thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Thơ nguyên sơ [I]
(Diễm Châu dịch)
 
[lời người dịch:]

ĐÁ, NIỀM BÍ ẨN

Diễm Châu
gửi Chân Phương
 
Một nhà thơ Việt-nam sống ở Bắc Mỹ, một hôm đi lang thang quanh vùng cái nôi của "cách mạng" Huê-kỳ, bắt gặp một tảng đá trôi giạt từ một phương trời xa. Tảng đá ấy lọt vào mắt xanh, được lượm lên, gói ghém và trìu mến gửi qua cho tôi. Lúc ấy tôi đang đi ngoài ruộng bắp gần nhà, ở Lộ-trấn, giữa những nghêu sò ốc hến phơi trắng nắng, không mấy quan tâm tới chuyện vật đổi sao dời. Tôi nhấc "tảng đá" mà bạn gửi cho lên, chợt nghe văng vẳng một "tiếng nói":
          "Tảng đá mà tôi cầm lấy trong đôi tay thấm hút
          một chút máu của tôi và phập phồng." *
Nhưng hai tay tôi chưa rướm máu mà tảng đá kia đã:
          "... lớn dần lên mà không hề to thêm:
          nó tạo ra những mầm đá mới bên trong nó".
Và:
          "Bên trong đá có rễ của đá ..."
Đột nhiên tôi nhìn ra "sự sống" của mọi vật chung quanh tôi, "độc lập" đối với tôi, kể cả những sự vật từ bấy lâu nay vẫn được coi như vô tri vô giác (?) Sự sống, nhìn qua và hòa hợp với những nguyên tố của người Hy-lạp xưa: "đất, nước, khí, và lửa", bỗng mỉm cười với tôi. Và tôi hiểu cái lẽ vì đâu thơ ở thế giới tư bản, thơ ở quê hương tôi lúc này đang có những dòng mãnh liệt lao mình vào một biển bất tuyệt của sự thực thi ca... Ấy cũng chính là nguyên ủy của bản dịch này.
 
Cảm ơn những người đã mở mắt cho tôi trước niềm bí ẩn của đá và những người sẽ cầm tảng đá này lên!
Tolle, lege!
 
----------------------------------------------
*Antonio Porchia, Voces (Những tiếng nói).
 
 

THƠ NGUYÊN SƠ

 

I. Một dòng suối mà bến bờ duy nhất là chính chúng ta

 

GỬI IM LẶNG

 
Lúc này thật yên tịnh, tràn ngập đêm.
Con mèo thiu thiu và cái đuôi không động.
Những phút giây bùng cháy như những cây diêm rít lên.
Những khoảnh khắc bốn chân lướt êm
qua ý thức. Chúng trừng trừng nhìn tôi
trong lúc tôi, một kẻ dậy sớm, nêm gia vị cho một ngày lao động ủ dột
bằng một mồi thuốc.
 
Những tiếng động nho nhỏ khiến im lặng trong hơn,
khiến nó trở thành một điều gì khác hơn là một mặt phẳng.
Nơi đây tôi đang ngồi và chẳng để tai nghe gì hết.
Quả là hay khi được nghe im lặng,
vùng sâu thẳm lớn lao nơi mọi sự hiện hữu,
nơi mọi sự hiện hữu lại trở thành một điều gì đó.
 
Một cây viết chì đang dũa ra những chữ.
Những móng vuốt con mèo rung rung trong giấc ngủ.
Nó mơ tới mười con chim trong một lùm cây.
Tôi mơ tới một đam mê có hai mươi chiếc cánh.
Chì thì cùn nhụt. Máu mau lẹ.
Một niềm im lặng đỏ chạy trong thân xác tôi.
 
 

TRONG ỐNG NGHE QUÀNG ĐẦU

 
Anh bước trong đêm, hai cánh tay tơi tả.
Anh bấu chặt lấy một cây kèn trầm
và thổi cho bóng tối phất phơ bay.
 
Nỗi đau âm ỉ trong mạch máu, nhưng anh thét lớn lướt qua
mọi cánh cửa mục nát và phá tung những ổ khóa hoen rỉ.
 
