thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
TỰ THUẬT VĂN HỌC: Những khó khăn & tác phẩm [kỳ 5]

 

THẾ UYÊN

(1935~)

 

 

Có một thời như thế...

 
 

Giáo dục và Chiến tranh

Trong khi theo học đại học ở Mỹ, tôi dần dà khám phá ra nền giáo dục xứ này không đề cao tinh thần thượng võ và ít chú trọng đến việc xiển dương, đề cao, khích động lòng yêu nước, nhiều như ở Việt Nam. Nếu lấy đơn vị là một cho dễ nói, nền giáo dục miền Nam Việt Nam đề cao tinh thần thượng võ và lòng yêu nước mười lần hơn Hoa Kỳ, và miền Bắc Việt Nam lại mười lần cao hơn miền Nam. Tôi lần mò tìm hiểu tại sao lại có hiện tượng như vậy, và khám phá ra nguyên nhân chính là do nhu cầu tồn tại của dân tộc Việt.

Nhìn xa về quá khứ, dễ hiểu tại sao hơn: dân tộc Việt vốn “đất không rộng người không đông”, không thượng võ và yêu nước hơn mức trung bình, làm sao chống lại xâm lấn và xâm lăng của các dân tộc đông đảo phương bắc, từ Hán, Mông đến Thanh. Lơi là cung kiếm một chút, hay mải mê đánh lẫn nhau, là lệ thuộc phương bắc ngay. Đến thời cận đại, không phải triều đại nhà Nguyễn không trọng binh đao, các vua dòng họ này không yêu nước như các triều đại trước, chỉ vì chậm trễ duy tân để hiện đại hoá quân đội, nhất là hải quân, nên đành chịu rơi vào vòng Pháp thuộc.

Bị lệ thuộc ngoại bang rồi, phải tìm cách vùng ra thôi. Phe bảo thủ thường “bảo thủ”, đương nhiên đề cao phương pháp võ lực như cũ, đánh lớn đã thua rồi, đành quay ra kháng chiến đánh nhỏ, du kích như Đề Thám, Phan Đình Phùng, Thiên Hộ Dương... và cũng thua luôn. Xong một thời kỳ. Nước Việt nam mất độc lập nhưng dân tộc Việt được sống trong hoà bình gần một thế kỷ, dù là thứ hoà bình thuộc Pháp.

Thực ra sự mất độc lập, chủ quyền quốc gia chỉ ảnh hưởng nhiều tới giai cấp trên, vua quan và sĩ, còn với đông đảo nông dân, đời sống vẫn thế, hoặc có thể cải thiện đôi chút tuỳ nơi tuỳ lúc. Sự thống trị của người Pháp khá nhẹ nhàng. Tại vài vùng (Nam kỳ), vài thành phố nhượng địa (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng...), còn nhẹ nhàng hơn hệ thống và nhân sự thời quân chủ và độc lập. Đọc thơ văn yêu nước và giảng cho học sinh, về chế độ thuế khắc nghiệt thời Pháp thuộc, để rồi sau này sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, thấy Pháp còn tử tế chán, còn để cho dân ăn cơm với cơm, độn khoai là có khi có khi không. Còn chế độ thuế khoá xã hội chủ nghĩa từ 1945 đến 1985, dân ngoài Bắc ăn độn 72% là chính, là thường trực, và sau khi thống nhất đất nước, thì cả nước ăn độn khoai sắn bo bo thêm hơn 10 năm nữa. Và về các nhân quyền căn bản, ngay một lãnh tụ Cộng Sản gốc Nam kỳ (Nguyễn Văn Chấn) còn viết sách than: thời Pháp tự do hơn nhiều. Vậy có thể nhiều áng văn chương yêu nước chống Pháp và chống Mỹ mà thời trước đề cao, nay nên xếp lại, cho hợp với lẽ công bằng trung bình của con người. Những bản văn nào quá đáng về tư tưởng, quá yếu về nghệ thuật, nên xếp vào loại văn chương tuyên truyền, văn chương cổ động, kể cả thơ văn Hồ Chí Minh và thơ văn chống Cộng quá khích của miền Nam và hải ngoại. Sự khác nhau giữa văn chương thường và văn chương tuyên truyền cổ động cũng tương tự sự khác nhau giữa hội hoạ và bích chương cổ võ chính trị và quảng cáo.[1]

