thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những suy tưởng rối bù [kỳ XV]
(Diễm Châu dịch)

 

Chúng ném đá ông bằng cách dựng cho ông

một pho tượng đá.

 

*

 

Tất cả đã được viết,

may thay tất cả vẫn chưa được suy tưởng.

 

*

 

Cỏ khô mà một số nhà thơ có trong đầu

hiển nhiên là không bị Ngựa bay chê bỏ.

 

*

 

Những vở kịch giáo huấn cũng là những vở kịch

khiến ta quên suy tưởng.

 

*

 

Những từ mà người ta không dùng tới diễn tả về một thời đại

nhiều hơn là những từ mà người ta lạm dụng.

 

*

 

Con người ta lớn lên và giết lẫn nhau

để biết ai là kẻ lớn hơn cả.

 

*

 

Tôi nhận thấy rằng người ta ưa những tư tưởng

không buộc phải suy tưởng

 

*

 

A, giá như người ta có thể sắp xếp đầu óc hẹp hòi

vào trong số những khó khăn của cuộc sống!

 

*

 

Khi những bài ngụ ngôn về chính trị nói tới loài vật,

thì hẳn là vì thời buổi vô nhân.

 

*

 

Không có những chiều hướng mới, chiều hướng

chỉ có một: từ con người tới con người.

 

*

 

Chúng ta ưa tiếng nói bên trong của chúng ta

tới với chúng ta từ bên ngoài.

 

*

 

Một nhà văn không đào sâu

luôn luôn nổi trên bề mặt.

 

*

 

Khi các luận cứ vụn vỡ, các lập trường

đanh lại.

 

*

 

Kẻ tìm được một tiếng vọng thường lặp lại mình.

 

*

 

*

Chúng ta hãy tránh con đường của Công lý!

Nó đui mù.

 

*

 

Nói chung hậu vệ của đội tiền phong

cũ là tiền phong của hậu vệ mới.

 

*

 

Cái chết là deus ex machina* của bi kịch con người.

-------------------------------------------

(*Tiếng La-tinh: 'cứu tinh' hay 'vị thần từ

máy móc'; một lối giải quyết trong kịch....)

 

*

 

Chính nghệ thuật không sinh lợi lại có những năng lực

lớn lao nhất để tự-tái-sản-sinh.

 

*

 

Chớ nói lời phạm thượng nếu mi không tin!

 

*

 

Tất cả đều đã được khám phá;

chỉ trong những miền tầm thường* là còn có

những vùng đất chưa cày xới.

-------------------------------------------

(* régions de la banalité: còn có nghĩa là

những miền độc quyền của lãnh chúa.)

 

*

 

Phải chăng ta có thể dùng sức mạnh tạo ra những điều

thiên tài? Phải, chỉ cần có sức mạnh ấy.

 

*

 

Có một số nấc thang sự nghiệp dẫn tới

giảo đài.

 

*

 

Cả đến vĩnh cửu ngày xưa cũng dài lâu hơn.

 

*

 

Con người ta có những phản ứng muộn màng;

nói chung, họ chỉ hiểu vào

những thế hệ sau.

 

*

 

Các nhà thơ cũng tựa như trẻ nhỏ;

khi họ ngồi vào bàn làm việc, chân họ

không chạm tới đất.

 

*

 

Một tác phẩm nói về chính mình nếu có ai để nói với.

 

*

 

Khi những cái đầu rơi rụng, đừng cúi đầu mi xuống.

 

*

 

Nơi ông có một khoảng trống mênh mông tràn ngập

sự thông thái.

 

*

 

Tất cả những bi kịch lớn đều kết thúc bằng

một happy end,* nhưng ai người có thể ở lại được

mãi tới hồi chót?

----------------------------

(* kết cuộc vui vẻ.)

 

*

 

Khi nhân loại gặp may mắn, các tội ác

thăng hoa trong nghệ thuật.

 

*

 

Hãy là người tình cảm. Điều đó cho phép mi nhớ tới

cả đến những bi kịch cũ với

sự bùi ngùi xúc động.

 

*

 

Đôi khi cần tới sự cộc cằn thô lỗ để đưa lên

sự tế vi tài tình của nó.

 

*

 

Nhà thơ nghi ngờ xem xét kỹ các từ của mình:

từ nào trong đó sẽ điểm tô ngôi mộ của ông?