Anh không chịu thua. Tiếng sáo sắp đến
với những khối nón ánh sáng ấm áp mở dần ra.
 
Sau ánh sáng, những cảnh trí xanh tươi xuất hiện
nơi anh có thể lang thang suốt ngày không hoảng hốt.
Một chiếc vĩ cầm bay cao như một con diều sáo bằng cây.
 
Cuộc sống không ngơi nghỉ. Nó chuyển động từng giây
từ chiếc đồng hồ ghi giờ đến giờ đi tới hòa tấu khúc của Mahler
nơi đớn đau rốt cuộc phăng đi xuôi xẻ
như một ngọn thác đổ ầm ầm sấm dậy.
 
Rồi lan ra thành những dòng nước nhỏ chảy xiết
xô mãi tới những cánh đồng tối đen, ban sức mạnh.
 
 

MẪU ĐẤT CỦA ÔNG TÔI

 
Sấm sét cày đất đen của đêm tối,
đánh bật những tia lửa từ những tảng đá của trời.
Ông tôi trên cánh đồng ánh sáng
 
vẫn bước sau mình ngựa. Cái chết
chỉ là sợi dây cương ông phải buông
để rảnh rang mọi việc
 
mà cuộc đời đã liệng qua ông.
Mẫu đất nhỏ hẹp của ông lúc này đã lùi xa trong thời gian,
nhưng trong máu tôi, hồn ông vẫn còn ngụt lửa.
 
 

NHỮNG CON MẮT VÔ TẬN

 
Mãn gừ gừ như một nhà máy mãn nguyện
ở một xứ không tưởng thật xa xăm.
 
Hắn trừng mắt nhìn tôi với một cái nhìn xưa cũ,
đôi mắt màu hổ phách chung quanh những con ngươi đen.
 
Tôi nghĩ tới một con ngươi vàng lấp lánh của trái trứng,
ánh mắt lớn lao của mặt trời ban phát cho chúng ta ánh sáng và sắc màu.
 
Mắt của con mèo là một mạn-đà-la* sống động
nơi vàng mềm của sáng tạo chiếu sáng.
 
Thời gian của muôn xưa kéo dài thêm mãi các thế kỷ
trong lúc bàn tay chóng vánh của tôi ve vuốt một tấm áo thoáng qua.
 
-------------------------------------------------------
*mandala ("vòng tròn" trong tiếng Phạn): ký hiệu tượng trưng huyền bí của vũ trụ dưới dạng vòng tròn bao quanh một hình vuông, với hình ảnh các vị thần đặt đối xứng, thường dùng để giúp suy niệm trong Ấn giáo và Phật giáo. (người dịch)
 
 

NHƯ MỘT ĐIỀU BÍ ẨN

 
Như một lời sấm ở Delphi thoát ra từ những cuốn niên giám nặng nề của vĩnh cửu
nàng xuất hiện từ khu chợ Almart với hai túi đồ muốn nứt tung
và bước dọc theo một đại lộ có những cột chỉ giờ xe đậu
cho đến khi tìm được, như thường lệ, chồng nàng và chiếc xe.
 
Cố nhiên là thế giới chưa bao giờ lại phẳng lì như trong thời chúng ta,
lại được bày ra sẵn sàng đến thế với những thảm cỏ và khu kỹ nghệ,
lại được sắp đặt theo hình kỷ hà thành những luống hoa và quầy thịt, chỗ đậu xe
và những vùng ngoại ô, những trang thể thao, và các ngành học.
 
Chúng ta thật ghê sợ lẫn nhau. Trong thầm kín chúng ta thường nôn mửa
bữa cơm thịnh soạn được dọn ra thật lễ độ ngày Chúa nhật. Trong thầm kín
chúng ta thường mong ngóng cái hỗn độn sống động giống như chúng ta,
một cuộc sống không ngày ngày đòi hỏi sự tự chế hợp pháp.
 
Trong thầm kín chúng ta nồng nàn với hơi thở và nhịp mạch,
với máu phơi bày những thèm muốn đỏ
trong một dòng suối mà bến bờ duy nhất là chính chúng ta, máu
thì thào một thứ tiếng lạ xa trong cả ngàn thứ tiếng.
 
