thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
THƠ TRẦM CA (Poema del Cante Jondo) [I]
Bản dịch Diễm Châu
 
 
 
 
 
Đôi dòng về Federico García Lorca và Poema del Cante Jondo:
 
«... ông đã dứt khoát đứng về phía những kẻ không có gì hết,
những kẻ mà người ta chối bỏ cả đến sự bình lặng của hư không...»
(Bách khoa từ điển Universalis)
 
      FEDERICO GARCÍA LORCA (1898-1936) là một nhà thơ, kịch tác gia và người hoạt động văn hóa-kịch trường. Ông sinh và mất gần Granada, Tây-ban-nha. Cái chết bi thảm của ông (về tay phát-xít) vào hồi đầu cuộc nội chiến ở nước ông, đã gây nhiều tiếng động đôi khi «lấn át» cả việc tìm hiểu các công trình nghệ thuật của ông!
      Thơ trầm ca hay «Thơ của bài ca sâu thẳm» (Poema del Cante Jondo) được xuất bản lần đầu vào năm 1931, sau Libro de poemas (1921) và Romancero gitano (1928) nhưng trước những Poeta en Nueva York, Llanto por Ignacio Sánchez Mejías, Diván del Tamarit,...
      «Cante hondo» (hay «cante jondo» như người gi-tan thường nói), theo định nghĩa của chính F. G. Lorca (1922), là «một ca khúc hoàn toàn Andalucía, đã có trong 'căn nguyên mầm mống' ở vùng này, trước khi người gi-tan tới đây.» F. G. Lorca thêm: «Hãy lưu ý kỹ cái phẩm chất đặc biệt của cante jondo và sự đúng đắn của người dân khi đặt tên cho nó. Nó sâu (hondo), thật sâu, sâu hơn nhiều so với tất cả các giếng sâu và mọi vùng biển bao quanh thế giới, sâu hơn nhiều so với con tim hiện tại tạo ra nó và so với tiếng hát hát nó lên, là vì nó hầu như vô tận.»
      Ông còn phân biệt cante jondo với cante flamenco như sau: «Người ta đặt tên là Cante Jondo cho một nhóm những bài ca Andalucía mà mô thức nguyên thủy và hoàn hảo là bài siguiriya gi-tan nơi xuất phát những bài ca khác hiện còn được nhân dân duy trì, như các bài polos, martinetes, carcelerassoleares. Các giai điệu mà người ta gọi là malagueñas, granadinas, rondeñas, peteneras, vv. chỉ nên coi như 'những hậu quả, nối tiếp' của những bài trước, và cả về kiến trúc lẫn về tiết điệu, chúng khác những bài khác. Ấy là những bài mà người ta gọi là flamencas
      Bản dịch Thơ trầm ca dựa trên nguyên tác, theo bản Christian de Paepe. Phần ghi chú về tiểu sử... cũng như mọi chú thích dưới các bài thơ đều dựa theo Claude Esteban trong Federico García Lorca, Romancero gitan, Poème du Chant Profond, Aubier, 1995 và một số sách phương Tây. Trong các bài thơ ở đây, cũng như trong các bài thơ của Bồ-đào-nha (xin xem Eugénio de Andrade), tôi đã “thong thả” sử dụng từ “miền nam”, xin các bạn người Việt miền bắc hiểu cho: ở Tây-ban-nha cũng như ở Bồ-đào-nha, người ta không có cái thói áp đặt miền nam phải trở thành... phía nam.
Diễm Châu (9-9-1999)
 
 
 
Federico García Lorca
(1898-1936)
 
 
THƠ TRẦM CA [I]
(Poema del Cante Jondo)
 
 

BÀI TỤC DAO CỦA BA DÒNG SÔNG

                    tặng Salvador Quintero
 
Dòng Guadalquivir
chảy giữa những cây cam và cây ô-liu.
Hai dòng sông của Granada
xuôi từ cơn tuyết tới bông lúa.
 
Ôi, cuộc tình
đã ra đi không trở lại!
 
Dòng Guadalquivir
râu ria màu thạch lựu.
Hai dòng sông của Granada,
một than khóc và một máu me.
 
