thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [23]
(tiếp theo)

 

Thư của LT:

“Anh có khỏe không? Còn em thì ốm thật rồi anh ạ. Suốt từ hôm qua đến nay, em phải nằm suốt, đau đầu, đau cổ họng, chẳng nói năng được gì cả. Em nghĩ, một phần lý do em ốm cũng là tại thằng bồ mà em đang phải sống với nó bây giờ. Thấy mấy thứ đồ em mang về tuần trước, đặc biệt là thấy cái nhẫn kim cương, nó gầm lên như sư tử ấy anh ạ. Rồi ngay lập tức nó thu biên luôn mấy cái thẻ tín dụng của em. Chắc chắn nó sẽ mang đi kiểm tra ở nhà băng. Nếu thấy tiền còn nguyên vẹn thì em còn chết với nó nữa. Thằng này ghen lắm. Rồi nó sẽ còn tra khảo, làm tình làm tội em chán chê về cái chuyện tại sao lại có những thứ này. Ôi, em đau đầu quá, chẳng biết rồi sẽ phải giải quyết mọi việc như thế nào”.

Tại sao em không nói dối rằng bố em ở Việt Nam nuôi lợn dành dụm mua nhẫn kim cương cho em đeo chơi?

“Thằng bồ em nó không tin đâu, nó vẫn nghĩ Việt Cộng nghèo mạt rệp, ốm o gầy mòn ba thằng đeo cành đu đủ không gẫy đấy. Em đau đầu lắm. Từ hôm qua, nó đã mang trả mấy cái thẻ tín dụng vào chỗ cũ. Nó cũng chưa nói gì, nhưng em biết đấy chỉ là chút yên lặng trước cơn bão. Một khi nó mở miệng thì không biết là cái gì sẽ đến với em đây”.

Thì em cũng mở miệng lại bằng “thơ” của các đồng chí Mở Miệng là nó sợ em ngay.

Chiều tà Bảo Lộc. Phương Bối Am xưa cũ của thày Thích Nhất Hạnh chỉ còn mấy trụ đá gió lộng. Nguyễn Đức Sơn đeo túi vải cong người lầm lũi đưa tiễn Trịnh Cung, Thận Nhiên và tôi xuống đồi. Nhiên bảo trông anh Sơn hay quá. Anh Sơn kể, tụi cán bộ đến đây hỏi tại sao người ta lại gọi đây là dốc Sơn Núi? Tôi bảo người ta gọi là dốc Sơn Núi hay dốc Sơn Nồn thì tôi cũng đâu có cãi được. Dẫu sao thì anh Sơn cũng thành danh nhân rồi, có tên đường từ ngay lúc sinh thời. Rồi anh Sơn bảo tôi: “Ông còn giữ tư tưởng Thiên Chúa giáo thì không khá được. Ông cần phải biết Vatican là mầm mống của sự hỗn loạn trên thế giới”. Anh Sơn cũng bảo “Thích Nhất Hạnh không phải là hành giả”.

Tiếng anh Sơn chào chúng tôi vang trên đồi hoang, rất xa.

Tôi không hiểu tại sao Nguyễn Đức Sơn lại để hai mươi mẫu đất hoang vu thế, cũng như tôi không hiểu tại sao Nguyễn Đức Sơn lại cứ phải vác nặng cái túi vải trên vai ngay trên đất nhà mình như thế. Tôi không hiểu Nguyễn Đức Sơn tu hành hay không tu hành. Tôi không hiểu Nguyễn Đức Sơn phá chấp hay cố chấp. Anh Sơn bảo tôi không hiểu được sự vô lý. Nhưng tôi không cho rằng sự phủ định là cách đến chung cuộc.

Uống Trà Tiên ở Phong Quán xong, Trịnh Cung về lại Sài Gòn. Tôi và Thận Nhiên đi tiếp lên Buôn Ma Thuột. Đường đèo đẹp nhưng gấp khúc. Chiếc Lexus xào tôi lộn ruột.

Thư của LT:

“Nhân việc anh nói đến nhà thổ, em kể cho anh nghe chuyện này ở Đức. Có nhiều chị em ở các nước như Thái Lan, Philippine, Nga, mấy nước Đông Âu cũ… đến dây hành nghề này. Theo thằng bạn của thằng bồ em kể lại thì cách bài trí chỗ làm việc của các chị em Thái Lan là hay nhất. Trong phòng nào chị em cũng treo một tấm ảnh quốc vương rất to của họ. Chắc là để hằng ngày nhìn ngắm, tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn đối với ông ta. Mà kể ra thì với những chị em này, ông ta cũng đáng được suy tôn và biết ơn thật. Nếu ông ta không cho đi thì chị em lấy đâu ra cơ hội mà xúc Euro về nước. Em nghe nói, chỉ cần hành nghề 10 năm ở đây là chị em có thể lo cho cả một đại gia đình hằng mấy thế hệ của họ có một cuộc sống hết sức đàng hoàng.