Mọi sự đều chạy vòng và được sức mạnh mù quáng của con tim đẩy tới,
những co thắt và dãn nở vững bền của nó–cái biện chứng!
Cho tới một ngày chúng ta bước ra từ khu chợ tân thời với hai cái túi bằng chất dẻo đựng đầy
máu của chính chúng ta, nhợt nhạt và được giải thoát, rốt cuộc chết.
 
 

SÚC VẬT

 
Một con sẻ đập cánh phất phơ tìm kiếm trong đám cỏ
một khoảng cách ngoài tầm của con mèo, một con sẻ
lách chách và chiêm chiếp, ra sức kêu như một loài chim có tiếng hót.
 
A, mi, một ông cụ nhỏ bé lom khom,
Mãn, kẻ đi săn, nỗi kinh hoàng của chim chóc! Mi
con cọp của sân sau, ông chúa trên đám cỏ.
 
Mi là ông vua không vương miện. Và con sẻ –
với lông, da và máu – là một cơn gió nhẹ
biến thành thịt da tự mình có thể bay.
 
Ôi những cuộc sống trung thực như thế, cuộc sống của con chim và của mi.
Không phải con người, lũ bay di động như thiên nhiên. Thân xác bay
là ý chí của bay, bay biết điều bay muốn.
 
 

ĐÔI MÔI NHÀ THƠ

 
Tôi nằm khườn trên tấm khăn trải ban thờ của trái đất
và lắng tai nghe một cuộc lễ phiếm thần.
 
Những mối phúc thật của cuộc đời chiêm chiếp bao vây tôi,
một bài ca với những bội âm của những điều ao ước nhỏ.
 
Đôi môi nhà thơ lớn lên thật dễ
cho đến khi chúng nuốt mất nhà thơ.
 
Nhưng lúc này tôi biết trọng lượng của đôi môi
và chiếc lưỡi thảnh thơi nằm đó
không bận bịu nói năng vô ích.
 
Và nơi vết khấc vững bền của cây sồi già
con sáo sậu vẫn nhảy quanh!
 
 

MÙ SƯƠNG

 
Nặng nề và chậm chạp như một con thuyền buồm cũ kỹ
với quá nhiều chì ở dưới đáy,
tôi lang thang qua mù sương.
Màn sương dầy đặc và ướt đẫm
khiến mỗi bước chân tôi như chạm phải
một đợt sóng trên một mặt hồ huyền hoặc nào đó
nước mơn man nhè nhẹ.
 
Các nàng tiên muốn nhảy múa.
Các nàng tiên muốn cho thấy rằng cuộc sống hiện hữu
nơi đây và lúc này, rằng ngay đây
và ngay lúc này ta có dịp
trèo ra khỏi thuyền và
bằng bơi lội, nhảy múa, xoay tít
bắt đầu sống không cần bánh lái, hay sống tầu,
không cần cánh buồm, phương hướng, hay trọng lượng.
 
Hai ngọn đèn rọi sáng thật buồn thảm
sướt mướt qua trên mặt hồ sóng cuộn.
Tôi không quen biết người hoa tiêu đang chầm chậm
lái quanh đây đó chở nặng gánh muộn phiền kia.
Nhưng tôi cảm thấy được ông ta đang ngồi nghiêng mình trên bánh lái
và băn khoăn trút lên mặt kính chắn gió
một lớp mù sương do chính mình tạo ra.
 
 

TÂM TRẠNG BAN MAI

 
Tôi quan tâm tới sự thật
nhưng mọi sự đều chìm lắng,
và phấn nhụy của đợi trông
đã cứng lại trong buồng thực phẩm.
Tôi đem nó ra ăn sáng.
Nó vụn vỡ như bánh khô.
 
Trong tình trạng này
chữ "Tôi" cũng hầu như ăn được.
"Cuộc đời ư?" Ta xơi luôn,
thỏa mãn hoàn toàn cơn đói!
 
Tôi là một buổi mai đổi mới bản thân tôi
như sự thật về im lặng
tôi lại muốn chinh phục nữa.
 
