thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [19]
(tiếp theo)

 

Thư của Ti:

“Tại sao anh lại thích phiêu lưu vào bí mật của người khác?”

Không phải vì tôi tò mò. Bí mật của mỗi người thường là một bi kịch, bởi thế tôi muốn được chia sẻ. Chắc bạn còn nhớ, khi mở đầu câu chuyện, “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh” chỉ là câu nói gợi ý cho một nỗi lòng được phơi mở. Tôi muốn T nói cái điều sâu kín nhất là một tình yêu thầm lặng. Từ đó, tôi cũng muốn mọi nỗi niềm u ẩn khác được tỏ bày.

Tôi rất thích nhân vật nhà thơ hàng xóm của LT khi ông ấy cho rằng mọi người đều là tương sinh (bởi thật ra, sinh - khắc cũng chỉ là một). Trong cách nhìn ấy, chúng ta cảm thấy được hòa giải và có trách nhiệm với nhau.

Thư của LT:

“Tự nhiên em lại thấy thích anh hơn thằng bồ của em bây giờ. Dạo này chẳng hiểu tại sao mà tự nhiên nó lại mê họp hành đến thế anh ạ. Tuần lễ có bảy ngày thì nó đi họp đi hành tới năm ngày. Chẳng biết họp hành cái gì mà ngày nào cũng về rất khuya. Có ngày nó ở chỗ họp tới sáng hôm sau luôn. Nhưng cái mà em tức nhất là, vì họp hành nhiều quá nên nó mụ mẫm hết cả đầu óc. Đã về muộn thì chớ, đêm ngủ nó lại toàn mê sảng. Nó cứ hô xung phong, xung phong suốt. Trong khi đó cái mà em cần nó xung phong thì đã từ lâu lắm rồi nó chẳng xung phong gì cả.”

Anh phải thành thật và có phần lỗ mãng mà nói với em rằng: Em hơi bị tối dạ. Tuần lễ có bảy ngày mà thằng chồng em đi họp năm ngày chỉ có nghĩa là nó họp ở nhà bồ nhí thôi. Hai ngày còn lại nó về nhà với em chẳng qua để dưỡng sức còn đi họp tiếp. Hiểu chửa? Bởi thế nó còn sức đâu mà xung phong với em.

Chịu khó cày cuốc để dành tiền mua vé máy bay về Việt Nam với anh. Ở Việt Nam, tuy một tuần anh đi họp bảy ngày, nhưng mỗi ngày anh đều có giờ thứ 25 dành cho em.

“Hôm nay trời đẹp lắm”. Tiểu Muội viết. “Tự nhiên em nghĩ bây giờ có người đèo mình đi loanh quanh ngoài đường thì hạnh phúc nhỉ? (Sao không nghĩ người ấy là anh?). Em thích gục đầu lên vai người ta, ngắm đường phố, người qua lại. Không thấy mình lạc lõng quá. Trời đẹp thế này, và nắng thế này, và gió. (Và anh nữa chứ). Ra Hồ Tây bây giờ chắc là nhiều đôi bên nhau lắm.

Sáng nay em đi qua công viên. Thấy hai người đang hôn nhau rất đắm đuối. Em định quay đi. Nhưng không hiểu sao em cứ vẫn nhìn họ. Đột nhiên em thấy sợ. Em sợ cho cô gái rồi cũng như em…” (Có thể tất cả mọi gã đàn ông đều sở khanh, ngoại trừ anh).

Thư của Tiểu Muội gián đoạn vì cô chợt nhớ tới việc mình phải học bài ôn thi, nên vội quay về, bỏ lại nụ hôn dở dang của cặp tình nhân. Trong lúc học bài, mắt cô nhìn sách, còn tay cô vẽ những bờ môi.

Thư của LT:

“Trong số hàng xóm nhà em có một thằng cha rất đểu anh ạ. Thí dụ, hôm nay nó phạm một lỗi rất lớn với anh (vu khống chẳng hạn), như mọi người, đáng lẽ nó phải đến nhà xin lỗi anh, đơn giản có thế thôi, thì nó lại không làm như vậy. Nó ra đường tìm một người nào đó để giúp đỡ, đưa ông già bà già qua đèn xanh đèn đỏ, khiêng xe nôi giúp các bà mẹ lên xuống cầu thang, mang vác đồ đạc giúp người nọ người kia… Hỏi thì nó bảo, nó cũng ăn năn về những việc nó đã gây ra cho anh lắm, và đây là cách nó chuộc lại lỗi lầm. Hôm nào chúng em ra đường mà thấy thằng cha nào đang tích cực giúp đỡ ai đó thì biết ngay là nó lại vừa phạm lỗi gì đó với một người nào khác, về nhà điều tra lại thì thấy y như rằng, mười lần không sai một, anh ạ.

Anh nghĩ thằng cha này thuộc dạng gì?”

Tương cận văn nghệ sĩ.