Ôi, cuộc tình
đã ra đi qua ánh sáng!
 
Với mỗi con thuyền buồm
Sevilla dành cho một lối;
qua những dòng nước của Granada
chỉ có những tiếng thở dài bơi lội.
 
Ôi, cuộc tình
đã ra đi không trở lại!
 
Guadalquivir, ngọn tháp cao
và gió trong rặng cam.
Dauro và Genil, những ngọn tháp nhỏ
chết trên những mảnh ao.
 
Ôi, cuộc tình
đã ra đi qua ánh sáng!
 
Ai bảo rằng nước sẽ cuốn theo
những tiếng kêu như ánh lửa ma trơi?
 
Ôi, cuộc tình
đã ra đi không trở lại!
 
Hãy cuốn đi những hoa cam, những trái ô-liu,
tới tận những vùng biển của mi, hỡi Andalucía.
 
Ôi, cuộc tình
đã ra đi qua ánh sáng!
 
 

THƠ CỦA BÀI SIGUIRIYA GI-TAN (1)

                    tặng Carlos Morla Vicuña
 

Cảnh

 
Cánh đồng
cây ô-liu
mở ra và khép lại
như chiếc quạt.
Trên vườn cây ô-liu
có một bầu trời sụp đổ
và một cơn mưa tăm tối
những ánh sao lạnh lẽo.
Rung rung cỏ lác và bóng mờ
trên bờ dòng sông.
Làn gió xám nhíu lại.
Rặng ô-liu
nặng trĩu
những tiếng kêu.
Một đàn chim
bị cầm hãm
lắc lay những chiếc đuôi dài
trong bóng tối.
 
---------------------
(1) Siguiriya (còn viết là seguiriya, siguerya, seguirilla, mọi hình thức xuất phát từ chữ seguidilla trong tiếng castillan. Ấy là một copla (một đoạn) gồm 4 câu thơ, trong đó thường thường hai câu đầu có sáu âm; câu thứ ba, mười âm; và câu cuối, sáu âm. Theo F. G. Lorca, đó là «bài thơ hoàn hảo của nước mắt». Tất cả các chú thích ở dưới các bài thơ đều dựa theo Claude Esteban. (người dịch)
 
 

Lục huyền cầm

 
Khởi sự lời ta thán
của cây lục huyền cầm.
Vỡ toang những chiếc ly
của buổi mai.
Khởi sự lời ta thán
của cây lục huyền cầm.
Kềm giữ lại
thật vô ích.
Không thể nào
kềm giữ lại.
Đều đều nó khóc than
như nước,
như gió
trên tuyết.
Không thể nào
kềm giữ lại.
Nó khóc than cho những điều
xa xôi.
Cát miền Nam nóng cháy
đòi những bông trà trắng.
Nó khóc than mũi tên không cùng đích,
cảnh muộn chiều không ngày mai,
và con chim đầu tiên chết
trên cành.
Ôi lục huyền cầm!
Con tim bầm dập
vì năm lưỡi gươm.
 
 

Tiếng kêu

 
Một tiếng kêu ngắn gọn
đi từ ngọn núi này
qua ngọn núi khác.
 
Từ những cây ô-liu
một cầu vồng đen
bắc trên đêm xanh.
 
               Ôi!
 
Như một cây cung thất huyền cầm
tiếng kêu làm rung lên
những sợi dây dài của gió.
 
               Ôi!
 
(Người ở những hang hầm
soi những bó đuốc.)
 
               Ôi!
 
 

Im lặng

 
Hỡi con, con hãy nghe im lặng.
Đó là một im lặng uốn lượn,
một im lặng
nơi lướt qua những thung lũng và những vọng âm
một im lặng uốn cong những vầng trán
xuống mãi tận mặt đất.
 
 

Bước chân của siguiriya (1)

 
Giữa những cánh bướm đen,
một cô gái nâu cất bước
bên một con rắn trắng
sương mù.
 
Đất của ánh sáng,
trời của đất.
 
Nàng bước đi bị cột ràng vào cơn ớn lạnh
của một tiết điệu không bao giờ tới;
nàng có một trái tim bằng bạc
và một lưỡi dao găm bên tay phải.
 