 

ĐỂ TƯỞNG NIỆM TÔI VÀ GUNNAR EKELÖF

 
Ta cần phải thực tế:
Tôi khai triển bản thân
vào mọi lúc
thành những chuỗi liền lạc mau lẹ
không có lấy một bản rời rạc độc nhất.
 
Bất cứ thứ gì hiện hữu đều phải được soi rọi
phải súc sạch mọi bợn nhơ
và vẻ loáng bóng nhấp nháy với ánh sáng vay mượn.
 
Cho chín cõi của Ptolemy
tôi trao số mệnh mình
để có được chín kiếp như con mèo.
 
Không có siêu hình học ta chỉ đi tới mức ngang bằng,
và khi hạn hán tới, đất rạn nứt.
 
Trời là một chiếc nón rộng rãi.
Bên trong có đủ chỗ
cho hết mọi đầu người.
 
Ấy là một vấn đề kích thước,
tất cả những gì cần phải đổi thay:
nhỏ thành lớn–và đảo ngược,
đảo ngược thành cùng một thứ
một thứ gì đó thành không gì hết.
 
Ôi những tính toán muôn thủa này!
Chúng rút cạn tôi với tiếng xạc xào khô khan
của sự chết nhân với sự sống để bằng sự chết,
hệt như mọi sự nhân với số không bằng không
và cần phải mở rộng vì thiếu một...
 
Vì thiếu một cuộc đời sau cuộc đời này.
 
Tôi không tin ở một cuộc đời sau cuộc đời này.
Tôi tin ở chín kiếp.
 
 

II. Mặt trời và đêm tối

 

CHIỀU MÙA ĐÔNG

 
Cái lạnh ban chiều tô những đám mây màu đỏ tía.
Đứng im những dải tuyết gió dồn lên đông lại thật mau
trên vùng trời sâu xanh nhạt.
 
Buổi chiều tà đã có đây từ ba giờ.
Mặt trời nóng đỏ bị xua đi
vì số độ đông giá mãnh liệt mỗi lúc một tăng.
 
Lúc này vầng thái dương chỉ còn đỏ lừ để lấp đầy
chính vòng tròn của mình. Tổ tiên ta lạnh cóng
trong mộ. Chúng ta là lớp con cháu được ấm áp.
 
Khi chúng ta tắt đèn để đi ngủ
thân xác em vươn ra hướng về tôi
và tay tôi với tới dọc sống lưng em.
 
Trong bóng tối chúng ta cùng lớn.
Em thì thào vào tai tôi. Con chim của tôi
vươn dậy với hơi thở của em.
 
Những tấm thân kỳ cục không lông lá của chúng ta
phập phồng nảy đập với món quà ấm áp của sự sống.
Hai cuộc tuần hoàn của những thèm khát đỏ.
 
 

TRONG KHI CHỜ ĐỢI CON CHÚNG TÔI

 
Trước con mắt ương ngạnh của mặt trời, các sự vật lẩn đi
với hình thù và màu sắc. Sau lưng chúng là bóng tối
nơi ta có thể ẩn nấp, chờ được nhìn thấy
và trút bỏ mọi tối tăm.
 
Giữa những cảnh trí của một tương lai không gương mặt
chúng tôi chờ sự nhận thức sẽ nối liền những phần mảnh,
những mẩu vụn vỡ, và những khe nứt của chúng tôi–một nhận thức sẽ sắp thẳng lại
những mày vảy trong những đôi mắt nhức nhối vì ánh sáng.
 
Nơi đây bên biển man dại nơi gió luôn luôn gào thét
và sóng xô mau tới với bọt sóng trong hàm
một khối đá trồi lên như nhắc nhở lưỡi tầm sét
đã vĩnh viễn mất đi, của một vị thần xưa cũ nào đó.
 
Nhưng bây giờ, luôn luôn bây giờ, sự sống xảy tới! Và bên trong người tôi yêu
đứa con của chúng tôi đang chờ, chăm chú vào các sự cố của chính nó. Chẳng bao lâu nữa
nó sẽ ra đời với chúng tôi và gần như cũng sẽ sửng sốt như chúng tôi
và gần như cũng sẽ ngạc nhiên vì được khám phá.
 
