thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [20]
(tiếp theo)

 

Bí mật của Nguyễn Du (Trích bản thảo Hồi Ký Viết Dưới Âm Phủ):

“Ngay khi tôi vừa viết truyện Kim Vân Kiều xong còn chưa ráo mực, nó đã bị đánh cắp. Lúc ấy là giờ Dần, tôi buông bút sau câu tám cuối cùng “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” với một cảm giác thanh thản kỳ lạ. Tôi ra nhà sau đi giải, trước khi nghĩ mình có thể yên nghỉ bình an. Nhưng trở vào nhà, xấp bản thảo đã không còn trên phản. Ngọn đèn dầu lạc leo lét không làm chứng được điều gì. Tôi gọi tất cả người nhà dậy. Không ai biết gì. Cũng không ai có vẻ là thủ phạm vụ đánh cắp.

Buồn bực, tôi lên giường nằm. Cái tâm của mình không cảm được bọn bất lương. Đêm ấy, tóc trên đầu tôi bạc đi một nửa và rụng mất một phần ba. Tôi biết mình đang rơi vào một tình thế nguy hiểm. Trong lúc hôn mê, tôi đã thấy Thúy Kiều sầu muộn. Nàng đọc lại câu thơ tôi viết “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao” và nàng cởi bỏ xiêm y cho tôi nhìn cái thiên nhiên của nàng lần cuối.

Mười ngày sau, tôi được mời lên quan phủ. Gươm giáo thị vệ sáng lòa.

Kẻ xét hỏi tôi vốn là một đồng môn cũ.

“Mày cho mình là ai mà dám viết những dòng này?”

Tôi là thi sĩ.

“Mày tưởng là thi sĩ thì mày muốn viết gì thì viết phỏng?”

Tôi chỉ sao chép lại một cái truyện cũ bên Tàu.

“Mày có sao chép thì cũng phải biết gạn lọc chứ. Tao nói cho mày biết nhé: Đấy là một thứ văn chương đồi trụy phản động. Vừa đầu độc nhân dân bằng thói dâm ô, vừa có âm mưu chống đối triều đình”.

Tôi chỉ làm văn chương qua những số phận con người.

“Mày còn ngoan cố hả? Đề cao một con đĩ, tôn vinh một thằng làm loạn, văn chương của mày cổ xúy cho bọn bất minh về chính trị. Chẳng những thế mày còn viết bằng chữ Nôm để dễ bề phát tán tuyên truyền. Mày là thằng phản quốc”.

Tôi bị bắt đi lao động cải tạo ba năm ở những nơi rừng sâu nước độc. Khi được thả về, tôi chỉ còn kịp viết “Chiêu hồn thập loại chúng sinh” rồi chết. Đấy cũng là tác phẩm mà trong suốt ba năm cải tạo, tôi đã luôn nghĩ đến. Tôi ai điếu cuộc đời”.

Thư của Tiểu Muội:

“Em mà yêu ai, em sẽ phải biết gia đình người ta như thế nào, phải gặp cái bà mẹ chồng tương lai của mình. (Thế thì làm sao em lấy chồng Đài Loan được). Mà rất có thể bà ta chẳng ưa gì em. (Khó lắm). Bởi em là đứa có tài mà không có đức. (Nhưng cần đẹp em ạ). Tuy là rất thực dụng nhưng đó là thực tế. Em không phải con trai. Nếu em là một thằng đàn ông, rất có thể em coi tình yêu là thứ bay bổng, viển vông. (Đàn bà con gái coi tình yêu là viển vông bay bổng thì cũng đâu có sao). Kỳ thực ra mà nói, cũng có mất gì đâu. (Đàn bà còn chả mất huống chi đàn ông). Yêu một cô, hay vài cô thì cũng như nhau mà thôi. (Khác chứ, mất sức nhiều hơn là cái chắc). Nhưng em lại là con gái. (Sao không yêu một lúc vài anh?). Hahahaha, có thằng đàn ông nào lại muốn người yêu mình đã có vốn lặn lưng dăm bảy mối tình không? (Có, em cứ tưởng tượng xem, một ngày đẹp trời, có một cô gái đến và nói: “Thưa anh, em đã chuyên cần học tập, trau dồi nghiệp vụ, rút tỉa kinh nghiệm (dân chơi gọi là có nghề), sẵn sàng để yêu anh”. Trong trường hợp đó, tất cả mọi gã đàn ông biết hưởng thụ đều gật đầu OK).