Em đi đâu thế, hỡi siguiriya,
với một tiết điệu không đầu óc?
Vầng trăng nào sẽ tiếp nhận
nỗi sầu vôi và trúc đào của em?
 
Đất của ánh sáng,
trời của đất.
 
-----------------
(1) Xin xem chú thích 1 ở trên. (người dịch)
 
 

Sau bước đi

 
Những đứa trẻ nhìn ngắm
một chấm nhỏ xa xăm.
 
Những ngọn đuốc dần tắt.
Những cô gái mù lòa
han hỏi vầng trăng,
và qua không khí vươn lên
những vòng nước mắt.
 
Những ngọn núi nhìn ngắm
một chấm nhỏ xa xăm.
 
 

Và sau đó

 
Những mê lộ
mà thời gian tạo ra
tan biến.
 
(Chỉ còn lại
sa mạc.)
 
Trái tim,
ngọn suối của thèm khát,
tan biến.
 
(Chỉ còn lại
sa mạc.)
 
Ảo tưởng bình minh
và những nụ hôn,
tan biến.
 
Chỉ còn lại sa mạc.
Một sa mạc
uốn lượn.
 
 

THƠ CỦA BÀI SOLEÁ (2)

                    tặng Jorge Zalamea
 

Chiêu hồn

 
Đất khô,
đất lặng lẽ
của những đêm
bao la.
 
(Gió trên vườn ô-liu,
gió trên vùng núi.)
 
Đất
già nua
của ngọn đèn
và nỗi muộn phiền.
Đất
của những bể nước sâu.
Đất
của cái chết không con mắt
và những mũi tên.
 
(Gió trên đường lộ.
Gió thoảng trong rặng bạch dương.)
 
----------------------------
(2) Soleá: bài ca xuất phát trực tiếp từ bài Siguiriya gi-tan. Xin xem thêm những điều chỉ rõ về cante jondo của F. G. Lorca ở Đôi dòng về Federico García Lorca và Poema del Cante Jondo. (người dịch)
 
 

Làng

 
Trên mỏm núi trọc
một cây thập tự.
Nước trong
và những gốc ô-liu cổ thụ.
Trên những con đường nhỏ
những người khoác áo choàng,
và nơi những ngọn tháp
những chong chóng gió quay quay.
Mãi mãi
quay quay.
Ôi khu làng heo hút
ở Andalucía của nước mắt!
 
 

Lưỡi dao găm

 
Lưỡi dao găm
xuyên qua trái tim
như lưỡi cày
xuyên qua đất hoang.
 
               Xin đừng.
Đừng cắm sâu vào người tôi.
               Xin đừng.
 
Lưỡi dao găm,
như một tia nắng,
thiêu đốt những khe sâu
khủng khiếp.
 
              Xin đừng.
Đừng cắm sâu vào người tôi.
              Xin đừng.
 
 

Giao điểm của những con đường

 
Gió Đông;
một ngọn đèn
và lưỡi dao găm.
Con đường
rung rung
như một sợi dây
căng thẳng,
rung rung
như một con ong bầu lớn.
Đâu đâu
tôi
cũng thấy lưỡi dao găm
giữa trái tim.
 
 

Ôi!

 
Tiếng kêu để lại trong cơn gió
một bóng cây trắc-bá.
 
(Hãy để tôi lại nơi cánh đồng này,
để tôi than khóc.)
 
Tất cả đã tan vỡ trên thế giới.
Chỉ còn có im lặng.
 
(Hãy để tôi lại nơi cánh đồng này,
để tôi than khóc.)
 
Chân trời không ánh sáng
bị than hồng gặm mòn.
 
(Tôi đã bảo các người để tôi lại
nơi cánh đồng này
để tôi than khóc.)
 
 

Ngạc nhiên

 
Y đã nằm chết ngoài đường phố
với một lưỡi dao găm trên ngực.
Không một ai quen biết y.
Run run làm sao ngọn đèn!
Mẹ ơi.
Run run làm sao ngọn đèn nho nhỏ
ngoài đường phố!
Ấy là vào mờ sáng. Không một ai
có thể nghiêng mình trước mắt y
đôi mắt mở to trước ngọn gió tàn nhẫn.
Chết, y đã nằm chết ngoài đường phố
với một lưỡi dao găm trên ngực
và không một ai quen biết y.
 
