thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Ngôn ngữ, văn học và chính trị

 

Hai năm trước, mới vừa chân ướt chân ráo trên đất Sài Gòn trong chuyến về quê thăm nhà, chưa kịp ngỡ ngàng trước những thay đổi của cảnh và người, tôi đã ngỡ ngàng trước lời mời của một người bạn lớn tuổi sau mấy phút hỏi thăm qua đường điện thoại: “Em cố tạo điều kiện ghé lại nhà anh chơi nghe!”

Dĩ nhiên là tôi không nghi ngờ gì sự thành thật của anh bạn nhưng thú thật rằng, lúc đó, tôi không thể nào dứt bỏ cái câu hỏi đang vẩn vơ lởn vởn ra khỏi cái đầu mệt đừ vì hiệu ứng jet-lag và khói bụi của đường phố Sài Gòn: tại sao, tại sao một lời mời thân tình như thế mà có thể khô cứng như những nghị quyết chẳng bao giờ thích hợp với đời sống thực?

Cứ tưởng là chẳng bao giờ nhưng, thực ra, lại là cái sự bất cứ khi nào. Cơ hồ, đến bất cứ nơi đâu, và gặp bất cứ người nào, tôi cũng ít nhiều va chạm với lối diễn ngôn không chút thần sắc và cá tính kiểu đó. Dạo vòng vòng theo nghĩa vụ thân tộc quanh một xóm nhỏ ở miền Trung cũng thế mà lặn lội ra tận những ruộng nương bậc thang tít tắp từng mây ở biên giới phía Bắc cũng thế. Thấy tôi nhìn mãi lên đầu tường bị đục ra lam nham với ánh mắt tò mò, ông anh họ cười hì hì phân bua, giọng đặc sệt Quảng Nam: “Mối ăn hết trơn nên phải đục ra, giải pháp tình thế thôi mà chú!” Mà, không để tôi kịp tiêu hoá cái “giải pháp tình thế” trên cái đầu tường lở lói thật ngứa mắt, chủ nhà đã mau mắn “quay sang hỏi tình hình”, và, chợt, hết thảy, những chuyện chi li và vụn vặt của đời sống cá nhân đều trọng thể hoá thân thành những “tình hình”; hết “tình hình kinh tế” thì “tình hình giáo dục”, hết “tình hình giáo dục” thì “tình hình sức khoẻ”, chuyện của tôi mà như thể là chuyện của nguyên một quốc gia hay của cả cái nhân loại này. Xa hơn, với chuyến du hành gọi là “đi để thấy quê hương” tận mảnh đất ở vùng cực bắc cũng vậy. Từng làm một cái nghiên cứu nho nhỏ về lịch sử thuốc phiện ở Việt Nam, tôi tiện miệng hỏi thêm về đời sống hiện tại của những bộ tộc H’mong từng khét danh với nghề trồng cây anh túc và, thế là, anh hướng dẫn viên du lịch tuổi đời mới ngoài hai mươi khoát tay hết sức tự nhiên: “Đồng bào đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng cả rồi”.

Lối diễn ngôn đóng hộp ấy, chắc hẳn, đã từ đâu chui vào mai phục đâu đó ở giữa hai lỗ tai để rồi gặp lúc tiện miệng chui ra. Chuyện gấp gáp phải làm qua quýt, làm tạm vậy thôi, có điều kiện mới phá ra xây lại, ý của ông chủ nhà chỉ đơn giản là vậy nhưng tại sao lại phải bài bản hiện ra như thể một nghị quyết để thông qua hay một văn bản để lưu lại đời sau? Tôi nghĩ đến chức sắc đầu gà làng nhàng ở địa phương của ông: cũng như nhiều dòng tộc khác ở miền Trung, tộc họ tôi cũng gánh chịu cái hệ lụy chính trị chia rẽ với một bên đứng dưới bóng cờ sao trắng, một bên phất cao cờ đỏ và cái lối diễn ngôn trịnh trọng với những cái không đáng trịnh trọng, khuôn sáo với những điều chưa hề trở thành khuôn sáo ấy, ắt hẳn, đã từ những đợt “sơ kết” hay “tổng kết” ở cơ quan hay hội nghị theo chân ông chủ nhà thuộc phái phất cao cờ đỏ thâm nhập vào tận xó bếp rồi leo lên những xà gỗ đã bị mối làm cho làm rỗng ruột. Mà nếu không có những bài diễn văn hay nghị quyết ở cơ quan thì cũng có những dòng thời sự phủ đầu ở cái loa truyền thanh công cộng đầu đường, ở những trang báo lổn nhổn chữ hình hay ở những giọng đọc kèm theo hình ảnh nhấp nháy ti vi. Có thế, anh bạn ở Sài Gòn chưa bao giờ đi họp chi bộ mới nhắn nhủ tôi “cố tạo điều kiện”, cho dù cái điều kiện ấy chỉ đơn giản là vẫy tay gọi một chiếc taxi hay một người lái xe ôm. Có thế, anh chàng hướng dẫn du lịch có lẽ chưa bao giờ trịnh trọng “kính thưa đại hội” trước đám đông mới trơn tru một cách tự nhiên về cái sự “chuyển đổi cơ cấu cây trồng” giữa vùng đất ở tận cùng phương bắc của tổ quốc.