Cũng nhân chuyện này, tự nhiên em lại nhớ đến đất nước mình. Nếu chị em ở ta cũng được cấp phép cho ra nước ngoài hành nghề như chị em Thái Lan thì chắc là họ cũng biết ơn nhà nước lắm. Biết đâu trong mỗi phòng của các chị lại chẳng có một chân dung của lãnh tụ. Cũng hay chứ anh nhỉ”.

Ừ. Rằng hay thì cũng hay. Nhưng các chị em Việt Nam hành nghề ở Hà Khẩu Trung Quốc chẳng thấy ai treo hình lãnh tụ. Có lẽ vì giá của các chị em ở đấy bèo quá chăng?

Trong nhà dài của già làng, bố ca sĩ Y Zăck, tôi được đồng chí nghệ sĩ nhân dân Y Moan mời khai rượu. Tôi vốn không biết uống rượu, nên lẽ ra phải uống hết một sừng mới được trao cần cho người khác, tôi chỉ nhắp một chút. Tuy thế bà mẹ của Y Moan cũng đeo vào cổ tay tôi chiếc vòng chúc phúc. Cồng chiêng của các người anh em nổi lên vui nhộn. Không vào buôn để nghe nhạc Trần Tiến, Nguyễn Cường, tôi bảo Y Moan cho tôi nghe âm nhạc bản địa của các anh và cho tôi nghe hát “kứt”. Tôi không tin là Y Moan đã dịch đúng những gì người anh em kia hát đối đáp. Tuy thế, tôi vẫn thấy các em gái Tây Nguyên rất kháu khỉnh (Y Moan bảo toàn là con cháu trong nhà, anh Viện thích thì cứ bỏ bùa). Móc ngón út vào nhau nhảy múa, tôi nhớ buổi sáng đi thăm trang trại của ông chủ cà phê Trung Nguyên ở M’Drăk. Những con heo rừng đực được nhốt chung chuồng với những con heo mọi cái. Ông chủ Trung Nguyên bảo chúng tôi sẽ có một loại heo mới gọi là heo núi. Heo núi sẽ chinh phục thị trường thịt. Bravo. Y Moan chiếm quyền già làng chỉ định người uống rượu và làm MC chương trình văn nghệ giao lưu. Bravo. Ở M’Drăk có ngựa đua Phú Thọ làm giống. Nhưng thác nước Draysap không còn khói. Con đường vào thác Gia Long rừng cháy loang lổ. Cây đổ giữa đường, tôi và Thận Nhiên cùng với cậu tài xế dọn lối đi. Các em ở ngã ba Cai Chanh mồ hôi nhễ nhại bảo tụi em lao động ngày 24 tiếng, bất cứ lúc nào các anh thích cũng chiều. Phải ôm hỏa tiễn Sam lao xuyên táo hai máy bay Mỹ một lượt mới gọi là tiết kiệm, có hiệu quả kinh tế. Bravo. Nhậu thịt dê, nói chuyện tiếu lâm, uống rượu ngọc dương bổ lắm. Nhưng bổ để làm gì? Về Buôn Ma Thuột. Tuột. Tuột. Tuột... Có cái nắng có cái gió có cái đó… (*)

Dưới âm phủ không có trăng. Nguyễn Du nằm mở mắt nhìn những bóng ma bay phất phơ, không vui không buồn. Thúy Kiều cũng không buồn không vui ôm ngang cái bóng tối người Nguyễn Du, hỏi bao giờ thì chúng ta tan đi? Nguyễn Du không trả lời, tiếp tục nhìn những bóng ma khác bay lượn. Thúy Kiều lại hỏi, sao chúng ta không bay lượn như họ? Nguyễn Du vẫn không nói gì, xoay người úp mặt vào bóng tối của Thúy Kiều để cho nước chảy lênh láng.

 

26.3.2005

 

---------------------------
(*) Nhạc Nguyễn Cường

 

(còn tiếp)

 

----------------

Xem kỳ trước:

Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [3]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [4]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [5]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [6]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [7]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [8]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [9]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [10]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [11]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [12]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [13]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [14]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [15]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [16]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [17]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [18]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [19]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [20]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [21]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [22]

 

Lời toà soạn:
Trong thư gửi về toà soạn Tiền Vệ, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ ý định viết một thể loại truyện tạm gọi là “truyện mở”. "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai" là một thí nghiệm đầu tiên của “truyện mở”. Tác giả chỉ viết một câu: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”. Bên dưới đính kèm địa chỉ mail. Đó là một địa chỉ thật. Truyện có thể chấm dứt ở đó, cực ngắn, hoặc sẽ rất dài, tùy thuộc vào sự tham gia của các “em”. Qua từng email tác giả nhận được từ các “em”, câu chuyện sẽ được viết tiếp, và có thể kéo dài... vô hạn.
 
"Em có gì bí mật, hãy mail cho anh" là hệ quả tự nhiên của "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai", sau khi tác giả nhận được một số email từ độc giả đáp lại lời mời gọi của ông. "Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]" và những kỳ tiếp theo sẽ có thể làm “truyện mở” này trở nên “rất dài và rất dai“ như tác giả dự đoán.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021