Không thể nào quan niệm được sự có mặt ở đây, xuất phát từ tấm thân ấm áp
của một người khác, từ vùng bóng tối và quên lãng ấy.
Tôi thấy vợ tôi quả thật là hai người
và gió như một kẻ khùng điên giật tóc vợ tôi.
 
 

HỌC THUYẾT TÂN-PLATON CŨ KỸ THÍCH HỢP

 
Lúc này buổi mai đã có đây và lưỡi kéo ánh sáng đã cắt toang mọi gói hàng của đêm tối. Trong một tia nắng bụi xoay vòng như tuyết bột. Những giấc mơ được khui ra và rót vào những hình ảnh khi cà-phê thúc tôi tỉnh lại hoàn toàn và sẵn sàng làm đầy lại hình hài.
 
Khuôn mặt trẻ thơ của mặt trời sáng rỡ thật cao trên những lớp tã mây tả tơi. Tôi là người cha rất tự hào vừa thức giấc, trèo ra khỏi bóng tối của những giấc mơ để triển khai một hình ảnh của một hình ảnh.
 
Thân xác nặng nề với thịt da và nhu cầu, không cảm thấy thèm khát tự do, phơi trần tôi trước những nhu yếu tự nhiên. Thế nhưng ở chính giữa thế giới này, giữa ánh sáng và vật chất, trước và sau những hình ảnh, là một trung tâm bao gồm mọi sự.
 
Nó đã tràn đầy tới mức bão hòa mà vẫn còn hầu như vô trọng lượng: một mầm bụi cắm rễ trong luồng khí mà lưỡi kéo ánh sáng đã cắt ra.
 
 

CHIẾC ĐỒNG HỒ CÁT

 
Đêm đêm tôi cười nhạo trăng
và niêm đôi mắt trong những phong bì nhỏ
gửi tới Giấc mơ.
 
Sáng sáng tôi ve vuốt ánh sáng và
cảm thấy con tim mình đắm trong máu ra sao
con tim không bao giờ muốn chết.
 
Tôi mở chiếc đồng hồ cát của tôi và nhồi ép thật chặt
khiến ngay như hạt cát nhỏ mịn nhất
cũng không thể lọt qua.
 
 

VIỄN TƯỢNG THÁNH THỂ

 
Trăng miếng bánh thánh tan biến
khi vầng thái dương rót ánh sáng hồng
xuống cổ họng trời không đáy.
 
Những đàn mây tích từ từ tụ lại
và trôi giạt lối này vì một mùi hương
của rượu nho trôi nổi, trong lúc tôi viết
 
với lõi than chì của đôi mắt
ngay một lời kinh nguyện với những khoảng xa xăm,
một bản văn của hiện hữu-không lời.
 
 

BIẾN ĐỔI

 
Khi ta dứt bỏ công việc
con à tới với đôi tay hăm hở.
Ta nhấc con lên, mình con trơn trượt
 
rung rung với những mong ước mới, và phải nhờ đến
tình cha con ta mới hiểu
ta vừa lớn lao và cũng vừa nhỏ bé làm sao. Ai
 
trong hai chúng ta đã nhấc kẻ kia lên nhỉ? Đúng
là con đã lượm ta lên từ công việc,
đảo lộn thang kích thước và tầm mắt.
 
 

NGƯỜI CHA VÀ NGƯỜI YÊU

 
Trời thổi một chùm mây trắng đậm đặc.
Mặt hồ được đất siết chặt tắm trần truồng nơi chính nó.
Tới coi kìa, kêu lên phân tử người nhỏ bé nhất
 
của chúng tôi, mẹ nó trỗi dậy
trong lúc tôi vẫn ở nguyên tại chỗ, nghiên cứu
nét hoa tự của cỏ ở phía sau thân nàng.
 
Ôi những tấm thân này, những tấm thân gia tăng thêm tình tôi!
Những cơ bắp nho nhỏ mau lẹ rung rung của đứa trẻ,
làn da quen thuộc, được mến yêu trọn vẹn của người mẹ.
 
