thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Nữ quyền luận và đồng tính luận

 

Gần đây, vấn đề nữ quyền trong văn học lại được nhiều người chú ý, ít nhất là ở hải ngoại. Tiếc, một vấn đề quan trọng như vậy lại không được đi kèm bởi những nỗ lực phân tích và lý luận nghiêm chỉnh để có thể thuyết phục được giới cầm bút cũng như giới độc giả.

Tôi viết bài này không phải để bổ sung những thiếu sót ấy mà chỉ như một sự gợi ý và gợi hứng, nếu được. Với mục đích như thế, tôi chỉ viết thật ngắn. Ngắn đến độ không có cả các chú thích cần thiết. Tuy nhiên, tôi biết trong các đồng nghiệp nữ của tôi ở hải ngoại, có không ít người có thừa khả năng truy nguyên được xuất xứ của các tài liệu ấy.

 

*

 

Phê bình nữ quyền luận bắt đầu thịnh hành từ cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, một mặt, như một nỗ lực lý thuyết hoá các phong trào tranh đấu cho nữ quyền rầm rộ trong xã hội Tây phương lúc bấy giờ; mặt khác, như một bước phát triển mới những phát hiện táo bạo của hai nhà văn nữ nổi tiếng khá lâu trước đó là Virginia Woolf (1882-1941) và đặc biệt, Simone de Beauvoir (1908-1986). Cả hai cây bút nữ này đều phê phán gay gắt: chính nền văn hoá phụ hệ đã đẩy phụ nữ ra vị trí ngoài lề của xã hội cũng như của văn học nghệ thuật. Trong văn hoá ấy, nam giới được xem là đồng nghĩa với nhân loại, đồng nhất với lịch sử, còn phụ nữ thì bị nhìn như một “cái Khác” (Other), lúc nào cũng ở vị thế phụ thuộc, phải dựa vào nam giới mới có thể tự định nghĩa được chính mình.

Các nhà nữ quyền luận sau này xuất phát từ rất nhiều giác độ khác nhau, với những phương pháp luận có khi khác hẳn nhau, đều cùng chia sẻ một số niềm tin chung:

Một, tất cả những cái gọi là chủ thể tính, bản ngã và bản sắc, bao gồm cả bản sắc của nữ giới - thường được gọi là nữ tính - không phải là những gì tất định và bất biến, hay nói như Beauvoir, “người ta không sinh ra là phụ nữ, người ta trở thành phụ nữ.”

Hai, cơ chế tiêu biểu nhất trong việc đàn áp phụ nữ chính là nền văn hoá phụ quyền, hay thỉnh thoảng, với một số nhà nữ quyền, còn được gọi là nền văn hoá duy dương vật (phallocentric culture).

Và ba, nhiệm vụ của các cây bút nữ không phải chỉ là chống lại mọi hình thức áp chế của nam giới mà còn phải cố gắng xác định một thứ mỹ học riêng của nữ giới, từ đó, thiết lập nên những điển phạm (canon) riêng, và cuối cùng, xây dựng những tiêu chí riêng trong việc cảm thụ và đánh giá các hiện tượng văn học.

Nói đến những khác biệt giữa giới tính nam và nữ, người ta thường căn cứ trên năm yếu tố chính:

                - sinh lý,

                - kinh nghiệm,

                - vô thức,

                - các điều kiện kinh tế, xã hội, và

                - diễn ngôn. (discourse)

Ngày xưa (và hiện nay vẫn còn, ở một số nơi nào đó trên thế giới), người ta căn cứ chủ yếu vào yếu tố sinh lý để chứng minh phụ nữ là những ‘người đàn ông bất toàn’ (imperfect men), là những kẻ không có gì cả, trừ... tử cung (woman is nothing but a womb); sau, dưới ảnh hưởng của Freud, người ta xem phụ nữ là những kẻ không có cu và không lúc nào không bị day dứt bởi mặc cảm bị thiến (castration complex). Một số nhà nữ quyền luận muốn chứng minh ngược lại: chính nhờ một số đặc điểm riêng biệt về sinh lý, như việc có kinh, có thai, có sữa và sinh đẻ, người phụ nữ có quan hệ gần gũi và mật thiết với thế giới vật lý và với hiện thực nói chung hơn hẳn đàn ông. Những phân tích này dẫn một số nhà nữ quyền luận đến với phân tâm học: trong khi nam giới, khi chớm có ý thức, đã phải tách ra khỏi mẹ của mình để nhập vào thế giới phụ quyền của bố, phụ nữ, ngược lại, ở mãi với mẹ, xây dựng bản sắc của mình bên cạnh mẹ. Những chọn lựa ban đầu này hằn trong vô thức của hai giới những dấu ấn không dễ gì phai nhạt: nam giới hay nghĩ đến quyền, nữ giới hay nghĩ đến trách nhiệm; nam giới thích những sự thay đổi, nữ giới thích sự ổn định; nam giới thích thứ trật tự phân cấp (hierarchical orders), nữ giới thích sự hài hoà. Các nhà Mác-xít tìm cách giải thích những khác biệt và nhất là cách biệt giữa nam và nữ ở các điều kiện kinh tế và xã hội, từ hệ thống giáo dục đến cách phân công lao động và cách tổ chức gia đình, vốn có truyền thống nằm trong tay nam giới và ưu tiên dành hẳn cho nam giới.