 

Bài soleá (3)

 
Khoác áo choàng đen
nàng nghĩ rằng thế giới này nhỏ
và trái tim mới thật là rộng lớn.
 
        Khoác áo choàng đen.
 
Nàng nghĩ rằng tiếng thở dài êm dịu
và tiếng kêu tan biến
theo luồng gió.
 
        Khoác áo choàng đen.
 
Nàng đã để bao-lơn mở ngỏ
và từ tinh mơ qua khung cửa
tất cả bầu trời đã ụp vào.
 
        Ôi! Ôi chao! Ôi chao ôi!
        phải, nàng khoác áo choàng đen!
 
---------------------
(3) Soleá: bài ca xuất phát trực tiếp từ bài Siguiriya gi-tan. Xin xem thêm những điều chỉ rõ về cante jondo của F. G. Lorca ở Đôi dòng về Federico García Lorca và Poema del Cante Jondo. (người dịch)
 
 

Hang

 
Từ hang động trào ra
những tiếng nức nở dài.
 
(Màu phớt tím
trên màu đỏ.)
 
Người gi-tan gợi lại
những xứ sở xa xăm.
 
(Những ngọn tháp cao và những con người
huyền bí.)
 
Nơi tiếng nói đứt quãng
đôi mắt anh xê dịch.
 
(Màu đen
trên màu đỏ.)
 
Và hang động tô xảm
run run trong ánh vàng.
 
(Màu trắng
trên màu đỏ.)
 
 

Gặp gỡ

 
Cả em lẫn tôi chúng ta
đều không được sẵn sàng
để gặp nhau.
Em... vì sao em biết đó.
Còn tôi, tôi quá đỗi yêu nàng!
Em hãy đi đường em.
Trong đôi tay
tôi mang những hốc trũng
của những mũi đinh.
Há em lại chẳng thấy
tôi chảy máu thế nào ư?
Đừng bao giờ nhìn lại phía sau,
em hãy chầm chậm bước
và như tôi, hãy nguyện cầu
Thánh Cayetano,(4)
Cả em lẫn tôi chúng ta
đều không được sẵn sàng
để gặp nhau.
 
---------------------
(4) Thánh Cayetano hay Thánh Gaétan de Thiene (khoảng 1480-1847), người sáng lập «Dòng các giáo sĩ chuyên tu» gọi là Dòng Théatins. (người dịch)
 
 

Hừng đông

 
Những tiếng chuông Córdoba
vào lúc trời mờ sáng.
Những tiếng chuông ban mai
ở Granada.
Tất cả các thiếu nữ đều biết tới các ngươi,
những thiếu nữ đang than khóc
với điệu ca tang tóc dịu êm.
Những người thiếu nữ
của Andalucía, vùng trên
và vùng dưới.
Những em gái Tây-ban-nha,
bàn chân nho nhỏ
và tấm váy run run,
đã đầy ánh sáng
các ngã tư.
 
Ôi, những tiếng chuông Córdoba
vào lúc trời mờ sáng,
và ôi, những tiếng chuông ban mai
ở Granada!
 
 

THƠ CỦA BÀI SAETA (5)

                    tặng Francisco Iglesias
 

Những cung thủ

 
Những cung thủ tăm tối
tiến về Sevilla.
 
Guadalquivir mở ngỏ.
 
Những chiếc nón lớn màu xám,
những áo choàng dài chậm rãi.
 
Ôi, Guadalquivir!
 
Họ tới từ những miền rất xa,
những miền đất của muộn phiền.
 
Guadalquivir mở ngỏ!
 
Và bước vào một mê lộ.
Ái tình, pha lê và đá.
 
Ôi, Guadalquivir!
 