 

ĐÁ THỨC GIẤC

 
Buổi sáng. Những tảng đá loáng bóng.
Lúc này chúng hít thở ánh sáng. Tôi nhấc một tảng lên.
Nó còn lạnh. Tôi ủ lấy nó
 
bằng đôi bàn tay và cảm thấy nó chầm chậm
lớn dần lên mà không hề to thêm:
nó tạo ra những mầm đá mới bên trong nó.
 
Tảng đá ấy cũng tựa như những bài thơ mà tôi yêu.
Nó là con của một ngọn núi lớn.
Và không trôi nổi bập bềnh trên nước.
 
 

NHỮNG HẠT MẦM CỦA GIẤC MƠ

 
Ban đêm không khí nghỉ xả mọi ánh sáng
và dễ thở hơn. Lúc này chúng ta có thời giờ
để nhận ra mình hiện hữu.
 
Ngày là một cơn gió lốc bất thần trong cát,
nhưng cả đến một hạt cát cũng có thể được bóng tối đổi thay
thành một hạt mầm sung mãn.
 
Như một vì sao đen hạt mầm ấy lớn lên
trong vùng đất nổi trôi của đêm tối, nơi những giấc mộng
dệt những hệ thống rễ không dây nhợ của chúng.
 
 

NƯỚC CỐT DỊ KỲ

 
Máu thiêu đốt trong thời gian chính xác:
một chất phóng hỏa tiến đều
qua trái tim.
 
Ít nhất là năm lít
một chất nước cốt dị kỳ
nuôi dưỡng óc
 
trong một mê lộ xoay tít
thèm khát lửa
không kém gì đói khát nước.
 
 

MỘT NGỌN SÓNG

 
Tôi tung năm giác quan tôi lên người em
và em buông mình cho chiếc lưới ấy,
lướt nhanh như một mình cá trơn trượt.
 
Sống đuôi em run run ngạc nhiên
trước những gì sẽ xẩy ra kế đó.
Đôi má em rung lên như thể những chiếc mang
 
và em lấp loáng trong ánh bạc và nước mặn.
Các giác quan tôi xoay tít cuốn lên thành một ngọn sóng và em
bơi mau vào trong ấy.
 
 

ĐÁ

 
Với những thức đá khác nhau tôi đập tung
những ổ khóa của những vỏ ốc sên mà không một
chiếc chìa khóa nào của riêng tôi thích hợp.
 
Và từ ngữ ấy tôi tìm ra dưới dạng một giọt nước
hay hình thù mong manh của một chiếc bong bóng,
không phải nơi nước chảy.
 
Bên trong đá có rễ của đá:
những thớ sợi mỏng mảnh của nặng nề cuộn chặt
thành những gút thắt không thể nào tan rã.
 
 

NGĂN TỦ ĐỰNG KHO TÀNG

 
Mặt trời là một viên ngọc đỏ lừ được cất đi
trong ngăn tủ lớn của đêm, cái hộp đen đựng châu báu rộng rãi
viền nhung và những vì sao tỏa sáng ấy.
 
Trái đất là một tảng hoa cương cũ kỹ xuất hiện
khi những giòng mây được cuốn qua khỏi bên đây
giải Ngân hà. Dòng sông ấy gây kinh ngạc hơn
 
mọi triết lý nhân sinh, và những con người
vừa rời bỏ công việc trở lại nhà trên những lối riêng.
Họ ngồi vào bàn ăn vừa nhai vừa ngẫm nghĩ. 
 
 

NHỮNG MONG ĐỢI

 
Khi tôi nói, đứa con gái của chúng tôi ngủ
được đặt nằm trong chính những mong đợi của nó
với mái tóc thật tin tưởng
 
nghỉ trên giấc mơ êm dịu nhất của chúng tôi.
Tôi không bao giờ chịu đầu hàng. Ấy
cũng là một nhược điểm. Tôi biết thế.
 
Và tôi biết những gì mình mong muốn: tôi muốn
chỉ một lần em bước vào chiếc bóng của tôi và
lấp đầy nó trọn vẹn bằng xác thân em.
 
 

HÌNH ẢNH LỬA

 
Ít khi còn bùng nổ, nhưng ngày ngày chúng ta vẫn
chạm vào nhau đến tóe lửa. Men theo nhịp mạch em tôi
tìm hơi ấm. Tôi cần màu sắc trong máu em.
 