Thư của LT:

“Đúng như anh mách nước cho em, quả là thằng bồ em có bồ mới thật anh ạ. Em đã bõ công theo dõi và bắt được hai đứa đang vừa ăn tối vừa hú hí với nhau ở một cái quán Tàu cách nhà em có mấy phố. Em không ngờ bọn nó lại dám liều lĩnh đưa nhau đến ăn uống ở đây. Chúng nó quá chủ quan. Cả em cũng đã quá chủ quan. Nhưng có lẽ em cũng chẳng ghen với con bé kia làm gì, thậm chí còn thấy thương hại nó. Em đã nhìn rất kỹ, về mọi phương diện nó đều kém rất xa em và em có cảm giác rằng nếu thằng bồ em không cặp với nó thì con ấy cũng chẳng cặp được với ai khác. Thôi thì cứ để cho nó có một cơ hội anh ạ”.

Em nói phải, thương người như thể thương thân, chia sẻ cho cô gái kia biết tí mùi đời. Cái đấy người ta gọi là độ lượng, hoặc cũng có thể gọi là thực thi tinh thần bác ái của chủ nghĩa cộng đồng tài sản (viết tắt là cộng sản, không liên can gì đến chủ nghĩa Marx).

“Có một chuyện này hay hay, em muốn kể cho anh. Trên đường từ cái quán trên về nhà, vô tình thế nào mà em lại gặp một thằng bạn cũ thuở còn đi học anh ạ. Thằng này ngày trước cũng rất thích em (em biết chắc chắn như thế), nhưng vì có người yêu rồi nên em cũng chẳng chú ý đến nó mấy. Hai đứa rất vui (em cũng chẳng biết tại sao mà tự nhiên lại vui như thế), và khi nó rủ vào một cái quán gần đó để uống nước, em chẳng ngại ngần gì mà không đi theo nó luôn. Trong câu chuyện, em biết nó đang rất buồn vì vừa mới chia tay với người yêu xong. Hai đứa không hợp nhau. Nó cũng ngỏ ý là rất muốn thỉnh thoảng được đi chơi, tâm sự với em, và em cũng đã bằng lòng anh ạ. Nếu không có gì thay đổi thì chiều mai em lại đi chơi với nó nữa. Em đi được, vì theo chương trình, em biết tối mai thằng bồ của em cũng bận họp hành gì đó tới khuya mới về, (giờ nó có họp thật hay họp giả thì em cũng chẳng quan tâm). Ngày mai, có chuyện gì mới nữa em sẽ lại kể cho anh nghe.

Em rất chung thủy của anh”.

“Em rất chung thủy của anh” là một câu hài dở em ạ. Ông ăn chả, bà ăn nem. Đấy là truyền thống hào hùng của dân tộc. Cứ thế mà phát huy.

Bí mật của Nguyễn Du (trích bản thảo Hồi Ký Viết Dưới Âm Phủ):

“Trong ba năm cải tạo, tôi học được một điều là “con người là một sinh vật có tội”. Lúc ấy tôi chưa biết con người có tội tổ tông truyền, cũng như tội theo lý lịch. Trong trại cải tạo có đủ mọi thành phần, từ trộm cắp đến cờ bạc, đĩ điếm, chống phá triều đình… Có cả bọn ăn tục nói phét cũng bị bắt vào đây với tội danh “khi quân”. Tất cả phạm nhân muốn được thả về với gia đình đều phải làm một bản tự kiểm, xác nhận tội lỗi của mình và thành khẩn hối cải, xin triều đình khoan hồng. Đây là vấn đề gay go nhất của tôi. Làm thế nào có thể nhận tội khi mình tự xét thấy không có tội? Một giác ngộ mang tính cách mạng về sự liêm sỉ của con người”.

 

13.3.2005

 

(còn tiếp)

 

----------------

Xem kỳ trước:

Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [3]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [4]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [5]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [6]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [7]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [8]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [9]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [10]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [11]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [12]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [13]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [14]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [15]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [16]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [17]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [18]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [19]

 

Lời toà soạn:
Trong thư gửi về toà soạn Tiền Vệ, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ ý định viết một thể loại truyện tạm gọi là “truyện mở”. "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai" là một thí nghiệm đầu tiên của “truyện mở”. Tác giả chỉ viết một câu: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”. Bên dưới đính kèm địa chỉ mail. Đó là một địa chỉ thật. Truyện có thể chấm dứt ở đó, cực ngắn, hoặc sẽ rất dài, tùy thuộc vào sự tham gia của các “em”. Qua từng email tác giả nhận được từ các “em”, câu chuyện sẽ được viết tiếp, và có thể kéo dài... vô hạn.
 
"Em có gì bí mật, hãy mail cho anh" là hệ quả tự nhiên của "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai", sau khi tác giả nhận được một số email từ độc giả đáp lại lời mời gọi của ông. "Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]" và những kỳ tiếp theo sẽ có thể làm “truyện mở” này trở nên “rất dài và rất dai“ như tác giả dự đoán.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021