thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Mở đầu chùm Đoạn Trường Vô Thanh: Đứt ruột không tiếng
 

Ngọn đèn*

 
trời đất còn không thể lâu dài/trường cửu, huống là người/người ta (Lão tử)**
 
 
tuổi lên năm theo anh trốn cha ra chơi phố huyện
lần đầu phát hiện vũ trụ:
ở bên ngoài căn nhà đất của cha, có thực một thế giới bao la
ở bên ngoài ngọn đèn dầu của cha, có thực những hàng đèn đường quyến rũ
 
 
tha thẩn lần đầu như mân mê mương nước đầu làng: những mảnh thủy tinh lượn quanh đàn cá phướn
khoai lang hồng bới lên từ nắng cạnh con đường
xâu bánh đa rắc vừng treo trên tường cũ quán
vượt qua sân vận động sang bên kia là gió hoa bòng*** rười rượi cổng trường
 
 
phố huyện giờ này ở đâu trong đám mây trắng kia
đêm nay
dưới ngọn đèn đường
cha ở trong phố huyện
trong đám mây
trong căn nhà đất
dưới một mét rưỡi hơn, trên có nhiều vòng hoa đang héo dần
 
 
ngọn đèn của cha
vẫn đang tiếp cháy trong con
hiện lên đầu dãy đèn đường đêm nay, và nối những đêm mai
 
Tokyo, 2.2007
 
--------------
Chú thích:
 
* Đây là bài đầu tiên trong chùm Đoạn trường vô thanh 断腸無声: Đứt ruột không tiếng, để tưởng niệm cha tôi, sẽ thực hiện dần cho đến ngày sang cát cho ông (gồm: thơ avq, thơ do avq dịch, và những nội dung khác nói về sự ra đi/sẽ ra đi không trở lại của thân xác giả tạm của kiếp người). Đặt tên chùm Đoạn trường vô thanh: Đứt ruột không tiếng là có bao hàm một ý để ghi nhớ những kỉ niệm nho nhỏ giữa hai cha con liên quan đến Đoạn trường tân thanh 断腸新声: Tiếng kêu mới đứt ruột [tức Kim Vân Kiều tân truyện, hay Kiều, Truyện Kiều] của cụ Tố Như.
 
Phụ chú của Tiền Vệ: Khi nhận được bài thơ này từ Ái Vân Quốc, chúng tôi có liên lạc ngay với anh và nhắc cho anh rằng nhan đề Đoạn trường vô thanh đã được nhà thơ Phạm Thiên Thư sử dụng trước năm 1975 ở Sài Gòn. Ái Vân Quốc vô cùng ngạc nhiên về sự trùng hợp ngẫu nhiên này. Anh sinh vào tháng 3 năm 1975 tại Hà Nội, và khi anh lớn lên sau 1975, thơ Phạm Thiên Thư không còn được lưu hành nữa, nên anh không hề biết rằng năm 1969 ở miền Nam Việt Nam nhà thơ Phạm Thiên Thư đã có sáng tác thi phẩm Đoạn trường vô thanh (xuất bản năm 1972 tại Sài Gòn), dài 3254 câu. Đoạn trường vô thanh của Phạm Thiên Thư đã đoạt giải nhất văn chương toàn quốc (Việt Nam Cộng Hoà) năm 1973, và nhiều đoạn trong thi phẩm đã được một số nhạc sĩ nổi tiếng phổ thành ca khúc. Nhà thơ trước ở miền Nam, nhà thơ sau ở miền Bắc, hai tác phẩm cách nhau gần 40 năm nhưng không ngờ lại có cùng một nhan đề! Sự trùng hợp ngẫu nhiên này chỉ có thể xảy ra ở Việt Nam, nơi đã phải trải qua một giai đoạn lịch sử vô cùng kỳ lạ.
 
** Nguyên văn: 老子曰。 天地尚不得長久。而況人乎 (phiên âm Hán Việt: Lão tử viết, thiên địa thượng bất đắc trường cửu, nhi huống nhân hồ). Câu này trích lại từ điều/điều mục/phẩm 37 (phẩm cuối cùng) của sách Lí hoặc luận 理惑論 do Mâu tử 牟子 (tức Mâu Bác 牟博), người Trung Quốc, soạn trong khoảng những năm 195-198, tại Luy Lâu [vùng Thuận Thành, Bắc Ninh, thuộc Việt Nam ngày nay] – nơi ông đã bỏ Nho, vứt Lão, để qui y Phật (có thể là do nhờ được học kinh Phật tiếng Việt / Kinh Phật tiếng Phạn đã dịch sang tiếng Việt lưu hành tại Giao châu lúc đó) [ở đây, tạm theo quan điểm của Trần Văn Giáp, Lê Mạnh Thát, Trần Nghĩa và một số vị khác].
 
*** hoa bòng: ngôn ngữ của cha tôi. Ông hay nói: hoa bòng, hoa bòng hoa bưởi, bòng bưởi.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021