Tất cả những gì đã chết trong tôi, tôi muốn vùi chôn.
Tôi muốn ngọn lửa trong tôi được nhìn thấy.
Thế nên em phải vẽ nó ra bằng những mạch máu em.
 
Em phải liều chính mạng sống mình để vẽ
một hình ảnh thiêu hủy mọi sợ sệt. Tôi muốn
mình có thực, bừng cháy và có thực, không phải la thét.
 
 

GIÓ LỚN

 
Gió đã nổi, và lớp sóng trào trên lan can
ầm ầm vang dội. Những cánh hải âu lượn lờ trên hơi gió.
Những chỏm cây nghiêng ngả. Một thiếu phụ
 
băng qua đường phố tóc xổ tung.
Tôi nhìn thấy con thú trong nàng và cảm thấy nó khuấy động
nơi tôi. Khi nàng bước vô xe
 
nàng đốt một điếu thuốc và đổi lại thành người.
Đột nhiên nàng trở thành loại người đàn bà
khiến tôi nghĩ tới lớp sóng trào kia cũng chỉ như
lớp sóng trào.
 
(còn một kỳ)
 
------------------------------
Ghi chú của người dịch:
 
TOMMY OLOFSSON (1950- ) là một trong những nhà thơ "sung mãn" nhất Thụy-điển hiện nay, tác giả bảy tập thơ (tính đến 1991). Ông còn là một chuyên gia về James Joyce, có bằng tiến sĩ văn chương của đại học Lund, tác giả hoặc người biên tập nhiều công trình biên khảo, và nhà phê bình văn nghệ nổi tiếng của nhật báo Thụy điển Svenska Dagbladet.
 
Theo bà Jean Pearson, người đầu tiên dịch thơ Tommy Olofsson sang tiếng Anh, trong bảy tập thơ đã xuất bản, Tommy Olofsson tự đặt ra cho mình một số mục tiêu: khai triển một bản ngã đích thực, khiến thế giới ngời sáng với ngôn từ của mình và vạch ra một lối sống thiết yếu, đầy sinh khí, không than thân phiền trách...
 
Sinh năm 1950 ở Karlshamn, Blekinge, Tommy Olofsson lớn lên trong thành phố hải quân lịch sử Karlskrona, ở bờ biển phía đông-nam Thụy-điển. Nhà ông ở sát biển, và cũng như với Harry Martinson, một thi sĩ đồng hương Blekinge có chung nhiều đề tài với ông, biển và những sức mạnh thiên nhiên đã đem lại cảm hứng cho Olofsson trong nhiều bài thơ hay nhất của ông. Cũng như Harry Martinson, người đã lên án cái "văn minh máy móc", Olofsson thường đem sức mạnh của thiên nhiên chưa bị hủy hoại ra chống lại "cái giả tạo không hồn của những trật tự thế giới mới đã phá sản". Thơ ông tìm kiếm cái sâu xa trong cuộc sống không nô lệ "những theo đuôi và tuân thủ máy móc đối với truyền thống"...
 
Ngay từ những năm 1960, Tommy Olofsson đã chú ý tới khả năng mãnh liệt của ngôn ngữ thơ khi nghe tiếng Gunnar Ekelöf, một nhà thơ lớn của Thụy-điển hiện đại, đọc thơ trên đài phát thanh. Chỉ ít lâu sau, năm ông 19 tuổi, Olofsson đã cho in tập thơ đầu tay của mình, tập Små Pratologier, gồm những bài thơ văn xuôi và những câu tựa như "cách ngôn". Bà Jean Pearson viết: "Ngay từ tập thơ sớm nhất này, ông đã khởi sự một lối leo dây căng thẳng giữa những đòi hỏi của trí tuệ và những 'thèm muốn đỏ' của cuộc sống nguyên sơ – một thứ biện chứng mà ông đã biểu hiện bằng lời với sự độc sáng liên tục trong các tác phẩm của mình sau này."
 