------------------------------
(5) Saeta (hay bài nguyện ca): bài kinh cầu nguyện ngắn thường được hát trong nhà thờ và nhất là ngoài đường phố trong những nghi lễ tôn giáo vào Tuần thánh ở Andalucía. Thường hơn cả thời đây là một đoạn gồm bốn câu thơ. Chữ saeta gốc từ chữ La-tinh sagitta, trở thành saete, rồi sagette trong tiếng Pháp, có nghĩa là mũi tên, khiến F. G. Lorca đã cố ý nhấn mạnh ý nghĩa nguyên thủy này mà nói tới các «bổn đạo» hát những bài saeta như những người «phóng những mũi tên» hay những «cung thủ» (saeteros.) (người dịch)
 
 

Đêm

 
Cây nến, ngọn đèn dầu,
đèn lồng và đom đóm.
 
Chòm sao
của bài nguyện ca.(5)
 
Những ô cửa vàng
rung rung,
và vào lúc hừng đông, đu đưa
những cây chữ thập trập trùng.
 
Cây nến, ngọn đèn dầu,
đèn lồng và đom đóm.
 
 

Sevilla

 
Sevilla là một ngọn tháp
đầy những cung thủ rất tinh.
 
Sevilla để gây thương tích.
Córdoba để chết.
 
Một thành phố rình rập
những tiết điệu dài,
và cuốn lấy chúng
như những mê lộ.
Như những thân nho leo giàn
ngụt lửa.
 
Sevilla để gây thương tích!
 
Dưới vòng cung của bầu trời,
trên miền đồng bằng hoàn hảo
nó phóng đi mũi tên
vững chắc của dòng sông;
 
Córdoba để chết.
 
Và say mê nhẫn giới
nó hòa lẫn với rượu
sự cay đắng của Don Juan
và khoái cảm của Dionysos.
 
Sevilla để gây thương tích.
Córdoba để chết.
 
 

Đám Rước (6)

 
Qua con hẻm tới
những con kỳ lân dị thường.
Từ miền đất nào,
từ khu rừng huyền thoại nào thế?
Gần hơn,
chúng xem ra vẻ các nhà thiên văn
Những ông Merlin quái dị
và đấng Ecce Homo
Durandal bị bùa phép
Roland nổi giận.
 
--------------------------
(6) Merlin, tự là Pháp sư, tên nhà quỷ thuật trong các chuyện truyền kỳ của người Celtes và chuyện phiêu lưu của ông vua huyền hoặc Arthur ở thế kỷ VI của xứ Galles.
     Ecce Homo: «Đây là người», lời của Pilate nói với đám dân Do-thái khi chỉ cho họ Đức Giê-su cầm cây sậy làm vương trượng và một triều thiên bằng gai trên đầu. Thường dùng để tự giới thiệu hay để loan báo một người nào đó. Ở đây có lẽ là tượng Giê-su chịu nạn trong đám rước.
     Durandal hay Durendal (Durandarte, trong nguyên tác): tên thanh kiếm của Roland trong những bài anh hùng ca.
     Roland hay Orlando: người hùng nổi tiếng nhất trong những chuyện truyền kỳ thời Charlemagne. (người dịch)
 
 

Pho tượng mùa thương khó (7)

 
Đức nữ Đồng trinh khoác váy phồng,
Đức nữ Đồng trinh của Cô quạnh,
mở ra như một bông tuy-líp
thật lớn.
Trên con thuyền ánh sáng của người
người đi
qua biển cao
thành phố,
giữa những lời kinh nguyện râm ran
và những ngôi sao bằng pha lê.
Đức nữ Đồng trinh khoác váy phồng,
người đi
trên dòng sông đường phố,
tới mãi tận biển!
 
-----------------------
(7) Pho tượng mùa Thương khó (Paso). Paso: tượng, thường bằng gỗ, sơn nhiều màu, tạc chân dung Chúa Giê-su, Đức bà Maria hay một cảnh trong sự tích «Chúa chịu nạn», mà người ta rước đi ngoài đường trong những buổi «rước kiệu» vào Tuần thánh. (người dịch)
 

Saeta (5)

 
Đức chúa Ki-ri-xi-tô nước da nâu
đi qua
từ bông huệ lớn xứ Giu-đê-a
tới bông cẩm-chướng nước Tây-ban-nha.
 
Hãy nhìn người từ đâu tới!
 