Và cũng chính mảnh đất cực bắc ấy lại làm tôi nhớ những lời tương tự trên một cuốn phim của những năm đầu thập niên 80. Phim dở tệ. Phim dở đến độ chỉ sau một thời gian ngắn là tôi quên sạch, thậm chí quên cả cái tên. Mà không chỉ là chết yểu về nghệ thuật, nó còn chết yểu cả về chính trị khi cả cái nơi đã mang nặng đẻ đau ra nó, Xưởng phim truyện Việt Nam, chẳng buồn nhắc lại trong bảng liệt kê thành tích. Phim dựng lại khung cảnh cuộc chiến biên giới năm 1979 với cảnh quân bành trướng dã man tiến vào rồi quân ta dũng cảm đánh ra và, trong cái cái cảnh đổ nát hoang tàn ấy, một anh phóng viên Nhật mặt mày ngớ ngẩn đã từ đâu trên trời rơi xuống, đăm đăm đôi mắt ngớ ngẩn sau cặp kính cận dày cộm, miệng lẩm bẩm một mình, ngớ ngẩn hết chỗ nói: “Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!”

Ngớ ngẩn hết chỗ nói thật. Nó ngớ ngẩn đến độ không chỉ làm tôi bật cười vào cái lúc lẽ ra phải nghiến răng bật khóc căm hờn mà còn bắt tôi nhớ mãi một câu chuyện mình không thể nào nhớ nổi cái tên, không thể nào nhớ nổi diễn biến và không thể nào nhớ nổi nhân vật chính. Tôi không nhớ nhân vật anh hùng giữa cái đội ngũ anh hùng. Tôi không nhớ cái đội ngũ anh hùng đó đã đánh tan quân thù ra sao và đã kề vai sát cánh trong tình đồng đội như thế nào. Cái mà tôi nhớ chỉ là một nhân vật cực kỳ phụ khi bị tác giả giao phó một nhiệm vụ cực kỳ lớn là lôi kéo cả nhân loại đứng về trận tuyến chống chủ nghĩa bành trướng bá quyền. Mà đâu phải chỉ là mỗi một cuốn phim về đề tài chính trị không còn là thời thượng? Nhiều người, như nhà văn Ngô Thị Kim Cúc chẳng hạn, đã lên tiếng về những lời thoại vô hồn, sống sượng và thiếu cá tính trên màn ảnh lớn hay nhỏ Việt Nam chỉ vì ấp ủ quá nhiều thông điệp chính trị đạo đức và quá nghiêm cẩn với tính bài bản và mực thước: khoan nói đến những thiếu thốn tài chính, khoan nói đến những bất cập trong kỹ thuật hay nghệ thuật diễn xuất, cái dở đầu tiên của điện ảnh Việt Nam là cái dở từ khâu kịch bản, trong cái dở của khâu kịch bản thì cái dở đầu tiên nằm ngay ở lời ăn tiếng nói của nhân vật, và trong cái dở của lời ăn tiếng nói thì cái dở đầu tiên là sự sống sượng vô hồn. [1] Và đâu chỉ là ngôn ngữ của điện ảnh không thôi? Tại diễn đàn Đại hội VII của Hội nhà văn Việt Nam, đã có người, như nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến, ưu tư trước sự mất dần thần sắc và cá tính của ngôn ngữ văn chương, cái sự đánh mất mà ông ta ví von bằng lời của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về những dòng chữ “bò trên trang giấy giống như bầy kiến, không hồi hộp, không vang động”. [2]

Cái gì đã tước đoạt thần sắc và cá tính của ngôn ngữ ở đủ lĩnh vực và cấp độ như vậy?

