thơ | truyện / tuỳ bút | phỏng vấn | tiểu thuyết | tiểu luận / nhận định | thư toà soạn | tư tưởng | kịch bản văn học | ý kiến độc giả | sổ tay | thảo luận | ký sự / tường thuật | tư liệu / biên khảo | thông báo |
văn học
Giới thiệu truyện “Số Không” của em Ngô Kỳ Thiệu

 

Văn chương Việt Nam ngày càng teo lại. Truyện Kiều của cụ Nguyễn 3,254 hàng, Chinh Phụ Ngâm của cụ Trần hay cụ Đoàn cũng 412 hàng, nhưng ngày nay, những cây bút Việt Nam chỉ biết thi đua viết những truyện cực ngắn (cũng được gọi là truyện mini) và thơ một hàng. Có “nhà văn” còn nổi tiếng với những bài thơ một chữ. Sáng tác được 10,000 bài, hắn đã nhảy sang truyện ngắn một chữ, rồi còn dọa là sẽ viết tiểu thuyết một chữ.

Nếu hình thức ta choắt, nội dung ta còn choắt hơn. Tôi đố bạn kiếm được một truyện ngắn hay một bài thơ Việt Nam đương đại mà từ “cửa mình” hay “dương vật” không hiện ra ngay trong hàng đầu? Bài nào cũng như bài nào, toàn là cửa mình với dương vật kết cấu với nhau. Có lẽ thế hệ sau sẽ phóng giải ta khỏi tình trạng này.

Nếu xét bằng kết quả của cuộc thi viết văn năm 2005 trên báo Tuổi Trẻ, thì tôi đầy hy vọng. Cuộc thi kỷ niệm 105 năm ngày sinh nhật bác Hồ. Đề tài, dĩ nhiên, là ảnh hưởng của Bác trong đời sống chúng ta. Chỉ các em dưới 18 tuổi được tham dự. Em Ngô Kỳ Thiệu, 15 tuổi, thành phố Hồ Chí Minh, đoạt giải nhất. Tuy truyện của em có phần lủng củng và dị hợm, và từ vựng của em không phong phú bằng những nhà văn chuyên môn như Nguyễn Đình Thi, chẳng hạn—bạn phải nhớ là em chỉ 15 tuổi—em Thiệu viết rất hết mình và tha thiết về tình cảm của một kẻ thấp nhất trong xã hội dành cho Bác của chúng ta. Đại khái là em viết rất tốt. Tôi đã đánh máy nguyên bản truyện của em Thiệu để chia sẻ với bạn đọc. Thỉnh thoảng, khi truyện tối nghĩa, tôi đã chú thích trong ô [ ]:

 

Một số không đi đi lại lại bán số không trên đại lộ Số Không, quận Số Không, tỉnh Số Không. Bụng rỗng như số không, hắn vẫy vẫy số không để rao những con số không [ám chỉ một người bán vé số]. Trẻ con và những bọn số không khác thường chọi số không vào đầu hắn [những cục đá cũng tròn tròn như số không]. Cứ đẻ đi để cho vui nhà vui cửa, có phải không nào? [đây em Thiệu mỉa mai những kẻ không biết kế hoạch gia đình, sinh đẻ bừa bãi]

“Tôi không sinh ra để làm nghề này,” số không nói. “Tôi không muốn bán số không. Tôi cũng chẳng thèm mua số không.” [không ai muốn làm nghề bán vé số, dĩ nhiên, nhưng xã hội nào mà chẳng có kẻ thấp, người trên, có phải không nào?]

Mặt trơ trơ như số không, một mụ rủng rỉnh, loé choé, õng ẹo đi lại, hỏi, “Số không hôm nay mắc đến thế à?” [một con mẹ trưởng giả, chắc có chồng hải quan hay công an, đeo nhiều vàng]

“Hiển nhiên.”

“Mua một tá thì rẻ hơn chứ?”

“Nặng như vầy thì phải mắc, thưa bà.”

“Vậy thì gói lại cẩn thận nhé.”

Bán xong số không, số không thấy nhẹ nhõm hẳn. Sau khi lót dạ bằng một que số không, số không nằm xuống đất để ngẫm nghĩ về những con số không luôn chập chờn, đảo lộn trong đầu số không. Từ nhỏ đến lớn, số không chỉ là số không. Cha mẹ, tổ tiên của số không cũng là số không [nghĩa là thời phong kiến, trước cách mạng tháng 8]. Anh em số không cũng số không. Nhưng đạt được số không không phải là chuyện đùa. Để trở thành số không, số không phải có tài,

                   chí,

                   minh

                   mẫn,

                   may

                   mắn

                   và

                   phúc

                   đức. [chế giễu cách viết dựng đứng của bọn phong kiến Trung Hoa]

Nhiều lần số không suýt chết chìm dưới mặt bằng của số không. Hồi tưởng lại, số không vẫn rùng mình. Có người -2, -3. Có người -500. Số không còn biết một thằng -1.234.567.890. [ám chỉ những tên nợ nần vì cờ bạc]

Tất cả đều do số phận, số không kết luận. Có lẽ cuộc đời chỉ là một chuỗi số không. Ta phải bơi qua một biển số không để với tới số không cuối cùng. Sinh ra đã số không, chết cũng số không—rốt cuộc tất cả đều sòng phẳng cả. Kiếp này te tua, thôi đành hẹn kiếp sau. [chế giễu triết lý buông tay của đạo Phật]

“Ai cho mày nằm đây?!” Bỗng ai đạp vào người số không.

“Đây không phải là công viên, thưa ông?”

“Mày nằm trước tượng Bác, sao Tây nó chụp hình?”

“Tôi cứ tưởng đó là người thiệt.”

“Bộ mày điên hả?”

“Da Bác hồng hào, mắt Bác sáng rực, môi mỉm cười, thỉnh thoảng lại mấp máy những lời an ủi, kích động, khuyến khích. Ngửa đầu nhìn hào quang Bác, tôi yên chí, quyết tâm rèn thân để tiến tới một ngày mai quang vinh.” [nghe mang máng thơ Tố Hữu, nhưng không phải]

 


Các hoạ phẩm sử dụng trên trang này được sự cho phép của các hoạ sĩ đã tham gia trên trang Tiền Vệ

Bản quyền Tiền Vệ © 2002 - 2021