Từ nước Tây-ban-nha.
Bầu trời trong trẻo, bầu trời đen tối,
đất nám cháy,
và những lòng sông nơi
nước chảy thật chậm rãi.
Đức chúa Ki-ri-xi-tô nước da nâu,
với mái tóc màu hung hung,
hai gò má nhô lên
và hai con ngươi trắng.
 
Hãy nhìn người đi qua đâu!
 
------------------------------
(5) Xin xem chú thích 5 ở bài trên. (người dịch)
 
 

Bao-lơn

 
Cô Lola
hát những bài nguyện ca.
Những chàng trẻ đấu bò
bao quanh cô,
và chú thợ cạo
từ cánh cửa
đưa đầu
đánh nhịp.
Giữa cây rau é
và cây bạc-hà,
cô Lola hát
những bài nguyện ca.
Cô Lola ấy,
vẫn soi mình thật lâu
nơi bể nước tù.
 
 

Mờ sáng

 
Thế nhưng, cũng như tình ái
những kẻ phóng những lời nguyện ấy
mù lòa.
 
Trên đêm màu xanh lục,
những bài nguyện kia
để lại vết tích của bông diên-vỹ
nồng cháy.
 
Sống thuyền trăng
xẻ những đám mây màu tím
và những ống tên
tràn ngập sương.
 
A, thế nhưng cũng như tình ái
những kẻ phóng những lời nguyện ấy
mù lòa!
 
 

ĐỒ HỌA CỦA BÀI PETENERA (8)

                    tặng Eugenio Montes
 

Chuông

Tiếng trầm
 
Trên ngọn tháp
vàng,
điểm tiếng chuông thương.
 
Trên làn gió
vàng,
mở ra những tiếng chuông.
 
Trên ngọn tháp
vàng,
ngừng lại tiếng chuông.
 
Gió cùng với bụi
nắn những mũi thuyền bằng bạc.
 
---------------------------------
(8) Petenera: điệu hát bình dân Andalucía, có tính cách flamenco hơn là đồng thể với Cante jondo, theo sự phân biệt của García Lorca. Tên Petenera rất có thể là của một người đàn bà bị phản bội, kẻ đã tìm cách dùng khúc hát này để «gieo họa» cho người tình của mình. Thông thường, người ta gọi người đàn bà này là sự «tiêu vong» hay «sự hư mất của bọn đàn ông», một kiểu nói mà García Lorca đã dùng lại nguyên văn trong bài «Cái chết của La Petenera» hay «Cái chết của người đàn bà bị tình phụ». (người dịch)
 
 

Con đường

 
Một trăm người kỵ mã để tang,
họ đi đâu,
dưới bầu trời thấp
của vườn cam?
Họ chẳng thể đi
Córdoba hoặc Sevilla.
Hay Granada đang thở dài
thèm khát biển.
Những con ngựa mơ mơ màng màng
sẽ đưa họ
tới mê lộ của những cây thập giá
nơi tiếng hát run run.
Với bảy tiếng kêu bị đâm sâu
họ đi đâu
một trăm người kỵ mã Andalucía
của vườn cam?
 
 

Sáu dây

 
Cây lục huyền cầm
khiến những giấc mơ than khóc.
Tiếng nức nở của những hồn
lạc lõng
thoát ra từ cửa miệng đàn
tròn.
Và như con nhện to
đàn dệt một vì sao lớn
để bắt lấy những tiếng thở dài,
đang trôi nổi trên chiếc thùng đen của đàn
bằng cây.
 
 

Vũ điệu trong khu vườn của La Petenera (8)

 
Trong đêm tối của khu vườn,
sáu cô gi-tan
mặc hàng trắng
nhảy múa.
 
Trong đêm tối của khu vườn,
đầu quấn
những bông hồng bằng giấy
và lá hồi thơm.
 
Trong đêm tối của khu vườn,
hàm răng như xa-cừ của họ
ghi bóng tối
hực cháy.
 
Và trong đêm tối của khu vườn,
những chiếc bóng của họ dài ra,
và vươn mãi tới trời,
những chiếc bóng tím ngắt.
 