Nguyên nhân, ắt hẳn, là do chính trị.

Nếu trong chính trị người ta hướng đến cứu cánh của mình bằng cái giá của phương tiện thì, khi trở thành phương tiện của một nỗ lực vận động chính trị thiếu thần sắc, ngôn ngữ và văn học đã phải trả giá bằng chính thần sắc của nó. Và nếu thần sắc, hay là giá trị trung tâm của một nền văn hoá hay văn học, là hệ thống những điển phạm thể hiện ở những thành tựu cao nhất, được thừa nhận là kinh điển thì giá trị trung tâm của một nỗ lực vận động chính trị chính lại là cứu cánh, là những giá trị lý tưởng cùng những đường lối chính sách để đạt tới cái cứu cánh ấy. Thế nhưng, khi những giá trị lý tưởng ấy không phải là thành tựu của một nỗ lực tự tìm tòi với những thần sắc nhân văn mà chỉ là một sự du nhập máy móc hay áp đặt duy ý chí thì trung tâm của nỗ lực vận động chính trị lại là cái thế giới quan máy móc và gượng ép của nhóm người mệnh danh “tập thể lãnh đạo”. Họ quyết định du nhập cái gì. Họ có quyền giải thích món hàng nhập cảng ấy theo kiểu gì. Và như thế, khi “nguồn hàng” bên ngoài xê dịch, hệ thống những bản vị bên trong cũng xê dịch. Khi quan hệ lãnh đạo bên trong xê dịch, giá trị trung tâm của trò chơi chính trị ấy cũng xê dịch.

Sâu rộng hơn, vấn đề còn là tác động giữa thiểu số quyền lực đó và cái tập thể rộng lớn gọi là đại chúng qua nỗ lực quảng cáo chính trị mệnh danh giáo dục và tuyên truyền. Nỗ lực vận động chính trị, trước hết, là một nỗ lực quảng cáo chính trị. Trong thương mại, nhà quảng cáo phải làm sao đó để giới tiêu thụ cảm nhận được một nhu cầu mới, ngay cả khi họ thực sự không có nhu cầu thì, trong chính trị, nhà quảng cáo phải làm sao để cho công chúng cảm nhận cho bằng được một hiện thực mới, cho dù đó không phải là... hiện thực. Từ “hiện thực cách mạng” cho đến “hiện thực xã hội chủ nghĩa”, hết thảy, cũng chỉ là những sản phẩm quảng cáo. Để triệt bỏ một hệ thống chính trị, cái hiện thực tạo ra phải khiến công chúng cảm thấy rằng, không thể chần chờ thêm nữa, họ phải, thật máu me, vùng lên cách mạng. Để duy trì một hệ thống chính trị, cái hiện thực tạo ra phải khiến công chúng thấy được rằng, bất kể thực tế trước mắt cam go thế nào, thế cũng là tươi đẹp lắm rồi hay, cùng lắm, chỉ là chuyện tạm thời trước mắt thế thôi.

Nhưng tạo ra hiện thực không phải là công việc của nhà chính trị. Những lãnh tụ chính trị, trong một giai đoạn chừng mực nào đó, có thể băm nát, có thể đảo tung những cơ sở kinh tế hay phong tục tập quán đặc thù một xã hội nhưng, để tạo ngay cho được nên một hiện thực theo khuôn mẫu lý tưởng, nhất định họ phải mượn tới bàn tay nghệ sĩ. Cái khuôn mẫu lý tưởng ấy càng xa vời bao nhiêu, họ càng cần và càng lấn sân văn nghệ bấy nhiêu.