Tiểu Muội ngồi học bài, nhưng sự im lặng của bầy ruồi làm cho cô trống trải. Cô lại bò ra hàng net và viết cho tôi: “Em rất ghét sự yên tĩnh. Em sợ phải ngồi một mình. Em sợ cô đơn. (Thì đi hát karaoke ôm với anh). Em sợ bị lãng quên. (Thì hãy chọc tức người khác). Em sợ đứng trước biển nhưng cũng ghét ở giữa nơi rừng núi. (Thì lên trung du mà ở). Cả hai đều rất hoang vu. (Dễ tức cảnh thành thi sĩ lắm em ạ). Vì thế, tuy em hay kêu ca Hà Nội đông đúc ồn ã, bon chen, em vẫn thích ở thành phố này. (Người thủ đô thì oách rồi). Bởi em có thú vui là ngồi ngắm nghía đèn đường và những người qua đường. (Coi chừng hư mắt).

Mọi người bảo tính em thất thường đến kỳ quái. (Thế thì ớn quá). Em cứ như là một mối mâu thuẫn lớn. (Động lực của sáng tạo đấy). Tự ti nhưng cũng rất kiêu hãnh. Yếu đuối mà lãnh đạm. (Không sợ bị kẻ lạ lợi dụng tấn công). Trước mặt mọi người thì đanh đá chỏng lỏn. (Khó tìm người yêu lắm). Sau lưng thì khóc lóc tại sao chẳng ai hiểu được mình. (Thế mới là một tâm hồn lớn). Em thấy thật khổ cho bố mẹ, những người đã sinh ra em, và khổ cả cho ai trót yêu em. (Không sao, anh chịu khổ quen rồi).

Anh nói gì về sở thích của anh đi”.

Sở thích của anh: Yêu màu tím. Thích nhạc Trịnh. Rảnh xem phim và du lịch. Mong gặp người trung thực để kết bạn, nếu hợp sẽ đi xa hơn… Thư về cho Tiền Vệ. Ưu tiên cho thư có kèm hình.

Thư của LT:

“Anh Viện ơi, em có chút chuyện này chán quá, muốn tâm sự cùng anh… Anh biết không: Thằng bồ của em lại đi suốt cả ngày cả đêm hôm qua, trưa trờ trưa trật hôm nay mới vác mặt về nhà, tưởng như mọi khi, em hỏi: Lại họp hành nữa à? Họp gì mà họp lắm thế? Thì nó trả lời: Họp hành gì đâu, đi ăn cỗ người chết. Bà N chết từ tuần trước nhưng còn để trong nhà lạnh ở bệnh viện. Hôm qua mới mang ra làm đám ma, rồi làm cỗ, ăn, tất cả các cụ đều say bò ra, anh cũng say.

Anh thấy đi ăn cỗ người chết mà chúng nó cũng say sưa được thì có khốn nạn không”.

Ăn thịt người sống, chúng nó cũng say thế thôi.

Thư của Tiểu Yêu:

“Nhiều lúc em chỉ muốn chết. Nhưng nghĩ chết rồi mà vẫn làm phiền hà người khác như ma chay, phúng điếu, giỗ chạp thì em lại không muốn chết nữa. Em ghét sự phiền hà, căm thù lòng thương hại. Vả lại, cũng dở hơi, sống thì lo giữ lo giấu, vậy mà chết thì để cho người ta vầy vọc cái thân thể đã chẳng còn ra gì. Có lẽ em sẽ chọn cách tự đi tới huyệt mộ, mang theo một cuốn sách, một cái đèn pin, một lọ thuốc ngủ. Cũng có khi chỉ cần một chai rượu. Em nhờ người ta đóng mộng nắp quan tài, lấp đất và chừa cho em một lỗ thông khí. Em uống thuốc, nằm đọc sách (truyện của anh) và suy nghĩ như bây giờ em vẫn suy nghĩ. Sống như bây giờ em đang sống. Hoặc nốc hết chai rượu chẳng nghĩ gì cả, chẳng sống gì cả và ngủ vĩnh viễn”.

Em ơi, đừng vội. Truyện của anh còn nhiều, chưa đọc xong hết, không nhắm mắt được đâu.

 

9.3.2005

 

(còn tiếp)

 

----------------

Xem kỳ trước:

Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [3]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [4]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [5]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [6]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [7]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [8]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [9]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [10]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [11]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [12]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [13]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [14]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [15]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [16]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [17]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [18]

 

Lời toà soạn:
Trong thư gửi về toà soạn Tiền Vệ, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ ý định viết một thể loại truyện tạm gọi là “truyện mở”. "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai" là một thí nghiệm đầu tiên của “truyện mở”. Tác giả chỉ viết một câu: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”. Bên dưới đính kèm địa chỉ mail. Đó là một địa chỉ thật. Truyện có thể chấm dứt ở đó, cực ngắn, hoặc sẽ rất dài, tùy thuộc vào sự tham gia của các “em”. Qua từng email tác giả nhận được từ các “em”, câu chuyện sẽ được viết tiếp, và có thể kéo dài... vô hạn.
 
"Em có gì bí mật, hãy mail cho anh" là hệ quả tự nhiên của "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai", sau khi tác giả nhận được một số email từ độc giả đáp lại lời mời gọi của ông. "Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]" và những kỳ tiếp theo sẽ có thể làm “truyện mở” này trở nên “rất dài và rất dai“ như tác giả dự đoán.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021