----------------------------
(8) Xin xem chú thích 8 ở trên. (người dịch)
 
 

Cái chết của La Petenera (8)

 
Trong ngôi nhà trắng hấp hối
«sự hư mất» của bọn đàn ông.
 
Một trăm con ngựa cái nhảy nhót.
Những kẻ cưỡi chúng đã chết.
 
Dưới những đốm sao lung linh
của đèn đuốc, tấm váy óng ánh của nàng run run
giữa cặp đùi màu đồng.
 
Một trăm con ngựa cái nhảy nhót.
Những kẻ cưỡi chúng đã chết.
 
Những chiếc bóng dài nhọn bén
đến từ chân trời mờ đục,
và tiếng trầm của một cây lục huyền cầm
cắt ngang.
 
Một trăm con ngựa cái nhảy nhót.
Những kẻ cưỡi chúng đã chết.
 
----------------------------
(8) Xin xem chú thích 8 ở trên. (người dịch)
 
 

Chuyển cung

 
Ôi, petenera gitana! (9)
Ôi, ôi petenera!
Để chôn vùi nàng, không có những cô gái
thuần lương.
Những cô gái hiến dâng đấng Ki-ri-xi-tô đã chết
những món tóc,
và chùm khăn ren trắng
trong những ngày lễ.
Để chôn vùi nàng đã chỉ có những kẻ
ghê rợn.
Những kẻ với trái tim
trong đầu,
bước theo nàng than khóc
qua những con đường hẻm.
Ôi, petenera gitana!
Ôi, ôi petenera!
 
----------------------
(9) «petenera gitana»: có thể hiểu là “điệu petenera (của người) gi-tan”; hay “người đàn bà gi-tan bị tình phụ”; “petenera”: người đàn bà bị tình phụ. (người dịch)
 
 

Từ vực sâu

 
Một trăm người tình si
ngủ yên mãi mãi
dưới đất khô.
Andalucía
có những con đường đỏ dài.
Córdoba, những cây ô-liu xanh
nơi đặt một trăm cây thập giá,
nhắc ta tưởng nhớ họ.
Một trăm người tình si
ngủ yên mãi mãi.
 
 

Tiếng hò reo

 
Trên những ngọn tháp
vàng,
điểm những tiếng chuông thương.
 
Trên những làn gió
vàng,
mở ra những tiếng chuông.
 
Qua một con đường
cái chết bước đi, đầu quấn
vành hoa cam đã héo.
 
Nó ca và ca
một bài ca
trên cây huyền cầm trắng,
và ca và ca và ca mãi.
 
Trên những ngọn tháp
vàng,
ngừng lại những tiếng chuông.
 
Gió cùng với bụi
nắn những mũi thuyền bằng bạc.
 
 

HAI CÔ GÁI

                    tặng Máximo Quijano
 

La Lola

 
Dưới cây cam nàng giặt
những chiếc tã bằng vải.
Nàng có đôi mắt xanh
và tiếng nói màu tím.
 
Ôi, tình ái,
dưới cây cam đương hoa!
 
Nước trên con lạch nhỏ
chảy đầy ánh nắng,
trong khóm ô-liu
chiêm chiếp một con sẻ
 
Ôi, tình ái,
dưới cây cam đương hoa!
 
Rồi, khi nàng Lola
dùng hết miếng xà-phòng,
những chàng đấu bò nho nhỏ sẽ tới.
 
Ôi, tình ái,
dưới cây cam đương hoa!
 
 

Amparo

 
 
Amparo,
em đơn độc làm sao trong nhà
vận toàn hàng trắng!
 
(Đường xích đạo giữa bông lài
và giống cỏ thơm.)
 
Em nghe những tia nước tuyệt vời
ở khoảnh sân nhà,
và tiếng láy vàng nho nhỏ
của con chim yến.
 
Vào chiều muộn em thấy run run
những cây trắc-bá cùng chim chóc,
trong lúc em chầm chậm thêu
những chữ trên khung vải.
 
Amparo,
em đơn độc làm sao trong nhà,
vận toàn hàng trắng!
 
Amparo,
thật khó biết bao nói với em:
anh, anh yêu em!
 
(còn một kỳ)
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021