Không phải ngẫu nhiên mà, từ Adolf Hitler đến Benito Mussolini, rồi Mao Trạch Đông, Saddam Hussein, Hồ Chí Minh, Trường Chinh hay Lê Đức Thọ, hầu như ai cũng, tinh tế hay sỗ sàng, tìm cách thể hiện ở con người mình một phong cách nghệ sĩ.[3] Không mảng màu đường cọ thì cũng câu thơ lời văn, không câu thơ lời văn thì cũng giọng điệu phê bình: hay hay dở là một chuyện nhưng cái chính là họ ngứa ngáy, họ không thể khoanh tay phó mặc cho giới nghệ sĩ tung hoành trong cái trọng trách tạo nên hiện thực ấy. Hẳn nhiên, cái tâm lý sử dụng nghệ thuật để làm nhoà đi hình ảnh thủ đoạn và sắt máu của con người chính trị cũng là một nguyên nhân nhưng điều quan trọng hơn là cái mục tiêu tạo nên hiện thực. Với họ thì giới văn nghệ phải, bằng cách nào đó, biến cái thế giới quan khô cứng của mình thành một thứ hiện thực dễ tiêu thụ, y hệt cái nhu cầu mới mà nhà quảng cáo thương mại bày ra cho giới tiêu thụ. Không phải ngẫu nhiên mà, cứ một lần xã hội va chạm với thực tế cay nghiệt của những thí nghiệm chính trị, là một lần giới lãnh đạo lại quan tâm hết mức đến chuyện văn nghệ. Đại hội thành lập Hội nhà văn Việt Nam diễn ra năm 1957, là cái năm chứng kiến những hệ lụy thảm khốc của cải cách ruộng đất ở nông thôn và phong trào “Trăm hoa đua nở” trong lĩnh vực văn nghệ, là hai món hàng nhập từ Trung Quốc. Đại hội thứ hai của cái hội ấy diễn ra năm 1963, là cái năm mà xã hội miền Bắc phân hoá sâu sắc bởi cuộc đấu tranh chống xét lại và chống chủ nghĩa hoà bình, cũng là món hàng nhập cảng từ Trung Quốc. Rồi đến đại hội lần thứ ba, diễn năm 1983 giữa cảnh kiệt quệ, đói nghèo và vỡ mộng: bắt giới văn nghệ chờ đợi suốt mười hai năm chiến tranh đã đành, những lãnh tụ chính trị, trong tư thế của người chiến thắng hãnh tiến, đã bắt họ chờ đợi thêm những tám năm hoà bình cho đến khi không thể nào tiếp tục hãnh tiến được nữa, và phải chờ tới lúc đó thì giới nghệ sĩ mới có được ngày hội của mình, cái ngày hội “tẻ nhạt diễn ra với sự sắp đặt trước, báo cáo tham luận duyệt trước, nhân sự chỉ định trước, dưới sự chỉ đạo trực tiếp sít sao của Bí thư Trung ương đảng Hoàng Tùng...”. [4]

Cứ như thế, cứ mỗi lần người dân chán ngán thất vọng, cứ mỗi lần người nghệ sĩ bẽ bàng hay, như bây giờ, chao đảo không định hướng, là một lần có đại hội hội nhà văn. Hội là để tập hợp những người có khả năng tạo ra hiện thực. Đại hội là để định hướng cái hiện thực họ phải tạo ra.

Mà cái sự định hướng ấy thì, ngay từ năm 1943, giữa cái thời hoạt động bí mật cam go, đã được lãnh tụ đảng Trường Chinh vạch ra rồi, thô sơ nhưng rạch ròi đâu ra đó trong bản “Đề cương về văn hoá Việt-nam”. Năm năm sau, khi đã yên tâm hơn về sự vững vàng của chiến khu Việt Bắc, lãnh tụ ấy lại khai triển cái định hướng thô sơ một cách bài bản hơn với bài tham luận “Chủ nghĩa Mác và văn hoá Việt Nam” đọc tại Đại hội Văn hoá toàn quốc năm 1948, bài tham luận sau đã được in thành sách để trở thành cái la bàn văn nghệ.[5] Và ngay từ trong cái đề cương thô sơ đầu tiên, nhà lãnh tụ đã nhấn mạnh rằng “Đảng không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa”, rằng “đảng tiên phong phải lãnh đạo văn hóa tiên phong, rằng “lãnh đạo được phong trào văn hóa, Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả”. Sâu hơn, bàn về “Vấn đề cách mạng văn hoá Việt-nam”:

1. Quan niệm của người C. S. về vấn đề cách mạng văn hóa:
       a. Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội.
       b. Cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do đảng C. S. Đ. D. lãnh đạo.
       c. Cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công (cách mạng văn hóa phải đi sau cách mạng chính trị). Những phương pháp cải cách văn hóa đề ra bây giờ chỉ là dọn đường cho cuộc cách mạng triệt để mai sau.
  
2. Nền văn hóa mà cuộc cách mạng văn hóa Đông-dương phải thực hiện sẽ là văn hóa xã hội chủ nghĩa.
  
3. Ba nguyên tắc vận động của cuộc vận động văn hóa mới Việt-nam trong giai đoạn này:
       a. Dân tộc hóa (chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, khiến cho văn hóa V. N. phát triển độc lập).
       b. Đại chúng hóa (chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng).
       c. Khoa học hóa (chống lại tất cả những cái gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ).[6]

nhà lãnh tụ ấy đã thể hiện sự bén nhạy quảng cáo khi vạch ra rằng, để thực hiện cuộc cách mạng văn hoá xã hội chủ nghĩa, họ phải bám sát những nguyên tắc chẳng quan hệ gì đến cái chủ nghĩa ấy. Dân tộc và đại chúng chẳng quan hệ gì với chủ nghĩa xã hội đã đành. Còn khoa học thì, hẳn nhiên, làm sao đi đôi một hệ tư tưởng duy ý chí như vậy? Dường như ông Trường Chinh cũng ý thức được điều này nên ông ta mới nhấn mạnh đến trình tự trước sau của cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá, thậm chí còn nhấn mạnh thứ sự trước sau ở mức độ “dọn đường” và “triệt để”. Mà chữ “triệt để” này thì, khi đã gắn liền với một cái tên như Trường Chinh, vốn được vay mượn từ một chiến dịch của Hồng quân Trung Quốc, lại gợi nhắc đến ý niệm “chuyên chính vô sản” sắt máu theo kiểu Maoist. Và khi nhấn mạnh đến thứ tự trước sau ấy của sự “triệt để”, vị lãnh tụ này đã ý thức rất rõ sự khác biệt giữa quảng cáo chính trị và quảng cáo thương mại. Nếu nhà quảng cáo thương mại chỉ có cái lưỡi thì những nhà quảng cáo chính trị còn có chuyên chính vô sản, là thứ mà họ chỉ có thể áp dụng khi đã “hoàn tất cách mạng chính trị”, nghĩa là giành được chính quyền.

Chính quyền, như thế, còn ngụ ý cái sự độc quyền. Độc quyền từ cái thế đứng về phía dân tộc hay phía đại chúng, độc quyền cả tính khoa học và độc quyền cái sự tiến bộ. Khi chính quyền toàn trị hình thành thì cách mạng văn hoá sẽ triệt để diễn và những điển phạm văn hoá sẽ bị lung lay bởi sự độc chiếm của điển phạm chính trị.

Đặc điểm lớn nhất của chế độ toàn trị là sự độc quyền về tư tưởng. Khi mà ngôn ngữ, như là phương tiện để tư duy và để phô diễn tư tưởng thì, vô hình trung, độc quyền tư tưởng đã dẫn đến tình trạng độc quyền ngôn ngữ.

