thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [10]
(tiếp theo)

 

Lựa chọn nào cũng là em. Chiều nói cơn bạo loạn dưới chân tóc đã bắt đầu. Ở đâu có Phật ở đó có ma, em không quét lá sân chùa nữa. Tóc em có mùi bia, những người đàn ông cúi xuống. Chiếc váy ngắn kéo lên. Cảm thức về mùi tràn ngập em. Mồ hôi và sự nhớp nhúa hai bên háng. Em muốn biết về chiến tranh, có thể đọc ở đâu? Cứ nhìn sự chia rẽ chung quanh. Người đàn ông kể, nhà anh ở vùng xôi đậu. Ngày phe ta đêm phe mình. Mùa gặt, phe ta buộc cất lúa vào trong nhà kẻo mất. Tối đến, phe mình bảo đứa nào giấu lúa tao đốt nhà. Đấy là chiến tranh trong mùa nóng. Tàn cuộc, những người lính không giải ngũ ngồi uống rượu, tay vẫn lăm le khẩu súng, ở đâu cũng thấy quân thù. Đấy là chiến tranh trong mùa lạnh. Khi em cởi quần lót, thế giới sẽ hòa bình. Những người đàn ông chạy nhong nhong qua những gốc cây luồn lách cơn cuồng dâm của quỉ. Họ đeo chuông dưới chân và hô to hãy tránh đường. Nhưng rồi họ vẫn húc vào nhau. Chồng em chết và con em chết. Quyền sống của em là gì? Cây ngọc lan trong chùa hoa không rụng nữa, tiếng cầu kinh đóng kín đời em vào hương khói. Thực chất của bạo loạn là gì? Em treo quần lót lên thành cờ, chống lại em chống lại cái phương đông huyền bí nhu mì chống lại số phận chống lại mọi nỗi niềm chống lại mọi cám dỗ chống lại mọi u mê chống lại mọi tỉnh táo chống lại mọi giới răn chống lại mọi buông tuồng chống lại cái phải chống.

Chiều lại hỏi tôi: “Anh viết về chiến tranh có bằng con mắt của người Việt không?”. Mẹ kiếp, anh muốn chửi thề văng tục. Bố anh là rồng, mẹ anh là tiên, đẻ ra anh là con bìm bịp. Con bìm bịp một hôm xuống núi nhìn thấy một con bìm bịp khác, hỏi: Mày có phải là bìm bịp không? Con bìm bịp khác nói để tao về hỏi mẹ cái đã. Nó về hỏi mẹ: “Mẹ ơi, con là gì?”. “Con là con của mẹ”. “Có đứa hỏi con có phải là bìm bịp không?”. Bà mẹ suy nghĩ rồi nói: “Một hôm mẹ lên nương, dẫm phải bước chân trâu to lớn, về nhà có bầu sinh ra con, nên gọi con là con gì cũng được”.

 

Thư của Chiều: “Hình như ở đây có một sự hiểu lầm nào đó? Em không bao giờ cho rằng một nhà văn “nội” thì không bằng một nhà văn “ngoại”. Một nhà văn “nội” sống trong “khí hậu nội” sẽ có những cảm nhận thực và sâu sắc hơn về những vấn đề mang tính Việt. Em cũng không phải là một con người “cổ điển” đến mức phủ nhận vấn đề tình dục trong văn chương. Bởi xét cho cùng đó cũng là một phạm trù mang tính nhân bản. Song em lại không thích lắm khi người ta cứ rao ông ổng trên trang giấy những điều không phải cấm kỵ mà là tế nhị đó. Bản chất con người Phương Đông em nghĩ đều như thế. Rực lửa nhưng là ngọn lửa cháy bên trong. Không nói gì cả nhưng lại nói rất nhiều… Em thích những con người, những biểu hiện trầm tĩnh như thế. Cứ nói tất những điều mình nghĩ thì liệu còn gì vang vọng trong nhau? Em rất khâm phục những cố gắng tìm tòi trong sáng tạo của các nhà văn hiện đại. Song không hiểu sao em vẫn thích đọc những sáng tác thiên về chiều sâu của con người hơn. Em thích Thu Huệ, Vàng Anh hơn Phạm Thị Hoài. Em thích Sidney Sheldon hơn D. Stell, hay H. Robin. Em không phản đối nói về bản năng tính dục nhưng phải là thứ tình dục – tình yêu, như nó cần phải thế, nên như thế.