Phe cấp tiến chủ trương hợp tác với kẻ thống trị để duy tân đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh đã. Rồi tính. Như Phan Chu Trinh, Tự Lực Văn Đoàn. Tuy khác nhau về phương pháp như thế, nhưng cả hai cùng đồng ý ở điểm chính là phải nuôi dưỡng, khích động lòng yêu nước. Dòng thơ văn yêu nước phát triển cao hơn và phổ biến rộng hơn các thời đại trước nhờ sự xuất hiện và sử dụng chữ quốc ngữ. Ở miền Nam, không cần đợi tới lúc thành lập được nước Việt Nam Cộng Hoà, ở những vùng mới được Pháp cho tự trị (được gọi là vùng quốc gia, đảng CSVN gọi là vùng tạm chiếm), những người lãnh đạo ngành giáo dục đã cho áp dụng ngay chương trình Hoàng Xuân Hãn, một chương tình tiến bộ đáng khen, về khoa học và nhân văn, mô phỏng nền giáo dục Pháp, nhưng đề cao hơn nhiều tinh thần yêu nước và thượng võ của lớp trẻ (miền Bắc không áp dụng chương trình Hoàng Xuân Hãn tuy đảng CSVN coi ông này như cảm tình viên của chế độ). Dân tộc Pháp độc lập lâu rồi nên chỉ cần duy trì những thứ đó ở mức vừa phải, còn Việt Nam đang lệ thuộc... Pháp, cần yêu nước dữ dội hơn, nồng nàn hơn. Để làm vốn làm căn bản cho mọi cuộc đấu tranh chống bất cứ ai cần chống, để giành độc lập trước đã, tin tưởng (sau này mới biết là lầm, như dân Việt đã có kinh nghiệm cụ thể) độc lập có nghĩa hạnh phúc, hay hạnh phúc hơn. Và tôi, người viết bài này, lớn lên và đi học đúng vào lúc chương trình HXH bắt đầu áp dụng.

Ngoài sự việc bị/được chương trình này hun đúc lòng yêu nước và thượng võ một cách chính qui (giáo dục học đường), bọn tôi còn bị/được xã hội giáo dục bổ sung và tăng cường qua thơ, văn, sách, báo, nhạc..., phổ biến dưới mọi hình thức. Sau hết, là tới giáo dục gia đình: tôi sinh vào một gia đình có những ông chú ông bác đã có lòng yêu nước cao bất thường: Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Nguyễn Tường Bách... Mẹ tôi dĩ nhiên theo truyền thống các anh em, còn bố tôi hồi còn đi học đã bị đuổi vì để tang Phan Chu Trinh và khi lớn hoạt động phục quốc bị chính quyền bảo hộ bắt và đánh hộc máu, vì thế được tha trở thành đau yếu, nghe lời những ông lang băm, hút thuốc phiện cho đỡ, và nghiện ngập từ đó...

Kể lể như vậy không phải để khoe khoang hãnh diện vì tôi đâu có quyền được chọn cửa mà sinh ra đời đâu. Tại định mạng, tại số thôi. Tại cái bánh xe luân hồi quay tít như bàn roulette, quăng cái ngã, cái ego, cái linh hồn, cái sắc không...là tôi, trúng vào ô có gia đình như thế. Có phải công của mình đâu mà tự hào, hãnh diện. Các cụ xưa có lý khi phán: Làm con, đâu được chọn cửa mà sinh ra.

Kể tứ tung như thế, cốt để cắt nghĩa và làm dễ hiểu sự kiện về sau này hai anh em tôi không sợ đi lính, không ngại ra chiến trường, thích hoạt động văn hoá xã hội và cả chính trị đôi khi (những con đường chông gai, những đoạn đường chiến binh...). Nhất là còn thêm yếu tố tôi dạy học môn Quốc văn, tuần nào cũng giảng “Chí làm trai, Chí tang bồng”, “Làm trai cho đáng nên trai, Xuống đông đông tĩnh lên đoài đoài yên”. Nhà thơ công tử trữ tình Nguyễn Du cũng còn biết đề cao thứ “gươm đàn nửa gánh non sông một chèo” mà “rạch đôi sơn hà” qua nhân vật Từ Hải... Giảng hoài, nói hoài, nó cũng thấm vào người chứ...

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

Đã đăng:

... “Những hạt cát” là tên của truyện ngắn đầu tiên tôi viết trên đời. Động cơ thúc đẩy không có gì là oai hùng, siêu hình siêu linh, hay sứ mệnh văn học hiện đại chi hết...: tôi viết chỉ vì bắt chước mọi người chung quanh, nhất là anh tôi, nhà văn Duy Lam... (...)
 
Không phải tôi bắt chước họa sĩ Picasso mà đặt tên các thời kỳ văn học bằng mầu sắc xanh đỏ vàng, mà vì văn chương viết thời kỳ cộng tác với tạp chí Tân Phong, thuộc dòng lãng mạn cổ điển kiểu Pháp thế kỷ 19, kiểu tiền chiến Việt Nam. Đặt tên màu xanh êm đềm như thế để phân biệt với vàng, đỏ như máu, văn chương có lửa, văn nghệ xám của nhóm văn hóa Thái Độ sau này... (...)
 
Nguyễn Tường là họ ngoại của tôi. Còn họ nội của tôi ra sao? Bố tôi là đứa con cuối cùng của giòng họ Cát ở Vân Đình, Hà Đông, không có gì lẫy lừng từ nhiều đời, ông nội tôi (chết sớm) chỉ là ông đồ... (...)
 
Thời gian xẩy ra sự cố nói trên, tôi đang cộng tác với nhật báo Chính Luận của Từ Chung và Đặng Văn Sung. Mới đầu tôi viết mỗi tuần một đoản văn... (...)
 

_________________________

[1]Những hồi ký về cải tạo, dù do người miền Nam hay miền Bắc viết, đạt nghệ thuật tối thiểu, tình cảm thành thật, không thuộc loại này.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021