Có hình thành và phát triển, ngôn ngữ cũng hình thành và phát triển như những chọn lựa mang tính cộng đồng. Chính cộng đồng xã hội, dưới sự hướng dẫn của những giá trị tinh hoa thể hiện ở những lối nói và lối viết đặc thù trong những tác phẩm tinh hoa -- từ thơ Bà Huyện Thanh Quan đến Nguyễn Du, Tú Xương, Tản Đà hay văn Thạch Lam, Nguyễn Tuân v.v... -- để hình thành nên tiêu chí của ngôn ngữ. Thế nhưng khi quyền chọn lựa ấy nằm trong sự định hướng của một thiểu số quyền lực thì vấn đề sẽ khác bởi tiêu chí của ngôn ngữ phải nép mình dưới tiêu chí của chính trị, thứ chính trị như một trò chơi phô diễn quyền lực và cưỡng đoạt chân lý. Rất là duy ý chí, cái sai của thiểu số quyền lực sẽ trở thành cái đúng. Cũng rất là duy ý chí, cái ngoại lệ của thiểu số sẽ trở thành quy luật phổ quát và cái nôm na thô kệch của họ cũng trở thành cái điển mực và tinh hoa. Cứ nghe những lời nhàm chán của một người như ông Nguyễn Đình Thi khi ca ngợi “văn phong Hồ chủ tịch”, cái lối nói “giản dị như quần chúng” của vị lãnh tụ này như là điển mực cao nhất. [7] Và cứ nghe những lời chắc như gạch của ông ta hay những văn nghệ sĩ khác khi đốp chát với quan niệm “không biết học văn chương thì không phê bình văn chương” của những người như Phan Khôi. Khi cái sự “giản dị như lối nói của quần chúng” được xem là “văn phong” thì tính độc sáng, yếu tố làm nên thần sắc của ngôn ngữ và văn chương, phải chào thua trước tính phổ cập và bình dân. Và khi kẻ không biết học văn có thể dạy dỗ văn chương thì văn chương đã bị đặt dưới chính trị và tính thẩm mỹ đã bị đặt dưới tính công năng.

Ngôn ngữ , trong tình trạng này, sẽ trở thành một thứ ngôn ngữ một chiều, một thứ ngôn ngữ máy, ngôn ngữ sen đầm, một ngôn ngữ chết.

Tạo nên một “hiện thực” là chọn lọc hiện thực, là định hướng giá trị hay ý chí hoá hiện thực. Tốt hay xấu, tiến bộ hay phản động, bản chất hay hiện tượng v.v.. hiện thực sẽ được tái hiện hay tạo nên theo một định hướng, một khuôn mẫu có sẵn. Khi xã hội và con người đã bị đoàn ngũ hoá triệt để thì, cơ hồ, ngôn ngữ cũng bị đoàn ngũ hoá. Khi hiện thực, là cái được biểu đạt, đã bị xem thường như thế thì ngôn ngữ, như một phương tiện để biểu đạt, cũng bị xem thường. Mà ngôn ngữ còn là một công cụ của tư duy, và khi tư duy bằng thứ ngôn ngữ bị xem thường thì vai trò của trí tuệ sẽ càng bị hạ thấp. Khi chữ “ta” trở thành cái đuôi của mọi ý niệm chính trị, xã hội và thẩm mỹ ngụ ý tích cực, thế giới chợt phân cực thành hai phe, cao thấp và tốt xấu rất rõ ràng. Khi, hàng chục năm trời, từ những lãnh tụ cao cấp nhất cho đến anh xã viên hợp tác ở tầng thấp nhất, tự nhiên gọi “thằng Mỹ” thay vì “nước Mỹ”, họ sẽ mất khá nhiều thời gian mới học được cách ứng xử bình thường giữa thế giới văn minh.[8] Khi một nông dân thuộc loại vô sản lưu manh nhờ -- trong buổi đấu tố địa chủ nào đó, cầm ngược tờ giấy đọc vanh vách bản cáo trạng đầy lập trường giai cấp mà cán bộ cải cách đã kiên nhẫn bắt anh ta học thuộc lòng suốt mấy ngày trời – để có được sự thành đạt nào đó trong xã hội thì, hầu như, cả xã hội sẽ nhiễm cái thói quen trơn tru những điều mà mình không thể nào hiểu nổi và dễ dàng nhường cho người khác cái quyền suy nghĩ thay cho mình.[9] Mà để tồn tại trong một xã hội như thế thì tất cả, ít hay nhiều, cũng phải biết làm chính trị. Hoặc là hùng hổ độc chiếm diễn đàn làm loài nhai lại trước những nghị quyết, những văn kiện và, thậm chí, cơn mê của những lãnh tụ. Hoặc, bất quá, là xa lánh và giữ im lặng, là khép kín bên lề như những kẻ bất hợp tác. Gì thì gì, hậu quả sẽ là, từ một nhân vật ngoài đời cho đến nhân vật trong tác phẩm văn chương, tác phẩm điện ảnh hay sân khấu, ai cũng có thể trơn tru những thông điệp chính trị vô hồn mà mình chẳng bao giờ hiểu được hay cảm được.