 

*

 

Tư tưởng của ông là một hoan lạc thuần túy. Nó không

làm ai sinh sản cả.

 

*

 

Người ta đã cho Ngựa bay đôi cánh để nó

khó đá hậu trong càng xe hơn.*

---------------------------------

(* khó nổi loạn hơn.)

 

*

 

Hãy là kẻ đầu tiên ném đá,

kẻo người ta sẽ bảo rằng mi là một kẻ theo đòi.

 

*

 

Thời đại đầy rẫy những thiên tài.

Ta hãy hy vọng tìm được trong đó một vài kẻ

có năng khiếu.

 

*

 

Những con vẹt được luyện tập không lặp lại gì hết.

 

*

 

Sống lại mà không có phép của những kẻ giết mình:

thật là táo bạo!

 

*

 

Coi chừng! Khi vinh quang chói ngời

rọi sáng mi, những kẻ thù của mi có một lợi điểm:

chúng rình rập mi trong bóng tối.

 

*

 

Cuộc tranh giành quyền hành diễn ra nghịch lại y.

 

*

 

Trở thành danh tiếng để có thể cho phép mình

ẩn danh!

 

*

 

Chỉ một từ cũng đủ: cái còn lại chỉ là những từ.

 

*

 

Trong những nhà hát xứng danh nhà hát

có lẽ cần phải có một cánh cửa sập* dành cho những kẻ,

hấp hối vì hổ nhục, không còn biết đặt mình vào đâu nữa.

--------------------------------

(* trappe)

 

*

 

Trên những cái bướu của một số người mọc ra đôi cánh.

 

*

 

Người ta không thể tin cậy vào trí nhớ của con người.

Vào những lỗ hổng của trí nhớ cũng không,

rủi thay.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

Đã đăng:

Những suy tưởng rối bù [kỳ I]

Những suy tưởng rối bù [kỳ II]

Những suy tưởng rối bù [kỳ III]

Những suy tưởng rối bù [kỳ IV]

Những suy tưởng rối bù [kỳ V]

Những suy tưởng rối bù [kỳ VI]

Những suy tưởng rối bù [kỳ VII]

Những suy tưởng rối bù [kỳ VIII]

Những suy tưởng rối bù [kỳ IX]

Những suy tưởng rối bù [kỳ X]

Những suy tưởng rối bù [kỳ XI]

Những suy tưởng rối bù [kỳ XII]

Những suy tưởng rối bù [kỳ XIII]

Những suy tưởng rối bù [kỳ XIV]

 

----------------------------

Ghi chú của người dịch:

STANISŁAW JERZY LEC [đọc như Letz] là một nhà thơ Ba-lan, tác giả khoảng hai ngàn câu "cách ngôn". Ông sinh năm 1909 tại Lwów, ở Galicie, trong một gia đình Do-thái. Sau khi học luật và ngữ ngôn học Ba-lan, ông khởi nghiệp nhà báo và nhà thơ ở Vac-xa-va. Bị bắt nhốt trong trại tập trung của Đức quốc xã từ 1941 tới 1943, ông đã vượt thoát và gia nhập hàng ngũ quân kháng chiến.

Từ 1946 tới 1950, ông làm tùy viên báo chí cho Phái bộ chính trị Ba-lan ở Vienne. Và bắt đầu viết những câu “cách ngôn”.

Những câu “cách ngôn” này xuất hiện từ 1954 trên các tạp chí văn nghệ Ba-lan và, vào năm 1957, dưới hình thức ‘xã luận’, hết sức thành công cả ở trong lẫn ngoài nước, đặc biệt là ở Đức. Trong bản Pháp văn, người ta đã có nhận xét về những câu ấy như ".. sự cô đọng có tính cách xói mòn cao độ, chống lại sự man dã đen và đỏ của thời đại, chống lại sự tầm thường quá ồn ào của những kẻ tiếm đoạt quyền bính và ngôn ngữ, chống lại sự hèn nhát và ích kỷ chung của con người..."

Stanisław Jerzy Lec mất năm 1966.

 

Bản dịch dựa theo bản Pháp văn của André và Zofia Kozimor, do nhà xuất bản NOIR SUR BLANC in tại Lausanne vào tháng 10-1991, với nhiều minh họa của Roland Topor và lời đề tựa của Claude Roy.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021