Năm 1968, trong cuốn Sex and Gender: On the Development of Masculinity and Femininity, Robert Stoller phân biệt hai khái niệm giống (sex) và giới tính (gender): trong khi giống gắn liền với đặc điểm sinh lý, giới tính là yếu tố do văn hoá quy định, gồm toàn bộ những phản hồi được điều kiện hoá đối với cách nhìn của xã hội về tính cách của nam và nữ. Ðây là một trong những nền tảng tư tưởng của các nhà nữ quyền luận thuộc thế hệ thứ hai: trong khi những khác biệt về sinh lý là những điều không thể tránh khỏi, họ tập trung vào những sự bất bình đẳng xuất phát từ văn hoá, gắn liền với những phạm trù giới tính như ‘nam tính’ (masculinity) và ‘nữ tính’ (femininity).

Trong lãnh vực văn học, Annis Pratt cho phê bình nữ quyền luận nhắm đến bốn mục tiêu chính: một, cố gắng phát hiện và tái phát hiện các tác phẩm văn học của phụ nữ; hai, phân tích và đánh giá các khía cạnh hình thức văn bản của các tác phẩm ấy; ba, tìm hiểu xem những tác phẩm ấy đã phản ánh quan hệ nam nữ ra sao; và bốn, mô tả những sự phát triển của các yếu tố liên quan đến huyền thoại và tâm lý liên quan đến người phụ nữ trong văn học.

Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý với những mục tiêu này. Lillian S. Robinson lý luận là bốn mục tiêu ấy xác lập trên cơ sở bốn cách tiếp cận quen thuộc dựa trên: thư mục, văn bản, chu cảnh (context) (hay xã hội học) và phê bình theo khuynh hướng cổ mẫu (archetypal criticism), và cả bốn đều là sản phẩm của nam giới. Bởi vậy, nhiệm vụ của các nhà phê bình nữ quyền luận là phải xa lánh thay vì đi theo các cách tiếp cận ấy. Elaine Showalter cổ xuý cho sự ra đời của cái bà gọi là ‘nữ phê bình gia’ (gynocritics), bên cạnh loại phê bình nữ quyền (feminist critique) đã có, ở đó, phụ nữ chỉ tham dự với tư cách người đọc. ‘Nữ phê bình gia’ có nhiệm vụ xác lập cái khung lý thuyết và mỹ học riêng để phân tích các tác phẩm văn học của phụ nữ, để phát triển những mô hình phê bình dựa trên kinh nghiệm riêng của phụ nữ hơn là chỉ tiếp nhận những mô hình và lý thuyết do nam giới dựng nên. Trên thực tế, tham vọng thoát ra ngoài các lý thuyết được xem là mang dấu ấn phụ quyền đã có không phải là điều dễ. Bản thân cách tiếp cận dựa trên văn bản của Showalter cũng chỉ là một sự thừa kế muộn màng của Phê Bình Mới vốn thịnh hành mấy thập niên trước đó mà thôi. Hầu hết các nhà phê bình nữ quyền luận khác đều nằm trong những cái khung quen thuộc khác: hoặc phân tâm học hoặc hậu cấu trúc luận hoặc Mác-xít (còn được gọi là chủ nghĩa nữ quyền duy vật, materialist feminism).

Từ cuối thập niên 1980, dưới ảnh hưởng của hậu cấu trúc luận và chủ nghĩa hậu hiện đại, các nhà nữ quyền thuộc thế hệ thứ ba cho vấn đề giới tính thực chất là vấn đề thể hiện (representation), một hệ thống biểu trưng hay hệ thống ý nghĩa nối liền các giống với những giá trị văn hoá và đẳng cấp xã hội tương ứng. Theo Barbara Johnson, vấn đề giới tính thực chất là vấn đề ngôn ngữ; theo Dale Spender, cái ngôn ngữ chúng ta đang sử dụng hiện nay vốn là ngôn ngữ do nam giới tạo ra: bà gọi đó là ‘man-made language’; theo Judith Butler, cả giống lẫn giới tính đều có tính chất trình diễn (performance), sản phẩm của một ma trận tính dục dị giới (heterosexual matrix); và theo Hélène Cixous, khái niệm ‘Từ tâm luận’ (logocentrism), vốn được xem là nền tảng của văn minh Tây phương, gắn liền chặt chẽ với chủ nghĩa duy dương vật (phallocentrism), ở đó, nam giới luôn luôn đóng vai trò trò thống trị.

Nếu giới tính (gender) chỉ là vấn đề thể hiện và không nhất thiết bị quy định bởi giống (sex), loài người cũng không nhất thiết chỉ có hai tính: tính nam (masculinity) và tính nữ (femininity). Ðây chính là cơ sở bước đầu để một số lý thuyết gia chuyển từ nữ quyền luận sang ‘thuyết lệch pha’ (queer theory).