Chính vì thế mà, khi một nhà nghiên cứu như ông Hoàng Ngọc Hiến hay một nhà văn như Hoàng Phủ Ngọc Tường kêu ca về “vấn đề nghiêm trọng” của tiếng Việt, về sự “vô hồn” hay “không vang động” của những trang giấy văn chương, khi một nhà văn như Ngô Thị Kim Cúc kêu ca về những “đoạn văn mẫu” trên màn bạc, có lẽ họ đã không chú ý đến tính khái niệm của vấn đề. Cho dù những yếu tố như sự trong sáng của tiếng Việt, ngữ pháp của tiếng Việt, kỹ thuật viết văn hay viết kịch bản v.v... cũng quan trọng nhưng đó là sự quan trọng mang tính kỹ thuật. Điều quan trọng hơn là phải dứt ra khỏi cái đầu mình cái nếp nghĩ đã bị điều kiện hoá sau một thời gian dài phó mặc cho một thiểu số quyền lực cái quyền suy nghĩ, là phải đưa những điển phạm văn học và ngôn ngữ về đúng vị trí của chúng.

Nếu giá trị trung tâm của hệ thống điển phạm văn học – ngôn ngữ Việt Nam, nói theo Nguyễn Hưng Quốc, là Truyện Kiều, và người có công trong việc xây dựng trung tâm ấy là Phạm Quỳnh thì, chính Trường Chinh, với bản đề cương thô sơ năm 1943 và bản tham luận khai triển năm năm sau, đã xô lệch những điển phạm thẩm mỹ ấy ra khỏi vị trí xứng đáng của chúng.[10] Khôi phục lại chỗ đứng của những điển phạm thẩm mỹ cũng có nghĩa là khôi phục lại chỗ đứng của người đã có công xây dựng hệ thống giá trị ấy. Và như thế, nếu những biện pháp mang tính khái niệm nào cũng được đột phá những đòn bẫy mang tính kỹ thuật thì, có lẽ, thay vì chọn một diễn đàn chính thức như đại hội nhà văn để than thở, những người quan tâm đến vấn đề cần chọn những diễn đàn như thế để chính thức khôi phục chỗ đứng xứng đáng của những người như Phạm Quỳnh, người đã bị lãnh tụ văn nghệ Đặng Thai Mai chê bai một cách bất công và vô căn cứ, chẳng hạn như cho rằng Phạm Quỳnh chỉ đủ tiếng An-nam để lừa người Tây và đủ tiếng Tây để lừa người An-nam.

Lý do là, trước khi thoát khỏi cái bóng của những con ngáo ộp chính trị thì cũng phải thoát ra khỏi cái bóng của những ngáo ộp văn nghệ, những kẻ chuyên tái chế suy nghĩ của mấy con ngáo ộp chính trị...

 

_________________________

[1]Xem Ngô Thị Kim Cúc: “Bao giờ phim Việt “thật” hơn?”. Ngôn ngữ giả: “Không thiếu những phim Việt (ngay những phim tương đối thành công) có những lời thoại khiến khán giả cứ tưởng đang nghe đọc văn mẫu. Những đối thoại chỉ có trong sách vở, hoàn toàn không xuất hiện trong đời thực. Nhân vật thuộc loại ít học hay tâm lý đơn giản lại sử dụng thứ ngôn ngữ quá văn hoa phức tạp. Chỉ trong văn mẫu dạy trẻ em, người ta mới sử dụng loại câu có đủ các thành phần, nhằm luyện cho trẻ viết đúng. Trong đời thực lời thoại ngắn gọn hơn, dễ hiểu hơn và nhất là tự nhiên hơn. Chính những đối thoại giả này góp phần vào diễn xuất không đạt của diễn viên. Diễn viên không thể nói năng một cách bình thường như ngoài đời, mà phải học thuộc lời thoại để trả bài.”