Tập thơ thứ nhì của Tommy Olofsson, Quần áo mới của tình yêu, xuất hiện năm 1975. Rồi đến năm 1977, Thơ nguyên sơ (Elementära dikter) ra đời. Đây là tập thơ lớn đầu tiên đã khiến ông trội vượt hẳn lên trong thi ca Thụy-điển hiện đại. Kế đó là các tập thơ khác lần lượt làm phong phú và tô đậm những sắc thái đặc biệt của thơ ông: Mặt trời không hẹn (1979), Nói chuyện với bóng mình (1982), Các ý nghĩ của tôi không biết nhau (1986), Thở và những nhịp điệu khác (1989)...
 
Trong thời kỳ đầu, Tommy Olofsson đã có một số những bài thơ mạnh mẽ tiến công cái "ngụy-văn hóa con buôn do chủ nghĩa tư bản đẻ ra". Thế rồi, Thơ nguyên sơ Mặt trời không hẹn, tập thơ thứ tư của ông, tập trung vào cuộc đấu tranh giữa "văn hóa và thiên nhiên". Olofsson rời bỏ lối sống "gói sẵn" của xã hội kỹ nghệ hiện đại để thám hiểm chính bản thân ông, ra sức phục hồi cuộc sống tự nhiên mạnh mẽ của những khát vọng ở chính con người ông. Ông hòa nhập mọi hình thức của sự sống, ca ngợi sự sống bản năng, không phân xẻ của loài vật.
 
Nói chuyện với bóng mình gồm những bài thơ có chín dòng, chia làm ba đoạn. Những cuộc "nói chuyện" này cho thấy những nỗ lực của Tommy Olofsson nhằm hòa nhập "kẻ khác" vào cuộc đời ông. Qua niềm vui, sự thất bại và cả những kinh nghiệm "làm cha".., kết hợp lý tưởng ông tìm kiếm là một tình yêu cùng chia sẻ, nồng nàn tới mức độ "thiêu hủy mọi sợ sệt"... "Kẻ khác" ở đây không chỉ là người yêu mà còn là chiếc bóng bí ẩn của chính ông và đất đá, mầm hạt... Và bước ra từ những cuộc "nói chuyện" ấy là lõi cốt của một bản ngã vững vàng trong một cuộc sống đầy đủ hơn.
 
Các ý nghĩ của tôi không biết nhau gồm 53 bài thơ xuôi. Đằm mình trong cảnh trống rỗng của nền văn hóa đương thời, mỏi mệt với những thứ ngôn từ và quan niệm khuôn sáo—vẫn được coi như sự khôn ngoan hằng cửu, với đôi nét dường như "suy sụp tinh thần" và cái cảm giác "bị chôn sống", Tommy Olofsson rốt cuộc đã vượt qua dòng ý thức ô nhiễm và trỗi dậy, khẳng định nghệ thuật thi ca của chính mình.
 
Với Thở và những nhịp điệu khác, Tommy Olofsson trở lại với những sự thực của thân xác và nhịp điệu của cuộc sống đã thấy trong thời kỳ đầu, nhưng với những nhận thức giá trị tinh tế và thâm thúy hơn. "Ánh sáng" và "bóng tối" được nhận rõ vị trí trong một dung hợp hài hòa, một cân bằng sinh động. Sự thực không nguyên là lửa, cũng không chỉ là bóng, mà là một diễn trình sinh động của giao hòa. "Olofsson thúc giục ta lắng nghe tiếng nói của thiên nhiên ở quanh ta và trong ta và tìm kiếm ngọn lửa sáng tạo cố hữu trong mọi sự..."
 
 
Bản dịch Thơ nguyên sơ trên đây dựa theo bản Anh văn của Jean Pearson: Elemental Poems (White Pine Press, N.Y. 1991), gồm toàn bộ 58 bài thơ và thơ xuôi trích từ những tác phẩm tiêu biểu nhất của Tommy Olofsson, kể từ Elementära dikter,... Việc phân chia tập thơ thành bốn phần cùng với các tiểu đề là của dịch giả bản Anh văn, Jean Pearson, một nữ thi sĩ Hoa-kỳ ở bang Pennsylvania, gốc người Thụy-điển. Ghi chú này cũng được viết theo bài tựa của bà.
 

Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021