Trong tiếng Anh, chữ ‘queer’ có hai nghĩa: một, người đồng tính nam; và hai, kỳ quái. Trong hai ý nghĩa này, ý nghĩa thứ hai nổi bật hơn, do đó, với khá nhiều học giả, ‘thuyết lệch pha’ được xem là thuật ngữ có nội hàm rất rộng, bao trùm cả hai lãnh vực Ðồng tính nam (Gay) và Ðồng tính nữ (Lesbian), và cả một lãnh vực khác, mới hơn, Chuyển giới tính học (Transgender Studies).

Mối quan tâm chung của thuyết lệch pha và các lý thuyết liên hệ là giới tính và tình dục. Nền tảng mà thuyết lệch pha sử dụng để phân tích các vấn đề này chủ yếu là kiến tạo luận (constructionism), một đối cực của yếu tính luận (essentialism). Liên quan đến vấn đề giới tính, trong khi yếu tính luận nhấn mạnh vào khía cạnh sinh lý và cho sự khác biệt giới tính là điều tự nhiên, do “Trời sinh” và có tính chất vĩnh cửu, kiến tạo luận, ngược lại, chủ trương tính dục là sản phẩm của vô số các mã văn hoá và thế lực chính trị khác nhau: tất cả tương tác với nhau, dẫn đến việc hình thành những quy phạm nhất định để dựa theo đó, người ta phân chia nhân loại và sinh hoạt tình dục của nhân loại thành những phạm trù khác nhau.

Từ cái nhìn mang tính kiến tạo luận như vậy, những người thuộc thuyết lệch pha cho quan niệm lưỡng phân nam/nữ cũng như toàn bộ các vấn đề liên quan đến tính dục và giới tính đều có tính xã hội và lịch sử. Ðiều đó có nghĩa là tất cả những điều được gọi là ‘bình thường’ hay ‘bất bình thường’ đều chỉ có ý nghĩa rất tương đối. Ðiều đó lại cũng có nghĩa là điều họ bị gọi và tự nhận là ‘kỳ quái’ (queer), thật ra, không ‘kỳ’ mà cũng chẳng ‘quái’ chút nào cả: khi cái ‘bình thường’ không có thật thì cái gọi là ‘kỳ quái’ cũng chỉ là một ý niệm ảo. Ở đây, chúng ta thấy rõ ảnh hưởng của các nhà hậu cấu trúc luận, đặc biệt của Michel Foucault đối với thuyết lệch pha. Theo Foucault, tình dục là một sản phẩm của diễn ngôn hơn là một điều kiện tự nhiên, và cũng giống như mọi hình thức diễn ngôn khác, tình dục chịu ảnh hưởng nặng nề của các quan hệ quyền lực trong xã hội; những ảnh hưởng ấy không phải chỉ ở những sự cấm đoán hay ức chế mà còn ở những sự cho phép và tạo nên những ý nghĩa mới cho hoạt động tình dục.

Nếu những người đồng tính nam và đồng tính nữ trước đây nuôi tham vọng xây dựng bản sắc của mình trên quan hệ cùng giới tính, những người theo thuyết lệch pha, thường có thái độ cực đoan hơn, hoài nghi cả cái gọi là ‘giới tính’ cũng như ‘bản sắc’ nói chung. Theo Judith Butle, cái gọi là giới tính chỉ là một sản phẩm hư cấu của văn hoá, một sự cách điệu hoá được lặp đi lặp lại thường xuyên của thân thể; còn bản sắc thì lúc nào cũng ở trong tiến trình được kiến tạo, một cái gì đang được hình thành. Chính vì vậy, những người theo thuyết lệch pha tự nhận là không thể xác định được bản sắc lệch pha của chính họ.

Nói chung, trong mấy thập niên vừa qua, các nhà phê bình theo thuyết lệch pha (bao gồm cả Ðồng tính nam và đồng tính nữ học) đã có những đóng góp đáng kể trong cả ba lãnh vực. Một, khai quật lại lịch sử văn học trong đó những người đồng tính bị ức chế và áp chế. Hai, phát hiện và phân tích nhiều tác phẩm văn học do những người đồng tính sáng tác trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Và ba, phân tích tính chất bất ổn và bất định trong toàn bộ những cái gọi là bản sắc giới tính hay những quy phạm trong đời sống tình dục của nhân loại. Ðóng góp trong hai lãnh vực đầu chủ yếu thuộc về những nhà Ðồng tính nam và đồng tính nữ trong những thập niên 1970 và 1980. Ðóng góp sau cùng chủ yếu thuộc về những lý thuyết gia và học giả lệch pha từ đầu thập niên 1990 đến nay.

Riêng văn học Việt Nam thì vẫn như một Chử Ðồng Tử chôn mình dưới cát chờ những công chúa Tiên Dung từ những xứ nữ quyền luận hoặc đồng tính luận xa xôi nào đến... phát hiện.

Chờ mãi từ thời Hùng vương thứ 18 đến giờ.

 

28.4.2005

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021