trung học. Judy nghe rất cảm động, nhắc mãi sự tử tế này. Judy ở cách nhà tôi khoảng 15 phút lái xe. Judy là cashier cho tiệm bán đồ dụng cụ nhà thương. Lương đủ chi phí cho hai mẹ con chi tiêu rất tằn tiện. Ngoài tôi ra, tôi biết Judy còn 1-2 người tình cùng gốc Guatemala. Judy hiền lành, chất phát, mập người, thích chưng diện loè loẹt khi không đi làm. Nàng trông trẻ so với tuổi. Tôi thường thắc mắc vì sao Judy yêu tôi. Tôi không phải là thằng khoẻ sinh lý. Tôi không giàu có. Tôi không trẻ đẹp. Tôi chẳng hứa hẹn lấy nàng. Tôi không có gì cho nàng cả.

Thằng Châu lính trong tôi lại mò về đêm qua. Tôi thấy nó đứng thõng tay tựa tường nhìn tôi. Thằng Châu đầu đội nón sắt bận quân phục. Mặt thằng Châu lính từ từ đổi sang mặt thằng Trường sinh viên. Rồi mặt thằng Trường sinh viên lại từ từ đổi sang mặt thằng Châu lính. Cứ thế. Có lúc cái mặt là của nửa thằng sống và của nửa thằng chết. Cái mặt thằng chết thì đéo nghĩ ngợi, lo âu. Cái mặt thằng sống thì thờ ơ, vô cảm. Tôi bật người dậy, lưng vã mồ hôi. Tôi thèm hớp ngụm rượu cực mạnh. Tôi đi vội vào nhà bếp, mở tủ tìm chai whisky ngửa cổ nốc. Tôi khà một tiếng to, rồi trở vào phòng nằm vật xuống giường. Tôi là ai? Thằng Trường chết hay thằng Châu sống? Thằng Châu chết hay thằng Trường sống? Tôi là thằng nào? Thằng nào là tôi? Những con chữ nhẩy múa. Những trang báo bay bổng trong không gian. Tôi có phải là nhà báo không? Tôi có được quyền sống thật với những con chữ không? Tôi có thể tự gọi tôi là nhà thơ không? Tôi được quyền có cái đầu đầy đặc ý nghĩ không? Tôi không muốn nhìn thấy tôi là thân cây rỗng. Thân cây rỗng thì dễ bị gãy đổ. Tôi ôm đầu rồi ôm thân tôi trong đêm. Ngoài trời mưa đang to hột.

 

[còn tiếp kỳ 2]

 

---------
Hình ở đầu trang: LOCK/EXILE [KHOÁ/LƯU VONG] Tìm thấy trên internet, không rõ người chụp ảnh.

 

-------------

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021