Em không phải là kẻ khô khan đâu. Nhưng em lại cũng không thích những kẻ “ướt nhẹc”. Em làm công tác khoa học và em cần một cái đầu tỉnh táo. Tỉnh táo để cân nhắc, đánh giá. Và đôi chút mềm mại để cảm thông!

Cám ơn truyện ngắn của anh, song vẫn là cái cảm giác đó: rờn rợn vì sự trần trụi! Hay tại em không biết cách cảm nhận nhỉ?”.

 

Bí mật thứ hai của Đ: Năm em hai mươi mốt tuổi, có một lão già cưỡi trên bụng em. Đây là một tình huống của mối tổng hòa xã hội. Có điều gì đấy không phải gột rửa em sau lần bị hiếp dâm năm mười bốn tuổi, như em đã kể với anh, mà nó giống như sự chờ đợi một tai nạn, em muốn bị hiếp theo một kiểu khác, vấy bẩn một vết bẩn cũ. Và em tự biến thành nạn nhân để lão già bôi xóa em. Em cảm thấy em thật sự là em. Và em phấn khích, dướn người lên. Lão già bỗng đổ vật xuống. Em nghĩ lão sướng quá đến tê liệt dây thần kinh. Dương vật của lão vẫn cứng ngắc trong người em, trong khi đầu của lão lại có vẻ như không còn dính vào cổ trượt trên vai em. Em tiếp tục ẩy mông lên. Thân xác lão nặng nề không phản ứng gì. Em hoảng hốt gọi, nhưng lão đã vĩnh viễn im lặng. Đẩy lão sang một bên, em luống cuống mặc quần áo. Thẫn thờ nhìn cái xác trần truồng, khủng khiếp quá, đấy là một con vật. Con vật đã chết? Không biết em đã ngồi đó trong bao lâu. Không biết em đã làm gì sau đó.

Em đã cố quên điều này. Em không hiểu rằng, đến một lúc nào đó em lại có thể ăn nằm với một người đàn ông. Em cũng không hiểu, còn người đàn ông nào dám sống với em khi biết có thể họ cũng sẽ thượng mã phong?

Thật ra, Đ đã tiết lộ cho tôi điều này từ lâu với điều kiện: Không cho ai biết. Không đưa vào truyện. Tôi đã tôn trọng điều kiện ấy. Nhưng rồi Đ lại mail cho tôi: Cho phép anh đưa bí mật thứ hai này vào truyện, em không cần care nữa. Tôi không muốn lạm bàn về cái nhu cầu cần được chia sẻ của con người, mà tôi muốn nói sự bất chấp là cần thiết để người ta có thể sống thành người.

 

Chiều nói em sẽ đến quán cà phê “xem” anh thế nào, trước khi quyết định có nên gặp anh hay không.

Tốt nhất là em không nên “xem”. Bởi lỡ “xem” rồi, em sẽ không cưỡng được lòng mình là ngã vào anh.

Thư của Chiều: Đã nhìn thấy anh rồi. Không ngờ anh lại xấu giai thế. Đã già lại còn “chảnh”.

Đ làm chứng: Anh không hề “chảnh”. Bởi anh sẵn sàng chết vì em (như cái lão già chết tiệt ấy, lão đã chết trên đỉnh cao của sự sướng, một cách ích kỷ).

 

10.1.2005

 

(còn tiếp)

 

----------------

Xem kỳ trước:

Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [3]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [4]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [5]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [6]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [7]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [8]

Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [9]

 

Lời toà soạn:
Trong thư gửi về toà soạn Tiền Vệ, nhà văn Nguyễn Viện bày tỏ ý định viết một thể loại truyện tạm gọi là “truyện mở”. "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai" là một thí nghiệm đầu tiên của “truyện mở”. Tác giả chỉ viết một câu: “Em có gì bí mật, hãy mail cho anh”. Bên dưới đính kèm địa chỉ mail. Đó là một địa chỉ thật. Truyện có thể chấm dứt ở đó, cực ngắn, hoặc sẽ rất dài, tùy thuộc vào sự tham gia của các “em”. Qua từng email tác giả nhận được từ các “em”, câu chuyện sẽ được viết tiếp, và có thể kéo dài... vô hạn.
 
"Em có gì bí mật, hãy mail cho anh" là hệ quả tự nhiên của "Truyện có thể cực ngắn hoặc rất dài và rất dai", sau khi tác giả nhận được một số email từ độc giả đáp lại lời mời gọi của ông. "Em có gì bí mật, hãy mail cho anh [2]" và những kỳ tiếp theo sẽ có thể làm “truyện mở” này trở nên “rất dài và rất dai“ như tác giả dự đoán.

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021