thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Những suy tưởng rối bù [kỳ XII]
(Diễm Châu dịch)

 

Cần phải sống với giấy các-bon, để chứng tỏ,

trong trường hợp cần thiết, rằng mình đã hiện hữu.

 

*

 

Khi dân chúng kêu la thì chỉ có một cửa miệng lớn;

nhưng khi họ ăn thì hàng trăm hàng trăm.

 

*

 

Một kẻ ăn thịt người có chăng cái quyền nói nhân danh

những người đã bị hắn xơi?

 

*

 

Có những Lỗ-bình-sơn, sau khi rời cảnh

cô quạnh, đã lại chìm đắm và nhận ra mình

một cách thật bi đát ở thế giới loài người.

 

*

 

Cút đi, Sa-tăng! Ta đang ở với con quỷ cái.

 

*

 

Cái mắt xích yếu nhất của một sợi xích cũng là

cái mạnh nhất. Chính nó bẻ gãy mối ràng buộc.

 

*

 

Ngày trước có một người hiền nọ, khi bái biệt đấng

quân vương, bao giờ cũng tìm cách đồng thời

xoay đít lại bọn nô bộc.

 

*

 

Có những người thích hiểu rõ

những gì họ tin,

những người khác thích tin ở những gì họ hiểu.

 

*

 

A, biết được địa chỉ riêng của Chúa.

 

*

 

Nhắm đúng: không phạm tới con người.

 

*

 

Hãy nói một cách thông minh, kẻ thù đang lắng tai

ngoài cửa.

 

*

 

Chúng tôi đòi ngày suy tưởng tám giờ!

 

*

 

Đã có một thời, muốn có nô lệ,

phải mua một cách hợp pháp.

 

*

 

Khoảnh khắc mà người ta khám phá ra sự thiếu tài năng

của chính mình là một ánh chớp thiên tài.

 

*

 

Hàm thiết của Ngựa bay nằm trong miệng

người kỵ mã.

 

*

 

Duy có những thiên tài và bọn ngu ngốc mới

tự đủ về phương diện trí thức.

 

*

 

Coi chừng khi những kẻ không có cánh

vươn cánh.

 

*

 

Các người có nghe cái tiếng lầm bầm này không? Ấy

những ban đồng ca của các tử âm sau khi đã tuyệt diệt

các nguyên âm.

 

*

 

Có nhiều sự vật không ra đời được vì

không thể đặt tên cho chúng.

 

*

 

Chúng ta hãy lật đổ những ngục Bastille trước khi

người ta xây dựng chúng.

 

[còn tiếp nhiều kỳ]

 

Đã đăng:

Những suy tưởng rối bù [kỳ I]

Những suy tưởng rối bù [kỳ II]

Những suy tưởng rối bù [kỳ III]

Những suy tưởng rối bù [kỳ IV]

Những suy tưởng rối bù [kỳ V]

Những suy tưởng rối bù [kỳ VI]

Những suy tưởng rối bù [kỳ VII]

Những suy tưởng rối bù [kỳ VIII]

Những suy tưởng rối bù [kỳ IX]

Những suy tưởng rối bù [kỳ X]

Những suy tưởng rối bù [kỳ XI]

 

----------------------------

Ghi chú của người dịch:

STANISŁAW JERZY LEC [đọc như Letz] là một nhà thơ Ba-lan, tác giả khoảng hai ngàn câu "cách ngôn". Ông sinh năm 1909 tại Lwów, ở Galicie, trong một gia đình Do-thái. Sau khi học luật và ngữ ngôn học Ba-lan, ông khởi nghiệp nhà báo và nhà thơ ở Vac-xa-va. Bị bắt nhốt trong trại tập trung của Đức quốc xã từ 1941 tới 1943, ông đã vượt thoát và gia nhập hàng ngũ quân kháng chiến.

Từ 1946 tới 1950, ông làm tùy viên báo chí cho Phái bộ chính trị Ba-lan ở Vienne. Và bắt đầu viết những câu “cách ngôn”.

Những câu “cách ngôn” này xuất hiện từ 1954 trên các tạp chí văn nghệ Ba-lan và, vào năm 1957, dưới hình thức ‘xã luận’, hết sức thành công cả ở trong lẫn ngoài nước, đặc biệt là ở Đức. Trong bản Pháp văn, người ta đã có nhận xét về những câu ấy như ".. sự cô đọng có tính cách xói mòn cao độ, chống lại sự man dã đen và đỏ của thời đại, chống lại sự tầm thường quá ồn ào của những kẻ tiếm đoạt quyền bính và ngôn ngữ, chống lại sự hèn nhát và ích kỷ chung của con người..."

Stanisław Jerzy Lec mất năm 1966.

 

Bản dịch dựa theo bản Pháp văn của André và Zofia Kozimor, do nhà xuất bản NOIR SUR BLANC in tại Lausanne vào tháng 10-1991, với nhiều minh họa của Roland Topor và lời đề tựa của Claude Roy.


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021