[2]“Con người không có rễ, nó có hai bàn chân”, tham luận của Hoàng Ngọc Hiến, đọc tại Đại hội VII Hội Nhà văn Việt Nam tháng 3.2005: “Việc sử dụng tiếng Việt và khai thác những khả năng kỳ diệu của nó đương là một vấn đề nghiêm trọng trong đời sống văn hoá nước ta. Những người cầm bút viết kỹ lưỡng, quan tâm đến sự chính xác của từ, sự chính xác của âm hưởng và cấu trúc nhằm diễn đạt thật chính xác những suy nghĩ và cảm xúc thực của mình ngày càng ít đi, trong khi một số khá đông cắm cổ viết nạp bài ăn tiền với một tiếng Việt nghèo nàn, nhợt nhạt, sáo nhàm, thậm chí cẩu thả, nhếch nhác... những dòng chữ của họ bò trên trang giấy giống như "bầy kiến, không hồi hộp, không vang động".” (Chữ trong ngoặc kép là của Hoàng Phủ Ngọc Tường).

[3]Adolf Hitler từng làm hoạ sĩ và khi cầm quyền vẫn cầm cọ. Benito Mussolini từng viết báo, viết văn, một tiểu thuyết của Mussolini đã được dịch sang tiếng Anh với tựa đề The Cardinal's Mistress. Saddam Hussein đã cho xuất bản hai cuốn tiểu thuyết là Zabiba and the King, Steadfast edifice và một bộ dự định xuất bản thì bị lật đổ. Hiện Hussein còn đang làm thơ trong tù. Cũng như Hồ Chí Minh, Mao Trạch Đông cũng rất sính làm thơ. Cả Lê Đức Thọ cũng xuất bản được 6 tập thơ riêng, chưa kể hai tập đứng chung với người khác.

[4]Xem Bùi Minh Quốc, 2005, “Mấy ý kiến về Hội”. Chú ý là những đại hội nhà văn gần đây (1986, 1995, 2000 và 2005) đều diễn ra song song với sự phân hoá hay khủng hoảng sâu sắc về tư tưởng của giới lãnh đạo và, do đó, cả giới cầm bút.

[5]Sau đó bài tham luận này đuợc in thành sách. Theo tác giả Vũ Thư Hiên thì thực chất cuốn Chủ Nghĩa Mác Và Vấn Đề Văn Hóa Việt Nam của Trường Chinh được sao chép theo cuốn Chủ Nghĩa Mác Và Công Cuộc Phục Hưng Nền Văn Hóa Pháp (Le Marxisme et la Renaissance de la culture Francaise) của Roger Garaudy, trong đó: “Bố cục cuốn sách gần như giữ nguyên, thậm chí Trường Chinh trích dẫn đúng những đoạn mà Roger Garaudy trích dẫn Mác, Engels, và cả Jean Fréville”. Xem Vũ Thư Hiên, 1997, Đêm Giữa Ban Ngày, Văn Nghệ, California, chương 18.

[6]Xem Trường Chinh, “Đề cương về Văn Hoá Việt-nam”.

[7]“Văn Hồ Chủ tịch giản dị như tâm hồn của nhân dân. Cái lớn lao của một nhà tư tưởng là tìm được đường lối giản dị, soi sáng cả muôn ngàn sự việc rắc rối, hỗn độn của đời sống hằng ngày. [...] Hồ Chủ tịch nói là để làm và để mọi người làm. Người nói một câu, viết một câu, bao giờ cũng chú ý làm sao người tầm thường nhất cũng hiểu và làm theo được.” Nguyễn Đình Thi, 1995, Người là Hồ Chí Minh, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.

[8]Xin đưa ra một số thí dụ: phản ứng của Đại sứ Lê Văn Bàng sau khi bị bắt vì tội bắt sò trộm ở New York; bài diễn văn của nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khi đáp lễ nguyên tổng thống Mỹ Bill Clinton năm 2000.

[9]Xem Vũ Ngọc Tiến, phần về cải cách ruộng đất trong loạt bài “Điều tra đời sống nông thôn Bắc Việt Nam giai đoạn 1954-1975”, talawas.

[10]Xem Nguyễn Hưng Quốc, “Điển phạm: một trung tâm của lịch sử và phê bình văn học”.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021